Người bán hàng rong cũng là... thương nhân?
08:12' 09/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Thương nhân là nhân vật chính trong Luật Thương mại nhưng còn quá mơ hồ, quá chung chung! Người bán rong hoặc ai đó cũng có thể là thương nhân! Như thế nền thương mại của chúng ta đi đến đâu?''.

Soạn: AM 190142 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
ĐB Quốc hội thảo luận tại Hội trường!

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân (ĐB An Giang) đã nhận xét như vậy tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi) sáng 8/11. Luật sửa đổi này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.

Phân phối nước ngoài vào, người buôn bán nhỏ sống ra sao?

''Luật Thương mại sửa đổi nặng về thương mại quốc tế hơn là thương mại nội địa'', đó là nhận xét của ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng).

ĐB Lê Thị Nghĩa (TP.HCM) tán đồng: ''Quan tâm đến thương mại quốc tế là cần thiết, nhưng trước mắt vẫn là nội thương, mua bán hàng hoá trong nước với buôn bán nhỏ phổ biến''.

Theo ĐB Nguyễn Hoàng Anh, dự luật không có các quy định về hợp đồng thương mại (thoả thuận về chất lượng, số lượng, giá cả, phương thức giao hàng, thanh toán...) trong khi sắp tới đây Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hết hiệu lực. ''Khi có vi phạm hợp đồng, xẩy ra tranh chấp nếu không có quy định sẽ rất khó xử lý'', ông nói.

''Một hiện tượng giới DN rất quan tâm là hệ thống phân phối của nước ngoài đang đổ xô vào Việt Nam'', bà Lê Thị Nghĩa, phản ánh. Ngay nước láng giềng là Thái Lan, phân phối của nước ngoài chiếm đến 80%. Hệ thống phân phối có sức chi phối đến giá cả, tiêu dùng, an ninh kinh tế rất lớn. Bà Nghĩa cũng đưa ra cảnh báo: ''Ta còn đang bỏ ngỏ vấn đền này. 9-10 năm nữa, phân phối nước ngoài với tiềm năng về tài chính, kinh nghiệm... sẽ chiếm lĩnh hết! Người buôn bán nhỏ sẽ sống ra sao?''

Nước ngoài cấm ''mở nắp, trúng thưởng''

ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang): ''Các nước tôi đi qua không có hình thức thức ''bật nắp..., trúng thưởng'', còn Việt Nam thì vô tư! Người ta cấm vì thứ nhất, người tiêu dùng bị lợi lôi kéo có thể sử dụng sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng. Thứ hai, hình thức khuyến mãi này ảnh hưởng đến quyền lợi chung, cạnh tranh không lành mạnh dựa vào tiềm lực tài chính, tiền bạc...''

Chưa quy định trách nhiệm của thương nhân với cộng đồng!

Dự luật quy định, ''thương nhân là tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên như một nghề nghiệp''. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang): "Thương nhân là nhân vật chính trong Luật Thương mại nhưng còn quá mơ hồ, quá chung chung! Người bán rong hoặc ai đó cũng có thể là thương nhân! Như thế nền thương mại của chúng ta đi đến đâu?''.

Theo ông, thương nhân phải có điều kiện về trình độ, đạo đức (ví dụ như người có tiền án thì không thể là thương nhân). ''Ở Nhật, người có đất nhưng nếu không có bằng kỹ sư nông nghiệp thì sẽ không được canh tác'', ông dẫn chứng.

''Thương mại tự phát đang phổ biến nhưng chưa có nội dung nào nói lên nghĩa vụ thương nhân cam kết với cộng đồng'', Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Thị Hồng Minh (ĐB An Giang), lên tiếng.

Lấy ví dụ từ lĩnh vực thuỷ sản, bà cho biết có hiện tượng tranh mua, tranh thuỷ sản mà không quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. DN tự hại nhau bằng cách bán phá giá trong khi có thể bán với giá cao hơn, cùng có lợi. Các DN cũng ít khi chia sẻ thông tin về giá cả, thị trường, sản xuất, đầu tư, sản lượng hàng năm như thế nào?

'''Cần thiết đưa vào trong luật nguyên tắc tôn trọng cam kết cộng đồng nếu các cam kết này được nhà nước công nhận như về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...'', bà Minh khẩn thiết đề nghị. 

Bà Lê Thị Nghĩa đồng tình: ''Một số thương nhân chỉ biết lợi cho mình, không để ý đến trách nhiệm đối với cộng đồng như thuế, giá cả, an toàn thực phẩm... Không đề cập đến trách nhiệm của thương nhân là thiếu sót''.

Đề nghị nâng Pháp lệnh Đấu thầu thành Luật!

''Quốc hội nên cố gắng quy định đúng vị trí, có sự đồng bộ, không chồng lấn giữa các luật với nhau. Nhất là khi nhiều luật đang và sắp được ban hành có liên quan chặt chẽ với nhau như Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ...'', ĐB Trân kiến nghị.

Ông Trân đi vào cụ thể: ''Luật Thương mại sửa đổi có 1 điều quy định về đấu thầu đã đủ chưa khi đấu thầu hiện nay đang phát sinh nhiều tiêu cực nghiêm trọng? Tôi đề nghị nâng Pháp lệnh Đấu thầu đang dự thảo thành Luật Đấu thầu''. Luật sửa đổi có giải thích về ''thông điệp điện tử'', theo ông Trân, nên viện dẫn và để vấn đề này cho luật chuyên ngành là Luật Giao dịch điện tử (Quốc hội sẽ cho ý kiến vào cuối năm 2005) điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Thương mại: Thương nhân đã được điều chỉnh của luật khác!

Trước nhiều ý kiến nêu ra thiếu sót của Luật Thương mại, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển bắt đầu lên tiếng: "Trước hết, tôi xin nói Luật Thương mại điều chỉnh hành vi, nó không phải là luật điều chỉnh chủ thể! Đối tượng áp dụng của nó là thương nhân nhưng nó điều chỉnh hành vi của thương nhân. Thương nhân đã được điều chỉnh của luật khác!".

Bộ trưởng chứng minh: "Luật Doanh nghiệp là luật điều chỉnh thương nhân! Luật DN nhà nước điều chỉnh các DN nhà nước! Luật DN điều chỉnh các loại hình DN: công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh... Một loại hoạt động của đối tượng chưa có luật nhưng có Nghị định 166 điều chỉnh gọi là DN nhỏ. Những luật ấy đã điều chỉnh vị trí, quyền và nghĩa vụ, tiêu chuẩn thương nhân... Nếu chúng ta đưa vào luật này sẽ chồng chéo, không thực tiễn".

Không đồng tình với những lý lẽ Bộ trưởngTuyển đưa ra, ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng: "Ý kiến của Bộ trưởng về thương nhân không cần có một chương ở trong Luật Thương mại, vì đây là luật điều chỉnh về hành vi chứ không phải con người, tôi nghĩ là chưa thuyết phục! Bởi vì không có hành vi nào không có con người ở phía sau! Xác định con người cho rõ thì hành vi chung ta điều chỉnh đơn giản. Nói cách khác, khi chúng ta quy định rõ về thương nhân thì ta làm cho đội ngũ này mạnh lên, làm cho đội ngũ này năng động thêm, và đóng góp lành mạnh vào nền thương nghiệp của đất nước!".

Ông Trân nói tiếp: "Bây giờ nếu trong Luật Thương mại chỉ quy định hành vi mà không nói tới con người, thì luật nào khác. Có thể quy định một cách chung hơn về thương nhân? Tôi không thấy! Chẳng lẽ trong Luật DN chăng? Luật DN có phạm vi tổng quát, quy định chung về doanh nhân. Còn Luật Thương mại chúng ta nói đến thương nhân mà không quy định con người trong kinh doanh thì để chỗ nào bây giờ cho không lọt lưới? Nên chấp nhận lại chỗ chung nhất của Luật thương mại có quy định về thương nhân"...

  • Văn Tiến
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội? (08/11/2004)
Tuần này, QH thông qua NQ phân bổ ngân sách 2005 (06/11/2004)
Khởi công Học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam (06/11/2004)
Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án... (05/11/2004)
Chính phủ cần 33.646 tỷ đồng cho đường Hồ Chí Minh! (05/11/2004)
Án tham nhũng ít vì tội phạm tham nhũng khó phát hiện... (04/11/2004)
Thẩm phán xử sai phải bỏ lương ra bồi thường! (04/11/2004)
"Nghịch cảnh" xin vốn: "Ta chỉ có một nắm tiền thôi" (03/11/2004)
Tăng thu NS nội địa: Sẽ dành cho cải cách tiền lương (03/11/2004)
"Tốn kém và ít thành công nhất là cải cách hành chính" (03/11/2004)
Thất thoát XDCB: Chưa chỉ được đích "danh"', đích ''diện''... (02/11/2004)
Chuyện tham nhũng: Nói nhiều nhưng chưa biến chuyển! (02/11/2004)
Làm Luật Cạnh tranh như thể VN đã có KTTT 100 năm (01/11/2004)
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành kiềm chế tăng giá (01/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang