(VietNamNet) - Đây là nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự, được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 3/3.
Dự thảo luật giảm độ tuổi gọi nghĩa vụ quân sự xuống 18 đến 25 tuổi, thay vì từ 18 đến 27 như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Hoàng Kỳ đưa lý do: ''Số lượng tuyển quân hàng năm không nhiều trong khi cần nâng cao số lượng, chất lượng quân nhân dự bị. Hạ độ tuổi để những thanh niên ở độ tuổi 26-27 không tham gia tại ngũ (trên 1 triệu người) sẽ chuyển sang ngạch dự bị. Thực tế gần đây, số lượng gọi nhập ngũ tuổi 26-27 rất ít, chiếm 0,64% so với tổng số tuyển''.
Đồng tình giảm độ tuổi nhập ngũ, nhưng ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) cho rằng rút ngắn ngưỡng trên xuống 24 hợp lý hơn, tăng nhiều hơn số tuyển quân và quân nhân dự bị.
Ông đưa ra con số: ''Năm 2000 độ tuổi 25-27 nhập ngũ chiếm 1,4%, nhưng năm 2004 chỉ còn 0,9%, chủ yếu là độ tuổi 18-24. Hạ xuống tuổi 24 con số quân nhân sự bị trên dưới 2 triệu người, so với khoảng 1 triệu người nếu rút xuống ngưỡng 25. Còn nói khó tuyển sinh viên đại học không đúng vì khi ra trường mới 23 tuổi''.
Một thay đổi quan trọng của dự thảo lần này là thời hạn tại ngũ đối với hạ sỹ quan, binh sỹ được rút ngắn từ 2 năm còn 18 tháng; đối với hạ sỹ quan chỉ huy, hạ sỹ quan, binh sỹ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sỹ quan, binh sỹ trên tàu hải quân được rút ngắn từ 3 năm xuống 2 năm.
''Để có nhiều công dân được phục vụ tại ngũ, góp phần tạo nguồn quân nhân dự bị, giải quyết công bằng xã hội và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, việc rút ngắn thời hạn phục vụ tại ngũ là phù hợp'', Trung tướng Hoàng Kỳ giải trình.
ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Hà Tây) cho rằng, rút ngắn xuống 18 tháng phù hợp với nguyện vọng của số đông thanh niên nhập ngũ. Thời gian này cũng đủ để học tập kỹ thuật cơ bản, rèn luyện kỷ luật, tác phong. Thế nhưng, ông cũng tỏ ra băn khoăn về việc hạ sỹ quan chỉ huy, binh sỹ chuyên môn kỹ thuật được xuất ngũ sau 2 năm là quá sớm, trong khi đào tạo mất nhiều thời gian.
Thảo luận nổi lên vấn đề là làm sao tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Theo ông Nguyễn Văn Trì (ĐB Vĩnh Phúc), sau thời gian làm nghĩa vụ quân sự về, bố trí việc làm rất khó khăn. Ông Trì phản ánh: ''Tuyển quân tổ chức hoành tráng, trống dong cờ mở, nhưng có khi xuất ngũ về địa phương, 2-3 tháng không ai biết''.
Ông đưa ra sáng kiến: ''Nên chăng quy định có kinh phí dạy nghề, đào tạo cho quân nhân xuất ngũ. Chế độ tại ngũ cũng cần tăng thêm so với dự thảo (tháng 19 trở đi hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm, tháng 25 trở đi hưởng 250% )''.
Còn ĐB Đinh Văn Oanh (Nghệ An) gợi ý, quân đội có thể mở trường đào tạo nghề hoặc liên kết dạy nghề.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.
-
Văn Tiến