(VietNamNet) - Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, bạn đọc đã gửi hơn 800 câu hỏi tham gia Bàn tròn trực tuyến về chủ đề “Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân” diễn ra tại Toà soạn VietNamNet (số 4 Láng Hạ, Hà Nội ) với sự tham gia của PGS Lê Doãn Tá cùng ông Nguyễn Ngọc Mỹ - chủ nhiệm CLB doanh nghiệp Việt kiều - và từ nhà riêng của nhà văn hoá Trần Bạch Đằng (TP HCM). Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn dẫn chương trình.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Người dựng "nhà khách" cho Việt kiều |
(VietNamNet) - Ông cũng là một Việt kiều. "Căn nhà khách" ông dựng gần 5 năm nay đã là nơi "trú ngụ" của hàng trăm Việt kiều khi hồi hương. |
Những nội dung quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã được Hội nghị Trung ương 12 nhất trí đề ra là việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Trên thực tế thời gian qua, vấn đề đảng viên làm kinh tế là chủ đề nhận được sự quan tâm rộng khắp của cả trong và ngoài Đảng. Vậy sự thay đổi nhận thức về vấn đề này đang diễn ra như thế nào?
PGS, Tiến sĩ triết học Lê Doãn Tá , nguyên giám đốc phân viện Hà Nội Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã học tại trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop (Nga). Ông từng là trưởng đoàn chuyên gia xuất bản Bộ Lênin toàn tập 55 cuốn từ tiếng Nga ra tiếng Việt tại Moscow. |
Đảng viên sẽ được trực tiếp làm kinh tế tư nhân đến quy mô như thế nào để đóng góp sức lực và trí tuệ vào sự phát triển chung của đất nước?
Việc đảng viên được tham gia làm kinh tế tư nhân có ý nghĩa như thế nào trong bổi cảnh Đảng tiếp tục tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình?
Đảng sẽ có những quyết sách quan trọng gì để giải phóng triệt để mọi nguồn lực của dân tộc cho mục tiêu cao nhất là sớm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, hướng tới sự phồn vinh và thịnh vượng cho mọi người Việt
Dưới đây là nội dung cuộc bàn tròn
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa quý vị, chủ đề “bàn tròn trực tuyến” hôm nay thật bất ngờ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, sôi nổi không kém những buổi giao lưu với các nhân vật trong giới văn nghệ sỹ.
Tính đến thời điểm này đã có hơn 800 câu hỏi của độc giả, một con số đáng ngạc nhiên, đối với chủ đề nghe chừng khô khan này. Rất nhiều câu hỏi, góp ý, nhận xét, phân tích. Rõ ràng, Đảng trong từng bước đi vẫn luôn nhận được sự theo dõi, đồng hành của người Việt trong và ngoài nước.
Bàn tròn đã có mặt đầy đủ khách mời, gồm: Nhà văn hoá, học giả Trần Bạch Đằng; PGS Lê Doãn Tá, nguyên giám đốc phân viện Hà Nội của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ biên Bộ Lênin toàn tập 55 cuốn, người đã có nhiều cuốn sách, nhiều công trình lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt kiều Mỹ đang sống và làm việc ở VN, chủ tịch CLB Việt kiều, người có nhiều đóng góp và được nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt đầu năm nay.
Những ngày qua, vấn đề Đảng viên được làm kinh tế tư nhân trên cơ sở tuân theo luật pháp VN và những quy định của Đảng đang tạo ra sự bàn luận sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Qua bàn tròn này, chúng tôi muốn cùng các bạn trao đổi nhiều chiều và cụ thể hơn chủ trương này. Đầu tiên, xin mời học giả Trần Bạch Đằng.
Pháp luật không cấm thì được làm
Ông Trần Bạch Đằng:
Hội nghị chấp hành TW Đảng lần thứ 12 khoá 9 vừa thông báo một chủ trương về việc đảng viên làm kinh tế ở quy mô trong phạm vi luật pháp. Pháp luật không cấm thì được làm.Đây là chủ trương mới, nhưng thực sự không phải vấn đề mới. Điều này đã được trao đổi và trăn trở nhiều năm để tìm hướng đi thích hợp. Nhưng, trước đây, vì điều kiện lịch sử, chúng ta không cho phép đảng viên làm kinh tế. Do quan niệm làm kinh tế tư bản tư nhân hàm ý bóc lột và có điều lệ cấm không được bóc lột.
Hội nghị TW Đảng năm 1986 mới bắt đầu đưa ra vấn đề đổi mới vào quy trình. Từ đó đến nay gần 20 năm, đổi mới đã dần dần đi vào đời sống và lại tiếp tục đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa. Tức là đổi mới cái đổi mới.
Trước đây không cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân là điều nằm trong quy định của Đảng. Nhưng hiện nay tình hình đã khác. Quan điểm của tôi là: đảng viên cũng là công dân, nên không việc gì phải đưa họ lên nấc bậc gì đó cao hơn công dân.
Hiện có 2 triệu đảng viên, giả sử trung bình gia đình họ có 4 người. Vậy thì có gần 8 triệu thành viên gia đình họ, một tỷ lệ không nhỏ so với 80 triệu dân. Không lẽ một bộ phận tương đối lớn trong xã hội lại không được làm kinh tế tư nhân? Đó là vấn đề không bình thường. Thứ hai, nếu đảng viên không làm kinh tế, tức là không lao vào cuộc vận động làm cho dân giàu nước mạnh. Vậy làm sao là người tiêu biểu để lãnh đạo nhân dân tiến tới mục đích chung đó?
Làm kinh tế, tất nhiên có nhiều cách khác nhau. Thử đặt vấn đề: Đảng viên, bằng những phương thức chính đáng mà có vốn, vậy nên làm gì hữu ích nhất với số vốn ấy? Ăn! Ăn không hết thì phải làm cho nó sinh lãi: làm chủ hợp tác xã, hùn vốn, kinh doanh... Điều đó rất có lợi cho xã hội.
Mặt khác, có rất nhiều trường hợp đảng viên, không làm kinh tế tư bản tư nhân nhưng lại làm giàu bằng những con đường khác, chẳng hạn tham nhũng, đầu cơ, dùng quyền lực... mới là cái hại lớn. Như vậy, làm kinh tế tư bản tư nhân, giúp đảng viên làm giàu chính đáng là làm cho Đảng trong sạch hơn. Cách tốt nhất là cứ làm, làm những gì pháp luật cho phép.
Tất nhiên, cũng cần hiểu Đảng ta là đảng cầm quyền nên sự can thiệp để xã hội công bằng là cơ chế của chúng ta. Anh định chính sách, có cơ chế trong tay, thì phải tránh lợi dụng nó khi làm riêng cho anh. Vấn đề là làm thế nào để những đảng viên có khả năng làm kinh tế được làm với tư cách một công dân bình thường... Chỉ có khi nào làm mà không rõ ràng minh bạch thì mới có vấn đề.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng: thứ nhất, phải làm thế nào để đảng viên đóng vai trò như một công dân. Thứ hai, đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân một cách tích cực, để là nòng cốt, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin mời PGS Lê Doãn Tá.
Ông Lê Doãn Tá:
Tôi quan niệm không phải bây giờ mới có chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân có thể là kinh tế tiểu chủ, cá thể, trang trại... ta có rồi. Vấn đề bây giờ là đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân, nên giới hạn ở chỗ đó.Tôi rất tán thành quan điểm của Hội nghị TW 12 khoá IX, mà một số nhà lãnh đạo như anh Nguyễn Khoa Điềm (Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá TW), cũng như anh Tạ Hữu Thanh (Phó Trưởng ban Kinh tế TW) nói. Tức là cho làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô. Tôi cho là mới và tốt. Quần chúng rất mong muốn được chính thức hoá và đến Đại hội X được chấp nhận thông qua. Đó là ý nguyện của tôi.
Marx đã phân tích rằng, xoá bỏ bóc lột bằng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Nhưng phải thấy trong sự phát triển của lịch sử, sơ khai là chế độ công hữu nguyên thuỷ. Mà chế độ này kìm hãm sản xuất nên sau đó mới thay bằng chế độ tư hữu, trải qua từ chiếm hữu nô lệ đến phong kiến, đến tư bản. Chế độ tư hữu đã trở thành động lực của sự phát triển sản xuất, thúc đẩy nhân loại tiến bộ.
Trong điều kiện hiện nay ở các nước tư bản phát triển, không nói nước còn lạc hậu như ta, chế độ tư hữu vẫn thúc đẩy chế độ tư bản phát triển, đặc biệt là gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Ở nước lạc hậu như Việt
Ai cũng biết, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, vật liệu mới… Bây giờ sản phẩm hàng hoá không chỉ là những đồ vật cụ thể mà ngay trí tuệ cũng là sản phẩm hàng hoá. Trong điều kiện toàn cầu hoá nền kinh tế và điều kiện xã hội mới như vậy, chúng ta phải kiên định những gì cần kiên định. Lý tưởng rõ ràng chúng ta phải kiên định. Nhưng quá trình thực hiện lý tưởng ấy phải rất rõ ràng.
Đảng đã căn cứ vào lý luận để đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, trong đó thừa nhận kinh tế tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Thế thì những công dân do chính đảng ấy lãnh đạo phải có quyền được hưởng chính sách ấy. Đảng viên là công dân, phải có quyền hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Còn thực hiện thế nào thì có pháp luật, như anh Trần Bạch Đằng nói ở trên.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn anh Lê Doãn Tá. Xin mời anh Nguyễn Ngọc Mỹ, dưới góc độ là một người ngoài Đảng và một Việt kiều. Là một quan sát viên, anh nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Quyết được thì có lợi cho đất nước
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ:
Thưa quý vị, tôi nghe qua vấn đề này đã lâu. Kể từ ngày về nước, 13 năm đến nay, tôi đã lăn lộn với nhiều thành phần xã hội. Tôi đã làm việc cũng như sống với nhiều cấp lãnh đạo cũng như quan chức.Trong quá trình đó, tôi có một khúc mắc: Cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân thì có gì đó lấn cấn cho sự phát triển.
Ví dụ, 2 trường hợp: Một đảng viên nào đó đang là chức sắc trong chính quyền và một đảng viên đang là công dân bình thường.
Trường hợp đầu, đôi khi lên đảng viên là để nắm chức sắc. Mà làm kinh tế tư nhân thì liên quan đến chuyện điều tiết. Sẽ dễ dính dáng đến chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi.
Nhưng nếu đảng viên là công dân bình thường thì chuyện này nên khuyến khích và cho phép càng sớm càng tốt. Tôi là một nhà doanh nghiệp mà thấy cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân thì có khi tôi lại không muốn xin gia nhập Đảng. Đây cũng sẽ là sự bó hẹp cho giới trẻ. Bây giờ nhiều người trẻ muốn làm kinh tế tư nhân để phát triển đất nước. Mà vào Đảng thì sẽ bị cấm. Nên nếu chủ trương này phát triển thì công dân đảng viên sẽ tăng lên rất nhiều.
Tôi ở Úc mười mấy năm, thấy bên đó có hai đảng lớn và một số đảng phụ. Thường thường, hai đảng lớn thay nhau nắm chính quyền. Nếu trường hợp một đảng thất cử, mà đảng viên không làm kinh tế tư nhân, họ sẽ lấy gì để sống? Lúc đó có còn nằm trong cơ cấu chính quyền nữa đâu.
Tôi đã thấy ở nhiều nước, những người làm kinh tế tư nhân mà không nắm chức sắc thì phải đăng ký doanh nghiệp tư nhân đó và vốn doanh nghiệp tư nhân đó bằng cách điều hành doanh nghiệp. Rồi, anh ta có thể tạm ngừng làm doanh nghiệp để ra nắm chính quyền.
Việc thứ ba, đặt trên quyền lợi và sự phát triển của dân tộc. Trong thời điểm hiện nay, đất nước đang mở cửa, rất cần yếu tố con người. Mình đang có gần 2 triệu đảng viên, đó là một nguồn lực hết sức to lớn để phát triển kinh tế. Mà đa phần, những người giỏi, người tốt mới được vào Đảng.
Thử tưởng tượng, 2 triệu con người đó bị khoá lại trong một cái khung, rõ ràng ta đã mất đi một nguồn lực lớn cho đất nước.
Đó là điều mà nếu đại hội 12 khoá 9 quyết được thì rất có lợi cho đất nước.
Nhìn chân lý trong cuộc sống
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn các anh. Hôm nay, bạn đọc chúng ta bên cạnh thái độ hân hoan phấn khởi cũng còn rất nhiều trăn trở. Có đến 70-80 độc giả băn khoăn: Đảng viên khi làm kinh tế tư bản tư nhân, nghĩa là nắm tư liệu sản xuất, có được coi là bóc lột hay không? Tôi muốn PGS Lê Doãn Tá trả lời câu hỏi này về mặt lý luận.
Ông Lê Doãn Tá: Trong này còn nhiều câu hỏi so sánh 2 trường hợp, một là giám đốc doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, lương công nhân không trả được. Bên kia là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân làm ăn khấm khá, đóng thuế cho nhà nước, thu nhập ổn, đời sống công nhân đảm bảo.
Có quan niệm "bất kể mèo trằng hay mèo đen, miễn bắt được chuột thì là mèo tốt". Miễn đóng góp được cho đất nước thì đều là công dân tốt, đều là người có ích cho xã hội, bất kể về mặt lý luận là tư bản hay vô sản.
Nếu theo lý luận trên, thì ông giám đốc DNNN kia là con "mèo trắng", có thể là một người đảng viên "tốt" nhưng làm ăn thua lỗ, lương công nhân không trả được. Và giám đốc DN tư nhân kia ít nhất có 3 ưu điểm: đóng thuế cho nhà nước; phát triển lực lượng sản xuất, làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nếu gọi ông ta là mèo đen thì con mèo trắng kia đáng cho vào hiệu tiểu hổ. Không nên dùng mèo trắng, mà hãy khuyến khích con mèo đen này.
Trong quá trình kinh doanh có lợi nhuận thì sẽ làm lợi cả 3 phía. Lợi cho nhà nước khi đóng góp ngân sách, lợi cho bản thân và lợi cho xã hội khi giải quyết vấn đề việc làm.
Tôi nghĩ trường hợp ấy rất có ích, nên phát triển, ủng hộ và tôn vinh. Còn phía “mèo trắng“ kia thì phải hạn chế, và nếu tham nhũng thì phải đưa ra toà dân sự để xử lý. Còn vấn đề bóc lột, ngày xưa, 8 công nhân đã bị xem là bóc lột, là tạo ra giá trị thặng dư. Hội đồng lý luận cũng thảo luận nhiều nhưng chưa quy định rõ.
Theo tôi, thời điểm này chưa nên vội bàn về bóc lột hay là hữu khuynh, tả khuynh. Phải xem cái gì là biện chứng lúc này, cái gì làm lợi cho đất nước. Đó là phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định xã hội và chính trị... Để thực tiễn chứng minh. Đừng nên quy định mấy trăm triệu đồng là bóc lột...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tức là nhìn chân lý trong sự thật cuộc sống?
Ông Lê Doãn Tá:
Trong điều kiện hiện nay, với chúng ta, phạm trù ấy chưa nên bàn. Chưa tính tới là hữu khuynh hay tả khuynh. Trước hết phải làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Cứ làm từng bước đã, xoá đói giảm nghèo, đừng bàn tới khái niệm lúc này làm gì. Cứ đúng luật pháp thì làm.Nếu đảng viên theo đúng pháp luật thì được làm kinh tế tư bản tư nhân. Giả sử tư bản tư nhân mà đóng góp tốt cho Nhà nước thì nên kết nạp vào Đảng. Ví dụ, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hãng Mitsustar của VN đã ký với hãng Haier một hợp đồng lớn. Ông chủ của hãng này, ông Giang Thuỵ Dân, là một đảng viên, mà lại là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản TQ. Ông đã vực dậy một xí nghiệp đang bên bờ phá sản năm 1984 thành một đại gia tầm cỡ quốc tế như hiện nay, doanh số 12 tỷ USD năm 2004. Đấy, hãy cứ làm cho dân khá hơn, đỡ khổ, đỡ nghèo đói, để chúng ta có vị thể xứng đáng trong khu vực và thế giới.
Đảng viên đang là công chức nhà nước không được làm kinh tế tư nhân
Ông Trần Bạch Đằng: Tôi đồng ý với ông Lê Doãn Tá. Nếu hiểu theo khái niệm này, trạng thái không đồng đều, không thật công bằng là trạng thái chung của quá trình phát triển. Ta cần cố gắng làm cho mặt bằng đó giảm bớt sự cách biệt.
Tôi thấy ''mèo trắng, mèo đen'' là một cách nói của Trung Quốc trước đây, chứ không phải ta đặt ra một khái niệm như thế. Muốn hay không muốn vẫn phải có điều tiết để không trở thành tự phát quá lớn. Đi đến chỗ cá lớn, cá bé.
Cũng phải nhấn mạnh, quyền lực của chế độ, xét cho cùng là nâng cao mức sống của những người có thu nhập thấp nhất mà hiện nay là xoá đói giảm nghèo. Giảm nghèo là làm giàu cho hàng chục triệu người, công việc rất nặng nề đối với chế độ. Xong làm giàu bằng cách nào, nhất thiết phải khống chế sự độc quyền đi đến lũng đoạn. Khống chế làm giàu bất chính! Đó là phương hướng rõ ràng. Tôi đồng ý đối với thời đại chúng ta đã xét vấn đề linh động hơn và thấy tác động của nó vào xã hội đông đảo là vấn đề rất lớn.
Chuyện chúng ta đang đối mặt với sự phân biệt xã hội đáng báo động, phần lớn nảy sinh do lạm quyền, tức là lạm dụng quyền lực nhà nước của bộ phận này bộ phận khác, từ tay trắng vượt lên tỷ phú mà không kỹ năng, vốn liếng mà bằng tham ô. Đó là căn bệnh chúng ta cần chống lại.
Nhưng trong trường hợp này, thành phần những đảng viên được làm kinh tế tư nhân giữ vai trò khống chế lũng đoạn hầu như không có. Nói chung họ có làm tư bản tư nhân, tức có lấy một phần lao động của người khác để sử dụng trong quyền lợi của họ, điều đó có. Nhưng mức độ đó có phải là thứ làm cho xã hội băng hoại không? Tôi nhìn tất cả vấn đề rất bình tĩnh và cũng tính đến xu thế phát triển, đừng để trở thành một sự tự phát nguy hiểm.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Một bạn đọc nói rằng nếu Đảng viên đang là công chức nhà nước, trong các lực lượng vũ trang lại làm kinh tế tư bản tư nhân thì không cẩn thận họ sẽ hợp thức hoá số tài sản lâu nay vợ con họ đã làm. Nói cách khác, họ làm gián tiếp thông qua gia đình, thông qua những người thân. Vậy chủ trương này có tạo ra kẽ hở đó không?
Ông Trần Bạch Đằng: Tôi có thể nói ngay. Phải phân biệt 2 chuyện, thứ nhất là những đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân theo đúng quy luật kinh tế tư bản. Con đường tích luỹ đó không hề giản đơn. Muốn trở thành một người có xí nghiệp, cơ sở, doanh nghiệp, có đồn điền rõ ràng không hề giản đơn. Phải cố gắng nhiều và làm quy mô nhỏ, làm từ từ thôi.
Chuyện thứ hai là việc dùng quyền lực của mình để vợ con đứng tên và thành 1 loại siêu tư bản, cái đó luật pháp phải trừng trị. Bởi vì ngay cả đảng viên ở các nước cũng vậy thôi. Nếu anh làm thủ tướng, bộ trưởng, anh và gia đình không được kinh doanh. Ở Anh,
Khi anh rời khỏi vị trí chức sắc rồi thì lại khác, lúc đó anh với tư cách công dân. Ngay cả khi với tư cách công dân, anh làm những chuyện lươn lẹo, lợi dụng thì anh cũng sẽ bị truy tố. Nhân loại đã đúc kết vấn đề này thành một quy luật rồi. Không phải nói là bây giờ, mạnh ai nấy làm. Như Trung Quốc, hàng ngày phải đưa ra bao nhiêu cái, xử lý bao nhiêu cái. Vấn đề không nằm ở chỗ đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân mà ở chỗ đảng viên lợi dụng chức quyền để trục lợi ăn cắp của công.
Vấn đề ở đây không chỉ ở chỗ đảng viên làm kinh tế mà là phạm trù lợi dụng chức quyền để trục lợi. Hai phạm vi khác nhau và chúng ta nói thẳng cho rõ sự khác nhau đó.
Giải pháp sốc rất nguy hiểm
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chắc các câu trả lời của khách mời đã phần nào giải đáp được thắc mắc của các bạn đọc. Rõ ràng đảng viên chèn ép hay đảng viên lợi dụng việc làm kinh tế để rửa tiền đã có luật pháp giám sát. Đảng viên vẫn được quyền mở doanh nghiệp, trừ những đảng viên nắm cương vị quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Và bây giờ, chúng tôi muốn quay lại vấn đề: Tại sao vấn đề này trước cũng đã đề cập mà giờ chúng ta mới có thể làm được? Liệu có chậm không?
Ông Trần Bạch Đằng: Tự câu hỏi cũng đã nói được vấn đề. Không bao giờ chúng ta là có thể nhìn thấu tất cả các bước. Ngay cả việc đánh giặc, chúng ta đã đánh cửa này, tới cửa kia lại khác... Các đồng chí phản đối các đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng có lý của họ, chứ không hoàn toàn là họ chống đối Đảng. Song Đảng Cộng sản không phải là đảng của những nhà tiên tri, của những vị thần thánh để có thể biết trước và làm đúng mọi việc.
Ông Lê DoãnTá: Tôi cũng tán thành với ông Trần Bạch Đằng, nhận thức là một quá trình chứ ta không phải thánh mà biết trước tất cả mọi thứ. Đấy là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là hoàn cảnh thực tế của VN hồi đó, có những vấn đề biết không thể làm được, đến một thời điểm nào đó mới có thể làm được. Bởi vì một đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, dân tộc ta phải hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tình trạng xã hội phải đi từng bước. Nếu dùng những giải pháp sốc là hết sức nguy hiểm, đi từng bước dần dần giữ ổn định là tốt. Không phải là cứ biết mà làm được ngay.
Tôi muốn nói thêm, ngay bây giờ chúng ta phải làm hết sức từng bước. Bởi vì làm kinh tế tư bản tư nhân chính đáng không phải dễ dàng đâu!
Đối với đảng viên làm giàu chân chính mà được như Bill Gates tốt quá! Tôi cho là khó lắm! Còn phần tử lợi dụng tham nhũng kiếm chác thì pháp luật phải trừng trị. Nhưng cái gì quy luật phải làm theo quy luật. Thì xã hội chúng ta phát triển tốt, đừng nghĩ rằng chúng ta không làm được. Không phải nói mãi nhưng dân tộc của chúng ta anh hùng trong đánh giặc thì cũng đủ sức phát triển đất nước không thua kém với thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ:
Ở trong nước mới thấy, năm 1986 là đổi mới, mở cửa nhưng con người thì sau thời gian đổi mới thấy hướng đi thế nào thì mới đổi mới theo. Vì thế cho nên Điều lệ Đảng mới cho phép làm thêm kinh tế bản tư nhân. Tôi thấy ngày hôm nay được như thế rất đáng mừng!Ông Trần Bạch Đằng: Tôi xin nói thêm rằng, nói đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì không dễ ăn đâu. Theo quy luật của nó, đã nhiều thảm kịch xảy ra khi làm kinh tế, là phá sản, là tự vẫn, có thể là thảm kịch gia đình, không giản đơn đâu.
Nếu làm ăn một cách sòng phẳng thì hết sức gian nan. Làm anh công chức đơn giản hơn. Còn khi anh đã nhào vô làm 1 thành viên của xã hội để phấn đấu thành tư bản có xí nghiệp tư bản thì không đơn giản chút nào. Nếu không thì tất cả những người cộng sản của chúng ta thành ra những nhân vật ghê gớm nhất về kinh tế hay sao.
Tôi đã gặp ông giáo sư Phó Bá Long, ông ấy nói ông ấy là 1 nhà kinh tế lỗi lạc. Thấy vậy tôi hơi kinh ngạc, nhưng ông ấy lại nói thêm, lỗi lạc nghĩa là vấp lỗi liên tục và luôn luôn đi lạc. Mà Phó Bá Long là 1 giáo sư có tiếng ở ĐH Đà Lạt, sau đó sang dạy tại nhiều trường ĐH danh tiếng bên Mỹ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra có một thực tế là nhiều người đi học ở các trường kinh doanh danh tiếng trên thế giới nhưng không phải ai cũng thành nhà kinh doanh giỏi. Huống hồ ở đây từ đảng viên ra làm kinh tế. Mấy triệu người, ai mà cũng thành ông chủ giỏi thì hồng phúc cho dân tộc chúng ta quá.
Bạn Nguyễn Vinh từ Hải Phòng có câu hỏi hơi khác một chút. Bạn Vinh là 1 đảng viên cộng sản và rất hoan nghênh bàn tròn này của chúng ta. Câu hỏi của bạn rất dài, tôi xin tóm lược đại ý: Trong dự thảo đề cương báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng có điểm rất mới là đảng viên được làm kinh tế bản tư nhân nhưng phải thực hiện theo Điều lệ Đảng, và tuân thủ theo pháp luật nhà nước và chấp hành một số quy định khác.
Ý mà bạn ấy thắc mắc đó là "tôi chưa được rõ một số quy định khác của Đảng là những gì, nhưng theo tôi, để phù hợp và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước thì không nên đưa một số quy định nào của Đảng mang ý nghĩa làm hạn chế hoặc kìm hãm đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân. Nên chăng người đảng viên khi làm kinh tế tư nhân được hưởng quyền lợi như những người ngoài Đảng, còn trách nhiệm sẽ có yêu cầu cao hơn".
Đây là câu hỏi của một bạn đọc Hải Phòng đồng thời là 1 đảng viên. Đề nghị các vị khách mời cho biết ý kiến.
Ông Trần Bạch Đằng: Tôi nghĩ đây là 1 chủ trương mới ban hành, và còn phải kèm theo rất nhiều quy định khác nữa. Bây giờ, chúng ta đã có cơ sở nào trong tay để nói về những việc này đâu. Chủ trương là thế còn để đi vào thực tiễn thì ban bí thư TW sẽ có những chỉ thị cụ thể. Bởi thế cũng không nên vội. Vì những quy định thế này, quy định thế kia, ngay cả việc đảng viên là công chức như thế nào cũng phải nói cho rõ. Chuyện mọi người đều bình đẳng trước pháp luật trong đó có đảng viên là cái chung rồi. Nhưng khi đi vào các trường hợp cụ thể thì sẽ có những hướng dẫn cụ thể. Còn với những đảng viên, như tôi chẳng hạn, thì tôi sẽ nghiên cứu kỹ để xem trong trường hợp đó thì Đảng hướng dẫn tôi như thế nào?
Lợi ích giai cấp nằm trong lợi ích dân tộc
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, những lý giải của các học giả vừa rồi đã giải đáp cho những băn khoăn trong các câu hỏi mà độc giả đã gửi về. Tuy nhiên chúng tôi muốn được nghe những nhận định, phân tích của các khách mời về một vấn đề cũng nằm trong Hội nghị TW 12 vừa qua:
Đảng là tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là tiên phong của nhân dân lao động và đại diện cho lợi ích của cả dân tộc.
Ông Trần Bạch Đằng:
Tôi phải nói theo Bác: Lợi ích của chúng ta, của đảng viên, chính là lợi ích của dân tộc. Đảng của chúng ta là đại diện của giai cấp cho công nhân, nhưng quan trọng hơn là đại diện cho dân tộc. Điều gì làm cho dân tộc giàu lên, khá lên là chúng ta làm. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh chính là lợi ích của dân tộc, ít ra trong giai đoạn hiện nay. Tất nhiên, vẫn còn nhiều thập kỷ nữa mới có thể kết thúc hoàn toàn sứ mệnh đó.Đại diện của Đảng ta, các đồng chí lãnh đạo như Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa đi các chuyến thăm nước ngoài. Họ đều là những người Cộng sản, nhưng mục đích các chuyến đi vẫn là đại diện cho lợi ích dân tộc. Đây mới là cái lớn, và khi ta lơi lỏng thì đó mới là vấn đề lớn nhất, có khi dẫn tới không thành công. Không lấy lợi ích dân tộc, lợi ích nước Việt
Ông Lê Doãn Tá: Ngay trong Đại hội II của Đảng, Bác Hồ trong báo cáo chính trị có nói: chính vì Đảng Lao Động VN là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên nó phải là đảng của dân tộc VN.
Lợi ích của giai cấp phải nằm trong lợi ích dân tộc. Vì trước là giải phóng dân tộc, giờ phải làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng. Bác nói giành được độc lập rồi mà dân không hạnh phúc thì độc lập ấy cũng vô nghĩa. Mình có làm cho dân tộc đi lên thì mới chính là đã đóng góp cho trào lưu thế giới. Nếu dân mình nghèo đói thì làm sao mà tôn vinh nước mình lên được. Đó là điểm hết sức quan trọng.
Ngay cả khái niệm giai cấp công nhân cũng phải thay đổi. Giờ đây, công nhân, nếu theo như Marx nói, là lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, thì có cả những người đang lao động trí óc. Khái niệm đó phải mở rộng ra theo đúng ý tưởng của Marx. Chúng ta không thể gọt chân cho đúng cỡ giày được. Phải phát triển cho dân tộc, cho đất nước.
Thay đổi tư duy là ưu tiên hàng đầu. Có như vậy thì mới có ý tưởng thúc đẩy tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa Marx cần phải được áp dụng sáng tạo, bởi linh hồn của nó là phép biện chứng, là hệ thống mở, đòi hỏi phải thay đổi cùng với tiến bộ khoa học và thực tiễn. Chúng ta chưa tiến kịp tiến bộ khoa học và thực tiễn thì phải nỗ lực để tiến kịp, để phát triển. Chủ nghĩa Marx cũng là một sản phẩm của trí tuệ nhân loại, cần phải được phát triển. Không thể gò bó trong khuôn sáo, dù vẫn phải bảo vệ những giá trị lý luận của nó, trong đó có lý luận về giá trị thặng dư. Nếu không áp dụng được lý luận về giá trị thặng dư trong kinh doanh thì không thể thành công. Khoa học trong bộ Tư bản là để làm cho ra giá trị thặng dư mà các nhà kinh doanh phải học. Sứ mệnh của giai cấp công nhân là phải thay đổi theo chiều hướng tích cực cho cả nhân loại.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng, chủ trương của chúng ta là Đảng đặt lợi ích của dân tộc lên trên, cho phép Đảng viên được làm kinh tế tư nhân ở nhiều quy mô khác nhau. Vậy chúng ta có thể kết nạp những nhà tư bản, những người làm kinh tế tư nhân giỏi mà đóng góp tốt, đi theo lý tưởng của Đảng, mong muốn góp sức mình không ạ? Xin hỏi học giả Trần Bạch Đằng.
Ông Trần Bạch Đằng
: Quan điểm của tôi là phải xem anh ta có trung thành với lợi ích của đất nước, theo sự lãnh đạo của Đảng không? Anh ta có thấy rằng hướng đi lên CNXH của Đảng là đúng không? Nếu anh ta chấp nhận những cái đó, tại sao lại không kết nạp!TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thậm chí họ đi theo Đảng, đóng góp tài sản để Đảng vững mạnh hơn thì chắc là chúng ta cũng không từ chối chứ ạ?
Ông Trần Bạch Đằng: Lịch sử nước ta từng có những người rất giàu nhưng khi đất nước cần, kêu gọi thì họ sẵn sàng hiến hết. Thế thì vấn đề đó cũng là cái phụ. Yếu tố chủ yếu vẫn là ý thức về tư tưởng. Đầu kháng chiến chống Pháp, biết bao nhiêu người cấp cao trong Chính phủ ta là những người rất giàu. Nếu chỉ vì giàu thì họ đâu cần đi kháng chiến, chấp nhận nghèo khó. Vấn đề đó đương nhiên.
Hồi nãy tôi có nói không thể để tự phát đến nỗi mạnh ai nấy làm giàu, mạnh ai ăn hiếp người khác. Điều đấy không thể. Tự thân mặt bằng, cái giàu này cũng tương đối chứ không tuyệt đối. Trong khi đó nhiều anh suy thoái, không có tiền để sản xuất, không có đất đai, chỉ là anh công chức thôi nhưng có thể đến khách sạn kêu con gái tới ngủ và chi số tiền kinh khủng. Trong trường hợp đó chúng ta nói gì đây? Và việc của chúng ta là chống cái phản luân lý này. Chứ còn chuyện anh có tiền trong một xã hội chưa thể ai cũng ngang nhau, thì điều đó không có gì là đặc biệt.
Cán bộ chúng ta đây, nếu như bình thường, trợ cấp, phụ cấp không phải thấp đâu, như thế nghĩa là điều đó vẫn không phải cơ sở, lý do kinh tế dẫn đến sự bóc lột. Những người đó vẫn vào Đảng, vẫn có thể ở cấp rất cao. Thì cái đó bình thường!
Chuẩn của Đảng viên thì chỉ có Đại hội Đảng mới quyết định nổi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn học giả Trần Bạch Đằng. Thưa anh Nguyễn Ngọc Mỹ, với tư cách một doanh nghiệp, một doanh nhân đứng ngoài Đảng, anh có suy nghĩ gì khi thấy và nghe những người lãnh đạo trong Đảng, những học giả tiền bối, những nhà lý luận của Đảng như học giả Trần Bạch Đằng, PGS. Ông Lê Doãn Tá?
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Nghe qua GS Ông Lê Doãn Tá và học giả Ông Trần Bạch Đằng, sự thực có nhiều việc tôi chưa biết. Nhưng là một người luôn luôn nghĩ tới quyền lợi của dân tộc, tôi thấy có khâu tôi không phải là Đảng viên nhưng cũng đi theo hướng giống Đảng viên, làm gì có lợi cho quê hương, đất nước, làm doanh nghiệp để tạo dịch vụ, tạo nguồn lợi cho xã hội. Nhưng mỗi người nằm trong những hoàn cảnh khác nhau, tuổi tác khác nhau. Bây giờ có quyết định cho Đảng viên làm kinh tế tư nhân, tôi có cơ hội. Rất nhiều cho nhiều người cùng hướng làm lợi cho đất nước cũng có cơ may xin vào Đảng nhiều hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian thảo luận của chúng ta đã khá dài, đa phần những câu hỏi và thảo luận đã làm rõ và giải đáp phần nào suy nghĩ của bạn đọc. Chúng tôi một lần nữa hết sức cảm ơn bạn đọc đã gửi câu hỏi, đến giờ này là cả nghìn câu hỏi. Chúng tôi sẽ trích đăng một số ý kiến của bạn đọc vì trong nghìn câu hỏi này có một số không chỉ hỏi mà bày tỏ chính kiến, tình cảm, niềm hân hoan, nhận định về vấn đề này. Chúng tôi không thể trả lời từng câu hỏi của từng người, đọc tên từng người nhiều vì nhiều câu hỏi trùng lặp nhau. Xin cảm ơn các vị khách mời của chúng tôi ngày hôm nay. Học giả Trần Bạch Đằng dù tuổi đã rất cao, năm nay đã vừa tròn 80 tuổi, xin kính chúc ông mạnh khoẻ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát tiển của đất nước. Một lần nữa cảm ơn quý độc giả và các vị khách mời đã tham gia chương trình.
-
VietNamNet