(VietNamNet) - ''Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) còn nhiều điểm thiếu minh bạch rõ ràng, dẫn đến lợi cho cơ quan công quyền, khó khăn, thiệt hại cho người dân''. Đây là ý kiến của ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp), tại buổi thảo luận về dự thảo Bộ luật này tại Quốc hội sáng 19/11.
|
ĐB Quốc hội đóng góp ý kiến. |
Làm luật không thể ''dễ làm, khó bỏ''!
Ông Nhơn và nhiều đại biểu khác không đồng tình bỏ chủ thể hộ gia đình ra khỏi Bộ luật Dân sự với lý do: "Gia đình là chủ thể tham gia vào rất nhiều các giao dịch dân sự như đất đai, trả tiền điện, nước... Vấn đề đặt ra là phải xác định cho được người đại diện của hộ gia đình, chứ không thể ''dễ làm, khó bỏ'', không đưa vào luật''.
Vấn đề đất đai, nếu Bộ luật Dân sự không điều chỉnh, theo ông Nhơn, là trả hết ''vai trò lịch sử'' của toà án. Giao dịch dân sự về đất đai có tính chất thoả thuận, bình đẳng lại giao cho cơ quan quản lý hành chính. Điều này cũng dẫn đến sự tuỳ tiện cho cơ quan hành chính, toà án trong việc viện dẫn điều luật theo hướng có lợi cho cơ quan công quyền, cho một bên đương sự nào đó, mà khó khăn, thiệt hại người dân phải gánh chịu.
Rao ''kết quả đây'' cũng sẽ được luật điều chỉnh?
''Đặt hàng'' các nhà làm luật, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đưa ra một thực tế: ''Cá độ đua ngựa, đua chó, lô đề phổ biến lâu nay, thậm chí rao bán ''kết quả đây'' (xổ số)... luật có điều chỉnh không? Đây chính là những giao dịch dân sự rất gần gũi với cuộc sống của người dân''.
ĐB Trần Mạnh Đĩnh (Nam Định) bổ sung: ''Bóng đá có thưởng, vui chơi có thưởng trên truyền hình hàng ngày, hàng giờ nhưng khi xẩy ra tranh chấp xử lý như thế nào?''.
Trước đó, ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) cũng đã kiến nghị bổ sung vào dự luật một số quyền trong lĩnh vực vui chơi, giải trí có thưởng như những trò chơi dân gian, dân dã rất đơn giản, thuần tuý vui chơi giải trí mà không có mục đích cờ bạc. Ví dụ như trò chơi chọi gà hay cờ người... diễn ra trong các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng.
ĐB Bùi Văn Phong (Hoà Bình) lập luận: ''Giá trị tinh thần như danh dự, nhân phẩm, uy tín là vô giá''. Nhưng dự luật quy định bồi thường tối đa 10 tháng lương (tối thiểu), tương đương 2,9 triệu đồng.
Ông kiến nghị: ''Quy định bồi thường tối đa không hợp lý mà cần quy định ở mức tối thiểu là bao nhiêu, còn tối đa là tuỳ đương sự người ta thoả thuận''. Còn theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), cần quy định mức cụ thể đền bù bồi thường bằng vật chất nhưng lớn hơn mức trong dự thảo.
Bổ sung quyền cho trứng, tinh trùng?
Chưa thấy đầy đủ nếu chỉ bổ sung quyền mang thai hộ vào dự luật, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) muốn mở rộng ra các quyền cho trứng, cho tinh trùng, cho phôi. Theo ông, sự thừa nhận về mặt pháp lý sẽ tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho những người vợ hoặc chồng, hoặc cả 2 không có khả năng sinh nở, cho cơ sở y tế thực hiện và cho toà án giải quyết khi xẩy ra tranh chấp.
51 đại biểu Quốc hội đăng ký đều đã bày tỏ hết ý kiến trong thời gian trọn 2 ngày thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết, hiện tại đang cân nhắc đưa dự án luật này ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Chiều 19/11 và sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi).
|