(VietNamNet) - Người dân được lựa chọn giao dịch bằng lời nói, văn bản... như thông thường hoặc chọn giao dịch điện tử nếu có đủ điều kiện.
Quan điểm này được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình khi góp ý cho
dự án Luật Giao dịch điện tử chiều 31/5.Thực tiễn có rồi, không lý lại bỏ ra?
Điểm mấu chốt của dự luât là công nhận giá trị pháp lý của thông điệp điện tử và chữ ký điện tử. Thông điệp và chữ ký điện tử có giá trị như văn bản giao kết bằng giấy và chữ ký thông thường.
Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến băn khoăn: ''Ngoài điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại (bình đẳng trong giao kết), Luật này có nên điều chỉnh các quan hệ hành chính có tính mệnh lệnh, áp đặt không?''
Theo TS. Mai Anh (ĐB Khánh Hoà), Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam, nên bao gồm cả hoạt động hình chính. ''Văn phòng Chính phủ nối mạng với các bộ, ngành, địa phương, công văn chạy trên đó đã 6 năm rồi! Các bộ, tỉnh đưa ra dịch vụ công trực tuyến về cấp phép đầu tư, nhà đất... Thực tiễn có rồi, không lý lại bỏ ra?'', ông thuyết phục Quốc hội.
Đồng tình với ĐB Mai Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân (ĐB An Giang) cũng cho rằng không nên ''gói'' phạm vi điều chỉnh của luật chỉ ở khía cạnh dân sự vì đây là luật hình thức. Với đặc thù của quan hệ hành chính thì Chính phủ sẽ có nghị định riêng để điều chỉnh.
Tuy nhiên, TS. Mai Anh lưu ý, đây không thuần tuý là luật hình thức. ''Gửi thông điệp điện tử kèm theo hệ quả thay đổi ứng xử, quy trình công tác, chẳng hạn như trong lĩnh vực ngân hàng. Luật phải điều chỉnh quyền lợi và trách nhiệm phát sinh'', ông giải thích.
Cần thiết ký hiệp định công nhận chữ ký điện tử
ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) lo ngại rằng, luật này ra đời sẽ cản trở việc lựa chọn hình thức giao dịch. Ông đề nghị quy định rõ, người dân có quyền lựa chọn cách thức giao dịch. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) hưởng ứng: ''Không nên bắt buộc lựa chọn dùng thông điệp điện tử. Nếu người dân thấy khả năng an toàn, tiện lợi, đủ điều kiện giao dịch điện tử thì thực hiện''.
Thông điệp điện tử chuyển đi không được chấp nhận hoặc có trục trặc, xẩy ra tranh chấp thì giải quyết thế nào? Theo ĐB Lê Kim Toàn đề xuất: ''Giao kết hợp đồng kinh tế có tranh chấp thì giải quyết theo pháp luật kinh tế. Còn tranh chấp liên quan đến hình thức giao dịch thì giải quyết bằng luật này''.
Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá (ĐB Bắc Giang) cho rằng, cần quy định trong luật về chữ ký điện tử an toàn. Ông cho biết Trung Quốc công nhận chữ ký điện tử an toàn và chữ ký này do cơ quan nhà nước cấp. Nhưng theo TS. Mai Anh, không cần thiết nói rõ ''chữ ký an toàn'' vì có chứng thực chữ ký điện tử. ''Hải quan sẽ chứng thực chữ ký trong khai báo hải quan điện tử. Mảng này do cơ quan chuyên ngành làm. Ngoài ra còn hệ thống chứng thực công cộng'', ông nói.
Có đại biểu băn khoăn về chữ ký điện tử của đối tác nước ngoài. Theo TS. Mai Anh, hiện nay đương nhiên công nhận chữ ký điện tử của nước ngoài. Tuy nhiên để có cơ sở pháp lý chặt chẽ, chúng ta cần ký các hiệp định công nhận chữ ký điện tử lẫn nhau.
Mặc dù giao dịch điện tử còn xa lạ với nhiều người dân, hình thức được sử dụng hạn chế nhưng nhiều đại biểu ủng hộ Luật Giao dịch điện tử sớm ra đời (theo dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay).
Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
- Văn Tiến