221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
553416
Chưa đi "một cửa"? Sẽ kiểm điểm lãnh đạo địa phương!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Chưa đi 'một cửa'? Sẽ kiểm điểm lãnh đạo địa phương!
,

(VietNamNet) - ''Đối với địa phương chưa thực hiện ''một cửa'', hoặc thực hiện có tính chất đối phó, cần kiểm điểm vai trò của lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu UBND địa phương''.

Soạn: AM 216492 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Niêm yết các biểu mẫu tại một phòng công chứng ở TP.HCM.

Đây là một trong những biện pháp mạnh mà Bộ Nội vụ kiến nghị với Thủ tướng nhân sơ kết lại một năm thực hiện cơ chế ''một cửa''.

Chỉ đi ''một cửa'' 2-3 ngày/tuần...

Từ ngày 1/1/2004, theo Quyết định 181/TTg của Thủ tướng, tất cả các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện phải khẩn trương thực hiện cơ chế ''một cửa'' trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Tuy nhiên, thực tế năm qua đã không đạt được yêu cầu đề ra. Hiện còn một tỉnh chưa triển khai: Lai Châu. Một số tỉnh chưa triển khai ở sở nào là Tuyên Quang, Nam Định, Lào Cai, Hà Nam, Điện Biên, Đắk Nông.

Tính đến tháng 11/2004, đã có 63/64 tỉnh, thành phố thực hiện cơ chế một cửa theo Quyết định 181/2003 của Thủ tướng. Ở cấp tỉnh, có 193/256 Sở bắt buộc phải thực hiện trước, bằng 75,39% (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội). Các sở khác thuộc diện mở rộng áp dụng: 474/1215 Sở đã thực hiện, tương đương 39%. Có 574/659 cấp huyện (đạt 87,1%) và 1516/10750 cấp xã (đạt 11,97%) đã thực hiện ''một cửa''.

(Nguồn: Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ)

Một số sở ngành triển khai cơ chế này, qua kiểm tra vẫn còn rất hình thức, không đúng theo quy chế một cửa, như ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc... Trong khi đó, cán bộ công chức chỉ làm việc 2-3 ngày trong tuần, những ngày còn lại người dân phải tiếp xúc với phòng chuyên môn.

"Một cửa" nhưng không công khai thủ tục!?

Thực hiện ''một cửa'', ngay như tại Hà Nội đã có phản ánh cùng một công việc giải quyết cho dân, nơi thì bảy thủ tục, nơi đến... 20 thủ tục. Điều này xuất phát từ các thủ tục tại "một cửa" không được công khai hoá. Ví dụ, nếu đã mang theo hộ khẩu, chứng minh thư gốc thì chỉ cần bản photo không công chứng. Nhưng cán bộ ở ''một cửa'' vẫn yêu cầu phải công chứng. Bên cạnh đó, thủ tục nhiêu khê còn do việc rà soát để bãi bỏ các thủ tục bất hợp lý, không cần thiết vẫn chưa được thực hiện triệt để.

''Chỉ đạo, điều hành của một số tỉnh, thành phố còn chưa mạnh và thiếu kiên quyết, có tỉnh còn thiếu nghiêm túc! Nhiều nơi thủ tục hành chính, phí, lệ phí chưa được công khai rõ ràng, còn thiếu nhiều thủ tục hành chính cần công công khai cho dân và tổ chức biết khi đến liên hệ công tác.''  - Bộ Nội vụ cũng đã nêu ra yếu kém này trong báo cáo lên Thủ tướng sơ kết một năm thực hiện cơ chế ''một cửa''.

Bộ Nội vụ cũng quy định thêm: ''Sự chỉ đạo vẫn là yếu tố quan trọng trong triển khai! Nơi nào lãnh đạo quan tâm và nghiêm túc thực hiện Quyết định 181 của Thủ tướng xác định cải cách các thủ tục hành chính trong quan hệ giải quyết công việc với dân là một yêu cầu bức xúc thì nơi đó chỉ đạo và thực hiện tốt (như ở TP.HCM, Đà Nẵng...)''.

Thực hiện ''một cửa'' chưa đạt yêu cầu đề ra còn do trình độ cán bộ, công chức làm việc tại một cửa còn nhiều bất cập, cả hiểu biết về thủ tục, kỹ năng hành chính cũng như cách tiếp cận để giải quyết công việc với dân. Kinh phí hoạt động cho một cửa chưa được bố trí thoả đáng. Nhiều nơi thiếu phòng làm việc, trang thiết bị như máy tính, điện thoại, máy fax, photocopy, thậm chí thiếu bàn ghế, nơi ngồi chờ của công dân và tổ chức.

Huỷ bỏ thủ tục không phù hợp: Bao giờ mới báo cáo?

Cải cách hành chính là một lĩnh vực khó, do đó phải đồng bộ cả hệ thống chính trị ở địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ cấp uỷ đến chính quyền phải có quyết tâm mới đạt được kết quả mong muốn. Vì thực sự đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt với sự bảo thủ, trì trệ để đi đến một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh và từng bước hiện đại.

(Trích Báo cáo sơ kết một năm thực hiện cơ chế ''một cửa'')

Kiểm tra mới đây của Ban chỉ đạo cải cách hành chính ở 15 bộ, ngành trung ương và 35 tỉnh, thành phố đã chỉ rõ một số thiếu sót, tồn tại làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của cải cách hành chính. Công tác xây dựng thể chế của các Bộ, ngành để cụ thể hoá các luật, pháp lệnh còn chậm: Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ 1/7/2004 nhưng các nghị định hướng dẫn đến tháng 11 mới ban hành. Trong khi đó, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng vẫn chưa được ban hành.

''Các bộ, ngành chưa có những đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng để sửa đổi, huỷ bỏ các thủ tục hành chính đã không còn phù hợp. Các kiến nghị, đề xuất mới chỉ dừng lại ở báo cáo, ý tưởng, chưa chuyển thành tờ trình của Chính phủ, Thủ tướng để xem xét, xử lý" - Ban chỉ đạo nhìn nhận.

Kiểm điểm vai trò của lãnh đạo địa phương

Báo cáo đánh giá một năm thực hiện ''một cửa'', Bộ Nội vụ đã kiến nghị Thủ tướng: ''Kịp thời khen thưởng các tỉnh, thành phố làm tốt! Đối với địa phương chưa thực hiện, hoặc thực hiện có tính chất đối phó, cần kiểm điểm vai trò của lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu UBND địa phương''.

Cần công khai thủ tục cho người dân tại các nơi thực hiện "một cửa".

Tạo điều kiện tốt thực hiện tốt cơ chế ''một cửa'' ở các cấp, các Bộ, ngành trung ương cần nhanh chóng triển khai công tác phân cấp cho địa phương theo Nghị quyết 08/CP. Trên cơ sở đó, xác định rõ vai trò trách nhiệm của UBND các cấp và người đứng đầu chính quyền trong chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính.

Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ Tài chính khẳng định rõ với các cấp chính quyền về trách nhiệm chỉ đạo lập dự toán ngân sách cho công tác cải cách hành chính để đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động cải cách hành chính cũng như tính bền vững của cơ chế ''một cửa''.

Giải pháp nữa: Các tỉnh, thành phố cần đưa nội dung cải cách hành chính nhà nước vào chương trình tập huấn cán bộ, công chức hàng năm, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức hiểu biết sâu sắc về công tác cải cách hành chính, trên cơ sở đó làm tốt nhiệm vụ được giao, có đủ kiến thức vận động nhân dân thực hiện công cuộc cải cách hành chính.

Dự kiến những giải pháp này sẽ được Thủ tướng xem xét và cụ thể hoá bằng việc ban hành chỉ thị để đẩy mạnh thực hiện cơ chế ''một cửa'' trong thời gian tới.

  • Văn Tiến

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,