221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
647628
Quốc hội tìm ''thuốc'' đặc trị cho bệnh lãng phí
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Quốc hội tìm ''thuốc'' đặc trị cho bệnh lãng phí
,

(VietNamNet) - Căn bệnh trầm kha lâu nay mà xã hội và báo chí đã ''khổ lắm, nói mãi'' là lãng phí sẽ được Quốc hội chuẩn đoán để tìm liều thuốc đặc trị khi bàn về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp này.

Có thể đếm được bao nhiêu xe công... đi chùa?

Nổi lên nhất vẫn là xe công. Câu chuyện này khá dài từ khi có tới hàng trăm xe công mua vượt tiêu chuẩn định mức những rồi không biết xử lý ra sao? Gần đây, theo phản ánh của báo chí, Thủ tướng đã chỉ đích danh 40 xe công... đi chùa. Nhưng rồi chính người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc cũng phân bua với báo chí rằng, sự việc tỏ ra khó xử vì thiếu chế tài cụ thể trong Pháp lệnh cán bộ, công chức!?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, người ''nắm tay hòm chìa khoá'' của ngân khố trong một lần chia sẻ bức xúc với báo chí đã nói thẳng: ''Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền làm gì ông bí thư, chủ tịch tỉnh và các bộ trưởng khác''. Ý của Bộ trưởng muốn nói là việc mua xe công vượt quá tiêu chuẩn, định mức, thuộc quyền quyết định của những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Thủ trưởng ra lệnh xuất tiền mua xe thì kế toán không thể cưỡng lại được, ngay Bộ trưởng Tài chính cũng không thể ra lệnh xuất toán khoản chi tiêu đó. Có lẽ việc này lại phải đặt lên bàn Thủ tướng mới giải quyết được chăng?

Cũng liên quan đến con người làm gương, khi thảo luận về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao đã ''thẳng ruột ngựa'' mà nói rằng, trong khi chính chúng ta đang hô hào thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thì ngay năm 2005, một năm có nhiều sự kiện, ngày lễ lớn thì việc lãng phí vẫn cứ diễn ra như chúng ta chưa từng nói gì, chưa từng lên án. Ông Tráng A Pao đã nói: ''Tôi thấy là miệng nói không đi đôi với việc làm! Nói không biết bao nhiêu lần rồi cũng hoà cả làng!'' Vậy có phải những người đang hô hào chống lãng phí bị mắc bệnh lãng phí mà họ không hề hay biết?

Gần đây, Thời báo Tài chính Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính, đã nhiều kỳ liên tiếp đăng tải, phản ánh, phê phán những lãng phí vô cùng lớn, rất hiển nhiên và sờ sờ ngay ra đấy của việc tổ chức lễ hội tràn lan, đón tiếp huân huy chương, kỷ niệm những ngày lễ lớn, đúc tượng để ''trơ trơ cùng tuế nguyện'', cùng ''bia miệng'' phê phán và cảm hoài của thế gian. Ai rồi cũng sẽ đặt câu hỏi: ''Tại sao lãng phí thế mà vẫn làm? Có phải ''sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi'' không? Trách nhiệm thuộc về ai? Ai có quyền truy cứu trách nhiệm đó và xử lý thế nào?''

Hàng ngày, hàng giờ, việc lãng phí vẫn cứ diễn ra. Thời gian là vàng nhưng có những dự án, công trình vẫn thi gan cùng mưa nắng, mặc cho tiền của nhà nước ''rỉ sét'', bị hao mòn, bị trôi đi một cách lãng phí không thể đo đếm được. Trong mỗi cơ quan, ngoài lãng phí thời gian như họp hành quá nhiều, nói nhiều làm ít, còn là lãng phí giấy tờ, làm lãng phí cơ hội của người khác... Vấn đề ''nóng'' hiện nay là Chính phủ yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện thì một số cơ quan công sở đèn đóm vẫn sáng trưng, điều hoà vẫn chạy đều mà không có người ở đó để người khác trông vào thấy có người đang làm việc.

Theo một thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi bàn về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vẫn còn đất cho việc nể nang, ngại va chạm, nên mới hoà cả làng. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm của anh là phải xử lý trách nhiệm của người khác mà nể nang, né tránh thì chính anh cũng là người vi phạm, anh cũng phải bị xử lý. Do đó, tổng hợp các ý kiến lại thì đã kê ra một đơn thuốc: công khai tiêu chuẩn, định mức, chế tài và việc xử lý vi phạm.

Tất nhiên không thể cậy nhờ tất cả vào ''pháp'', vì pháp luật do con người làm ra, cũng chính do con người thực hiện. Cho nên bên cạnh hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, về chế tài xử lý thì những người đứng đầu các bộ, ngành địa phương trước hết phải là những tấm gương sáng. Nếu không có những người ở trên tỏ rõ chấp pháp nghiêm thì ở dưới sẽ dẫn đến tình trạng ''trên bảo dưới không nghe, hoà cả làng''.

Dân chúng mong rằng, việc chi tiêu tiết kiệm từng đồng, từng cắc của dân, cũng như tiết kiệm, chống lãng phí để phục vụ dân sẽ được Quốc hội bàn thảo, chuẩn đoán và kê được đơn thuốc đặc trị chống căn bệnh lãng phí. Việc nâng lên từ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lên thành luật, để huy động trí tuệ của gần 500 đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước, để làm được điều mà cử tri mong muốn. Chúng ta hãy chờ xem!

  • Văn Tiến

Bạn nghĩ sao về "bệnh" lãng phí hiện nay. Theo bạn dùng "thuốc" gì để đặc trị?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,