Đã bố trí hơn 20.000 tỷ đồng để tăng lương!
23:47' 09/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Quốc hội chiều 9/11 đã nhất trí thông qua nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2005 với tỷ lệ tán thành đạt 79,80%. Cùng chiều Quốc hội cũng đã thông qua Luật Cạnh tranh.

Năm 2005, chi đầu tư phát triển 65.995 tỷ đồng!

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước Quốc hội.

Tổng dự toán cân đối thu ngân sách nhà nước năm 2005 là 183.000 tỷ đồng, tăng 3.300 tỷ dồng so với dự toán thu năm 2005 Chính phủ đã trình Quốc hội. Trong đó, dự toán thu nội địa 105.300 tỷ đồng; từ dầu thô 38.000 tỷ (tăng 2.500 tỷ) trên cơ sở giá 34,3 USD/thùng; thu từ xuất nhập khẩu 37.700 tỷ đồng; từ viện trợ không hoàn lại 2.000 tỷ đồng.

Cộng với kết dư 6.000 tỷ đồng của năm 2004 chuyển sang để làm lương, tổng dự toán thu ngân sách năm 2005 đạt 189.000 tỷ đồng.

Dự toán thu nội địa (không kể dầu thô) năm 2005 tăng 13,6%; trong đó, thu từ khu vực DN nhà nước tăng 12,3%, từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,1%, từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,5%... Dự toán thu nội địa từ sử dụng đất tăng 800 tỷ đồng để tăng dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng ở địa phương.

Tổng dự toán chi ngân sách nhà nước 229.750 tỷ đồng, tăng 3.300 tỷ đồng (bằng mức tăng thu) so với dự toán đã trình Quốc hội. Với mức chi này, bội chi ngân sách năm 2005 sẽ là 40.750 tỷ đồng, bằng 5% GDP, bằng với mức 2004.

Năm 2005, chi đầu tư phát triển tăng thêm 1.495 tỷ đồng (dự toán chi đầu tư phát triển sẽ là 65.995 tỷ đồng, tăng 11% so ước thực hiện năm 2004). Trong đó tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương tương ứng số tăng thu ngân sách địa phương về thu sử dụng đất 800 tỷ đồng. Chi trả nợ và viện trợ 34.775 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng để viện trợ xây dựng nhà làm việc của Văn phòng Quốc hội Lào.

Dự toán chi thường thường xuyên tăng thêm 190 tỷ đồng (dự toán 101.280 tỷ đồng), gồm: dự toán chi lĩnh vực y tế tăng 50 tỷ đồng, tập trung cho dự phòng (dịch bệnh) chứ không bố trí ngay; giáo dục- đào tạo -dạy nghề tăng 70 tỷ, quốc phòng tăng 40 tỷ, an ninh tăng 30 tỷ đồng.

Chi dự phòng ngân sách nhà Nước tăng thêm 1.600 tỷ đồng (khi đó dự phòng NSNN sẽ là 6.900 tỷ đồng), bằng 3% tổng chi ngân sách nhà nước để xử lý những biến động bất thường của giá dầu. Đồng thời, bảo đảm chủ động ngân sách thực hiện trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng phát sinh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết: ''Tăng lương thì đã tính vào ngân sách rồi! Tất cả tổng quỹ tăng lương cần khoảng trên 20.000 tỷ đồng để giải quyết lương từ 1/10. Năm 2004 chỉ có một quý nhưng sang năm 2005 là cả năm, nên tổng quỹ lương lớn! Lương ở đây tăng cho những người làm công ăn lương, những người hưu trí, đi theo đó là những người có công, thương binh, liệt sĩ. Có thể thêm một điểm nữa, đang bàn tăng lương hưu thêm chút nữa so với dự kiến. Nếu tăng thêm chút nữa phải lấy ngân sách dự phòng, bởi vì cân đối chưa có!''.

Tập trung kinh tế mở rộng xuất khẩu - Thủ tướng có quyền miễn trừ!

Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Cạnh tranh với tỷ lệ tán thành đạt 77,98%. Luật này gồm 6 chương, 123 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2005.

Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Thương mại miễn trừ tập trung kinh tế (đến 50% thị phần) có tác dụng mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo lời Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên: ''Một công ty có nguồn tài chính mạnh và sức mạnh thị trường lớn có thể mua lại bất kỳ DN nào để trở thành độc quyền sẽ gây bất lợi cho môi trường kinh doanh. Nên xem xét, quyết định cho hưởng miễn trừ phải thận trọng. Thẩm quyền giao cho Thủ tướng miễn trừ tập trung kinh tế mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, kỹ thuật là hợp lý''.

Băn khoăn của ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) về hành vi gièm pha cũng được ông Kiên giải thích. Điều 43 của Luật đã quy định cụ thể hành vi gièm pha DN khác là ''trực tiếp hoặc gián tiêp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó. Người gièm pha có thể là chủ DN, cán bộ, công nhân viên của DN hoặc bất kỳ người nào khác. Nhưng điều quan trọng là phải chứng minh được động cơ, múc đích, người chủ mưu... của việc gièm pha''.

Dự luật đã có quy định rõ ràng về bán hàng đa cấp bất chính, một vấn đề cũng đang gây nhức nhối trong dư luận. Theo đó. nếu DN bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia vào mạng lưới này phải đặt cọc hoặc phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu sẽ xẩy ra hiện tượng DN bán hàng đa cấp chiếm dụng tiền, lừa đảo hoặc thu lời bất chính từ người tham gia. Để quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh lý: ''Cấm hành vi yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia bán hàng đa cấp''.

Ngày 10/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 4 dự án luật: Luật điện lực, Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật xuất bản (sửa đổi), và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thủ tướng Chỉ thị tăng cường phòng chống tội phạm (09/11/2004)
Quốc hội nên chủ trì soạn thảo các dự án luật? (09/11/2004)
Người bán hàng rong cũng là... thương nhân? (09/11/2004)
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội? (08/11/2004)
Tuần này, QH thông qua NQ phân bổ ngân sách 2005 (06/11/2004)
Khởi công Học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam (06/11/2004)
Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án... (05/11/2004)
Chính phủ cần 33.646 tỷ đồng cho đường Hồ Chí Minh! (05/11/2004)
Án tham nhũng ít vì tội phạm tham nhũng khó phát hiện... (04/11/2004)
Thẩm phán xử sai phải bỏ lương ra bồi thường! (04/11/2004)
"Nghịch cảnh" xin vốn: "Ta chỉ có một nắm tiền thôi" (03/11/2004)
Tăng thu NS nội địa: Sẽ dành cho cải cách tiền lương (03/11/2004)
"Tốn kém và ít thành công nhất là cải cách hành chính" (03/11/2004)
Thất thoát XDCB: Chưa chỉ được đích "danh"', đích ''diện''... (02/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang