221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
563914
Ngành kiểm sát phải hiểu nỗi khổ người bị oan
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Ngành kiểm sát phải hiểu nỗi khổ người bị oan
,

(VietNamNet) - ''Để xảy ra những trường hợp khởi tố, truy tố oan trước hết thuộc về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này thật sâu sắc, phải hiểu với nỗi đau, nỗi khổ của người bị oan...''.

Chủ tịch Nước Trần Đức Lương phát biểu tại Hội nghị của ngành kiểm sát.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nghiêm khắc nhìn nhận như vậy tại Hội nghị triển khai công tác năm 2005 của ngành kiểm sát nhân dân khai mạc sáng 10/1, tại Hà Nội.

Đình chỉ điều tra do không phạm tội vẫn còn vài trăm người

Trong năm qua, theo đánh giá của Chủ tịch nước, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tuy có tiến bộ nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, công tác này cũng còn bộc lộ những hạn chế yếu kém.

Ông chỉ rõ: ''Số người bị khởi tố hình sự để điều tra sau đó Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải đình chỉ điều tra do họ không phạm tội vẫn còn vài trăm người. Các cơ quan tố tụng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này nhưng do thiếu sót, yếu kém về nghiệp vụ, do thiếu trách nhiệm của một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên nên vẫn còn để xẩy ra những trường hợp bị khởi tố, bắt giam oan. Số người bị truy tố toà án tuyên không phạm tội đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn''.

''Trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật..., chất lượng kiểm sát còn nhiều hạn chế. Việc giải quyết các yêu cầu về giám đốc thẩm còn chậm, nhiều vụ việc để kéo dài không trả lời, không kịp thời; có vụ trả lời không chính xác dẫn đến khiếu nại kéo dài. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhiều đơn giải quyết chậm, nhiều đơn để kéo dài gây bức xúc trong nhân dân''.

(Chủ tịch Nước Trần Đức Lương)

Bên cạnh đó, việc kiểm sát viên thực hiện kiểm sát điều tra, đồng thời thực hiện quyền công tố tại phiên toà (gọi là thông khâu) có những ưu điểm cần phát huy nhưng cũng có khuynh hướng ''khép kín'' có thể phát sinh tiêu cực hoặc bỏ lọt tội phạm.

Chủ tịch nước còn thẳng thắn nói: ''Để xẩy ra những trường hợp khởi tố, truy tố oan trước hết thuộc về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này thật sâu sắc, phải thông cảm với nỗi đau, nỗi khổ của người bị oan, chúng ta phải kịp thời phát hiện và sửa chữa khuyết điểm, bồi thường danh dự, vật chất cho người bị oan theo Nghị quyết 388/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội''.

Nhưng thực tế thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra thời gian qua còn nhiều lúng túng, chưa kịp thời.

Chủ tịch Trần Đức Lương chỉ đạo: ''Tôi đề nghị các cơ quan tư pháp trong đó có Viện kiểm sát phải khẩn trương bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng giải quyết bồi thường cho những người bị oan đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xẩy ra các vụ việc oan sai để xử lý nghiêm minh''.

Chưa tham mưu cho Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách hữu hiệu chống tham nhũng

Thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, nhưng tình hình xẩy ra các vụ án tham nhũng chưa giảm. Thậm chí chúng ta còn phát hiện tham nhũng ở một số lĩnh vực kinh tế đặc biệt, xẩy ra tham nhũng ở cơ quan bộ.

''Điều này cho thấy, qua việc xử lý các vụ án về tham nhũng, chúng ta chưa tham mưu được cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách hữu hiệu để bảo đảm phát hiện, xử lý và ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn tham nhũng'', Chủ tịch Trần Đức Lương nhấn mạnh.

Ông chỉ đạo: ''Năm 2005, VKSNDTC phải tập trung cao hơn và phối hợp chặt chẽ với TANDTC, Bộ Công an cùng các cơ quan hữu quan có biện pháp đấu tranh có hiệu quả đối với loại án tham nhũng; góp phần cùng Chính phủ xây dựng xong Luật chống tham nhũng, trình Quốc hội thông qua''.

Về công tác cán bộ, theo đánh giá của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác tổ chức và cán bộ của ngành kiểm sát nhân dân cũng còn những bất cập. Chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên hiện nay chưa ngang tầm với tiến trình cải cách tư pháp. Công tác quản lý cán bộ ở một số Viện kiểm sát địa phương còn những yếu kém, có một số cán bộ vi phạm phải xử lý bằng pháp luật.

Chủ tịch Nước yêu cầu: ''Ngành kiểm sát cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác kiểm sát để tìm biện pháp khắc phục, đồng thời kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng ngành kiểm sát nhân dân trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp''.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,