221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
576692
WTO và quyền hiểu biết của người dân
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
WTO và quyền hiểu biết của người dân
,
(VietNamNet) - Điều gì sẽ xảy ra khi DN và người dân không hiểu rõ về WTO? WTO dường như chỉ là chuyện của Chính phủ, còn với phần lớn người dân và cộng đồng DN, đó vẫn là viễn cảnh cho dù cái mốc 2005 đã sát kề.

WTO: Chuyện Chính phủ lo?

Bà Phạm Chi Lan

Trong một cuộc nói chuyện với các nhà báo kinh tế, bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng tiết lộ, một cuộc điều tra cách đây 3 năm cho thấy, 85% DN biết rất ít hoặc không biết gì về việc đàm phán WTO, ngay cả đối với những DN ở trung tâm, có điều kiện tiếp cận với thông tin. 70% cho biết nguồn tin duy nhất mà họ có là từ báo chí.

Với DN, vốn được coi là “chiến sỹ xung kích trên mặt trận kinh tế”, là những người sẽ trực tiếp tham gia vào sân chơi WTO còn chưa nắm được luật chơi. Với người dân, WTO lại càng xa vời.

Báo chí, kênh thông tin trực tiếp đến người dân về WTO thì sao? Thông tin từ những vòng đàm phán song phương và đa phương của VN hầu như hạn chế. Cách thức phản ánh cũng phiến diện khi đa số bài báo đề cập đến lợi ích, cơ hội nhiều hơn bất lợi. Điều này dường như tạo một ảo giác cho số đông, rằng vào WTO sẽ chỉ có cơ hội!

Trong khi đó, Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt từng tỏ ra rất ngạc nhiên khi báo chí không mấy phản ánh về quá trình đàm phán, thái độ, suy nghĩ của DN, người dân về WTO. Theo họ, nếu DN, người dân không cảm thấy ít nhiều việc vào WTO sẽ tác động trực tiếp đến mình thì khi tham gia sẽ rất lúng túng cho Chính phủ, người dân chuẩn bị trước cho những tác động bất lợi.

VN có hẳn Uỷ ban quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế. Nhưng theo nhận xét của các chuyên gia, Uỷ ban này mới chỉ lo chuẩn bị các phương án đàm phán chứ chưa chú ý đến công tác thông tin cho DN và người dân...

Tháng 11/2004, OXFAM ra một bản báo cáo đề cập đến những thua thiệt mà ngành nông nghiệp VN có thể phải đối mặt khi vào WTO. Sự kiện như một tiếng chuông cảnh báo. Từ đó, rải rác trên các báo bắt đầu xuất hiện những bài viết cảnh báo về thách thức từ WTO nhưng còn thiếu hệ thống và cái nhìn thấu đáo.

Quyền tham gia của công chúng

ông Klaus Rohland

Ông Ngô Quang Xuân, Đại sứ VN tại WTO, thành viên đoàn đàm phán đã từng ví von rằng “Hội nhập đã vào đến mâm cơm của từng nhà”. Nhưng bà Lan lại nói, nghịch lý ở chỗ: “không ai ở VN chỉ cho họ biết WTO sẽ gõ cửa đến tận nhà anh, tác động trực tiếp đến “nồi cơm” của anh”.

“Sẽ là sai lầm và nguy hiểm nếu người dân VN có ảo giác rằng hậu WTO sẽ không có thay đổi gì, chỉ có tốt hơn mà thôi. Bất kỳ điều gì cũng đòi hỏi sự đánh đổi. Cạnh tranh sẽ gia tăng. Sẽ có những người thất nghiệp. Trong ngắn hạn, có những cải cách đau đớn nhưng phải chấp nhận”. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, Klaus Rohland cảnh báo.

Ảo tưởng về một WTO toàn “quả ngọt” là có thật. Bà Phạm Chi Lan, từng là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho biết, có tới 95% DN cho rằng thuận lợi lớn nhất khi VN vào WTO là các nước mở cửa thị trường cho VN. Nhưng theo bà, câu hỏi mở cửa đến mức độ nào, như thế nào DN không trả lời được.

“Đối với DN, nếu chỉ là những nhận xét cảm tính không cụ thể thì không nắm được cơ hội. Nhất là khi cơ hội ấy mở ra cho hàng triệu người”. Bà Lan nói.

Theo ông Rohland, VN cần phải có các cuộc thảo luận rộng rãi trong công chúng ở cấp độ quốc gia về những điểm lợi và bất lợi của WTO.

“Câu hỏi quan trọng đối với bất cứ chính phủ nào là phải trả lời cho được liệu chúng ta đã đủ sẵn sàng hay chưa, có chấp nhận trả giá hay không và cái giá đó như thế nào? Công chúng, chính phủ, DN và mọi tổ chức phải có cuộc thảo luận về cải cách trong nước đối với các ngành và kinh tế, đào tạo lại lao động dôi dư như thế nào.

Làm thế nào để mọi người chấp nhận sự thua thiệt không thể tránh khỏi trong quá trình đó?”

Một chuyên gia Canada đã rất ngạc nhiên khi biết doanh nghiệp VN gần như không có vai trò gì trong đàm phán WTO. Ông ta nói rằng, có nhiều trường hợp, Chính phủ không thể nói KHÔNG với bên ngoài khi họ ép phải nhượng bộ chuyện này, chuyện kia nhưng DN có thể phản ứng và được chấp nhận. Chính vì vậy, bên cạnh đoàn đàm phán chính thức của các nước luôn có một nhóm DN đi cùng, tư vấn, cùng tạo sức ép.

Khi đúc kết những kinh nghiệm để gia nhập WTO thành công, Trung Quốc cho rằng, bài học quan trọng là họ đã kịp thời tạo ra một cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn xã hội. 5 năm cuối tiến trình đàm phán, cả nước Trung Quốc sôi lên với chủ đề “gia nhập WTO ngành nào sẽ được lợi, ngành nào sẽ thiệt hại”. Chính phủ đã tổ chức những lớp tập huấn khoảng 10 người, rồi những người này lại về truyền bá cho 10 người nữa. Cứ thế, họ tạo nên không khí “nhà nhà bàn WTO, ngành ngành bàn WTO”. Đến cả những người lái xe tắc xi ở Bắc Kinh cũng có thể nói vanh vách WTO lợi gì, thiệt gì, sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ ra sao.

Không những thế, Trung Quốc còn có những công trình, cuốn sách nghiên cứu và công phu về những tác động của WTO tới nước này. Có thể kể tới cuốn “WTO và cuộc mưu sinh của người Trung Hoa”, trong đó các tác giả đã phân tích một cách chi tiết những ảnh hưởng của WTO tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước này.

Chính phủ khó xử

Ông Ngô Quang Xuân

Không phải những người hoạch định chính sách không hiểu sự cần thiết tham gia của người dân và DN vào tiến trình hội nhập WTO. Năm ngoái, trong một hội thảo về WTO do Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông Ngô Quang Xuân nói rằng:

"Tôi rất mong trong các kỳ họp quốc hội, các vị Bộ trưởng sẽ được chất vấn về lộ trình hội nhập cụ thể của ngành, bộ mình. Các tỉnh cũng vậy. Bởi vì, lộ trình là xuất phát từ cơ sở, từ các cộng đồng doanh nghiệp chứ không phải từ đoàn đàm phán ngồi với nhau để làm dấu cộng tổng hợp rồi đưa ra phương án hội nhập".

Thế nhưng, trên thực tế, những người chịu trách nhiệm về đàm phán cảm thấy hết sức lúng túng giữa ranh giới bí mật và công khai, giữa chuyện thông tin nào nên tiết lộ hay che giấu.

Một quan chức Bộ Thương mại từng cho rằng, nếu công khai những thông tin về đàm phán, về chuyện VN phải nhượng bộ những gì…có thể gây bất lợi cho tiến trình đàm phán. Theo ông này, các đối tác có thể dựa vào đó để gây thêm sức ép với VN.

Nỗi lo này là có cơ sở. Theo cách đàm phán hiện nay, Việt Nam phải đưa ra những cam kết song phương với các nước thành viên WTO có vai trò then chốt như EU, Mỹ, Nhật. Như thế, ngoài những luật lệ của WTO phải tuân thủ, Việt Nam còn phải chịu ràng buộc đối với những nhân nhượng song phương, một loại "WTO cộng".

Trong khi đó,
 theo nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO, những cam kết song phương sẽ mặc nhiên áp dụng cho mọi thành viên khác. Chính vì thế, nhiều thành viên có tâm lý chờ đợi VN đàm phán xong xuôi với các đối tác khác rồi mới bắt tay vào thương thảo trên cơ sở đưa ra những đòi hỏi cao hơn nhượng bộ trước đó.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN lại có cách nhìn khác. Ông Klaus Rohland cho rằng VN có thể giải quyết được sự khó xử giữa việc “lộ hay không lộ”.

“Tôi hiểu rằng, chính phủ có những điều khó xử nếu công khai các thông tin về đàm phán. Nhưng ở đây, điều mà chúng ta có thể làm được là tổ chức các cuộc thảo luận nội bộ với công chúng VN, tuy nhiên không tiết lộ tất cả về vị thế đàm phán. Cuộc thảo luận đó phải giúp mọi người hiểu được tháng 1 năm 2006, VN sẽ ở một vị thế hoàn toàn khác. Nói chung sẽ tốt hơn nhưng không phải tất cả mọi người đều ở vị trí tốt. Trong ngắn hạn, có những cải cách đau đớn nhưng phải chấp nhận”. Ông này nói.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Trong quá trình đàm phán, có những bí mật phải giữ nhưng khi đàm phán xong rồi, nhất thiết phải công bố rộng rãi cho công chúng biết. Ví dụ như khi BTA kí xong rồi, Mỹ đã công bố trên website của họ nhưng khi tôi sang hỏi Bộ Thương mại thì văn bản này vẫn đóng dấu MẬT”.

Điều gì sẽ xảy ra khi DN và người dân không hiểu gì về WTO? Rất có thể, kịch bản cũ lại tái diễn như khi VN tham gia AFTA. Lộ trình hội nhập đã có từ năm 1995. Lúc ban đầu, không ai cảm nhận được sự thay đổi khi những danh mục cam kết ban đầu đều có mức thuế thấp. Nhưng gần 10 năm trôi qua, khi tất cả các ngành đều phải thực hiện các cam kết thì DN “kêu trời”, đòi Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đàm phán trì hoãn thực hiện. Các ngành đứng sau, hậu thuẫn, ủng hộ DN đòi Nhà nước bảo hộ.

Tuy nhiên, cuộc chơi WTO hoàn toàn khác. Trong một sân chơi chung của 146 quốc gia, bình đẳng, có đi có lại nhưng cạnh tranh khốc liệt, chuyện trì hoãn, dây dưa hay trông chờ vào bảo hộ của Nhà nước chỉ là viễn tưởng. Sẽ không có sự cả nể, xuê xoa kiểu ASEAN. Thay vào đó là sự trừng phạt.

Gia nhập WTO, nền kinh tế và toàn xã hội VN sẽ có sự biến đổi sâu sắc. Điều này các quan chức chính phủ và chuyên gia kinh tế đều nói đến. Nhưng với người dân và cộng đồng DN, đó vẫn là viễn cảnh cho dù cái mốc 2005 đã sát kề.

  • Việt Lâm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,