|
Giá thuốc bắt đầu đi vào ổn định. |
Các chương của Dự thảo Luật Dược sẽ đề cập đến những vấn đề như kinh doanh thuốc; đăng ký, lưu hành thuốc; đơn thuốc và sử dụng thuốc; cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; quản lý nhà nước về dược... Sau hơn 20 lần đưa ra dự thảo, cân nhắc và lấy ý kiến của các ban ngành liên quan về cơ bản Luật Dược đã được Bộ Y tế hoàn chỉnh với 12 chương, 78 điều.
Đến nay, về cơ bản, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, của các Bộ, ngành, tổ chức là thống nhất với nội dung của Dự thảo Luật Dược. Tuy nhiên, còn một số ý kiến chưa được thống nhất cần xin ý kiến chỉ đạo của Quốc hội như tên của Luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng...
Hiện nay, có 2 ý kiến khác nhau về cách gọi tên của Luật. Có ý kiến nhất trí với dự thảo là lấy tên Luật Dược vì như vậy mới bao hàm được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Nhưng lại có ý kiến đề nghị lấy tên là ''Luật về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh cho người'' vì nội dung của luật chủ yếu quy định những vấn đề liên quan đến thuốc phòng và chữa bệnh cho người.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật cũng có những ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đồng ý với ban soạn thảo là phạm vi điều chỉnh của Luật Dược được áp dụng với thuốc phòng và chữa bệnh cho người không bao gồm cả thuốc thú y, thực phẩm, thiết bị y tế cấy ghép vào cơ thể như ý kiến thứ hai. Bởi thuốc thú ý đã được Pháp lệnh Thú y điều chỉnh; thực phẩm thì đã có Pháp lệnh Vệ sinh, an toàn thực phẩm điều chỉnh. Còn thiết bị y tế cấy ghép vào cơ thể theo phân loại của Bộ Y tế không phải là thuốc mà là thiết bị y tế.
Điểm thứ ba là về tên gọi của giấy phép kinh doanh thuốc. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo lấy tên gọi là ''Giấy phép kinh doanh thuốc''. Nhưng Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng chỉ nên lấy tên là ''Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề'' để phù hợp với Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân. Đây là những điểm còn chưa thống nhất và Chính phủ trình Quốc hội xem xét và đưa ra quyết định.
Cũng nhằm đưa ra góp ý cho Luật Dược, trước đó, vào tối 10/11, Bộ Y tế và các thành viên của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức buổi họp chuyên đề về “Thuốc và tiếp cận thuốc”. Cuộc họp các đại biểu đã nghe TS. Cao Minh Quang, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam trình bày tổng quan về những thách thức và định hướng phát triển ngành Dược Việt Nam. Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới vấn đề giá thuốc. Về việc này đại diện ngành dược đã cho hay: giá thuốc vẫn bị chi phí theo quy luật cung cầu của thị trường. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sắp xếp lại mạng lưới cung ứng thuốc cho nhân dân, trong đó chia các doanh nghiệp Dược ra làm 2 dạng: hoạt động theo luật Doanh nghiệp và một loại là có bao cấp.
Về Dự thảo Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng: Bộ Y tế cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để đến kỳ họp Quốc hội sau sẽ chính thức thông qua Luật Dược. Luật này tuy không thể hoàn hảo đến 100%, nhưng cũng cố gắng để đi vào cuộc sống người dân đến 90%.
Hiện nay, trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, song các văn bản pháp luật có vị trí pháp lý cao liên quan đến dược còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong khi đó, hầu hết ở các nước trên thế giới đều có Luật về dược để điều chỉnh các mối quan hệ.
Hơn nữa, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân lại ban hành đã quá lâu (từ năm 1989) quy định những vấn đề về phòng và chữa bệnh chỉ mang tính nguyên tắc, chung chung chưa cụ thể. Đến lượt Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến hàng loạt các bất cập trong công tác y tế.
Nguyên nhân của việc tăng đột biến giá thuốc trong thời gian qua phần nào cũng do chưa có đủ các quy định pháp lý, trong đó có nguyên nhân của việc chưa có Luật Dược để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này. Việc ban hành Luật Dược không những để thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động về dược mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược VN hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.