(VietNamNet) - Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, sau khi thảo luận về " Đề án Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006- 2020" - ông Nguyễn Kinh Quốc thông báo.
>>Cần gì, làm gì để có ĐH đẳng cấp quốc tế?
Cho rằng đây là báo cáo có tính khoa học, có trách nhiệm cao, Thủ tướng lưu ý "Đề án đưa ra phải khớp với từng kế hoạch 5 năm, phải làm rõ yêu cầu nội dung đào tạo đại học, sau đại học, trên đại học nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao, và đặc biệt, phải xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế cho giáo dục đại học Việt Nam".
Giáo dục VN bắt đầu hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Lễ ký kết quỹ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.
Muốn vậy, theo Thủ tướng, phải lựa chọn hợp tác với trường đại học nước ngoài nào để mở trường đào tạo tại Việt Nam cho sát hợp, có hiệu quả thiết thực. Phải chú ý chọn cái gì của nước ngoài mà áp dụng được ở Việt Nam như lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ nhưng cần có kế hoạch và thời gian thực hiện thật cụ thể.
"Chúng ta phấn đấu nhanh chóng đạt đến đỉnh cao, trình độ cao của đại học ở tầm khu vực và quốc tế. Do đó, chúng ta phải đi rất nhanh về chất lượng giáo dục. Muốn vậy, chúng ta phải có giải pháp huy động vốn như thế nào. Nếu chỉ dựa vào Nhà nước sẽ đi rất chậm, phải tiến hành xã hội hóa giáo dục. Dù là phương thức nào, chúng ta cũng phải chú ý phát triển giáo dục cho người nghèo, vùng sâu, xa vùng dân tộc thiểu số" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đã giao cho Bộ Giáo dục- Đào tạo, Văn phòng Chính phủ và những cơ quan có liên quan nghiên cứu để trình Chính phủ ra Nghi quyết về Giáo dục đại học để ban hành trong tháng 8/2005, đồng thời, giao Bộ Giáo dục- Đào tạo nghiên cứu tiến tới xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học.
Ngoài những vấn đề trên, trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Thủ tướng cũng đã nghiêm khắc phê bình Hiệp hội Phân bón Việt Nam khi đơn vị này giật dây cho một đơn vị truyền thông thực hiện tới hai phóng sự mà trong đó, không hề có những phân tích đánh giá thực tế mà chỉ chạy theo ý kiến của Hiệp hội và các nhà nhập khẩu phân bón, gây ảnh hưởng tới giá phân bón trên thị trường, đồng nghĩa với thiệt hại tới túi tiền của nông dân.
Lạc quan trước những chỉ số tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ..., song để đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế năm 2005 như đã đề ra, Chính phủ cho rằng nhiệm vụ của các tháng còn lại là hết sức nặng nề. Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao hơn các tháng đầu năm, trong những tháng cuối năm còn phải chủ động đối phó với những khó khăn mới phát sinh như thiên tai, lũ lụt có thể xảy ra bất thường; sự tăng gía cả nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu của thị trường thế giới…
-
Vũ Khang