221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
546375
Ra vào cảng biển tốn nhiều tiền quá!
1
Article
null
Ra vào cảng biển tốn nhiều tiền quá!
,

(VietNamNet) - Một số ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) chiều 19/11 tại Quốc hội cho rằng, thủ tục ra vào cảng biển phải qua quá nhiều ''cửa'', gây phiền hà cho DN, mất nhiều thời gian và tiền bạc.

DN vẫn kêu nhiều về thủ tục hành chính và chi phí ra vào cảng.

15 người kiểm tra... 9 người!

Có lẽ vì làm trong ngành than liên quan nhiều đến vận tải biển, ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) luôn đưa ra những vấn đề rất bức xúc. Ông cho rằng, việc đầu tư cảng biển như dự luật thiếu 3 vấn đề. Thứ nhất, dự luật điều chỉnh cảng gắn với đất liền, vậy những cảng nổi thì sao? Theo ông, miền Bắc, miền Trung rất cần một cảng nổi để giải toả cho các cảng đất liền năng suất thấp, tàu lớn không vào được.

Thứ hai, dự luật quy định Nhà nước đầu tư cảng trọng điểm quốc gia và cảng ở tỉnh. Như vậy chưa phát động được các thành phần kinh tế bỏ tiến ra đầu tư làm cảng biển. Cảng biển và đội tàu chủ yếu vẫn thuộc về các DN nhà nước. ''Bây giờ lấy đâu ra 60.000 tỷ đồng để đầu tư cảng biển như quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải?'', ông chất vấn.

Thứ ba, ĐB Hoàng Thanh Phú đề cập đến vấn đề rất bức xúc lâu nay của DN là thủ tục ra vào cảng phiền hà, mất nhiều thời gian và tiền bạc. ''Tàu ra vào cảng phải qua quá nhiều cửa, từ bộ đội biên phòng, kiểm tra liên ngành, hoa tiêu, đến cảng vụ... Cái này tốn tiền lắm! Điều này cũng làm chúng ta thua thiệt so với thế giới'', ông nói.

Hưởng ứng ý kiến của ĐB Phú, ĐB Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) dẫn chứng : có một lần đi nước ngoài về Việt Nam bằng tàu biển, tất cả thuyền bộ chỉ có 9 người, trong khi có đến 15 người xuống kiểm tra. ''Ở nước ngoài, việc điều khiển các tàu ra vào được thực hiện qua vệ tinh rất thuận tiện'', ông nói.

''Những quy định về cảng biển trong dự thảo Bộ luật còn mang nặng tính quan liêu, bao cấp của nhà nước. Xây dựng cảng biển, nhà nước bỏ tiền hết! Như vậy, sẽ không còn tính khai thác cạnh tranh!''. ĐB Sửu cũng tỏ ra bức xúc. Theo ông, không thể như hiện nay, Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cảng biển, sau đó giao cho DN nhà nước quản lý hiệu quả không cao. Trong khi  có thể đấu thầu cho tổ chức thuê cảng biển, kể cả tổ chức nước ngoài, để khai thác, kinh doanh có hiệu quả hơn!

Còn phân biệt đối xử giữa tàu Việt Nam và tàu nước ngoài!

Dự luật quy định tàu biển nước ngoài nếu hoạt động trên tuyến nội địa phải được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho phép. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra không đồng tình. ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) nêu lý do: ''Cơ chế thị trường phải chấp nhận cạnh tranh, đội tàu trong nước mới phát triển và chất lượng phục vụ sẽ tốt lên. Nếu tàu nước ngoài trả hàng ở nhiều cảng có cần phải xin phép? Nếu để tàu nước ngoài nhận hàng, trả hàng rõ xa thì làm sao tạo ra thủ tục hành chính dễ dàng''.

Cũng theo ĐB Lợi, trong dự luật có quá nhiều điều khoản quy định dành cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định. Điều này làm giảm hiệu lực thi hành khi Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) có hiệu lực. ĐB Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh) thì cho rằng, việc bắt giữ tàu biển rất nhạy cảm, đụng chạm đến những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết, cần quy định ngay vào trong dự thảo Bộ luật không nên đợi UBTVQH thông qua Pháp lệnh về bắt giữ tàu biển.

Vấn đề tàu biển mang cờ Việt Nam, trong dự thảo dường như không đề cập đến vấn đề sở hữu. Ngay cả tàu biển nước ngoài nếu đăng ký ở Việt Nam cũng được mang quốc kỳ Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đưa ra căn cứ: ''Trong Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 có quy định, xác định quốc tịch của tàu phải tính đến yếu tố sở hữu của quốc gia đó''.

Đợi ký hợp đồng cứu hộ thì... chết dân!

ĐB Trần Quang Khuê (Khánh Hoà) băn khoăn: Không nên để độc quyền trong hoa tiêu hàng hải. Còn theo ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên), hoa tiêu ''thu nhập hiện nay không phải là ít''. Nhưng hoa tiêu là làm dịch vụ, nhưng hiện nay vẫn thuộc quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) cho rằng, hoa tiêu thu nhập cao chỉ ở một số cảng có tàu ra vào nhiều, còn ở cảng 1 tháng vài lần tàu ra vào thì vẫn cần sự hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, theo ĐB Phú, cần quy định trách nhiệm của hoa tiêu khi xẩy ra va chạm, chứ không phải quy trách nhiệm cho chủ tàu, vì hoa tiêu là người ''dẫn đường đưa lối''.

ĐB Phan Trung Lý không đồng tình khi dự luật giới hạn trách nhiệm của chủ tàu và người vận chuyển. Điều này mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ vào lỗi, lỗi đến đâu phải bồi thường đến đó. Ông đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho hành khách và người thuê vận chuyển. 

ĐB Hoàng Thanh Phú phát hiện ra trong dự luật quy định việc cứu hộ hàng hải phải ký hợp đồng trước. Theo ông, quy định như thế là cứng nhắc, vì khi có tàu gọi cứu hộ thì cứu hộ phải khẩn trương làm ngay, không thể đợi có hợp đồng mới cứu hộ. ''Vừa qua, tai nạn tàu cá ở Quảng Nam yêu cầu cứu hộ, nếu đợi ký hợp đồng thì chết dân'', ông lớn tiếng.

Cuối chiều 19/11, không có đại biểu nào đăng ký đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi). Việc góp ý kiến cho dự luật này được rút ngắn nửa ngày (chương trình dự kiến thời gian bằng 1 ngày) nên sáng ngày mai (Thứ bảy) Quốc hội nghỉ. Quốc hội sẽ làm việc trở lại vào Thứ hai tuần tới (22/11).

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,