221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
574910
Thế hệ "Việt kiều thứ 3" và sợi dây nối quê hương
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Thế hệ 'Việt kiều thứ 3' và sợi dây nối quê hương
,

(VietNamNet) -  Với không ít Việt kiều trẻ sinh ra ở nước ngoài, tiếng Việt đã được họ nâng niu và trở thành ngôn ngữ không thể thiếu trong cuộc sống. Học tiếng Việt không dễ, song họ đã chinh phục được ngôn ngữ này, để hiểu và thêm yêu xứ Việt...

Cả nhà phải nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ

Ông Bùi Kiến Thành

Ông Bùi Kiến Thành, Việt kiều định cư tại Mỹ đã 53 năm cho biết, ông có 4 người con trai, hai người hiện sống ở Pháp và hai người sống ở Mỹ. Trong số họ, chỉ có anh con trai út vốn là chuyên gia trong ngành tài chính mới thường xuyên đi về Việt Nam. Người con trai út sau thời gian sống và làm việc tại quê hương đã quyết định ở lại và kết duyên cùng một cô gái trong nước.

"Cháu lớn của tôi khi sang Mỹ mới được 9 tuổi, còn lại các cháu sau này phần lớn sinh trưởng tại Mỹ nên chúng nói tiếng Pháp, tiếng Mỹ thạo hơn cả tiếng Việt. Mặc dù vợ chồng tôi cố gắng rèn cho các cháu nói tiếng Việt nhưng vốn tiếng Việt của các cháu cũng chỉ ngang ngang người Tây nói tiếng ta vì tiếng Việt có dấu, nói chuẩn được trong một môi trường đầy tiếng Tây rất khó" - ông Thành kể.

Hàng ngày ông vẫn thường phải "răn" con: Tiếng Việt có dấu nên học phải rất chăm chú, cẩn thận. Nếu sai dấu là không những làm hỏng hết ý nghĩa của câu từ mà còn gây tác hại nghiêm trọng. Nhớ mãi lời răn đó nên sau này, mỗi khi có dịp về lại quê hương, các anh chị lại cố gắng giao tiếp, học hỏi để trau dồi thêm vốn tiếng Việt "mong manh" của mình.

Rút kinh nghiệm không để lặp lại tình trạng con nói tiếng Tây giỏi hơn tiếng ta, gia đình ông Thành đã lên kế hoạch để rèn giũa tiếng Việt cho các cháu của mình. Theo quy ước, hễ ra ngoài thì không nói làm gì nhưng khi về nhà, cả gia đình đều phải nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. 

"Vừa rồi đoàn Việt kiều về đây cũng có tỏ ý với lãnh đạo Đảng Nhà nước tạo điều kiện làm sao để bà con kiều bào ở nước ngoài dạy con học tiếng Việt chuyên cần, chuyên sâu hơn. Trong buổi gặp gỡ với Tổng Bí thư, Tổng Bí thư có nói Đảng và Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện, nếu bà con cần, Nhà nước sẽ gửi giáo viên từ Việt Nam sang các nước dạy tiếng Việt cho con em Việt Nam mình không có điều kiện sinh ra, lớn lên tại Việt Nam để tiếp xúc thường xuyên với tiếng mẹ đẻ" - ông Thành phấn khởi thông báo.

GS Nguyễn Đăng Hưng: Gia đình tôi quy ước với nhau hễ về đến nhà là nói tiếng Việt. Nhiều lần các cháu quen miệng cứ chào hỏi bố mẹ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, vợ chồng tôi tảng lờ coi như không biết, không nghe thấy, thế là các cháu lại chuyển ngay sang nói tiếng Việt. Giờ thì cháu út nhà tôi nói tiếng Việt sõi lắm rồi. 

Theo lời ông Thành kể, ngay người Mỹ cũng khuyến cáo các gia đình Việt Nam đang định cư tại nước họ không nên nói tiếng Anh, tiếng ngoại quốc với con cái của mình. Lý do là nếu bản thân những người làm bố làm mẹ nói ngoại ngữ không chuẩn sẽ làm hỏng cả ngôn ngữ của các cháu. " Ở nhà các vị nên nói tiếng Việt với các con, ra ngoài thì chúng tôi cố gắng dạy tiếng Anh cho chuẩn" - người Mỹ đề nghị.

Ông Thành cười: Tôi vẫn thường nói với con tôi, trăm nghe không bằng một thấy, có về quê hương, chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước mới có thể tin vào cảm giác và sự hiểu biết của mình với đất Mẹ, chứ còn nghe người này nói, người kia tưởng thế này, tưởng thế kia sẽ không bao giờ hiểu được quê hương, không nuôi dưỡng được tình cảm sâu nặng với đất nước.

4 thế hệ Việt kiều cùng nói sõi tiếng Việt

Bà Nguyễn Đình Minh Trang. Ảnh Lan Anh

Bà Nguyễn Đình Minh Trang, 70 tuổi, một Việt kiều định cư lâu năm tại Mỹ khi được hỏi về "vốn" tiếng Việt của các thế hệ con cháu mình đang định cư tại Mỹ, đã hồ hởi cho biết: Gia đình bác ở Mỹ là thuộc gia đình 4 thế hệ, tuy cháu chắt bác sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng đều nói tiếng Việt rất sõi.

Theo lời kể của bà Trang, các con và cháu bà đều nói tiếng Việt rành rọt. Mẹ của bà sau khi sang Mỹ đoàn tụ với con cháu, sống chung với con, cháu, chắt, đã không ngừng rèn giũa ngôn ngữ tiếng Việt cũng như thổi hơi ấm tình cảm, lòng yêu mến, quê hương đất nước cho cháu chắt mình qua những câu chuyện dân gian, chuyện cổ tích đầy cảm động. Nhờ đó, cả gia đình 4 thế hệ của bà có thể thông thạo ngoại ngữ nhưng không thứ tiếng gì được nói sõi bằng tiếng mẹ đẻ.

"Không những nói sõi tiếng Việt, chắt của bác tên là Minh Quang lúc mới lên 5 đã  biết vặn vẹo mỗi khi bác dùng từ không chuẩn nữa đấy" - bà Trang khoe. Có lần trời lạnh, bác bảo nó: "Con ơi cài cúc áo vô đi!", Minh Quang nó " vặn" bác: "Sao bà ngoại lại bảo là cài cúc áo, phải nói là cài khuy áo mới đúng chứ?". Thì ra, mỗi lần ru chắt ngủ, mẹ bác vẫn thường kể chuyện cổ tích cho nó, rồi diễn tả một cách sinh động nên các cháu nhập tâm rất nhanh.

Không cần đặt ra quy ước nói tiếng Việt trong gia đình mà dường như đã thành nếp sống, các con bác cứ về đến nhà là ríu rít với nhau bằng tiếng Việt, mặc dù các anh chị phần nhiều được nuôi dưỡng, học tập tại Mỹ từ thuở nhỏ. 

"Nhiều người vẫn thường hỏi bác, con cháu sinh ra ở Mỹ liệu có biết nhiều về gốc gác Việt Nam không, rồi thì làm thế nào để nuôi dưỡng tình cảm quê hương trong trái tim chúng. Thực ra, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, gia đình bác vẫn giữ phong cách rất thuần Việt. Và ngay từ khi lọt lòng, từ con, cháu đến chắt, bác đều dạy cho chúng ngôn ngữ đầu tiên là tiếng mẹ đẻ" - bà Trang cho biết. 

Những Việt kiều trẻ biết nâng niu tiếng Việt.

Bà tâm sự: "Các con bác ai cũng mong đến khi nào về hưu sẽ tìm về quê hương an hưởng tuổi già. Mấy lần bác đưa con cháu về thăm quê, chúng nó vô cùng hoan hỉ, lúc quay trở lại Mỹ đều bịn rịn với quê mãi. Cả gia đình bác đã bàn bạc, thống nhất sẽ mua nhà tại Việt Nam để sau này trở về quê hương. Dù đi bất cứ đâu, quê hương vẫn luôn được nuôi dưỡng trong trái tim từng thành viên và tình cảm đó ngày một sâu nặng chính là nhờ vốn tiếng Việt phong phú mọi người học được qua những câu chuyện cổ tích hay lời ru ngọt ngào của những nguời giúp việc gốc Việt".

  • Nguyệt Minh
"Tôi cảm thấy mình cần tiếng Việt"

Với phong cách từ dáng vẻ đến khuôn mặt rất Tây, chàng thanh niên có giọng tiếng Việt ''lơ lớ'' thay mặt Đoàn Việt kiều về quê ăn Tết Ất Dậu 2005 đứng lên chúc Tết Chủ tịch Nước Trần Đức Lương. Đó là Việt kiều trẻ nhất đoàn - Hà Ngọc Minh Phong (sinh năm 1978). Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện nhanh với chàng trai này.

Thanh niên Việt kiều Hà Ngọc Minh Phong

Hà Ngọc Minh Phong, sinh ra và lớn lên tại Pháp. Phong được Ban thư ký Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp chọn làm nhân viên xã hội giúp đỡ thanh niên Việt Nam đi du học hoặc sinh viên Việt kiều. Đây là lần đầu tiên cậu được về Việt Nam.

- Phong có bao giờ gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Việt?

- Đương nhiên có, bởi tiếng Việt của thanh niên Việt kiều nói chung thường chỉ nói trong gia đình. Nhiều khi Phong xem VTV4 có nhiều từ không hiểu!

- Vậy Phong và các bạn có thường xuyên theo dõi thông tin Việt Nam qua các kênh truyền thông trong nước?

- Khi xem tivi hoặc xem Báo điện tử, từ lần đầu tiên không hiểu, nhưng dịch ra từ điển, từ từ làm quen với mấy chữ đó. Nói chung thanh niên Việt kiều ít khi đọc tin tiếng Việt, như thế không tiến bộ được.

- Vốn tiếng Việt của Phong là do bố mẹ dạy hay là bên Pháp có trường lớp dạy?

- Đầu tiên Phong nói tiếng Việt với gia đình và bố mẹ. Từ bé trong gia đình thì nói tiếng Việt với nhau. Phong còn tham gia một lớp dạy tiếng Việt dành cho thiếu nhi. Lúc đấy không học chính xác bởi vì không thấy cần. Chỉ sau một thời gian, Phong cảm nhận cần nói lại tiếng Việt và học xong đại học, Phong đã tập trung để học lại tiếng Việt. Bạn bè cùng tuổi với Phong cũng như vậy.

- Hiện nay các bạn tự học tiếng Việt hay là có người hướng dẫn?

- Tự học và Hội thanh niên bên Pháp có lớp dạy tiếng Việt, do sinh viên Việt Nam du học dạy. Hoạt động đó nhiều ý nghĩa lắm vì giữa thanh niên cùng nhau sinh hoạt chung. Phong cũng hay liên lạc với thanh niên du học bên Pháp nên mình có thể tiến bộ khi ở xa Việt Nam. Bởi vì nếu chỉ học một tuần 1-2 tiếng Việt thì không đủ!

- Thanh niên Việt kiều ở Pháp bằng tuổi Phong hoặc ít tuổi hơn có nhiều người nói được tiếng Việt không?

- Rất nhiều bạn không nói được tiếng Việt, hoặc chỉ nói một chút, hiểu sơ sơ! Nói thật có nhiều thanh niên không biết nhiều, hoặc chỉ biết nói, không biết đọc, biết viết. Trong cuộc sống ở bên Pháp ít khi có cần viết hoặc đọc bằng tiếng Việt, nên có người chỉ biết nói thôi!

- Phong có cảm nghĩ gì khi về Việt Nam?

- Phong nghĩ các bạn trẻ ở nước ngoài nên về Việt Nam. Mấy ngày vừa qua đi cùng các bác Việt kiều, Phong thấy các bậc cha chú Việt kiều đều đã đi năm châu bốn bể những vẫn giữ được văn hoá truyền thống Việt Nam. Phong thấy rất cảm động! Phong hy vọng thế hệ 2-3-4 cũng được chuyển một phần văn hoá đó.

  • Văn Tiến


Thùy Vân ngồi giữa ba và em gái

Thùy Vân, Việt kiều Pháp, thạc sỹ kinh tế, hiện đang làm quản lý kinh doanh cho một công ty của Pháp, về TP.HCM ăn Tết cùng ba má và em gái:

Hội sinh viên Việt Nam bên Pháp mà tôi tham gia có gần 100 người. Vào đêm giao thừa, mọi người tập trung lại, thường là tại hội trường ký túc xá, để mừng năm mới.

Đêm đó có đầy đủ cả bánh chưng, bánh tét, các chương trình văn nghệ. Tất nhiên, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

 

 

Lam Trần Thái Toàn, Việt kiều Pháp, sang Pháp từ năm 5 tuổi, kỹ sư vi tính, cùng 3 anh em về TP.HCM ăn Tết:

Gia đình tôi có 4 anh chị em: hai người sống tại Pháp, một người tại Anh, một người tại Mỹ. Xa nhau cả năm nên nhất định dịp Tết phải sum họp tại quê nhà.

Sắp tới tôi sẽ theo học lớp tiếng Việt để nâng cao khả năng đọc và viết. Tôi còn nói được tiếng Việt, cũng may nhờ ba má tôi đưa ra quy định khắt khe: nói chuyện với người khác bằng tiếng gì cũng được, nhưng nói chuyện với bá má thì phải bằng tiếng Việt.

  • Phạm Cường
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,