221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
554056
2005: Năm chống lãng phí và tiết kiệm của TP.HCM
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
2005: Năm chống lãng phí và tiết kiệm của TP.HCM
,

(VietNamNet) - Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa VII (ngày 10/12), CT HĐND TP Phạm Phương Thảo khẳng định, năm 2005 được TP.HCM chọn là năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Trong phiên bế mạc, HĐND TP đã thông qua 3 nghị quyết: nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2005, nghị quyết về ngân sách và nghị quyết về giám sát của HĐND. Trong đó, nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2005 khẳng định một số nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2005, như: mức tăng trưởng GDP từ 12% trở lên, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 17%, tổng vốn đậu tư phát triển đạt trên 53.000 tỷ đồng,  giải quyết việc làm cho 230.000 lao động, trong đó có 90.000 việc làm mới, giảm tỷ lệ người thất nghiệp xuống còn 6%.

Xử lý kiên quyết trường hợp lợi dụng tái định cư o ép dân

Các đại biểu HĐND biểu quyết thông qua các nghị quyết mới.

Theo CT HĐND TP, trong năm 2005 cần phấn đấu đạt về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa hàm lượng khoa học công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tập trung phát triển dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý đô thị và cải cách hành chính.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải đã thẳng thắn nhìn nhận: Hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã phải di dời nơi mà mình an cư, lạc nghiệp bao đời nay vì sự phát triển đi lên của thành phố. Trong việc di dời, thu hồi đất, vấn đề cốt lõi là tái định cư. Thế nhưng, các cấp chính quyền mà trách nhiệm chủ yếu chính là UBNDTP chưa lo tốt nhà tái định cư cho số đồng bào đã phải hy sinh thực hiện di dời, giải tỏa.

Ông Hải nói: “UBNDTP đã ban hành chỉ thị xây dựng 30.000 căn hộ chung cư dành cho tái định cư với cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia chương trình, chủ trương là hỗ trợ với tinh thần không vụ lợi. Tuy nhiên, tôi xin nói rõ: Thành phố không cho phép bất cứ ai lợi dụng chủ trương này để trục lợi bất chính. Tất nhiên, doanh nghiệp khi làm ăn phải có lợi nhuận, nhưng không chấp nhận giảm chất lượng công trình, thất thoát trong xây dựng cơ bản. TP sẽ kiên quyết xử lý những sai phạm, thậm chí xem xét, đưa ra truy tố như trường hợp một công ty ở Bình Thạnh lợi dụng chính sách tái định cư để o ép người dân!”.

Hạn di dời cho các DN lùi đến… 2006 (!)

Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói: Lúc đầu, TP thống kê chỉ có 260 DN phải di dời và gia hạn tới tháng 10-2004 phải hoàn thành. Nhưng khi các quận, huyện rà soát lại thì danh sách đã lên tới 1.200 đơn vị. Sau 18 tháng thực hiện, đến nay đã có 484 xí nghiệp di dời vào các khu công nghiệp, trong đó có 444 DN của TP.

Ông hứa với các ĐB: “Sang năm 2005, các doanh nghiệp của TP phấn đấu hoàn thành công việc này và hạn chót là giữa năm 2006 cho DN Trung ương! “.

Ông giải thích cho việc gia hạn: “TP rất muốn di dời nhanh chóng để dân đỡ khổ, nhưng các xí nghiệp trung ương lại đủng đỉnh vì được bộ chủ quản cho phép hạn chót di dời tới cuối năm 2007!”

ĐB Trương Trọng Nghĩa khẳng định: Việc tăng nhanh vốn đầu tư và số lượng dự án qua từng năm (từ 2.000 tỷ đồng năm 2002 đã tăng vọt lên trên 10.000 tỷ đồng năm 2004, chiếm trên 65% tổng chi ngân sách TP) có dấu hiệu cho thấy đã vượt quá năng lực quản lý, kiểm soát của cấp sở và quận, huyện.

Về việc hạn chế thất thoát và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, ông Nghĩa cho rằng: “Khi UBNDTP lập kế hoạch, dự toán hàng năm thì cần có sự tham gia của các ban HĐND TP; huy động vốn cần gắn với các danh mục đầu tư cụ thể. Các ban HĐNDTP cùng các ngành chức năng tham gia chủ trương đầu tư, nhất là các dự án lớn. Đề nghị UBNDTP lập danh mục đầu tư cho cả giai đoạn 2006 - 2010, đặc biệt phải đánh giá đúng thực chất, thực trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản”.

ĐB Lê Nguyễn Minh Quang còn đề nghị: Để chống thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản do khâu quy hoạch yếu, cần thực hiện thí điểm cơ chế thuê tổng công trình sư hoặc giám đốc dự án bằng cách đấu thầu và trả lương xứng đáng. Bên cạnh đó, nên thí điểm thuê giám sát nước ngoài kết hợp lực lượng xung kích tình nguyện của tổ chức Đoàn TNCSHCM. Lực lượng giám sát này chịu trách nhiệm báo cáo với cấp trên của ban quản lý dự án.

Trước khi đưa ra giải pháp trên, Quang khẳng định, chuyện trúng thầu được giá thầu quá thấp chỉ là một mánh lới!

Ông lý giải: Vì hạ giá tối đa để thắng thầu, nên sau khi trúng thầu, đơn vị thi công chuyển nhượng lại, giao thầu phụ hoặc xoay xở thay đổi thiết kế, thậm chí là bớt xén công đoạn, vật tư. Còn giám sát thì… đủ thứ chuyện, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư kiêm luôn… giám sát!

“Một số giám đốc sở chưa quán xuyến hết công việc!”

Trước đó, tại buổi chất vấn, có khá nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn. ĐB Nguyễn Văn Quang cho rằng: “Thành phố cần tiếp tục cải tiến hơn nữa lề lối làm việc, hướng mạnh về cơ sở, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm. Chủ trương phân cấp là đúng, nhưng cần tăng cường kiểm tra không khoán trắng cho cơ sở. Trong giải trình vừa qua, tôi cảm nhận một số giám đốc sở chưa quán xuyến hết công việc, chưa trực tiếp tham gia chỉ đạo điều hành kiểm tra, còn khoán trắng cho cấp dưới. Phải chăng đó là biểu hiện của sự chủ quan?”.

Đề cập đến nạn quy hoạch “treo”, ĐB Dương Văn Nhân băn khoăn: “Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc chậm công khai quy hoạch, đơn giá đền bù, chậm thực hiện dự án khiến người dân không yên tâm sản xuất hay chuyển đổi nghề nghiệp? Liệu sắp tới khi công bố quy hoạch, có thể công bố luôn thời gian thực hiện và ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư: sau 1 năm chưa triển khai dự án phải tiến hành định giá lại cho phù hợp giá thị trường hay chi trả tiền đền bù cộng với lãi suất vay ngân hàng? Khi ban hành bảng giá đất mới theo Nghị định 181, liệu sẽ khắc phục tình trạng 2 dự án kề cận nhau mà giá cả lại khác nhau? “. 

  • Phạm Cường

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,