(VietNamNet) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thế Vượng đã tỏ rõ quan điểm như vậy với VietNamNet xung quanh việc bổ sung một số quyền nhân thân vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Quốc hội dành trọn thời gian 2 ngày (từ chiều 17/11 đến hết sáng 19/11) để cho ý kiến về dự luật này.
Cần bổ sung quyền xác định lại giới tính!
Ông Trần Thế Vượng. |
- Theo ông có nên bổ sung một số
quyền nhân thân như thay đổi giới tính, quyền hiến xác, hiến các bộ phận cơ thể người... vào Bộ luật Dân sự?- Vấn đề hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác trên thực tế đã xẩy ra. Điều đang bàn ở đây là cái đó đã phổ biến chưa, đã cần đưa vào luật chưa để cơ quan y tế làm cơ sở pháp lý thực hiện? Theo tôi, những vấn đề đó cần được xem xét bổ sung trong Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, quy định như thế nào cần nghiên cứu thêm! Ví dụ, bố dành phần gan cho con, là ''hiến'' rồi! Nhưng dùng từ ''hiến'' ở đây sẽ làm hẹp đối tượng! Những người mà thân nhân không thể ''hiến'' được thì làm sao? Ngược lại, nếu ta mở rộng ra thì cần hết sức cân nhắc!
Trong thực tế (có lẽ phổ biến ở nước ngoài) có hiện tượng mua bán: Một quả thận, lá gan... bao nhiêu tiền? Nghĩa là vấn đề này, sau khi Quốc hội cho ý kiến cần nghiên cứu thêm!
- Theo ông, cụ thể cần bổ sung vào dự luật, nhưng quyền nào?
Cần bổ sung quy định về quyền hiến tặng các bộ phận cơ thể |
- Cần thiết bổ sung quyền hiến tặng các bộ phận cơ thể, hiến xác, quyền xác định lại giới tính! Dùng thuật ngữ xác định lại giới tính mới chính xác! Chứ nói thay đổi giới tính lại phức tạp ra! Đây chỉ là xác định lại giới tính với những đối tượng không hoàn chỉnh, không rõ ràng lúc mới sinh ra.
Các đại biểu và nhà khoa học cũng nêu ra trên thực tế có 2 loại: nam giới hoặc nữ giới rõ ràng. Còn đối tượng thứ ba khi sinh ra có khiếm khuyết nên giới tính không rõ ràng! Lúc đầu sinh ra tưởng là con trai, đã làm giấy khai sinh, đặt tên họ... nhưng sau này đưa trẻ lớn lên lại khác! Đây là xác định lại giới tính, chứ không phải thay đổi giới tính! Không phải như báo nào đó đăng, Quốc hội bàn Bộ luật Dân sự có cho phép hay không cho ''anh'' biến thành ''chị'' và ngược lại!
"Hụi", "họ" không giống nhau
- Dự thảo luật cũng bổ sung điều chỉnh quan hệ hụi, họ. Quan điểm của ông như thế nào?
- Hụi, họ ở mỗi nơi có màu sắc khác nhau! Ví dụ trong cơ quan nhà nước có chuyện lĩnh lương tháng trừ phần ăn uống, chi tiêu, còn lại gom cho một người. Đấy là hình thức không có lãi! Cũng có nơi hụi, họ có tính chất cho vay lãi nặng!
Rồi hụi và họ có phải là một không? Đồng chí Hà Mạnh Trí (Viện trưởng VKSNDTC) cho là hai việc khác nhau! Có ý kiến cho rằng miền Bắc gọi là họ, miền Nam gọi là hụi.
Đúng là lâu nay thực tiễn đang đặt ra điều chỉnh quan hệ hụi, họ. Nhưng thực tiễn đó cần nghiên cứu làm rõ! Để tránh tình trạng nếu không quy định rõ ràng mình lại chấp nhận cho vay lãi nặng và làm cho tình hình phức tạp thêm!
- Nhưng dự thảo coi hụi, họ là quan hệ cho vay và khống chế lãi suất không quá 50% lãi suất ngân hàng?
- Nếu đã là quan hệ cho vay thì cần gì phải đặt ra điều chỉnh quan hệ hụi họ! Vì chúng ta có điều luật về cho vay. Cá nhân cho cá nhân vay, không được phép lãi vượt quá 50% lãi ngân hàng. Giả dụ vay ngân hàng 1%, cá nhân cho cá nhân vay chỉ được đến 1,5%! Quá mức này là cho vay lãi nặng, trong Bộ luật Hình sự có tội cho vay lãi nặng.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có cái ''vênh'' như vậy!
Tài sản nào phải đăng ký còn phải bàn tiếp!
ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận):
Cá nhân tôi đồng ý đưa quyền mang thai hộ, quyền cho phôi, quyền được chết vào trong Bộ luật Dân sự. Quyền được chết đã được pháp luật một số nước phát triển công nhận, tuy chưa nhiều. Vì nhìn từ góc độ nào đó nó mang tính nhân đạo cao (sống bệnh tật rất đau đớn, muốn chết - NV), thiết nghĩ pháp luật nước ta nên nghiên cứu vấn đề này... |
- Dự thảo Bộ luật cũng bổ sung nghĩa đăng ký tài sản như nhà ở nông thôn, công trình xây dựng...? Theo ông, cần thiết quy định như vậy không và đăng ký như vậy có phát sinh thủ tục phiền hà cho người dân?
- Vấn đề đăng ký đó hết sức cần thiết! Có lẽ một trong những hạn chế trong thời gian qua chính là không có quy định đăng ký một cách đầy đủ! Chính đăng ký là biện pháp tốt nhất trong việc quản lý nhà nước. Khi xử lý tranh chấp rất rõ vì tài sản của ai, người đó đã đăng ký!
Cụ thể trình tự, thủ tục đăng ký như thế nào sẽ có một đạo luật khác quy định. Nhưng không phải vì tránh gây ra khó khăn, phiền hà mà không làm! Còn ai gây ra khó khăn phiền hà thì chúng ta phải ngăn chặn!
- Vấn đề đặt ra là cụ thể tài sản nào phải đăng ký?
- Những tài sản cụ thể nào phải đăng ký thì tôi chưa trả lời được! Nói chung nó phải là tài sản tương đối có giá trị! Còn cụ thể đến mức nào thì ta phải bàn! Ví dụ như xe đạp, tivi đăng ký có nên không? Nhưng đất đai, nhà cửa, ôtô, nhà máy, dây chuyền công nghệ... thì cần phải đăng ký!
Cần quy định quyền mang thai hộ trong Bộ luật này. Ở TP.HCM, có 2 vợ chồng gửi một người mang thai hộ, nhưng khi đẻ 1 người con trai rất kháu khỉnh, được 1 tuổi, thì họ đã khước từ và huỷ hợp đồng. Khi hoà giải không được, tranh chấp xẩy ra đến toà án thì toà án không thụ lý nói là không có luật điều chỉnh. Nếu đưa những quyền mới này vào Bộ luật Dân sự thì cần quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về đối tượng, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của một số chủ thể liên quan.
- Có 2 ý kiến khác nhau là đưa và không đưa quyền sử dụng đất vào trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Xin ông cho biết quan điểm của mình?
ĐB Nguyễn Thạc Nhượng (Bắc Ninh):
- Tờ trình của Chính phủ ra trước Quốc hội nói phần về quyền sử dụng đất đã được quy định trong Luật Đất đai. Do đó, Bộ luật Dân sự không cần quy định nữa! Vì nếu quy định nữa sẽ dẫn tới sự trùng lặp. Thậm chí sau khi sửa luật này lại phải sửa luật kia!
Uỷ ban Pháp luật cho rằng cần thiết phải đưa quyền sử dụng đất vào Bộ luật Dân sự. Bởi lẽ, quyền sử dụng đất là vấn đề rất lớn, quan trọng! Đây là những giao dịch dân sự diễn ra hàng ngày, hàng giờ đối với mọi người. Bộ luật Dân sự cần quy định tất cả những vấn đề dân sự, còn các luật khác sẽ quy định khác, như về quản lý nhà nước...
Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cùng một vấn đề luật có quy định khác nhau thì luật ban hành sau có hiệu lực hơn văn bản trước. Khi sửa Luật Đất đai mà chưa kịp sửa Bộ luật Dân sự thì ta áp dụng quy định này.
Hai nữa, ngay trong dự thảo Bộ luật Dân sự này có cái ''vênh''. Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lại dành 42 điều khá cụ thể quy định. Trong khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng có luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Như vậy khó lý giải tại sao vấn đề đất đai dành hoàn toàn cho Luật Đất đai?
-
Văn Tiến
thực hiện