Quốc hội nên chủ trì soạn thảo các dự án luật?
15:12' 09/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại thảo luận tổ sáng 9/11 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005, Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện đã mạnh dạn kiến nghị: Nên giao cho các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, các bộ ngành liên quan phối hợp tham gia.

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện.

Luật đi vào cuộc sống khó khăn quá!

Ông Nguyễn Văn Hiện băn khoăn: ''40% pháp lệnh theo kế hoạch của năm 2004 chưa được thông qua! Vậy trách nhiệm của bộ, ngành đến đâu? Hay chương trình xây dựng pháp lệnh chưa sát thực tế?''

Dẫn chứng liên quan đến công việc của ngành toà án, ông Hiện cho biết, Bộ luật Dân sự ban hành từ năm 1996 nhưng Nghị quyết giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài đến nay chưa được ban hành.

''Dân rất bức xúc! Nhà cho thuê, cho mượn không đòi được, không xử lý thừa kế được do một người trong gia đình đang ở nước ngoài. Năm 2003 đã giao cho Bộ Tư pháp dự thảo, nhưng lần lữa hết năm 2003 lại đến năm 2004'', ông Hiện cho biết.

''Không phải thông qua luật là xong, mà quan trọng luật đi vào cuộc sống như thế nào?'', ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lên tiếng. Hiên nay Chính phủ đang còn nợ hơn 100 nghị định hướng dẫn. Theo bà Khánh, cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc chậm trễ này.

ĐB Mai Quốc Bình (TP.HCM) phát biểu: ''Luật đi vào cuộc sống khó khăn quá! Liệu có sự dàn trải ngay trong xây dựng pháp luật, chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng? Quốc hội cần kiểm điểm nghiêm túc xem có được 50% luật đi vào cuộc sống?''.

Ông Bình cho biết người dân rất băn khoăn khi Nghị định 181 vừa ban hành hướng dẫn Luật Đất đai, không cho bán nền. Theo ông, công cụ quản lý tốt nhất là quy hoạch, nắm quy hoạch hay hơn là không cho bán nền. Vì cho bán nền vừa khuyến khích mua bán, vừa có tiền thuế cho ngân sách.

''Thân quen hơn luật!''

Phó Chủ tịch Hội đồng các nhà DN trẻ Việt Nam Phương Hữu Việt (ĐB Hà Nội) phát hiện: ''Chưa có tiêu thức hay thống kê về hiệu quả của luật, pháp lệnh đã ban hành! Hiện trên 80% giao dịch đất đai không kiểm soát được, liệu Luật Đất đai có hiệu lực thì giao dịch ngầm này giảm bao nhiêu phần trăm?''.

Ông Việt cho rằng, một trong những nguyên nhân luật không vào cuộc sống là: ''Đa số dân chưa xác định tư duy theo pháp luật mà theo thói quen. Khi làm nhà đất, hộ tịch thì nghĩ đến có quen ai làm địa chính, công an không?''

Không kìm nổi sự bức xúc, ĐB Hoàng Văn Nghiên, lớn tiếng: ''Thân quen hơn luật! Không phải dân mà cán bộ, công chức cũng nghĩ như vậy! Hầu như cán bộ, công chức thuộc nội dung luật để xử lý công việc rất ít. Họ chỉ quan tâm đến dân xin gì, cho gì theo kiểu ban ơn''.

Luật quan trọng bức thiết thì làm trước!

Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005, theo Chánh án Hiện, cần có thứ tự ưu tiên. ''Những dự án Luật Đầu tư chung, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Kinh doanh bất động sản cần ưu tiên hơn Luật Du lịch, Luật Thanh niên'', ông nói.

Bởi đây là những dự luật quan trọng bức thiết! DN kêu có sự phân biệt giữa đầu tư trong nước và nước ngoài. Hay Luật Bảo hiểm xã hội xác định đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội. Luật Kinh doanh bất động sản không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

''Năm 2005, có 2 dự án Luật Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo và dự án Luật Đăng ký bất động sản do Bộ Tư pháp chủ trì. Tách riêng rẽ làm 2 luật dễ tạo ra sự chồng chéo, lãng phí ngân sách làm luật'', bà Trần Thị Quốc Khánh đóng góp ý kiến. Theo bà, có thể gộp 2 luật này và Luật về nhà ở thành một bộ luật.

Quốc hội nên chủ trì soạn thảo các dự án luật?

Nhiều đại biểu cho rằng, quy trình thông qua luật của Quốc hội mất nhiều thì giờ! Ông Hiện nói: ''Một số đại biểu phát biểu cho cử tri thấy mình có phát biểu! Mỗi người có ý kiến, 500 đại biểu phát biểu... Quốc hội họp tháng rưỡi còn ít! Từng ấy cán bộ ngành địa phương thì sốt ruột bao công việc cuối năm dồn lên!''.

Hướng cải tiến, theo ông, nên giao dự án luật cho nhóm đại biểu Quốc hội chuyên sâu, gửi cho đại biểu lấy ý kiến, sau đó thông qua.

ĐB Mai Quốc Bình (TP.HCM) đồng tình nên đổi mới cách góp ý xây dựng luật: ''Bàn về Luật Thương mại, nên mời đại biểu trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt là DN góp ý kiến. Ra Hội trường, chỉ còn đặt ra những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu quyết định!'', ông nói.

Cách làm luật hiện nay của ta là Chính phủ đề xuất, làm, Quốc hội phản biện. Theo ông Hiện, các nước khác không làm thế! Hơn nữa, luật nhiều khi phản ánh quan điểm, bảo vệ quyền lợi của bộ ngành hơn là thể hiện quyền lợi của dân.

''Hiến pháp giao cho Quốc hội chức năng lập pháp là chính! Cho nên hướng là giao cho các Uỷ ban, đại biểu Quốc hội chuyên trách chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, các bộ, ngành chỉ phối hợp'', ông Hiện mạnh dạn đề xuất!

Chiều 9/11, Quốc hội tiếp tục xem xét biểu quyết thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách năm 2005 và dự thảo Luật Cạnh tranh.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người bán hàng rong cũng là... thương nhân? (09/11/2004)
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội? (08/11/2004)
Tuần này, QH thông qua NQ phân bổ ngân sách 2005 (06/11/2004)
Khởi công Học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam (06/11/2004)
Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án... (05/11/2004)
Chính phủ cần 33.646 tỷ đồng cho đường Hồ Chí Minh! (05/11/2004)
Án tham nhũng ít vì tội phạm tham nhũng khó phát hiện... (04/11/2004)
Thẩm phán xử sai phải bỏ lương ra bồi thường! (04/11/2004)
"Nghịch cảnh" xin vốn: "Ta chỉ có một nắm tiền thôi" (03/11/2004)
Tăng thu NS nội địa: Sẽ dành cho cải cách tiền lương (03/11/2004)
"Tốn kém và ít thành công nhất là cải cách hành chính" (03/11/2004)
Thất thoát XDCB: Chưa chỉ được đích "danh"', đích ''diện''... (02/11/2004)
Chuyện tham nhũng: Nói nhiều nhưng chưa biến chuyển! (02/11/2004)
Làm Luật Cạnh tranh như thể VN đã có KTTT 100 năm (01/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang