221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
699990
42 tỉnh, thành phố ban hành văn bản ''xé rào''?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
42 tỉnh, thành phố ban hành văn bản ''xé rào''?
,

(VietNamNet) - Hàng trăm văn bản sai thẩm quyền cần phải huỷ bỏ, ban hành văn bản vì lợi ích cục bộ ngành, địa phương, thậm chí có cả quy định trái Hiến pháp. Đó là những tồn tại được nêu ra tại phiên họp của UBTVQH ngày 27/8, chuẩn bị cho chuyên đề giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp Quốc hội tới.

Phát hiện trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật

Soạn: AM 530759 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quốc hội có chuyên đề giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy pháp pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu thông báo những con số ''giật mình'':  Mới tổng hợp bước đầu, các bộ ngành đã tổ chức kiểm tra được 3.632 văn bản, phát hiện trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, văn bản có nội dung trái với văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, sai thẩm quyền cần phải huỷ bỏ, bãi bỏ chiếm tỷ lệ từ 4-5%; không bảo đảm về căn cứ pháp lý trên 20%; sai tên cơ quan ban hành, sai số, ký hiệu văn bản chiếm 15%; sai về thể thức trình bày chiếm tới 50%; sai về ký, đóng dấu văn bản chiếm 5-6%...

Đáng lưu ý là hiện tượng ''xé rào'' trong ưu đãi doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Theo Bộ trưởng Uông Chu Lưu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra văn bản UBND cấp tỉnh ban hành về lĩnh vực đầu tư, bước đầu đã phát hiện được 60 văn bản của 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có dấu hiệu trái pháp luật, tập trung ở một số lĩnh vực như ưu đãi về thuế, các khoản thu từ đất; sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

''Hiện nay, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tư pháp thẩm tra tính hợp pháp và đề xuất hướng xử lý đối với những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật nêu trên'', Bộ trưởng Uông Chu Lưu cho biết. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp mới tiến hành kiểm tra văn bản do các địa phương ban hành về xử lý vi phạm hành chính. Tính đến tháng 6/2005, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ này đã tiếp nhận và kiểm tra được 129 văn bản của 37 địa phương, bước đầu phát hiện 60 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị...

Có quy định trái cả Hiến pháp?

Theo báo cáo kết quả giám sát chung, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã dày công rà soát, kiểm tra, chỉ đích danh 22 văn bản và 10 nội dung quy định có dấu hiệu trái pháp luật.

Trao đổi với báo giới bên lề hành lang phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết đã đề xuất Chính phủ sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định ''mỗi người chỉ được đăng ký một xe gắn máy''. Theo ông, văn bản không phù hợp với văn bản Nhà nước cấp trên thì phải bị đình chỉ, cơ quan ban hành phải sửa đổi hoặc bãi bỏ. Nếu không tự bãi bỏ thì sẽ đề nghị Thủ tướng bãi bỏ.
''Nội dung của một số văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn có những quy định không phù hợp với Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Chẳng hạn Thông tư số 02/2003/TT-BCA ngày 13/11/2003 của Bộ Công an về việc hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định ''mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy''.

Thực chất quy định này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân đã được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992, khoản 1 Điều 221 Bộ luật dân sự là công dân có quyền sở hữu tài sản không hạn chế về số lượng, giá trị'', Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thế Vượng nêu rõ khi trình bày báo cáo kết quả giám sát chung của Uỷ ban này..

Ngoài ra, theo Uỷ ban Pháp luật, quy định trên đã gián tiếp tạo ra những thủ tục rườm rà, phức tạp, gây khó khăn trong mua bán xe máy và buộc người mua xe phải để sử dụng phải chi thêm những khoản tiền vô lý. Điều đáng chú ý là trên thực tế quy định này cũng không phải là những giải pháp có hiệu quả nhằm hạn chế và có thể tiến tới giảm dần số vụ tai nạn giao thông và khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông.

''Có tâm lý e ngại, sợ đụng chạm trong việc kiểm tra phát hiện và xử lý văn bản trái phát luật. Mặt khác có tình trạng các cơ quan không nghiêm túc xử lý những văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, thông báo hoặc kiến nghị'', Uỷ ban Pháp luật đề cập thẳng thắn. Uỷ ban này kiến nghị, trước mắt cần tổ chức rà soát, xử lý những văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm về nội dung, thẩm quyền và về hình thức và báo cáo kết quả với Quốc hội.

Xử lý nghiêm lãnh đạo ra văn bản ''cục bộ ngành, địa phương''

Bên canh việc ''xé rào'' trong ban hành văn bản, dư luận và báo chí gần đây đã lên tiếng phê phán tính cục bộ ngành địa phương trong việc xây dựng pháp luật.

''Tính cục bộ của các bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa được khắc phục triệt để. Nhiều bộ, ngành khi đựoc giao chủ trì xây dựng văn bản chỉ chú trọng bảo vệ lợi ích hoặc sự thuận lợi cho bộ, ngành mình, chưa vì lợi ích chung. Trong khi nhiều vấn đề cần hướng dẫn lại liên quan đến chức năng, quyền hạn giữa các bộ, ngành'', Bộ trưởng Uông Chu Lưu thay mặt cho Chính phủ thừa nhận.

Ông cũng truyền đạt thông điệp của Thủ tướng: ''Kiên quyết xử lý đối với những cán bộ lãnh đạo thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như vì tư tưởng cục bộ, địa phương mà ban hành những văn bản có nội dung trái luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, gây ra tác động tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội''.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,