Nhiều cảng vừa tu bổ xong đã phải di dời...
22:18' 16/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Cảng Sài Gòn vừa dồn sức tu bổ lớn, nâng cấp, mở rộng nay lại phải có kế hoạch di dời đi chỗ khác. Có những tuyến bay hàng không nội địa, máy bay vừa cất cánh đã... hạ cánh''.

Soạn: AM 197361 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên.

Đây là những dẫn chứng sinh động của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên khi trình bày báo cáo giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản trước Quốc hội sáng 16/11. Ngay trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày báo cáo của Chính phủ về đầu tư xây dựng cơ bản.

Ông Nguyễn Đức Kiên nhận xét: ''Việc bố trí nhiều sân bay, bến cảng ở các vùng địa phương quá gần nhau mà chưa tính hết sự gắn kết trong khai thác có hiệu quả tổng hợp kết cấu hạ tầng các loại hình vận tải hiện có, chưa phù hợp với khả năng phát triển kinh tế và nguồn vốn đầu tư. Chưa quan tâm đúng mức đến quy hoạch phát triển giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa. Nhiều đường bay nội địa, nhiều cảng biển và cảng sông bị lỗ, phải tăng phí qua cảng''.

Hiện nay cả nước có hơn 100 cảng biển ở 24 tỉnh, thành phố với chiều dài 22.446m. Vùng đồng bằng sông Hồng có 20 cảng; Bắc Trung Bộ 15 cảng; duyên hải Nam Trung Bộ 20 cảng; Đông Nam B 33 cảng; ĐBSCL 12 cảng.

Nhiều cảng biển xây dựng quá gần nhau: cảng Hòn La (Quảng Bình) cách cảng Vũng Áng 25 km; cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) cách cảng Chân Mây (Đà Nẵng) 30 km... Thậm chí, cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) chỉ cách cảng Kỳ Hà 10 km... Trong khi cho đến nay, chưa tập trung xây dựng được những cảng lớn tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Một số địa phương triển khai dự án đầu tư cảng biển không phù hợp với quy hoạch được duyệt hoặc không có sự thoả thuận của Bộ Giao thông Vận tải như: Công trình bến số 2 cảng Hải Thịnh (Nam Định), cảng Diêm Điền (Thái Bình), Cửa Việt (Quảng Trị), cảng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), bến cảng vật liệu xây dựng Vĩnh Long, bến số 2 cảng Đồng Nai, cảng Cần Guộc (Long An). Ngược lại, cảng Sài Gòn vừa dồn sức tu bổ lớn, nâng cấp, mở rộng nay lại phải có kế hoạch di dời đi chỗ khác...

Theo quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, cả nước có 138 cảng hàng không - sân bay, bãi hạ cánh dự bị và đoạn quốc lộ hạ cất cánh, trong đó có 71 cảng hàng không, sân bay. Hiện nay, đang khai thác 18 cảng hàng không và sân bay quân sự; đang nâng cấp, xây dựng 4 sân bay và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng, nâng cấp 4 sân bay khác. Ngoài những cảng hàng không cần xây dựng để bảo đảm yêu cầu dự phòng, an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Thế giới, hiện tại có những cảng hàng không quá gần nhau mà khả năng khai thác rất hạn chế, như sân bay Quảng Bình cách sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) không xa! Có những tuyến bay hàng không nội địa, máy bay bay thời gian rất ngắn đã hạ cánh. Đa số đường bay nội địa bị lỗ.

''Quy hoạch cảng biển, hàng không còn mang tính chủ quan, không khả thi, không phù hợp với nhu cầu khai thác và khả năng huy động vốn'', ông Kiên kết luận. Tổng mức đầu tư hệ thống cảng hàng không giai đoạn 2001 -2005 được duyệt là 27.000 tỷ đồng, nhưng 4 năm 2001-2004 chỉ bố trí được... 2.510 tỷ đồng, đáp ứng 9,26% tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư hệ thống cảng biển giai đoạn 2000-2010 khoảng 60.000 tỷ đồng, đến nay mới xác định được nguồn khoảng 5.000 tỷ đồng (8,3%).

Ông Nguyễn Đức Kiên chỉ ra: ''Quy hoạch phát triển nhiều ngành chất lượng chưa cao hoặc chậm được phê duyệt; chưa gắn kết chặt chẽ phát triển vùng, miền với địa phương; quy hoạch không sát với thực tế, chồng chéo, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa chú trọng thoả đáng đến yếu tố môi trường và xã hội''. Những hạ chế, yếu kém này còn ''tràn lan'' trong các ngành khác như công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, thương mại, du lịch và quy hoạch phát triển đô thị.

Ngoài vấn đề quy hoạch trong đầu tư xây dựng, qua giám sát, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn; nợ đọng vốn đầu tư ở mức cao, kéo dài; hiệu quả đầu tư thấp. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó giao cho Chính phủ, các bộ, địa phương thực hiện những giải pháp mạnh để khắc phục những yếu kém, tiêu cực trong công tác này.

  • Văn Tiến
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đầu tư dàn trải là chuyện riêng của địa phương khác? (16/11/2004)
VietNamNet đoạt 3 giải báo chí đại đoàn kết dân tộc (16/11/2004)
Bí thư Quảng Trị: "Tỉnh tôi không có chuyện đầu tư sai" (16/11/2004)
Phải mạnh tay loại bỏ kiểu đầu tư xây dựng ''khép kín''! (16/11/2004)
Nghe báo cáo giáo dục như "đi vào rừng già" (15/11/2004)
Sẽ trả lời chất vấn cử tri vào cuối kỳ họp QH (15/11/2004)
"Không quan trọng Kiểm toán NN trực thuộc Chính phủ hay QH" (13/11/2004)
"Đường Hồ Chí Minh cũng phải cong cong một chút"? (13/11/2004)
Giám sát, phát hiện xong rồi... để đấy! (13/11/2004)
Năm 2005, Quốc hội giám sát dự án lọc dầu Dung Quất (12/11/2004)
Rủi ro khi sử dụng thuốc: Trách nhiệm thuộc về ai? (12/11/2004)
''Hụi, họ'' được coi như một hợp đồng vay tài sản (12/11/2004)
"Luật Dược cố gắng đi vào cuộc sống 90%" (11/11/2004)
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về sử dụng ngân sách (11/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang