221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
542024
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội?
,

(VietNamNet) - Bộ Nội vụ đã hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước đối với hội hoạt động trong lĩnh vực do Bộ quản lý và vừa đưa ra lấy ý kiến tại cuộc hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây. Tuy mới là dự thảo ban đầu, nhưng đã có không ít những ý kiến không đồng thuận.

Vào Bộ, hội sẽ được quản lý tốt hơn?

Theo tinh thần của dự thảo quyết định này thì chỉ trừ 6 tổ chức chính trị- xã hội (MTTQ VN, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội nông dân Việt Nam và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam) không nằm trong đối tượng điều chỉnh, còn lại tất cả các hội đều được đưa vào diện “quản lý” của các Bộ và cơ quan ngang Bộ.

Như vậy có nghĩa là VUSTA sẽ chịu sự quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ; Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam sẽ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá-thông tin; Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam sẽ do Uỷ ban quốc gia về thanh niên quản lý; Hội chữ thập đỏ Việt Nam sẽ “về” Bộ y tế; Hội khuyến học sẽ do Bộ Giáo dục đào tạo “cai quản”. Hiệp hội dệt may Việt Nam sẽ “nằm" dưới sự quản lý của Bộ Thương mại hoặc Bộ Công nghiệp...

Cũng theo quyết định này thì việc quản lý nhà nước đối với các hội thể hiện từ việc ra quyết định công nhận hội đến giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức vụ chủ chốt trong hội...

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Vụ trưởng Vụ các tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ), người chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản này khẳng định: “Việc giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước đối với hội hoạt động trong lĩnh vực do Bộ quản lý không phải là “Nhà nước hoá” các tổ chức hội mà chỉ là... các hội phải có sự quản lý của Nhà nước.

Đây không phải là vấn đề gì mới mẻ mà chỉ là cụ thể hoá Nghị định số 88/2003/NĐ-CP (ngày 30-7-2003) của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và tổ chức hội”. Theo ông Lâm thì việc giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước đối với hội thì hội sẽ được nhiều cái lợi.

Thứ nhất, theo ông Lâm là “các hội sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia vào các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý; được tham khảo ý kiến thường xuyên hơn về các vấn đề quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ của hội; đồng thời được tham gia một cách sâu hơn vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội".

Thứ hai là, ông cho rằng, "các Bộ chủ quản sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc “tìm kiếm” các đề tài, chương trình khoa học cho hội và hội cũng sẽ tham gia được sâu hơn, nhiều hơn trong vai trò phản biện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học...”.

Hội phải trả về cho... hội!

Ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Việc giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước đối với hội sẽ dẫn tới nhiều vấn đề nan giải cần phải tháo gỡ. Trước hết, Bộ chủ quản có khả năng cung cấp tiền (và lấy đâu ra tiền để cung cấp) cho hội? Còn nếu hội vẫn “sống” không bằng nguồn ngân sách nhà nước thì liệu có quản lý được hội như dự thảo quyết định mà Bộ Nội vụ soạn thảo ra không?”.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, nếu không có sự quản lý về nhà nước đối với hội thì hội sẽ hoạt động như thế nào? Ông Thuận nói: “Trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh thời gian tới dự kiến sẽ tiến hành xây dựng một luật về hội và hội sẽ hoạt động theo luật”.

Đang đi khảo sát để xây dựng Luật về hội tại Bình Dương, ông Vũ Quốc Tuấn, chuyên gia cao cấp của Chính phủ điện về cũng thừa nhận, “đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm”. Ông Tuấn nói: "Quan điểm chỉ đạo lớn nhất hiện nay là quản lý nhà nước đối với hội là quản lý cái gì và quản lý như thế nào để phát huy được tốt nhất vai trò của hội đối với xã hội".

Đa số các cán bộ hội mà chúng tôi có dịp trao đổi đều có chung một quan điểm rằng, “việc đưa các hội về cho các Bộ, ngành quản lý thì vai trò độc lập của hội chắc chắn sẽ bị "tước" đi”.

Bà Đỗ Thị Vân, Trưởng ban tổ chức cán bộ của VUSTA đặt vấn đề: “Các hội chuyên ngành nếu không còn độc lập nữa thì liệu có phát huy được tiếng nói của mình với cộng đồng quốc tế nữa hay không? Trong các vụ kiện tôm, cá tra và cá ba sa gần đây, thử hỏi, nếu dưới “cái ô” của Bộ Thuỷ sản thì các hội có đại diện được cho quyền lợi của các thành viên để đấu tranh hay không?".

Cũng tương tự như vậy, nếu Hội chữ thập đỏ Việt Nam do Bộ Y tế quản lý thì cuộc vận động công lý “vì nạn nhân chất độc da cam” đang được tiến hành hiện nay có được cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội... trên khắp hành tinh ủng hộ?

Tuy nhiên, còn một vấn đề khá nan giải là nếu đưa các hội về các bộ, ngành quản lý sẽ làm phình thêm bộ máy nhà nước. Đây là việc làm trái với chủ trương cải cách hành chính mà chúng ta đang tiến hành.

Trước đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế từng nhấn mạnh: “Các tổ chức đoàn thể, hội này, hội kia phải hoạt động bằng kinh phí do hội viên đóng góp. Trên thế giới này không có nơi nào mà hội hè, đoàn thể lại “nằm” trong bộ máy nhà nước và hưởng lương từ ngân sách nhà nước cả. Không thể lấy lý do nếu không có sự quản lý về nhà nước đối với hội thì sẽ dẫn tới tình trạng “vô tổ chức”. Từ trước tới nay chúng ta đã làm rất tốt vấn đề này. Bác Hồ đã từng nói: “Cán bộ đoàn thể thì để cho họ tự bầu lấy với nhau, hoặc phân công nhau ra mà làm”.

Ông Tế yêu cầu: “Đã đến lúc hội phải trả về cho hội!”...

  • Lê Thọ Bình

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,