Rủi ro khi sử dụng thuốc: Trách nhiệm thuộc về ai?
15:49' 12/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH, bà Nguyễn Thị Hoài Thu đã đặt câu hỏi này với Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến, sau khi nghe vị Bộ trưởng này trình bày trước QH về dự án Luật Dược sáng 12/11.

Soạn: AM 193656 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ai chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân gặp rủi ro khi dùng thuốc?

Trước QH, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến đã có một báo cáo khá lạc quan về những cố gắng mới đạt được của ngành y tế.

Bộ trưởng cho biết: "Từ chỗ thiếu thuốc, ngành y tế đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thuốc; giảm tỷ lệ thuốc giả xuống chỉ còn 0,06% năm 2003 so với 7,1% năm 1990...

Bên cạnh đó, bà Chiến cũng mạnh dạn thừa nhận: "Ngành Dược Việt Nam vẫn còn ở trình độ thấp và đang đứng trước những tồn tại và thách thức lớn"...

Bà Chiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do "chưa có đủ các quy định pháp lý, trong đó có nguyên nhân của việc chưa có Luật Dược để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này".

Ở nước khác, nhà nước phải chịu trách nhiệm về trường hợp rủi ro khi dùng thuốc

Thay mặt Uỷ ban Các vấn đề xã hội thẩm tra báo cáo của Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, bà Nguyễn Thị Hoài Thu lo lắng: "Dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm trong trường hợp rủi ro khi sử dụng thuốc mà lỗi không phải do bác sỹ kê đơn, không phải do người thực hiện y lệnh... mà có thể do nhà sản xuất hoặc quá trình bảo quản, lưu hành hoặc không do một khâu nào sẽ thuộc về ai?"

Chủ nhiệm Thu đưa ra so sánh: "Luật một số nước quy định rất rõ các trường hợp rủi ro để quy trách nhiệm và thậm chí, khi không xác định được thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc sẽ thuộc về Nhà nước".

Cho rằng dự Luật vẫn thiếu những quy định pháp lý để quản lý thuốc ở Việt Nam, bà Thu nêu khuyến nghị: "Nội dung dự án Luật phải thể hiện rõ định hướng khuyến khích ngành công nghiệp sản xuất dược trong nước, hạn chế việc mở rộng quy mô bán lẻ tràn lan như hiện nay. Cũng cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi tham gia kinh doanh dược như trách nhiệm trong việc tham gia tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, không khuyến khích người dân sử dụng thuốc khi không thật cần thiết...".

Người VN được hưởng giá thuốc bằng các nước có cùng điều kiện?

Cho rằng Ban soạn thảo Dự luật Dược chưa có quy định chặt chẽ về quản lý giá thuốc, Chủ nhiệm Thu yêu cầu cần quy định cụ thể hơn về quản lý giá thuốc dựa trên những tiêu chí như: thuốc thiết yếu hay biệt dược, người Việt Nam được hưởng giá thuốc cao nhất bằng giá thuốc ở các nước có cũng điều kiện trong khu vực hay tối đa bằng 80% giá thuốc ở các nước phát triển; quy định Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc...

Đề cập đến y đức, bà Thu dẫn ý kiến của một số cá nhân cho rằng: dự thảo Luật còn quy định sơ sài về vai trò, trách nhiệm của Hội nghề nghiệp về dược. Trong khi đó, các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp thì không ai có thể làm tốt hơn các Hội.

Về vấn đề này, theo bà Thu, các đại biểu ở một số địa phương đã từng đề xuất: "nên quy định điều kiện về đạo đức nghề nghiệp phải do Hội nghề nghiệp cấp tỉnh  chứng nhận vì hành nghề y, dược là loại hình rất đặc biệt, có tính đặc thù riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, sinh mạng con người và chỉ có Hội nghề nghiệp mới hiểu rõ họ. Đồng thời, phải quy định trách nhiệm các Hội nghề nghiệp về y bởi họ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục các thành viên của Hội hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý cho người bệnh".

Bà nêu tiếp yêu cầu: "Hoạt động xã hội, trách nhiệm xã hội của các cơ sở kinh doanh dược, các nhà thuốc cũng cần được đặt ra rõ hơn" và "cần có quy định cụ thể về thời gian phục vụ, mở cửa, đóng cửa các nhà thuốc, quầy thuốc chứ không thể tuỳ tiện và nên có quy định về các nhà thuốc trực phục vụ trong các trường hợp cấp cứu".

* Sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đọc Tờ trình về Dự án Luật Quốc phòng và nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Nguyễn Phúc Thanh báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

  • Nguyệt Minh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Hụi, họ'' được coi như một hợp đồng vay tài sản (12/11/2004)
"Luật Dược cố gắng đi vào cuộc sống 90%" (11/11/2004)
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về sử dụng ngân sách (11/11/2004)
Chưa nên có luật cấm hay thừa nhận hiện tượng ''gay''! (11/11/2004)
Trường hợp khẩn: Chủ tịch tỉnh không được ban hành VBQPPL! (11/11/2004)
Tham nhũng: 7 hiện tượng, 5 giải pháp (10/11/2004)
"Bộ trưởng Tài chính không có quyền bác lệnh Bộ trưởng khác" (09/11/2004)
Đã bố trí hơn 20.000 tỷ đồng để tăng lương! (09/11/2004)
Thủ tướng Chỉ thị tăng cường phòng chống tội phạm (09/11/2004)
Quốc hội nên chủ trì soạn thảo các dự án luật? (09/11/2004)
Người bán hàng rong cũng là... thương nhân? (09/11/2004)
Sẽ “nhà nước hoá” hoạt động hội? (08/11/2004)
Tuần này, QH thông qua NQ phân bổ ngân sách 2005 (06/11/2004)
Khởi công Học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam (06/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang