221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
564710
Dân có quyền giám sát đạo đức, lối sống của đảng viên
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Dân có quyền giám sát đạo đức, lối sống của đảng viên
,

(VietNamNet) - Người dân có quyền giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, như đưa nhận hối lộ để chạy chức chạy quyền, chạy tội; gây phiền hà, đòi hỏi điều kiện khi giải quyết công việc cho dân...

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường.

Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo quy chế Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Xung quanh quy chế này, VietNamNet vừa có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường.

Giám sát không phân biệt to, nhỏ...

- Xin ông cho biết, xây dựng quy chế lần này thì tất cả cán bộ, công chức, đảng viên, các cơ quan lớn nhỏ trên địa bàn dân cư, người dân đều có quyền giám sát?

- Đối tượng giám sát thứ nhất là cán bộ, công chức, đảng viên làm việc, cư trú ở xã, phường, thị trấn. Thứ hai là cán bộ, công chức, đảng viên tuy ở nơi khác, tức là không cư trú nhưng làm việc ở xã, phường, thị trấn. Thứ ba, là cán bộ, đảng viên, công chức của các cơ quan nhà nước cấp trên nhưng đóng trụ sở tại xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, còn giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước bao gồm hoạt động của UBND, các cơ quan của UBND... Các cơ quan của nhà nước không phân biệt to, nhỏ đóng trên địa bàn khu dân cư đều chịu sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận.

- Theo dự thảo quy chế, kiến nghị giám sát của người dân về cán bộ, đảng viên sẽ được gửi đến cơ quan quản lý của cán bộ, đảng viên đó để kiểm tra, xử lý. Nhưng thực tế, nhiều đối tượng bị kiến nghị chính là quan chức, ''sếp'' của cơ quan ấy...?

- Nhân dân có thể thông qua Mặt trận, thông qua đoàn thể của mình hoặc trực tiếp tố cáo các hành vi tiêu cực tham nhũng. Bình thường nhân dân gửi thư kiến nghị với cơ quan nhà nước quản lý cán bộ, công chức. Cơ quan quản lý cán bộ công chức phải trả lời nhân dân, Mặt trận.

Nếu rơi vào người đứng đầu cơ quan tổ chức thì theo phân cấp quản lý, anh có quyền gửi lên cơ quan cấp trên trực tiếp của ông thủ trưởng ấy. Ông thủ trưởng là công chức, cán bộ, đảng viên, nhân dân có thể biết hoặc không biết chức vụ nhưng dân vẫn có quyền phát hiện, kiến nghị, tố cáo nếu có những hành vi vi phạm pháp luật.

- Ví dụ như giám đốc sở, chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh uỷ thì đưa lên ai giải quyết?

- Nếu rơi vào giám đốc sở mình kiến nghị với UBND, vì UBND quản lý ông giám đốc sở. Rơi vào chủ tịch UBND tỉnh thì phải kiến nghị ra Chính phủ. Chính phủ phải xử lý theo thẩm quyền quản lý của Chính phủ. Ngoài ra còn phân cấp quản lý của Đảng, nếu đảng viên thì cũng có cách xử ký theo phân cấp của Đảng.

- Trong trường hợp các cơ quan nhận kiến nghị giải quyết không thoả đáng, việc giải quyết tiếp theo sẽ như thế nào?

- Thông thường giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, tố cáo theo 2 cấp. Có thể Mặt trận còn những kênh cao hơn nữa, ngoài kênh hệ thống của Nhà nước. Tức là cấp thứ nhất không giải quyết được tôi lên cấp thứ hai. Cấp thứ hai không giải quyết được tôi tiếp tục lên cấp thứ ba. Đây là vấn đề rất mới! Chính phủ sẽ có quy định cụ thể, anh giải quyết đúng hay không đúng, anh cũng phải trả lời cho dân. Chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình này!

- Dự thảo có quy định giám sát, kiến nghị việc tổ chức tiệc cưới, lễ tết, sinh nhật, mừng nhà mới, tang lễ... nhằm mục đích vụ lợi. Nhưng hiểu thế nào là vụ lợi?

- Chúng tôi sẽ thay đổi chữ ''vụ lợi'' mà nói việc tổ chức cưới xin, mừng nhà mới, sinh nhật, hội hè... không đúng quy định của Nhà nước về xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá. Cái này Chính phủ đã có rất nhiều chỉ thị. Căn cứ vào đó, người dân có thể giám sát được! Về Đảng, Ban Bí thư cũng có chỉ thị về tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, UBND có rất nhiều văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Không phải chờ quy chế mới giám sát

- Giám sát sẽ thực hiện tốt hơn nếu cán bộ, đảng viên công khai thu nhập, tài sản; cơ quan công khai tài chính...?

- Sắp tới, Nhà nước sẽ sửa Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, nâng Pháp lệnh chống tham nhũng lên thành Luật. Chúng tôi đã và đang tham gia để cụ thể hoá, hướng dẫn hơn nữa về những vấn đề này.

- Liệu Quy chế này có ban hành kịp để người dân tham gia giám sát ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

- Nếu không có Quy chế hoặc chưa kịp ban hành, hiện nay vẫn có căn cứ để nhân dân, Mặt trận giám sát trên cơ sở các chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng về việc vận động nhân dân ăn Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và không lãng phí. Không phải chờ Quy chế mà Quy chế này sẽ phục vụ cho lâu dài!

- Các chỉ thị đều nói ''không mang hoa, quà đến nhà các đồng chí lãnh đạo để chúc Tết'' nhưng thực ra kiểm soát bằng cách nào hiện tại gần như chưa có quy định?

 - Nhân dân vẫn có quyền giám sát, phát hiện, kiến nghị. Đã có Chỉ thị rồi chứ không có vấn đề gì khó khăn cả! Khi có phát hiện đúng sự thật như thế, thì người dân có quyền kiến nghị. Nhưng anh phải biết chính xác người đó là ai? Thấy mang hoa, quà đến bảo là tham nhũng, tiêu cực thì chưa hẳn. Chẳng hạn, họ hàng, gia đình thân tộc đến chúc mừng nhau!

- Với quy chế này ra thì theo ông, các cơ quan, đơn vị của Mặt trận ở cơ sở có đủ sức làm tốt công tác tiếp nhận đơn thư, xử lý kiến nghị của người dân?

- Nói ''đủ sức'' rất trừu tượng! Chúng tôi thấy rằng trước hết mặt trận xã, phường phải có trách việc vào việc này. Thế còn năng lực thực hiện đến đâu còn tuỳ thuộc vào cán bộ. Nếu nơi nào cán bộ xã phường yếu thì có thể hiệu quả thấp. Thứ hai nữa là sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng. Thứ ba là sự phối hợp của chính quyền. Thứ tư là sự phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên Mặt trận. Nếu trong hệ thống chính trị, cơ chế này rất chặt chẽ, làm việc rất nhịp nhàng thì việc giám sát sẽ rất hiệu quả!

Với quy chế này, chúng tôi chưa triển khai đại trà mà sẽ làm thí điểm (dự kiến ở Hà Nội và TP.HCM - PV). Trong thí điểm phải tính làm như thế nào cho hiệu quả, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và sẽ có hướng dẫn tiếp!

- Xin cảm ơn ông!

Sẽ có hòm thư giám sát đặt trước cửa phòng của MTTQ cấp xã

Người dân có quyền giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở những nội dung:
1. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái với quy định của nhà nước; đưa nhận hối lộ để chạy chức chạy quyền, chạy tội, chạy học vị, chạy bằng cấp, chạy công trình, nhà đất…
2. Gây phiền hà, đòi hỏi điều kiện để giải quyết việc cấp phép, chứng thực, xác nhận cho công dân khi thi hành công vụ.
3. Tổ chức, tham gia đánh bạc, số đề, cá cược; uống rượu bia đến mức bê tha mất tư cách và các tệ nạn xã hội khác như: tổ chức, môi giới, buôn bán, sử dụng chất ma tuý, hoạt động mại dâm.
4. Mê tín, hoạt động mê tín như hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói, lập đền, miếu trái phép, tham gia tà đạo…
5. Tổ chức tiệc cưới, các ngày lễ tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, tổ chức tang lễ…nhằm mục đích vụ lợi.
6. Không trung thực kê khai nhà, đất, có bất minh về nhà đất và các tài sản khác.
7. Quan hệ nam nữ bất chính, vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, không gương mẫu, trung thực thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình.
Nhân dân trực tiếp gửi đơn phát hiện, kiến nghị, tố cáo đến Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp xã hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, đảng viên đó hoặc bỏ đơn giám sát vào hòm thư giám sát đặt trước cửa phòng làm việc của MTTQ cấp xã.
(Trích Dự thảo quy chế MTTQ Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư)

  • Văn Tiến
    thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,