221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
661786
Dự luật chống tham nhũng: Khó khả thi và hiệu quả?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Dự luật chống tham nhũng: Khó khả thi và hiệu quả?
,

(VietNamNet) - Qua thẩm tra dự án Luật phòng chống tham nhũng, rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của việc kê khai tài sản cả người thân trong cùng hộ khẩu, lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng...

Soạn: AM 177317 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tham nhũng tạo ra bất công trong xã hội.

VietNamNet xin trích đăng một số ý kiến khác nhau về những nội dung lớn này trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật trình bày trước Quốc hội ngày 11/6.

Kê khai tài sản người thân cùng hộ khẩu: Xâm phạm quyền nhân thân?

Về vấn đề minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với dự thảo luật quy định người có chức vụ, quyền hạn ngoài việc phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình còn phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con trong cùng sổ hộ khẩu. Nhưng ý kiến khác cho rằng chỉ nên quy định người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của người đó.

Một số ý kiến cho rằng, kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con trong cùng sổ hộ khẩu là không phù hợp với quy định về quyền tài sản của công dân đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự. Bởi vì vợ hoặc chồng và con là chủ thể độc lập với người có chức vụ, quyền hạn. Nếu quy định phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con trong cùng sổ hộ khẩu là xâm phạm quyền nhân thân của họ. 

Quốc hội sẽ dành trọn ngày đầu tuần (13/6) để thảo luận về dự án Luật phòng chống tham nhũng. Trước quan tâm và bức xúc của cử tri cả nước về vấn nạn tham nhũng, phiên làm việc này sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Cùng với dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong thời gian tới.

Hơn nữa, do không có cơ chế quản lý thu nhập, đăng ký tài sản... dẫn đến không quản lý được tài sản. Dù có quy định như trong dự thảo cũng không có ý nghĩa gì, vì kê khai đúng, sai, chính xác, đầy đủ hay không đều không biết được. Quy định như vậy không những không có tác dụng cho công tác phòng ngừa tham nhũng mà còn dễ bị lợi dụng để “lách” luật, vì chỉ cần tách vợ hoặc chồng và con chưa thành niên ra khỏi sổ hộ khẩu là không phải bị kê biên tài sản của các đối tượng này.

Nhưng một số ý kiến khác cho rằng đã là cán bộ công chức thì cũng cần phải chịu đựng những ràng buộc nhất định khác với công dân bình thường. Hơn nữa, đây chỉ là biện pháp phòng ngừa, giúp cán bộ công chức sống trong sạch, giữ được phẩm chất, đạo đức của mình. Cho nên người có chức vụ, quyền hạn ngoài việc phải kê khai tài sản của mình còn phải kê khai cả tài sản của người thân thích. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản của những người nào thì còn có nhiều ý kiến khác nhau:

- Có ý kiến cho rằng thực tế hiện nay người tham nhũng chủ yếu tẩu tán tài sản có được do tham nhũng cho những người thuộc diện hàng thừa kế thứ nhất là bố, mẹ, vợ, hoặc chồng và con của người đó đứng tên chủ sở hữu. Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì cần phải quy định kê khai tài sản đối với tất cả những người thuộc diện hàng thừa kế thứ nhất.

- Có ý kiến đề nghị giới hạn người có trách nhiệm phải kê khai tài sản chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Bởi vì đây là những người thân thích và gắn bó nhất với người phải kê khai tài sản và cũng chỉ có tài sản của những người này thì người phải kê khai tài sản mới có thể biết được để kê khai chính xác.

- Có ý kiến cho rằng trên thực tế người tham nhũng không chỉ để những người thân thích đứng tên sở hữu tài sản tham nhũng mà còn có thể giao tài sản của mình cho các đối tượng khác nhau như bạn bè... đứng tên giữ hộ dưới những hình thức khác nhau. Do đó, cần phải quy định kê khai đối với mọi biến động về tài sản từ người có chức vụ, quyền hạn chuyển cho người khác như tặng, cho...

Đã có ban chống tham nhũng nhưng rồi phải giải thể

Theo tờ trình của Chính phủ thì để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng cần thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở trung ương và ở cấp tỉnh.

Đa số ý kiến không tán thành việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng vì cho rằng địa vị pháp lý của cơ quan này là không rõ ràng; nhiệm vụ, quyền hạn của ban chỉ đạo cũng không phù hợp với cơ cấu, thành phần của ban chỉ đạo. Chẳng hạn, theo dự thảo luật, thành phần của ban chỉ đạo bao gồm đại diện các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận, tư pháp  trong khi đó ở trung ương ban này có nhiệm vụ giúp QH, Chính phủ; còn ở địa phương thì chịu trách nhiệm trước HĐND và UBND.

Hơn nữa, các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa làm rõ được các nguyên tắc, mối quan hệ, cách thức hoạt động của ban chỉ đạo, cho nên rất khó hình dung về hoạt động của ban này. Đồng thời, theo quy định trong dự thảo luật thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của ban chỉ đạo sẽ khó tránh khó có trường hợp các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án có thể phải làm khác với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự...

Mặt khác, với những thành phần trong dự thảo luật thì hầu hết đều làm việc kiêm nhiệm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy chúng ta đã có quá nhiều ban chỉ đạo nhưng hoạt động đều kém hiệu quả. Ngay cả trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trước đây cũng đã tổ chức ban chống tham nhũng rồi cũng phải giải thể do hoạt động không hiệu quả. Ý kiến này cho rằng trách nhiệm phòng, chống tham nhũng thuộc về tất cả mọi cơ quan, tổ chức mà không phải chỉ riêng cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra...

Nhưng có ý kiến tán thành với việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở hai cấp như trong dự thảo luật. Vì cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức khó khăn, phức tạp, tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần phải có cơ quan chỉ đạo chung mang tính chất liên ngành để nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc đấu tranh phòng - chống tham nhũng.

Một số ý kiến khác đề nghị ở trung ương cần thành lập một cơ quan hoặc một ban chỉ đạo phòng - chống tham nhũng mang tính quốc gia, hoạt động độc lập với Chính phủ, tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan này có thẩm quyền độc lập trong việc nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước những chủ trương, biện pháp đấu tranh chống tham nhũng; được giao những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt; được quyền chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan để chỉ đạo, kiểm tra tổ chức hoạt động đấu tranh phòng - chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Một số ý kiến cho rằng, vai trò của Quốc hội còn rất mờ nhạt trong luật này. Vì vậy đề nghị thay vì lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thì Quốc hội nên thành lập Uỷ ban chống tham nhũng để giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng.

* Một số ý kiến cho rằng thực tiễn xử lý các vụ tham nhũng cho thấy không ít trường hợp đều có sự tham gia, cấu kết giữa người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước và các cá nhân, tổ chức ngoài khu vực nhà nước; công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng sẽ kém hiệu quả nếu như chỉ được tiến hành trong khu vực nhà nước. Vì vậy, ý kiến này tán thành dự án luật cần điều chỉnh hành vi tham nhũng của cả người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước cũng như trong các tổ chức ngoài khu vực nhà nước. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu chống tham nhũng toàn diện, triệt để ở nước ta hiện nay; đồng thời cũng phù hợp với tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.

* Ủy ban Pháp luật tán thành về sự cần thiết phải công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, vì đây là một biện pháp hữu hiệu có tác dụng hạn chế được các cơ hội tham nhũng từ phía người có chức vụ, quyền hạn. Thực tế cho thấy việc bí mật thông tin của các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước đã và đang là cơ hội để những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện được các hành vi tham nhũng. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải rà soát lại những nội dung nào thật sự là bí mật nhà nước, bí mật công tác để đưa vào danh mục bí mật, còn lại những nội dung khác đều phải được công khai. Có như vậy thì mới hạn chế tệ nhũng nhiễu và tham nhũng.

* Nhiều ý kiến tán thành với quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng các quy định này còn quá chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể. Điều 7 Pháp lệnh chống tham nhũng hiện hành đã quy định việc này, nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, tổ chức mình nhưng người đứng đầu không bị xử lý. Ủy ban pháp luật cho rằng ần phải phân biệt rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm buông lỏng sự quản lý dẫn đến để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì cần phải bị xử lý nghiêm khắc; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tích cực đấu tranh, tự phát hiện tham nhũng tại cơ quan, tổ chức mình và xử lý nghiêm minh thì cần phải được động viên, khuyến khích.

  • Văn Tiến lược ghi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,