(VietNamNet) - ''Bản thân mình là người trong nước đi các nơi mà bị chèo kéo rất là chán. Gần như mình trở thành một miếng mồi, hay một cái gì đó cho người ta lôi kéo, người ta tìm cách móc túi mình''.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đã bộc bạch như vậy khi trò chuyện cùng VietNamNet về du lịch, ngành kinh tế ''mũi nhọn'', ''công nghiệp không khói'', của nước nhà. Cùng thời điểm này, Quốc hội đang tiếp thu, chỉnh sửa
cho dự thảo Luật Du lịch.- Nhiều người băn khoăn một điều, mình gần ngay một số nước như Thái Lan, Singapore, họ làm du lịch rất tốt. Tại sao đất nước ta nhiều danh thắng đẹp, mà lại thua họ?
- Tôi thấy một chỗ rất quan trọng là mình thiếu chuyên nghiệp. Cái đó rất rõ, kể cả về thái độ ứng xử, về cách tổ chức tour và bán sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch là yếu nhất. Đi các nơi, gần như từ Bắc chí Nam chỗ nào cũng thấy quà lưu niệm như nhau. Mà có nhiều khi toàn hàng Trung Quốc.
Thật ra thì số lượng du khách hiện nay không quan trọng bằng chất lượng du khách. Có những chỗ rất ít khách nhưng lãi rất cao. Còn nếu chúng ta cứ làm theo kiểu giá rẻ thì được nhiều khách đồng thời nhiều rác, nhiều ô nhiễm môi trường, ô nhiễm cả văn hoá mà không đạt được kết quả mong muốn là chúng ta tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm. Cho nên là phải chọn lựa. Tất nhiên vẫn có nhắm vào số đông, du khách có thu nhập thấp nhưng phải có những khu riêng hoặc chiến lược thu hút khách thu nhập cao rất quan trọng.
- Nhưng việc bảo vệ môi trường du lịch chính là do đơn vị tổ chức du lịch người ta phải đảm bảo?
- Nếu chúng ta thu được cao từ du khách thì dễ dàng hơn trong xử lý môi trường. Vì xử lý môi trường là việc tốn kém. Còn chúng ta chấp nhận khách số đông thì tất nhiên mỗi người khách lại thải ra nhiều rác rưỡi là đúng rồi. Nhưng du lịch giá thấp có nghĩa rằng chi phí dành cho việc phục vụ thấp, kèm theo chi phí dịch vụ về môi trường cũng như xử lý về môi trường cũng thấp.
Anh đã đến Mũi Né (Phan Thiết) chưa? Tôi đến đấy, đầu tiên thấy biển rất đẹp, tôi xuống tắm. Tôi bước lên thấy nước từ các nhà hàng, nhà trọ sát biển thải chảy rong rong thẳng ra biển. Thế tôi không dám xuống tắm nữa! Còn ở Long Hải (khu vực gần Vũng Tàu), tôi thấy người ta đào lỗ trên cát, lấp toàn bộ rác của du khách, thế là xong. Ngay trên bờ biển cũng có người dọn và làm kiểu ấy. Sau khi thuỷ triều lên, sóng đánh lòi ra, bơi một tí thấy túi ni lông quàng vào cổ. Thì những việc ấy, tất nhiên du khách không ý thức là một chuyện nhưng mà công ty tổ chức đó phải làm. Thường là thấy sạch thì ít ai dám vứt rác mà bẩn thì càng vứt. Thế cho nên là mình cần có chế tài nhất định, thậm chí là phạt. Nhưng cái chính vẫn là anh tổ chức dọn dẹp đó.
- Có thực tế là khách nước ngoài than phiền đi du lịch bị chèo kéo, nài nỉ mua hàng, bắt chẹn khách. Có những nơi làm du lịch theo mùa, ''9 tháng mài dao 3 tháng chém''... Những việc như thế làm thế nào khắc phục, thưa ông?
- Cần tổ chức bài bản hơn. Và tôi nghĩ rằng pháp luật phải kiên quyết. Tôi cũng rất chán chuyện ấy! Bản thân mình là người trong nước đi các nơi mà bị chèo kéo rất là chán. Gần như mình trở thành một miếng mồi, hay một cái gì đó cho người ta lôi kéo, người ta tìm cách móc túi mình. Mình không sợ tốn tiền nhưng tiền đó phải, thứ nhất là tiền hợp lý. Thứ hai là do mình tự nguyện chứ không phải chèo kéo. Nhiều khi mình mua phứt cho đỡ chèo kéo. Chuyện đấy là dở, tôi nghĩ phải cấm và phạt nặng hành vi ấy.
Thế còn ra những du lịch theo mùa thì có một chuyện là vào những khu du lịch đóng tiền lắt nhắt quá. Vào mỗi chỗ là đóng tiền, đóng tiến... Thà ta thu hẳn ở ngoài, cao cao một tí.
- Nhiều khi đi vệ sinh cũng phải...?
- Đấy đấy! Đã mua vé một lần vào trong là trọn gói. Như vậy mới yên tâm, khỏi phải dích dắc. Tôi có đi Bích Động (Ninh Bình) thấy mỗi người chèo một thuyền nan nho nhỏ như thế, xong rồi lấy mấy nghìn bạc của du khách. Mà tôi cảm thấy ngại! Tôi nghĩ phải trả tiền cao hơn cơ! Nếu người ta làm thuyền đẹp hơn, to hơn tôi trả cao hơn. Người chèo thuyền là dân địa phương bảo rằng, có khi hàng tháng họ mới quay lại một lượt. Thế thì tại sao chúng ta không tổ chức thuyền đàng hoàng, thu tiền cao, lấy tiền đó trợ cấp cho người dân địa phương. Thay vì bắt họ chầu chực hàng mấy tuần mới được chèo thuyền một lượt thu được mấy chục nghìn.
- Để chèo kéo, bắt chẹn khách... theo ông trách nhiệm thuộc về ai?
- Du lịch là lĩnh vực tương đối đa ngành. Chúng ta không thể đổi hết trách nhiệm lên cho công ty du lịch. Tôi nghĩ rằng cái đấy là vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan khác kể cả cơ quan công an... Tức là sau khi có Luật Du lịch, ta phải áp dụng luật đó vào cuộc sống. Một cái nữa là nguồn thu từ du lịch cũng nên dành một ít để làm phúc lợi cho địa phương, cho nơi du khách đến và tái tạo tài nguyên môi trường. Chứ không phải công ty du lịch thu được bao nhiêu hưởng hết, chỉ đóng ít thuế là xong. Cần quy định rõ ràng cộng đồng địa phương cũng được hưởng lợi, họ mới ủng hộ việc ấy.
- Ông đánh giá công tác về công tác xúc tiến du lịch khi có người nước ngoài nhầm tưởng rằng mình vẫn đang trong thời kỳ có chiến tranh?
- Xúc tiến du lịch của chúng hiện nay còn yếu quá! Người ta có phương tiện rất tốt để truyền bá như Internet chẳng hạn nhưng mình hình như ít dùng. Không phải riêng du lịch mà trong các ngành khác của chúng ta, kể cả văn hoá, xã hội... chưa được quảng bá rộng rãi trên Internet. Vào trang Google, tôi truy cập xem thấy rằng hình như người hải ngoại, nước ngoài, tin tức phản động đến với họ nhiều hơn là tin tức chính thức. Tôi nghĩ cái đó cũng do mình dở!
- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng có nói lần nói rằng xúc tiến du lịch yếu vì thiếu tiền?
- Tôi cho thiếu tiền cũng là một vấn đề. Nhưng không phải không có tiền mà không có một chiến lược, một tư duy hợp lý trong vấn đề này. Chứ nói rằng không quảng bá vì thiếu tiền không phải. Vì tiền quảng bá không mất đi mà thu lại nếu chúng ta chứng minh được điều đó có hiệu quả, Nhà nước cũng sẵn sàng mở hầu bao thôi. Sợ rằng chúng ta không chứng minh được chiến lược quảng bá có hiệu quả.
- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có liên quan đến kinh tế, văn hoá, chính trị.. Làm thế nào để mọi người ý thức được trách nhiệm quảng bá du lịch và thu hút du lịch?
- Ngoài quảng bá cho du khách chúng ta cũng phải quảng bá cho nhân dân chúng ta ta hiểu vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Thứ hai, như tôi vừa nói, phải chia sẻ lợi ích. Thật ra chúng ta nói suông cũng hơi khó! Nếu như người dân ở khu vực nào đó thấy rằng khách du lịch đến làm tăng cơ hội công ăn việc làm, đường sá được sửa sang, điện nước đầy đủ, cuộc sống khá lên thì họ sẽ biết tôn trọng điều đó.
- Với những vấn đề vừa nêu, Luật Du lịch lần này có khắc phục được?
- Tôi nghĩ ra đời Luật thì luôn luôn là tốt cho bất cứ một ngành nghề nào. Nếu chúng ta có luật thì đương nhiên sẽ có hành lang pháp lý an toàn và nhiều thứ tốt hơn. Nhưng chúng ta cũng không nên kỳ vọng luật ra thay đổi được tất cả. Kể Luật Giáo dục vừa rồi, nghĩ rằng ra luật thay đổi được nền giáo dục của chúng ta thì không phải vậy. Ra luật rồi còn nhiều yếu tố, trong đó có vai trò điều hành. Điều hành của ngành du lịch riêng và phối hợp giữa cơ quan Chính phủ, địa phương...
- Qua cách làm biểu tượng du lịch của nước nhà thời gian vừa qua, ông có nhận xét gì về phong cách quản lý, điều hành của ngành du lịch?
- Tôi vẫn cho rằng, thiếu tính chuyên nghiệp, kể cả trong việc ấy. Vì biểu tượng của ngành du lịch không mang tính đại chúng. Lý ra chúng ta phải lấy ý kiến rộng rãi trước khi chấp nhận biểu tượng đó. Một sản phẩm ra nhiều ý kiến khác nhau là bình thường. Nhưng để tình trạng như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp trong cách làm. Tai sao chúng ta tiếc cái gì mà không lấy ý kiến đại chúng trước?
- Ông có ủng hộ nâng Tổng cục Du lịch lên thành Bộ?
- Tôi và một số đại biểu khác cũng ủng hộ phương án này. Thật ra cũng nên nâng cấp lên để họ có thể ra văn bản pháp quy. Nếu chúng ta xác định nó là một ngành quan trọng, mũi nhọn thì tại sao không nâng cấp lên? Đất nước chúng ta nhiều cảnh quan đẹp đẽ như vậy. Mà du lịch không phải chỉ tiền bạc không đâu mà nó còn là vị thế của đất nước, uy tín của quốc gia...
- Luật Du lịch, theo ông, có thể thông qua tại kỳ họp này?
- Tôi ủng hộ việc thông qua trong kỳ họp này. Với cường độ làm việc như hiện nay mà chúng ta dồn vào cuối năm thì công việc cuối năm sẽ quá nhiều. Nhưng với điều kiện cơ quan soạn thảo phải sửa rất nhanh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thì họ sẽ thống nhất và thông qua.
-
Văn Tiến thực hiện