221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
603334
Đang sửa luật thuế theo hướng giảm phiền hà cho DN
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Đang sửa luật thuế theo hướng giảm phiền hà cho DN
,

(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung khẳng định như vậy tại buổi làm việc sáng 29/3 của UBTVQH, cho ý kiến về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

 

DN xuất nhập khẩu sẽ được tự khai, tự tính nộp thuế.

Sau khi nghe Thứ trưởng Trương Chí Trung trình bày dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu chưa hết băn khoăn.

''Tôi không phải hỏi khó anh nhưng luật mới ra có tránh được phiền hà, thắc mắc của người nộp thuế không? Có lấp được kẻ hở, chống tiêu cực của người nộp thuế và cán bộ hải quan không?''. Bà Thu thẳng thắn hỏi.

Theo ông Trương Chí Trung, câu hỏi trên của bà Thu cũng chính là mục tiêu đặt ra khi sửa đổi luật về thuế xuất nhập khẩu, "đó là cải cách hành chính, minh bạch, đơn giản, hiện đại hoá quản lý thuế".

Ông Trung dẫn chứng: ''Thay vì cơ quan hải quan thông báo thuế và doanh nghiệp phải chờ như hiện nay thì tới đây sẽ bỏ việc thông báo thuế, doanh nghiệp được tự khai, tự tính và nộp thuế. Vẫn giữ nguyên thời hạn nộp thuế 275 ngày (nhập vật tư, nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu) để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng thêm ràng buộc như mức độ tín nhiệm, bảo lãnh, tín chấp để chống chây ỳ, chiếm đoạt tiền thuế. Hải quan nếu làm sai sẽ bị xử phạt nghiêm khắc...''.

Một vấn đề cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi là về thẩm quyền của UBTVQH quyết định biểu thuế và khung thuế suất. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, biểu thuế và thuế suất là ''linh hồn, cốt lõi'' của một đạo luật về thuế:

''Quốc hội có giao quyền này cho UBTVQH có hợp lý không? Trong trường hợp UBTVQH không thống nhất với Chính phủ thì xử lý làm sao?''.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên giải thích: ''Ở các nước, Quốc hội quyết định vì họ chuyên trách. Nhưng ở ta, Quốc hội 6 tháng họp một lần, nếu đợi ra Quốc hội thì sẽ không kịp thời, làm ảnh hưởng đến ngân sách và bình ổn giá cả''.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan đồng tình nhưng đề nghị: ''Chính phủ khi trình khung thuế ra Thường vụ đừng khoanh rộng quá! Nếu trình khung thuế từ 0% đến vài trăm % thì còn ý nghĩa gì!''

Dự thảo luật giao cho Thủ tướng quy định về thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của cư dân biên giới. Ông Tráng A Pao, từng làm lãnh đạo tỉnh Lào Cai, góp ý nên quy định giá trị giao dịch bao nhiêu phải tính thuế. ''Trước đây mua bán 500.000 đồng không phải tính thuế, nay có nâng lên được 1 triệu đồng không?'', ông thắc mắc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên đồng tình cần quy định rõ vào luật. ''Có thể hiểu cư dân biên giới là những người ở các xã tiếp giáp biên giới, không phải là cả tỉnh đó. Còn giao dịch hàng hoá là những trao đổi thường nhật phục vụ cho sản xuất và đời sống của cư dân'', ông Kiên đóng góp ý kiến.

Chính phủ đề nghị dự luật này sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2005 và có hiệu lực từ 1/7/2006. Theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, luật có hiệu lực sớm càng tốt nhưng cần thời gian để tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp và cán bộ hải quan thực hiện. 

Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTVQH không tán thành, đề nghị luật có hiệu lực từ 1/1/2006 với lý do: ''Sửa luật để hội nhập, cuối năm nay ta phấn đấu gia nhập WTO, sao đến tháng 7/2006 mới có hiệu lực. Hơn nữa, luật có nhiều điều khoản có lợi cho doanh nghiệp, cho quản lý thuế sao lại chậm thực hiện?''.

Chiều 29/3, UBTVQH sẽ nghe Chính phủ báo cáo phương án chọn địa điểm xây dựng nhà Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,