(VietNamNet) - Đây là kiến nghị của đa số thành viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, được thể hiện qua Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Chủ nhiệm Trần Thị Tâm Đan trình bày trước QH chiều 25/11.
"Những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục trình QH lần này tuy đã đề cập đến một số vấn đề cần thiết như bỏ kỳ thi tiểu học; trách nhiệm, quyền hạn của người dạy và người học; nguồn lực phát triển giáo dục; phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục... song mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung mang tính nguyên tắc, thiếu những chính sách cụ thể".
Đây là nhận định có tính chất tổng quát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH trong Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi mà Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Minh Hiển vừa trình QH chiều nay.
Cần xác định một ngoại ngữ chính thức sau Tiếng Việt
"Hầu hết các nước trên thế giới đều xác định một ngoại ngữ chính thức trong nhà trường sau tiếng mẹ đẻ" - bà Đan nhận xét trước khi đưa ra so sánh: Ở ta, việc học ngoại ngữ hiện hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực do chưa có quy định thống nhất mà còn do các trường tự quyết định tuỳ theo khả năng và điều kiện của nhà trường cùng nhu cầu riêng của học sinh.
Đặt mối lo này trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, bà Đan đề nghị: "Trong nội dung sửa đổi Luật Giáo dục lần này, cần xác định một ngoại ngữ chính thức sau tiếng Việt dạy trong nhà trường, có thể từ lớp 3 của bậc Tiểu học xuyên suốt các cấp học, bậc học quy định trong Luật hoặc Nghị định của Chính phủ. Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện, khuyến khích nhà trường, xã hội tổ chức dạy và học các ngoại ngữ khác để đáp ứng yêu cầu công việc sau này cũng như nhu cầu cuộc sống của người học".
Liên quan đến vấn đề này, Uỷ ban của bà tán thành khoản 3, điều 5 được bổ sung trong Dự Luật về "nhà trường và cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân được dùng tiếng nước ngoài để giảng dạy, học tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT", đồng thời đề nghị thêm: "Cần quy định về mặt nguyên tắc trường hợp nào thì học bằng tiếng nước ngoài và nghiên cứu để quy định việc học song ngữ trong các nhà trường. Vì hiện tại, một số trường ở các cấp, bậc học đang triển khai vấn đề này".
Phát triển trường nghề để "phân luồng"
Đề xuất này của Uỷ ban không nằm ngoài mục đích tháo gỡ vướng mắc hiện nay về phân luồng sau THCS và liên thông trong hệ thống giáo dục.
Theo bà Trần Thị Tâm Đan, việc phân luồng học sinh sau THCS xuất phát từ yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước nên "phải giảm đào tạo hàn lâm, tăng đào tạo nhân lực kỹ thuật ở các trình độ từ thấp đến cao mà nhiều nước, ngay cả các nước phát triển, đã thực hiện".
Bà Đan coi đây là hướng đi lâu dài và yêu cầu dự thảo Luật "cần phải quy định thật cụ thể để sau khi ban hành, Luật tạo ra được sự hưởng ứng của nhân dân cũng như quyết tâm thực thi của các cấp chính quyền".
Liên quan đến giải pháp "phân luồng" trong giáo dục, bà đề nghị: "Phải thay đổi chính sách phát triển giáo dục theo hướng tập trung phát triển các trường THCN, dạy nghề dài hạn, tương đương với hệ thống THPT để trong tương lai, thu hút khoảng 40 - 50% học sinh tốt nghiệp THCS đi vào các loại trường này". Bởi theo bà, "nếu thực hiện được những chính sách này sẽ đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực về công nhân kỹ thuật, nhất là công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, đồng thời, sẽ giảm được áp lực tất cả học sinh THCS và THPT đều dồn vào một con đường là học lên ĐH".
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS ngay trong Luật Giáo dục sửa đổi?
Đây là giả thiết mà đa số thành viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH đặt ra trong báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Bà Trần Thị Tâm Đan cho biết, trong Uỷ ban của bà đang có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS sau khi đã hoàn thành phổ cập THCS trong cả nước vào 2010; loại ý kiến thứ hai thì đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS ngay trong sửa đổi Luật lần này.
Cũng theo bà Đan, đa số thành viên của Uỷ ban tán thành với ý kiến thứ hai với lý do: Hiện ở cấp THCS đang tồn tại 2 kỳ thi, đó là thi tốt nghiệp và thi tuyển vào THPT. Trong khi đó, cấp THPT lại không tiếp nhận tất cả HS tốt nghiệp THCS vào học. "Do vậy, cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS và giữ kỳ thi tuyển vào THPT để việc tuyển sinh đảm bảo tính khách quan và công bằng" - bà kết luận.
|