221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
562022
"Cán bộ vô trách nhiệm, phải gạt ngay khỏi bộ máy!"
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Thủ tướng Phan Văn Khải:
'Cán bộ vô trách nhiệm, phải gạt ngay khỏi bộ máy!'
,

(VietNamNet) - "Những cán bộ vô trách nhiệm phải đưa ngay ra khỏi bộ máy, bất kỳ có tham gia lâu năm hay có tuổi đảng cao! Ai không hoàn thành nhiệm vụ chúng ta phải đưa ra thì mới có bộ máy mạnh, có bộ máy đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, trước dân, phục vụ dân tốt".

Thủ tướng Phan Văn Khải và lãnh đạo ngành tư pháp.

Chỉ đạo kiên quyết này đã được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị toàn quốc ngành tư pháp khai mạc sáng 4/1 tại Hà Nội. Thủ tướng đã tâm huyết dành hơn một giờ đồng hồ để nói lên những tồn tại, yếu kém của công tác tư pháp và bộ máy công quyền. VietNamNet xin lược trích bài phát biểu của Thủ tướng:

Cự nự nhau mới làm khá hơn...

''...Chính phủ quyết tâm thực hiện đúng tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chấm dứt tình trạng kéo dài, quá hạn thẩm định văn bản cũng như việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi  hành pháp luật, lệnh. Đây là khâu yếu của ngành tư pháp chúng ta!

Cuối năm 2003, Chính phủ nợ trên 100 nghị định, có luật rồi nhưng nghị định làm không kịp. Cuối năm 2004, Chính phủ cũng họp tại TP.HCM, tất cả các văn bản thi hành luật và các văn bản cần ban hành và chương trình công tác của Chính phủ đạt 77%, tiến bộ hơn mọi năm. Thực sự làm được nhiều cũng do đôn đốc, kiểm tra, cự nự nhau nên quý III/2004 mới làm khá hơn, chứ quý I, II không làm được bao nhiêu!

Cũng xin nói với các đồng chí, các khâu của Bộ Tư pháp còn chậm trễ quá! Ở dưới các sở chắc cũng kiểu như vậy! Bởi vì văn bản tôi muốn ký được là phải qua thẩm định của Bộ Tư pháp. Các đồng chí không thẩm định tôi đâu ký được! Công việc của khối hành pháp rất nhiều, riêng văn bản vào Chính phủ mỗi năm 15 vạn, ra gần 10 vạn. Nghị định, văn bản pháp quy bình quân mỗi ngày Thủ tướng, Phó Thủ tướng ký văn bản phải thi hành là 1,4 văn bản. Muốn ký được 1 văn bản, bộ trình, lấy ý kiến các bộ, qua Bộ Tư pháp thẩm định, lên Văn phòng Chính phủ, tốn rất nhiều thời gian, qua rất nhiều cuộc họp.

Tôi đề nghị với các đồng chí muốn thẩm định nhanh các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình các bộ làm, trong quá trình các sở xây dựng thì cán bộ tư pháp phải nhảy vào từ đầu. Chúng ta góp ý kiến từ đầu, cho nên về tới bộ, tới sở, căn bản đã thống nhất, còn ý kiến khác nhau phải xin ý kiến thủ trưởng cơ quan, như bộ trưởng hay  giám đốc sở. Còn khác ý kiến nhau nữa mới xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng. Làm vậy mới nhanh được! Chứ còn về tới cơ quan, mấy ông khác ý kiến là găm lại đó, nhanh là 20 ngày, chậm là 3 tháng thì làm thế nào?

Quốc hội kỳ nào họp, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội thông qua bao nhiêu luật! Nhưng luật xong nghị định rất chậm chạp, cuối cùng là chúng ta dở! Tôi đề nghị các đồng chí tinh thần năm nay phải cải cách, làm mạnh hơn chuyện đó!

Không để những kẻ ''nhờn'' phát luật được lợi!

Thủ tướng Phan Văn Khải: Chắc là cũng không cần gì hoa ở đây nữa!

''Tôi sửa lại cái lá này (lá trong lẵng hoa đặt trên bàn đứng dành riêng cho phát biểu - NV), chứ cứ đụng vô tài liệu không đọc được! Chắc là cũng không cần gì hoa ở đây nữa! Các đồng chí rất tiến bộ vì hội nghị lớn chỉ có một lẵng hoa! Nếu như trước đây thì có cả một dãy hoa trên này! Các đồng chí có ý thức tiết kiệm, thực hiện chỉ thị của Chính phủ là rất đúng, rất đáng khen!''.

Ngành tư pháp cần đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, khắc phục tình trạng án tồn đọng, giải quyết đứt điểm một số vụ việc thi hành án phức tạp, khiếu nại kéo dài, trước mắt cần tập trung triển khai tốt Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong chỉ đạo thi hành án dân sự. Khối lượng thi hành án rất nặng nề! Chỉ nói thi hành án vụ án Epco Minh Phụng, mất mấy năm rồi mà không biết đã qua bao nhiêu cuộc họp!

Cái gì mà toà án đã xử thì chúng ta phải thực hiện nghiêm, đừng có để những người ngang bướng, chống lại thi hành án nhờn với pháp luật. Mà ta làm không kiên quyết, trong xã hội của chúng ta, ai ngang bướng, ai không thi hành luật lại có khi lại được lợi, những người chấp hành nghiêm thì không được khen ngợi, không được tôn vinh.

Tôi thấy ở một số quận huyện, một số nơi, là những người chống lại thi hành án khá phố biến! Việc này ta không thể chấp nhận nhận được! Xã hội chúng ta đã có luật, mọi người phải thi hành luật, toà án đã xử rồi mọi người phải thi hành theo toà án xử. Phải làm cho nghiêm, không kể bất kỳ ai!

Ngành tư pháp phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện cho người dân. Cần rà soát để huỷ bỏ ngay những quy định về hộ tịch, công chứng gây phiền hà, thậm chí tạo kẻ hở, phát sinh tiêu cực trong đăng ký cải cách hính hộ tịch, công chứng, chứng thực, đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu từng bước xã hội hoá hoạt động công chứng, chứng thực.

Trong năm 2005, phải nghiên cứu để thực hiện phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp. Khi đã phân cấp, phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các sai phạm của người thi hành công vụ.

Vụ trưởng nhận công văn đút vào hộc tủ cả tuần không xem!

TT Phan Văn Khải: Chúng ta đã có luật, phải làm cho nghiêm, không kể bất kỳ ai!

Chúng ta cần phải kiện toàn các cơ quan, tổ chức tư pháp từ Trung ương cho đến các cấp. Kiện toàn là chúng ta phải đưa ra khỏi cơ quan những người không hoàn thành nhiệm vụ, không đưa ra thì lấy đâu điều kiện đưa vào những người tốt. Tôi nắm được tình hình và rất nhiều người nói với tôi: Có vụ trưởng, vụ phó nhận công văn giấy tờ có khi đút vào hộc tủ cả tuần không xem. Có chuyên viên nhận công văn giấy tờ có khi bỏ quên!

Cán bộ như thế là vô trách nhiệm! Những người đó phải đuổi ra khỏi bộ máy của chúng ta, bất kỳ có tham gia lâu năm, có tuổi đảng cao! Ai không hoàn thành nhiệm vụ chúng ta phải đưa ra thì mới có bộ máy mạnh, có bộ máy đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, trước dân, phục vụ dân tốt!

Ở tất cả các bộ, chỉ có Bộ Công nghiệp, buổi sáng Bộ trưởng bấm máy có thể biết được bao nhiêu công văn ngày trước vào cơ quan mình; và công văn đó đang nằm ở nhân viên nào, cán bộ nào, ở vụ nào. Tôi nghe đồng chí Chính ở TP.HCM (Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - NV) nói hay (ứng dụng công nghệ thông tin quản lý văn bản - NV), nhưng đồng chí có kiểm tra được nhân viên nhận hồ sơ giấy tờ xử lý có nhanh không, có trách nhiệm cao không? Còn các nơi khác, tôi thấy địa phương còn dở hơn ở Trung ương, các đồng chí nên về rà lại!

Con Bộ trưởng đi đăng ký kết hôn 9 lần mới được!

Tôi nói để các đồng chí thấy, muốn đi đăng ký kết hôn cho con, mà đó là con bộ trưởng, phải 9 lần đi mới được. 9 lần rồi mà vẫn phải có cái gì ''nhè nhẹ'', cái gì lót tay mới được chứ không phải dễ! Còn một đồng chí Phó Thủ tướng, đi sửa khai sinh cho cháu, phải đi 7 lần! Bộ máy như vậy thì còn công nghiệp hoá, hiện đại hoá thế nào! Xây dựng đất nước chúng ta thế nào! Chưa nói đã đầy đủ tất cả các điều kiện, đất đai, nhà xây dựng rồi, chỉ cấp sổ đỏ thôi thì đi không biết bao nhiêu lần! Tôi có thể nói là điều đáng buồn trong bộ máy của chúng ta!

Chúng ta đang có điều kiện là đất nước an toàn, một đất nước bước qua thách thức, tăng trưởng cao, một dân tộc được thử thách cả ngàn năm nay, có truyền thống cách mạng, một dân tộc hiếu học, năng động... Đó là lợi thế để Việt Nam chúng ta bứt phá đi rất nhanh trong những năm tới để trở thành một nước công nghiệp. Có đủ điều kiện nhưng bộ máy làm việc như vậy thì làm thế nào chúng ta đẩy nhanh được! Làm cho dân bất bình, làm mất lòng dân nữa! Tôi đề nghị các đồng chí tư pháp rà soát lại, xem bộ máy của chúng ta như thế nào, phục vụ dân như thế nào? Từ ngành tư pháp nhìn qua các ngành khác phải góp ý kiến!

Tất nhiên ngành tư pháp không có cái chuyện nhũng nhiễu, tiêu cực tham nhũng lớn như một số nơi khác nhưng cũng không loại trừ. Tôi vừa nói với báo chí, Chính phủ với báo chí phải tuyên chiến chống tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta phải rà coi ông nào tiêu cực, tham nhũng, phải ''dứt'' mấy ông đó chứ không để mấy ông đó hoành hành trong bộ máy của chúng ta được!

Mỗi năm chết hơn 10.000 người, chúng ta có xót xa không?

Đáng buồn là ở làng xóm, có một tay du côn, đầu gấu là cả xóm đều sợ!

''Tôi đi tiếp xúc cử tri, bà con nói với tôi, tôi về làng, về xóm tôi cũng biết. Rất đáng buồn là ở làng xóm, cứ có một tay du côn, đầu gấu là cả xóm đều sợ, cả phường sợ, tổ dân phố sợ. Tôi đề nghị đồng chí Toàn (Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn-NV) trị mấy thành phần này! Không thể chấp nhận như thế được!''

Trong năm 2005 và các năm tiếp theo, phấn đấu tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Đây là việc rất quan trọng vì có thể nói nhân dân của chúng ta chấp hành pháp luật còn rất thấp so với các nước xung quanh. Có thể nói xe cộ của nước ta đâu bằng các nước, họ đi rất trật tự nên không có kẹt xe. Còn luật lệ giao thông chúng ta chấp hành rất kém, đi bạt mạng, tranh giành nhau, không có trật tự không kỷ cương.

Bây giờ giao thông năm 2004 chết hơn 10.000 người, bị thương mấy chục ngàn người. Ở nước Nhật mỗi năm chết 600 người về tai nạn giao thông, người ta đã xót xa! Thủ tướng đã đứng lên nói một cách xót xa với dân. Chúng ta chấp hành như thế nào mà ra đường sá đi lộn xộn như vậy? Làm đường tốt hơn, rộng hơn thì tai nạn nhiều hơn! Nên cái này phải giáo dục cho người dân, thấm sâu cho người dân!

Nhân đây tôi cũng nói với các đồng chí công an. Ví dụ để đua xe, chúng ta phải tịch thu xe. Chúng ta còn truy coi là tiền ở đâu để mua xe đi đua như vậy! Cha mẹ chúng lấy tiền bạc ở đâu? Chỉ có lấy của cải nhà nước, chỉ có tham nhũng mới mua xe cho con đi đua chơi! Làm giàu bất chính chúng ta phải xem tiếp như thế nào! Ai vi phạm luật lệ giao thông phải phạt cho nhớ đời, phạt rất nặng để họ nhớ ra đường phải đi ngay ngắn đi trật tự, đi đàng hoàng. Còn cứ làm sơ sơ thì họ coi thường! Và sẽ tiến tới tất cả ra đường đi môtô phải đội mũ bảo hiểm hết!

Hay lần này có Luật Đất đai mới, tôi đề nghị các đồng chí ở các địa phương, các bộ phải chấp hành nghiêm. Đất đai là tài sản quý giá của đất nước thế mà ai muốn bán thì bán, ai muốn cho thì cho, đầu cơ quá trời, quá đất! Ở Hà Nội và TP.HCM, giá đất đắt hơn ở Tokyo và Paris là thế nào? Cung cầu gì ở ta mà dữ vậy? Chúng ta đã trở thành một nước công nghiệp phát triển cao như G7 chưa mà giá đất đắt thế! Nó do đầu cơ, chúng ta quản lý kém quá, để cho dân bán trao tay, đầu cơ, mua đất đẩy giá lên! Đó là trách nhiệm quản lý của chúng ta, dở của chúng ta!

Chúng ta làm thế nào để tất cả mọi người dân của chúng ta, người nào cũng phải tôn trọng pháp luật, thi hành đúng pháp luật, từ công chức lớn đến công chức thấp, đến người dân. Một xã hội trật tự, có trị an, một xã hội có luật pháp, một xã hội mọi người răm rắp thi hành pháp luật thì xã hội đó mới mạnh, mới tốt đẹp, giàu có. Tất nhiên, phải làm rất kiên trì, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu và không làm nghiêm thì bao giờ chúng ta mới đến đạt một xã hội như vậy?...''

  • Văn Tiến lược ghi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,