"Đường Hồ Chí Minh cũng phải cong cong một chút"?
16:55' 13/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Bản đồ của chúng ta hình chữ S, cho nên thỉnh thoảng nó (chỉ đường Hồ Chí Minh) cũng phải... cong cong một chút". Tập trung chứng minh nhất thiết đường Hồ Chí Minh phải đi qua địa phương mình, sáng 13/11, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã đưa ra những luận điểm gây bất ngờ trong nghị trường...

Soạn: AM 194330 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đoạn đường Hồ Chí Minh đang thi công.

Hơn 1 giờ "xin đường"

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) mở đầu buổi thảo luận bằng những phân tích, thuyết trình đầy ý nghĩa về tầm quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh và bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối với Tờ trình của Chính phủ trước đó về những địa danh con đường này sẽ đi qua (trong đó có các tỉnh Tây Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái..).

"Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cũng mong Quốc hội ủng hộ phương án 2 mà Chính phủ đã trình, đó là tuyến đường bám theo QL 37...". Để minh chứng cho sự phù hợp theo dự kiến con đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh nhà, ĐB Tuyết lập luận: "Bản đồ của chúng ta hình chữ S, cho nên thỉnh thoảng nó (chỉ đường Hồ Chí Minh) cũng phải... cong cong một chút" (?).

Ông Tuyết viện dẫn: "Trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, hầu hết các đoàn quân lên Điện Biên Phủ đều qua Yên Bái. Cho nên, nếu tuyến đường này đi qua Yên Bái sẽ giúp cho tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác tiềm năng, sắp xếp bố trí lại dân cư, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh miền núi".

Cùng nguyện vọng này, ĐB Bùi Văn Bịn (Thanh Hoá) đề nghị: "Chúng tôi xin Chính phủ và Quốc hội xem xét mở rộng đường Hồ Chí Minh như thế nào cho phù hợp, nhất là đoạn đi qua thị trấn, thị tứ. Chứ như hiện nay, đoạn qua Thanh Hoá chúng tôi vừa làm nhưng rất chật hẹp".

Tâm đắc với tờ trình của Chính phủ về đoạn đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Thanh, ông Bịn tranh thủ đề nghị: "Mong Quốc hội và Chính phủ triển khai ngay đoạn đường QL qua Cúc Phương, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá từ km 95 đến km 106. Đoạn này rất cần làm xong sớm để thông tuyến. Đồng thời, cho triển khai sớm tuyến đường Hồ Chí Minh đi Cảng Nghi Sơn, đoạn đã được Chính phủ phê duyệt".

Mong muốn đường Hồ Chí Minh đi ngang qua địa phận tỉnh mình và được triển khai càng sớm càng tốt không chỉ là của ĐB Bùi Văn Bịn hay riêng ĐB Nguyễn Văn Tuyết. Đại diện cho cử tri tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Đình Quang nói trước Quốc hội: Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án con đường Hồ Chí Minh có đi qua địa phận Tân Quang, cử tri ở đây rất phấn khởi nhưng vẫn băn khoăn vì lẽ: tại sao một địa danh lịch sử quan trọng như Tân Trào lại không được đường Hồ Chí Minh đi qua, trong khi nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, là nơi từng diễn ra những quyết định quan trọng của lịch sử cách mạng..." (?!)

"Đường cao tốc không thể vòng vèo vào địa danh này, di tích khác..."

Sau khi nghe các vị ĐB trên phát biểu, ĐB Lê Doãn Hợp (Nghệ An) tỏ thái độ không đồng tình và cho rằng: "Đường Hồ Chí Minh phải là con đường cao tốc, cần đảm bảo tối thiểu ba yếu tố của một con đường hiện đại: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm hao mòn và tiết kiệm xăng dầu, không thể cứ đòi hỏi vòng vèo qua tỉnh này, địa phương nọ".

Cho rằng đây là công trình được xây dựng ngay đầu thế kỷ XXI, có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên phải làm sao trở thành công trình "mẫu" cho cả thế kỷ, ĐB Hợp đề xuất: "QH cần giám sát chặt chẽ chất lượng cũng như quá trình chuẩn bị, thi công công trình này, sao cho công trình vừa đảm bảo chất lượng, vừa được lòng dân lại vừa không bị mất cán bộ như đã từng xảy ra ở những công trình quan trọng, trọng điểm trước đó".

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình, ông Hợp kiến nghị thêm: Quốc hội cần cho phép Chính phủ thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện công trình và rút ngắn tối đa thời gian thi công (kết thúc vào năm 2010) vì càng kéo dài hiệu quả càng thấp. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch dọc các tuyến đường như phát triển cơ sở hạ tầng, phân bổ dân cư...

Ý kiến của ĐB Lê Doãn Hợp nhận được sự tán thành của ĐB Lê Quốc Dũng (Thái Bình): "Cứ dùng thước mà kẻ để rút ngắn các quãng đường phải thi công. Không nên kéo đường Hồ Chí Minh vào di tích lịch sử này, địa danh lịch sử kia vừa gây tốn kém, vừa mất thời gian".

Nên cho phép các địa phương thi công đoạn đường qua tỉnh mình

Đây là giải pháp mà ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) đưa ra nhằm giải "bài toán" về chất lượng cũng như tiến độ thi công công trình đường Hồ Chí Minh.

Theo ông Lợi, nên để các địa phương căn cứ vào điều kiện, năng lực của mình để đảm nhận thi công tuyến đường trên địa phương đó và nên để các địa phương có con đường đi qua được phép xem xét tổng thể dự án rồi tuỳ vào điều kiện, khả năng của từng địa phương mà xin tham gia thi công tuyến đường chạy qua địa phận mình.

Làm được điều này, sẽ cùng lúc được nhiều cái "thuận" về nhân công, nguyên vật liệu, về sự am hiểu điều kiện địa chất, khí tượng thuỷ văn; dự toán chi tiết, sát với thực tế; nhanh chóng giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ... và đặc biệt, sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị nếu để xảy ra sai sót. "Cái gì dân biết, dân bàn, dân xắn tay cùng làm cũng sẽ tiết kiệm hơn, nhanh hơn." - ông Lợi tin tưởng.

Để giải pháp trên thành công, ông Lợi cũng khuyến nghị: "Trung ương cần tổ chức việc giám sát chặt chẽ việc thi công cho bảo đảm theo yêu cầu thiết kế. Đồng thời, nên công bố công khai các thông số kỹ thuật của con đường để mọi người cùng biết".

Dự báo "Khi xây dựng xong đường Hồ Chí Minh, ở mỗi địa phương có đường đi qua chắc chắn sẽ lên giá", ông Lợi đưa ra giải pháp: Chúng ta nên huy động nguồn vốn để xây dựng chính con đường này bằng cách "đổi đất lấy hạ tầng" ở từng địa phương đó.

Bổ sung ý kiến trên, ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) gợi ý: "Làm đến khu vực tỉnh nào nên có lãnh đạo tỉnh đó tham gia để vừa đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, vừa quản lý, ngăn chặn dân lấn chiếm đường sau khi hoàn thành thi công. Như vậy, sẽ quy được trách nhiệm người đứng đầu tỉnh, nếu để xảy ra tình trạng lộn xộn, lấn chiếm".

  • Nguyệt Minh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Chính phủ cần 33.646 tỷ đồng cho đường Hồ Chí Minh!
Quy hoạch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến 2020
Quảng Nam khai thác du lịch trên đường Hồ Chí Minh
Đã có thất thoát khi làm đường Hồ Chí Minh!
CÁC TIN KHÁC:
Giám sát, phát hiện xong rồi... để đấy! (13/11/2004)
Năm 2005, Quốc hội giám sát dự án lọc dầu Dung Quất (12/11/2004)
Rủi ro khi sử dụng thuốc: Trách nhiệm thuộc về ai? (12/11/2004)
''Hụi, họ'' được coi như một hợp đồng vay tài sản (12/11/2004)
"Luật Dược cố gắng đi vào cuộc sống 90%" (11/11/2004)
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về sử dụng ngân sách (11/11/2004)
Chưa nên có luật cấm hay thừa nhận hiện tượng ''gay''! (11/11/2004)
Trường hợp khẩn: Chủ tịch tỉnh không được ban hành VBQPPL! (11/11/2004)
Tham nhũng: 7 hiện tượng, 5 giải pháp (10/11/2004)
"Bộ trưởng Tài chính không có quyền bác lệnh Bộ trưởng khác" (09/11/2004)
Đã bố trí hơn 20.000 tỷ đồng để tăng lương! (09/11/2004)
Thủ tướng Chỉ thị tăng cường phòng chống tội phạm (09/11/2004)
Quốc hội nên chủ trì soạn thảo các dự án luật? (09/11/2004)
Người bán hàng rong cũng là... thương nhân? (09/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang