221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
652548
Chính phủ "kê thuốc" chữa "bệnh" thiếu điện
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Chính phủ 'kê thuốc' chữa 'bệnh' thiếu điện
,

(VietNamNet) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo ngành điện thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện bằng cách đưa điện từ Nam ra Bắc, đưa nhà máy điện Na Dương vào hoạt động và sử dụng hết công suất các nhà máy điện hiện có. 

Đường dây 500KV Bắc - Nam

Hạn chế thấp nhất việc cắt điện trên diện rộng

Tại buổi làm việc với ngành Điện lực mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Tổng công ty Điện lực VN (EVN) tiếp tục mua điện của các nhà máy điện độc lập (IPP), các nhà máy điện BOT, mua điện từ bên ngoài để đảm bảo tối đa điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là các ngành thiết yếu, cố gắng hạn chế thấp nhất việc cắt điện trên diện rộng. 

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu điện, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chỉ đạo ngành Điện lực đẩy mạnh tiến độ thi công đường dây 500kV đoạn Hà Tĩnh - Thường Tín và các đường dây, trạm biến áp đồng bộ để đóng điện tại trạm 500 kV Thường Tín vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2005. Cho phép thi công đường dây 220 kV để tải điện từ Trung Quốc sang các tỉnh biên giới theo cơ chế xây dựng đường dây 500 kV mạch 2. Đẩy mạnh tiến độ thi công để đảm bảo tiến độ Dự án đuôi hơi nhà máy điện Phú Mỹ 2 - 1 mở rộng đề vận hành vào cuối năm 2005. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương lập phương án tiết giảm điện cụ thể theo thứ tự ưu tiên sử dụng điện trên địa bàn.

Theo Người phát ngôn của Thủ tướng, để khắc phục tình trạng thiếu điện trong tương lai, Chính phủ sẽ can thiệp để Ngân hàng cho vay vượt 15% mức cho phép để ngành điện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện vốn đang bị ách tắc, chậm trễ do thiếu vốn.

"Ngoài giải pháp trên, rất có thể tới đây Chính phủ sẽ ban hành tiếp Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện trong sinh hoạt cũng như sản xuất, không chỉ áp dụng trong tình trạng thiếu điện hiện nay và cả về lâu về dài và sẽ có chế tài cụ thể về tiết kiệm điện" - ông Nguyễn Kinh Quốc cho biết.

Các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá

Theo nhận định của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong tháng cũng như 5 tháng đầu năm 2005 có chuyển biến tích cực.

Báo cáo của Bộ Công nghiệp cho thấy, trong tháng 5, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 38 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng gần 17% so với cùng kỳ. Tính chung trong 5 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 177 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15,4% so với cùng kỳ. Mức tăng này không cao song, theo nhận định của Người Phát ngôn của Thủ tướng thì trong tình hình khó khăn do thiếu điện sản xuất, đây là chỉ số khả quan.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng số một trong sản xuất công nghiệp, theo ý kiến của đại diện cơ quan thông tấn tại cuộc họp báo, không phải là chỉ số về sản lượng sản xuất công nghiệp mà là giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp. Vì trên thực tế, sản xuất công nghiệp có thể tăng cao nhưng lượng sản phẩm tiêu thụ có thể rất thấp. Ông Nguyễn Kinh Quốc thừa nhận vấn đề này và cho rằng, đây là thiếu sót trong báo cáo của Bộ Công nghiệp với Chính phủ tại phiên họp thường kỳ này.

Đặc biệt, theo thông báo của ông Nguyễn Kinh Quốc, trong tháng 5, chỉ số giá tăng ở hầu hết các mặt hàng với mức trung bình 0,5%. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng nhà ở, vật liệu xây dựng và đồ uống, thuốc lá với 0,8%; kế đến là nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 0,6% (lương thực tăng 0,2%, thực phẩm tăng 0,8%); nhóm hàng phương tiện đi lại, bưu điện, dược phẩm, y tế, đồ dùng và các dịch vụ khác với 0,4%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,3%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,2% và đồ dùng phục vụ giáo dục tăng 0,1%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới 4,8%. Trong đó, tăng cao nhất là giá lương thực, thực phẩm với 7,2%.

Tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại thường trực!

Vấn đề Chính phủ đặc biệt lưu tâm tại Phiên họp lần này là chỉ đạo tăng cường quản lý các dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar... mà theo ông Nguyễn Kinh Quốc, ngoài Chỉ thị về tăng cường quản lý các loại hình dịch vụ nói trên mới vừa ban hành, Thủ tướng sẽ tiếp tục có chỉ thị đối với chính quyền xã, phường đến tỉnh, thành phố để gắn trách nhiệm cụ thể những người đứng đầu các cấp khi để xảy ra tệ nạn xã hội qua hình thức kinh doanh nói trên.

Liên quan đến vấn đề này, một số phóng viên Báo, Đài tại cuộc họp báo thắc mắc: quyết định tạm dừng cấp đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ "nhạy cảm" nói trên có "ảnh hưởng " đến Luật Doanh nghiệp? Người Phát ngôn của Thủ tướng cho rằng, kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường và các loại hình dịch vụ tương tự cần phải kèm theo điều kiện vì đây là dịch vụ không được xã hội khuyến khích.

Ông Nguyễn Kinh Quốc cũng thông báo sự lo ngại của Chính phủ trước tình trạng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, thậm chí nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng đã xảy ra ở cả đường bộ, đường sắt và đường thuỷ. Vì vậy, theo Chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Sữa chữa ngay những cung đường nguy hiểm thường xảy ra tai nạn, đồng thời, tăng cường các biển báo hợp lý tại các đoạn đường nguy hiểm; tăng cường kiểm tra chất lượng các phương tiện giao thông.

"Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông để ngăn ngừa, hạn chế tai nạn là rất cần thiết vì hầu hết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đều do ý thức người tham gia giao thông kém" - ông Quốc nhấn mạnh.

Chưa hài lòng với kết quả sản xuất kinh doanh thấp so với kế hoạch đặt ra trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; kịp thời nắm bắt những biến động của tình hình giá cả, dự báo tương đối chính xác những tác động dây chuyền để chủ động có giải pháp, chính sách thích hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các dự án phòng chống thiên tai.

"Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đầu tư để hạn chế lãng phí, tiêu cực" - ông Nguyễn Kinh Quốc cho biết.

  • Hải Âu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,