"Bộ trưởng Tài chính không có quyền bác lệnh Bộ trưởng khác"
23:49' 09/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng ngày 9/11 đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới về việc dùng xe công vượt quá tiêu chuẩn, định mức.

"Tôi vẫn đi xe cũ 10 năm"...

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Xe công vụ là xe phục vụ công, chúng ta không cần đi xe sang trọng! Xe đang có thể dùng được thì đừng thay vội! Chẳng qua lấy cớ an toàn nhưng muốn đi cho đẹp, tưởng rằng đi xe đẹp thì oai hơn! Không phải! Tôi vẫn đi xe Cressida (Toyota) được 10 năm từ lúc còn làm Thứ trưởng! Lên Quốc hội báo cáo vẫn đàng hoàng, không thấy giảm uy tín đi chút nào! Nhưng mà nhiều người đam mê cá nhân không tự kìm chế nên thích xe sang, dẫn tới vi phạm. Người tham mưu mua xe đã đáng trách rồi! Nhưng vẫn là cấp dưới! Đáng trách là người dùng phương tiện đó!

"Chẳng lẽ đem cả bãi sông Hồng mà để xe tịch thu..."

- Vừa qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin “một vị lãnh đạo của UBND TP. Hà Nội (khoá trước) xài chiếc xe Lexus đời mới giá trên 5 tỷ bạc...?

- Cái xe mấy tỷ của ông Nghiên (ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội), thực ra là xe làm công tác đối ngoại của Thành phố. Nhưng khi ông Nghiên thôi làm Chủ tịch chuyển sang Phó Bí thư, chưa kịp bố trí xe, thì đi tạm cái xe đấy. Thậm chí cái chỗ ngồi của ông Nghiên cũng chưa bố trí kịp!

Cho nên trước công luận là anh mua xe, xài xe mấy tỷ, nhưng bên trong không có chuyện ấy! Tôi đã kiểm tra rồi! Đấy là xe Thủ tướng cho phép Hà Nội mua để thành xe đối ngoại. Mà anh Nghiên dùng thì cũng không nên! Không có xe ấy thì dùng xe khác chứ việc gì cứ phải bỏ xe ấy ra dùng. Bây giờ không dùng nữa rồi! Nói như vậy, công luận cũng có tác dụng. Làm như vậy, vấn đề không phải cái xe đâu, vấn đề vị trí của một người, sẽ ảnh hưởng uy tín của cá nhân ông ấy thôi.

- Thưa ông, trong báo cáo của Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) năm 2002-2003, chúng ta đã mua 6.000 xe...?

- Cục quản lý công sản không đưa ra báo cáo ấy! Đây là một thông tin không chính xác!

Nói chung, tình hình mua xe cũng đúng với tiêu chuẩn! Thực tế hàng năm Bộ Tài chính đều có kiểm tra cái nào mua vượt tiêu chuẩn. Bởi vì anh bị lệnh xuất tiền mua, báo cáo lên mình biết! Biết thì xử lý ngay. Các tỉnh người ta cũng xử lý! Người ta có thể xử lý bằng tiền, xử lý bằng kiểm điểm!

Bây giờ chỉ còn một chuyện, tính toán thế nào đó để dẹp bớt xe công đi. Nhưng muốn dẹp xe công, phương tiện đi lại phải bảo đảm. Các nước khác, phương tiện công cộng nhiều, người lãnh đạo có thể đi bằng phương tiện đó. Hơn nữa, xe tư người ta nhiều, không đi xe công mà đi xe tư! Mình xe tư không có, chẳng lẽ bảo ông lãnh đạo đi xe ôm?!

- Tại sao chúng ta không tịch thu tất cả những xe mua vượt định mức, tiêu chuẩn?

- Lúc bấy giờ, có câu chuyện: Khi tôi trình quy định đưa ra cái mức từ nay đừng chơi xe loại sang nữa! Thế nhưng đã mua rồi, thì làm thế nào? Tất cả những xe đã mua ấy đem ra đấu giá hết chăng? Lại xét hiệu quả! Cậu đang đi xe 800 triệu, tiêu chuẩn của cậu chỉ được 600! Bây giờ tôi lấy xe 800 triệu mang ra đấu giá để bán, thì bán cho ai? Để đâu mà bán, bán có được 500 triệu không?

Thu xe quá tiêu chuẩn xây nhà cho người nghèo

“Có vị quan chức cưỡi chiếc xe cả tỷ đồng, chạy trong giờ làm việc đã đành, chạy cả ngoài giờ, chạy cả ngày nghỉ''.

Khi anh lấy xe thì anh phải cấp cho người ta xe mới 500-600 triệu đã! Tiền đâu cấp, nếu không cấp người ta đi bằng gì? Như vậy xử lý vấn đề phải bình tĩnh! Lúc bấy giờ đã có ý kiến tịch thu hết! Tính đi tính lại thế này thì đem cả bãi sông Hồng mà để xe tịch thu! Như vậy có phải dở không?

Tôi nói thực, quan trọng nhất là ý thức sử dụng tài sản, gương mẫu của các cấp lãnh đạo. Trong đơn vị, địa bàn mà anh quản lý, thấy xe còn dùng được đừng cho mua! Đừng cái gì cũng chờ công luận lên án, chờ thanh tra, kiểm tra vào, ông tài chính mang bút đến rà lúc bây giờ mới bắt đầu...

Ông Bộ trưởng Tài chính làm gì có quyền "bác" lệnh của ông Bộ trưởng khác

- Đó là do những vị lãnh đạo đấy chưa gương mẫu?

- Chính là các vị chưa gương mẫu! Tôi nói trước Quốc hội rồi! Đây không phải vấn đề xử lý tài sản đơn thuần! Đây là vấn đề ý thức cán bộ! Ông là chức ấy, dù văn phòng hay ai mua xe không biết, ông ngồi trên xe đi ông phải biết xe có đủ tiêu chuẩn không?

- Bộ trưởng có nói, đáng trách là người ngồi trên xe vượt tiêu chuẩn. Nhưng bây giờ đã trót rồi thì làm thế nào?

- Người đi trên xe vượt tiêu chuẩn phải chịu kỷ luật! Cấp nào quản lý ông đó phải kỷ luật! Cấp nào quản lý, có quyền phải làm! Nói không thôi thì người ta không tin tưởng! Dân chúng hàng ngày bức xúc lắm: Tại sao anh không làm, không lên tiếng, tìm cách này cách khác nguỵ biện? Không kiên quyết như vậy thì câu chuyện xe công ngày càng nghiêm trọng!

Phải làm công tác cán bộ! Ví dụ anh đó được coi là không gương mẫu! Khi đề cử, ứng cử... phải xem xét thì mới được! Nói chung, trong các luật về cán bộ đều có cả! Vấn đề có xử lý nghiêm hay không?

- Còn trách nhiệm của người chi tiền?

- Không chi không được ấy chứ! Anh chi không có quyền bác ''lệnh'' của cấp có thẩm quyền! Bởi vì mình phân cấp! Bộ trưởng không có xe thì cách gì lại đưa lên Bộ trưởng Tài chính duyệt? Ông quản lý ngân sách của tỉnh thì ông được quyền! Cho ông có quyền nhưng không được lạm quyền! Thế thì phải xử lý chỗ ấy! Chứ còn ra lệnh xuất tiền đằng nào cũng phải xuất! Người chịu trách nhiệm là người ra lệnh xuất tiền chứ không phải người chi tiền đâu!

Cứ bảo trách nhiệm ông tài chính thì làm gì? Bây giờ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền làm gì ông Bộ trưởng, ông bí thư, chủ tịch khác không? 

- Theo tiêu chuẩn, từ Thứ trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh trở lên mới có xe đưa đón. Nhưng ở ở địa phương, giám đốc sở, phó chủ tịch quận huyện cũng có xe đưa đón?

- Tôi nghĩ: có một số, không phải tất cả! Như Bộ Tài chính không anh nào trừ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng có xe đưa đón! Tổng cục phó thuế, hải quan, vụ trưởng đi xe máy hết. Còn đi công tác lại khác...

- Có vị thứ trưởng nói rằng đưa tiền xe vào lương, ông ấy sẵn sàng đi xe ôm?

- Chúng tôi đang nghiên cứu cái này nhưng thấy lớn quá! Thứ trưởng, cấp thứ trưởng cũng nhiều. Xã hội ta có người lĩnh lương 10-15 triệu cũng khó!

  • Văn Tiến
    ghi

Cưỡi 3.000 con trâu

Cưỡi trên chiếc xe Lexus giá 5 tỉ bạc là tương đương với việc cưỡi trên 3.000 con trâu. Ở một đất nước mà “con trâu đi trước, cái cày theo sau” còn là một thực tế thì cưỡi trên 3.000 con trâu, trên 1.000 con trâu hay chỉ trên 500 con thôi thì đều phải tính rất kỹ.

Vì con trâu chỉ có thể kéo mãi được cái cày, chứ nó không thể kéo mãi được sự xa hoa. 
Ở những đất nước con trâu không còn phải kéo cày nữa, như Thụy Điển, thì xe công cho các quan chức cũng không thể nhiều. Ví dụ, ở Quốc hội Thụy Điển chẳng hạn, chỉ có mỗi một mình chủ tịch Quốc hội là có xe công vụ.

Tất cả các quan chức còn lại cũng đều  sử dụng xe công cộng. Nhiều Thủ tướng của đất nước này vẫn hàng ngày ra ga tàu điện để đi làm. Nhiều Thủ tướng của Hà Lan thậm chí còn đi làm bằng xe đạp. Nếu chúng ta còn phải chịu thua các nước này về sự giàu có thì cũng chớ nên hơn họ về sự xa hoa.

Xe công vụ có thể là cần  thiết cho các chức danh quan trọng của Nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ nên ở mức mà nền kinh tế chấp nhận được. Và sự chấp nhận của xã hội cũng rất cần thiết ở đây, vì suy cho cùng, những chiếc xe được quy thành hàng trăm, hàng ngàn con trâu này đều phải mua bằng tiền đóng thuế của người dân.

Đưa tiền xe vào lương là cách làm thiết thực hơn. Cách làm này có mấy cái lợi.

Cái lợi thứ nhất là tiết kiệm. Nếu một quan chức cấp thứ trưởng với tiêu chuẩn xe trị giá 300 con trâu (2 triệu đồng/con) và thời hạn khấu hao là 5 năm, thì mỗi tháng sẽ tiêu tốn khoảng 5 con trâu. Đó là chưa kể đến tiền xăng, tiền bảo dưỡng xe cũng phải mất đến khoảng 2 con trâu nữa. Nếu bù tiền xe vào lương, thì mức cao nhất nhất cũng chỉ vào khoảng 2 con trâu/tháng. Mức này đã gấp hơn hai lần lương của thứ trưởng, nhưng Nhà nước vẫn còn tiết kiệm được 5 con trâu nữa. Ngoài ra, việc tiết kiệm thời gian của đội ngũ lái xe suốt ngày ngồi chờ thủ trưởng cũng rất đáng kể.

Cái lợi thứ hai là ngành dịch vụ giao thông có điều kiện để phát triển. Hệ thống taxi công cộng ở những thành phố lớn hiện nay đã tương đối phát triển và khá tiện lợi. Với một lượng khách hàng mới, dịch vụ này sẽ có điều kiện phát triển hơn. Mà như vậy thì Nhà nước cũng sẽ thu thêm được không biết bao nhiều con trâu nữa dưới dạng tiền thuế.

Cái lợi thứ ba là sự đồng thuận của xã hội. Cưỡi trên 3.000 con trâu thì cũng chẳng khác gì ngồi trên một tổ kiến lửa, nếu như dư luận xã hội chê trách và đàm tiếu.

Hoàng Hải - T.Trẻ

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Trung Quốc: Sẽ không còn xe công cho cán bộ nhà nước
Thủ tướng nghiêm cấm sử dụng xe công vào việc riêng
CÁC TIN KHÁC:
Đã bố trí hơn 20.000 tỷ đồng để tăng lương! (09/11/2004)
Thủ tướng Chỉ thị tăng cường phòng chống tội phạm (09/11/2004)
Quốc hội nên chủ trì soạn thảo các dự án luật? (09/11/2004)
Người bán hàng rong cũng là... thương nhân? (09/11/2004)
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội? (08/11/2004)
Tuần này, QH thông qua NQ phân bổ ngân sách 2005 (06/11/2004)
Khởi công Học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam (06/11/2004)
Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án... (05/11/2004)
Chính phủ cần 33.646 tỷ đồng cho đường Hồ Chí Minh! (05/11/2004)
Án tham nhũng ít vì tội phạm tham nhũng khó phát hiện... (04/11/2004)
Thẩm phán xử sai phải bỏ lương ra bồi thường! (04/11/2004)
"Nghịch cảnh" xin vốn: "Ta chỉ có một nắm tiền thôi" (03/11/2004)
Tăng thu NS nội địa: Sẽ dành cho cải cách tiền lương (03/11/2004)
"Tốn kém và ít thành công nhất là cải cách hành chính" (03/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang