221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
603532
3 phương án địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
3 phương án địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội
,

(VietNamNet) - Ba phương án địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội đã được Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân báo cáo. Bộ trưởng Quân cho biết: ''Sau khi phân tích ưu điểm và tồn tại của các phương án, Thủ tướng chỉ đạo tập trung nghiên cứu xây dựng Nhà Quốc hội tại lô H6 (tức khu 37 Hùng Vương và Bộ Tư pháp). Đề nghị UBTVQH xem xét và cho ý kiến''.

Chọn phương án 2, nhà họp chính trung tâm bị che khuất

Theo phương án này (được gọi là phương án 2), Nhà Quốc hội được xây dựng ở khu 37 Hùng Vương và Bộ Tư pháp sau khi phá dỡ nhà D của Văn phòng Quốc hội hiện nay, nhà khách 37 Hùng Vương, nhà khách 8 Chu Văn An. Nhà B của nhà khách Văn phòng Chính phủ và khu Bộ Tư pháp được giữ lại cùng Nhà Quốc hội mới xây để có tổng diện tích làm việc là 39.000 m2 (Khu Trung tâm Hội nghị Quốc tế không thuộc phương án này).

Nhà Quốc hội cùng với các toà nhà cũ được giữ lại tạo nên quần thể chung trong một khuôn viên sẽ tạo thuận lợi cho quan hệ làm việc, quản lý, an ninh và giao thông.

Báo cáo trước UBTVQH, Văn phòng Quốc hội đã nêu ra nhược điểm của phương án này: Nhà Quốc hội đặt giữa một cụm công trình cũ mới với nhiều phong cách đan xen khó có thể tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp và thống nhất.

Mặt khác, bốn phía khu đất đều bị che bởi các toà nhà của Trung tâm Hội nghị Quốc tế, của Bộ Tư pháp, nhà B và nhà xây mới khiến nhà họp chính trung tâm bị che khuất toàn bộ do các con đường bao quanh không đủ rộng để tạo nên các góc nhìn hợp lý. Diện tích làm việc có thể đạt được còn nhỏ hơn nhiều so với nhu cầu dự tính. Theo dự kiến của Văn phòng Quốc hội, diện tích làm việc ước tính cần khoảng 80.000 m2 sử dụng.

Tuy nhiên, Văn phòng Quốc hội rất quan tâm đến phương án 2 vì tính khả thi và khả năng sớm khởi công xây dựng của nó, đồng thời đề nghị điều chỉnh phương án này. Theo đó, xây dựng Nhà Quốc hội trên lô H6 bao gồm Trung tâm Hội nghị Quốc tế, nhà khách 37 Hùng Vương, nhà khách 8 Chu Văn An, Bộ Tư pháp.

Sau khi cải tạo, các công trình trên lô H6 có tổng diện tích sử dụng khoảng 50.000m2. Phần diện tích còn thiếu (khoảng 30.000m2) được xây dựng trên khu H7 (bao gồm cả Cục Bưu điện TW, Trung tâm Viễn thông Quốc gia, Tổng công ty Cà phê, khu sứ quán) và A7 (trước mắt thu hồi đất từ Đường Ông Ích Khiêm đến Trạm 354 để xây dựng).

Phương án 2: Khu vực vòng tròn đỏ là Nhà Quốc hội và Trụ sở làm việc của Quốc hội. Bên trái tiếp giáp là đường Hùng Vương, bên phải là đường Chu Văn An, phía dưới là đường Trần Phú.

Chọn phương án 3, gần 500 hộ dân ở Ngọc Hà phải di dời

Hai phương án còn lại cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trình bày với UBTVQH. Phương án 1 là xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D (khu hội trường Ba Đình); các khu làm việc khác đặt tại trụ sở Bộ Tư pháp và khu H7 (khu đất trống trước mặt 37 Hùng Vương). Toà chính của Nhà Quốc hội theo phương án này sẽ là công trình có cảnh quan đẹp, có tính kế thừa đối với lịch sử, có thể tiến hành dự án được ngay.

Tuy nhiên, phương án này cũng có những nhược điểm là các công trình của Nhà Quốc hội ở 3 nơi xa nhau, không thuận tiện cho phối hợp hoạt động, khó khăn cho công tác quản lý, đi lại và giữ gìn trật tự an ninh. Xét tổng thể, đây không phải là một quân thể kiến trúc bề thế tương xứng với chức năng của nó. Tổng diện tích sàn khoảng 55.000 m2 chưa đủ với nhu cầu dự kiến. Lô D là nơi hiện chưa khẳng định được tiến trình khảo cổ và phương án bảo tồn di tích.

Nhà Quốc hội theo phương án 3 được xây dựng tại hai lô A7 và H7 (khu đất có chợ Ngọc Hà, Trạm 354 và trước mặt 37 Hùng Vương hiện nay). Theo phương án này, Nhà Quốc hội là một quần thể công trình được xây mới toàn bộ trong một khuôn viên đối diện bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đây là địa điểm có nhiều thuận lợi như diện tích rộng, cạnh quảng trưởng Bảo tàng Hồ Chí Minh và là nơi bắt đầu của nhiều con đường tạo nên cảnh quan đẹp cho công trình. Phương án có nhược điểm: Do phải di dời một khu dân cư rộng, phải có nhiều thời gian để thảo luận về việc tiếp quản khu đất thuộc Cục Bưu điện TW và nhà một số sứ quán nên khó có thể xây dựng được ngay. Lô A7 hiện tại là khu dân cư có 490 hộ gia đình và Sở Y tế Hà Nội, chợ Ngọc Hà với diện tích gần 3ha.

Nhà Quốc hội cần không gian tương xứng!

Văn phòng Quốc hội cho rằng: ''Nhà Quốc hội là công trình đặc biệt, rất có ý nghĩa về chính trị - văn hoá - xã hội, do đó phải là công trình kiến trúc tiêu biểu, đẹp, hoành tráng. Công trình phải mang dấu ấn của thời đại và bản sắc dân tộc, không sao chép các công trình tương tự ở các nước khác. Công trình phải phù hợp với nhu cầu sử dụng trước mắt và tương lai gần''.

Để có được tính thẩm mỹ cao, về quy hoạch, công trình phải được đặt trong một không gian tương xứng, tạo được góc nhìn đẹp, vì vậy cần có những quảng trường lớn, những vườn hoa rộng và những giải pháp giao thông phù hợp bố trí quanh công trình.

Muốn phát huy tối đa chức năng của công trình, tạo nên những điều kiện làm việc thuận lợi trong một quần thể thống nhất, Nhà Quốc hội nên được đặt cùng trong cụm các toà nhà khác như: Toà án Hiến pháp, Thư viện Quốc hội, Khu ở của Đại biểu Quốc hội chuyên trách.... Khi đó khu đất xây dựng cần có diện tích hàng chục ha, điều đó chỉ có được trong các khu đầu tư mới như Láng - Hoà Lạc hoặc Tây Hồ Tây.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, Nhà Quốc hội cần được đặt tại khu trung tâm chính trị Ba Đình. Đây là nơi quy hoạch đã tương đối ổn định, khó có một vị trí nào có thể đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về diện tích và cảnh quan cho công trình. Vì vậy có thể tách công trình Nhà Quốc hội thành các khu chức năng và đặt tại vài địa điểm gần nhau, có những giải pháp giao thông phù hợp để giải quyết vấn đề.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,