(VietNamNet) - Nên có điều quy định về quân đội làm kinh tế, nhưng cần bảo đảm yêu cầu chặt chẽ. Đây là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội khi thảo luận dự án Luật Quốc phòng sáng 22/11.
Có quy định thì mới ''chính danh''!
Theo ĐB Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu), dự thảo Luật Quốc phòng không thấy có điều khoản cụ thể quy định vấn đề quốc phòng làm kinh tế: ''Không đưa vào thì các đồng chí quân đội làm kinh tế không yên tâm vì phải ''chính danh''. Nhưng quân đội làm kinh tế có phạm vi nhất định!''.
ĐB Nguyễn Nhiễm (Bình Phước) đồng tình: ''Nên có điều quy định về quân đội làm kinh tế, nhưng cần bảo đảm yêu cầu chặt chẽ, không để mặt trái của cơ chế thị trường làm ảnh hưởng đến sức chiến đấu của quân đội''.
Để làm cơ sở quy định quốc phòng làm kinh tế, ĐB Trần Xuân Hải (Gia Lai) đề nghị: ''Chính phủ cần báo cáo, quốc phòng thời gian qua đã làm kinh tế như thế nào, hiệu quả ra sao?''.
Quân đội chủ trì khắc phục thiên tai, dịch hoạ?
ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, không nên đưa tình trạng thảm hoạ do thiên tai, dịch hoạ (cháy rừng, bão lụt, dịch bệnh...) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quốc phòng vì đây là ''hoạt động dân sự''. Do đó, vai trò chủ trì khi xẩy ra cháy rừng, bão lụt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch bệnh là Bộ Y tế.
''Đưa vào chưa rõ, chưa thuyết phục nhưng không đưa vào không được! Phải đưa vào luật nhưng nói rõ cấp độ nào cần lực lượng quốc phòng tham gia'', ĐB Trần Xuân Hải, lớn tiếng.
Theo ông, tình huống khó khăn, nguy hiểm như vậy, quân đội tham gia mới có đủ sức, đủ lực để khắc phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cũng tán thành điều này.
ĐB Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì quan tâm đến chuyện: ''Quốc phòng cần phối hợp với địa phương quản lý chặt chẽ đất đai quân sự, tránh tình trạng hết sức tuỳ tiện một số đơn vị cấp đất, cho thuê đất''.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Quốc phòng.
- Văn Tiến