221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
547820
Học nghề cũng có thể lên... tiến sỹ!
1
Article
null
Học nghề cũng có thể lên... tiến sỹ!
,

(VietNamNet) - Bằng chế độ tín chỉ và chương trình thiết kế liên thông giữa các bậc học, người học nghề cũng có cơ hội học lên... tiến sỹ. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đình Hương đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội.

Người học thấy rằng trước sau cũng đạt được mục tiêu của mình thì thi cử sẽ nhẹ nhàng đi!

Quốc hội hôm nay sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về giáo dục sau giám sát tại kỳ họp về vấn đề này. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ trình dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trường đại học được đào tạo cao đẳng, dạy nghề!

- Theo ông, sửa đổi Luật Giáo dục cần có điểm gì đột phá để đáp ứng yêu cầu chấn hưng giáo dục?

- Thứ nhất, xây dựng mô hình các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Làm sao từng cơ sở giáo dục đào tạo có thể phát triển nhiều chương trình, tạo ra hệ thống đào tạo liên thông! Thí dụ, đại học có thể phát triển cả chương trình cao đẳng, dạy nghề, hoặc các trình độ khác nhau như đào tạo thường xuyên...

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bằng cách thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, kết hợp giảng dạy, nghiên cứu và áp dụng khoa học. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học để giảng dạy gắn với thực hành, gắn với DN, thực tiễn cuộc sống. Giảm áp lực học bằng cách bỏ những môn không cần thiết, chương trình trùng lắp từ vỡ lòng cho đến đại học.

Luật cũng cần cụ thể hoá Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục, khuyến khích mở rộng quan hệ hợp tác với nước. Các trường đại học có thể đào tạo liên thông với khu vực và quốc tế bằng chương trình. Mở rộng để cá nhân tổ chức nước ngoài đầu tư vào giáo dục, đào tạo ở nước ta để giảm khoảng cách giữa ta và các nước. Không phải xuất khẩu lao động phổ thông, mà lao động có trình độ như đại học, cao đẳng, kể cả chuyên gia cao cấp...

Chế độ tín chỉ bắt buộc?

- Nhưng làm thế nào để bảo đảm liên thông?

- Đưa vào luật phương thức để người học có điều kiện và cơ hội học trình độ cao nhưng không nhất thiết cùng một lúc. Tạo cơ hội cho người học bằng chế độ tín chỉ, tích luỹ hết tín chỉ thì đạt. Người học tín chỉ có thể đi làm, sau này có điều kiện quay lại học.

Cần mở các hình thức đào tạo từ xa, đào tạo nghề một cách liên thông. Học nghề cũng có thể học cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ... Người học thấy rằng trước sau cũng đạt được mục tiêu của mình thì thi cử sẽ nhẹ nhàng đi. Điều này cần phải thiết kế một chương trình học hết sức khoa học, liên thông được các trình độ, tiếp cận mềm dẻo giữa học chính quy với hệ từ xa!

- Theo ông, tuyển sinh đại học cần cải tiến để vừa giảm gánh nặng thi cử, vừa đánh giá được chất lượng, hướng nghiệp cho học sinh?

- Không nên chú trọng quá vào thi cử mà nên đánh giá cả một quá trình học tập! Các nước hiện nay cải tiến rất nhiều! Quan trọng là phải đánh giá thực chất của học sinh khi học xong chương trình. Họ đánh giá qua 3 nội dung: thời gian lên lớp của học sinh, kết quả bài tập kiểm tra hàng ngày và bài thi có tính chất tổng quát.

Từng trường đại học có yêu cầu tuyển sinh riêng, nên học sinh tự lượng sức mình nên thi vào trường nào! Một số nước, trường ''high school'' (tương đương PTTH ở ta) có phân ban dự bị đại học, nên học đại học chỉ mất 3 năm. Nếu ta làm được như vậy học sinh lựa chọn rất đơn giản!

- Có đại biểu Quốc hội phản ánh cái xấu của xã hội đang len lỏi vào giáo dục như ''học giả bằng thật''. Làm thế nào để khắc phục thưa ông?

- Nguyên nhân là tuyển dụng, sử dụng của ta nặng về bằng cấp. Trên báo tuyển dụng lúc nào cũng yêu cầu tốt nghiệp chính quy trường công lập mà chưa hỏi năng lực của người ta!

Dần dần ta sẽ có hệ thống đánh giá, xếp hạng các trường. Tốt nghiệp trường được đánh giá cao thì người tuyển dụng yên tâm. Còn cơ sở giáo dục phải cố gắng xây dựng danh hiệu cho bản thân trường, cho người học, việc ''chạy chọt'' vì thế sẽ giảm đi.

Ngoài học phí, sẽ không còn khoản thu nào khác?

- Có hợp lý hay không khi ngân sách và các nguồn đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng nhưng Bộ Giáo dục vẫn đề xuất tăng học phí?

- Quốc hội phân bổ ngân sách cho giáo dục năm 2005 là 18%, và phấn đấu đến năm 2010 đạt 20%. Trong dự thảo Nghị quyết về giáo dục Quốc hội đề ra mục tiêu về đích sớm hơn 2 - 3 năm, nghĩa là đến năm 2007 có thể tăng ngân sách giáo dục đạt đến 20%. Cố gắng như vậy nhưng chưa tương xứng với quy mô giáo dục!

Tinh thần của Chính phủ thấy rằng cần tính đúng, tính đủ học phí, nhưng phải phù hợp với thực tiễn. Phải có lộ trình phù hợp với người dân theo từng vùng, từng đối tượng. Hiện nay có nhiều khoản đóng góp không kiểm soát được, không có quy định cụ thể, thành ra tiền đóng góp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả. Tới đây sẽ tập trung thu mỗi khoản học phí.

- Cần có quy định gì để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục?

- Ngoài trường công lập còn có bán công, tư thục, dân lập. Trước hết, các trường ngoài công lập cần bảo đảm số lượng giáo viên của mình chứ không phải chủ yếu thỉnh giảng. Thứ hai, cơ sở vật chất của trường dân lập cũng phải bảo đảm, ngoài đóng góp của cá nhân tổ chức, Nhà nước và địa phương cần hỗ trợ. Phải làm thế nào để các trường ngoài công lập không phải môi trường kinh doanh mà là nơi đào tạo nguồn nhân lực.

  • Văn Tiến
    thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,