221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
705516
Bàn tròn trực tuyến cùng Điều phối viên LHQ Jordan Ryan
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Bàn tròn trực tuyến cùng Điều phối viên LHQ Jordan Ryan
,

(VietNamNet) - Trong vòng 1 tiếng rưỡi, Điều phối viên thường trú LHQ Jordan Ryan và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi sâu về những vấn đề chính của VN trước vận hội mới.

Ngày mai, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ tại New York. VN sẽ cùng thế giới nhìn lại 5 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà lãnh đạo đất nước đã cam kết trong Tuyên bố thiên niên kỷ của LHQ.

Các  nhà  lãnh  đạo trên thế giới đã nhóm họp vào  tháng  9/2000 và cùng ký Tuyên bố Thiên Niên kỷ.

 

Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) là hạt nhân của Tuyên bố Thiên niên kỷ và chỉ ra tầm nhìn thế giới. Một phần của tầm nhìn đó là các nước cần đặt ra những mục tiêu công khai rõ ràng với lộ trình về giảm nghèo, ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch AIDS, đảm bảo quyền được học và chăm sóc sức khỏe, gìn giữ môi trường cho thế hệ tương lai.

 

Mọi quốc gia đều cần căn cứ vào MDGs để đo lường xem họ có nỗ lực giảm nghèo không? Có hỗ trợ công bằng không?...

Cuộc bàn tròn xoay quanh các chủ đề: làm gì để tăng trưởng của VN đạt chất lượng cao, phân tích về hệ thống tài chính của VN, vấn đề chống tham nhũng cũng như làm thế nào xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

"VN đã làm tốt hơn tất cả các nước khác về giảm nghèo"

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Thưa các bạn, lúc này tại trường quay VietNamNet, ông Jordan Ryan, Điều phối viên LHQ tại VN, Đại diện thường trực của UNDP ở VN đã có mặt. Như các bạn đã biết, ông Jordan Ryan là một con người rất thú vị và được đề cập trong nhiều bài báo mà chúng tôi đã đăng tải trên VietNamNet. Bây giờ chúng ta sẽ trò chuyện với ông.

Xin cảm ơn ông Jordan Ryan đã đến dự buổi nói chuyện hôm nay. Ông có thể nói vài điều về bản báo cáo phát triển con người mà ông công bố hôm nay không?

Ông Jordan Ryan: Thú thực, trước khi tới đây tôi cảm thấy rất lo lắng vì cứ nghĩ sẽ phải gõ trực tiếp lên mạng Internet. Nhưng đến nơi, tôi thấy cách làm việc của các bạn rất hợp lý và tôi thực sự quan tâm tới buổi trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay.

 

Sáng nay tại Hà Nội, Văn phòng của UNDP đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình phát triển con người. Đây là một báo cáo độc lập nhưng tất nhiên nó gắn với UNDP.

Rất nhiều người quan tâm tới phát triển kinh tế, và cách đây 11 năm, LHQ đã lần đầu tiên đưa ra Báo cáo phát triển con người với mục đích đánh giá tình hình thế giới xem liệu người dân các nước có được giáo dục không? Họ có sống lâu không? Họ có sống khoẻ mạnh không? Và họ có đầy đủ, thịnh vượng không?

Do đó, báo cáo hàng năm của UNDP tập trung vào một lĩnh vực cụ thể là tình hình phát triển con người và đánh giá những tiến triển đạt được tại các nước. Năm nay, báo cáo mang chủ đề: "Hợp tác quốc tế đứng trước bước ngoặt lớn", theo đó tập trung vào viện trợ, thương mại và an ninh. Lý do chúng tôi nói "hợp tác đứng trước bước ngoặt lớn" là vì: Năm nay là năm 2005, chúng ta có 10 năm để đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) và vấn đề là: Nếu chúng ta hợp tác, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu ấy. Nếu không, chúng ta sẽ thất bại.

Đây là thời điểm rất tốt để công bố báo cáo này vì nó đề cập tới nhiều nét tích cực ở VN. Báo cáo cũng đưa ra một số lời khuyên dành cho thế giới rằng: thế giới cần phải làm tốt hơn nữa vấn đề viện trợ, thế giới phải công bằng hơn nữa trong thương mại và vấn đề an ninh là vấn đề của tất cả mọi người trên thế giới.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Vào ngày 14/9 tới đây, lãnh đạo tất cả các nước trên thế giới sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh LHQ. Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sẽ tham gia hội nghị và mang tới đó bản báo cáo của UNDP. Ông nhận xét thế nào về báo cáo này? Đánh giá của ông về các Mục tiêu Thiên niên kỷ mà VN đang thực hiện?

Ông Jordan Ryan: Thật tuyệt vời khi Phó Chủ tịch VN tham dự Hội nghị thượng đỉnh quan trọng này. Đã 5 năm kể từ khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương cùng 189 nhà lãnh đạo thế giới khác ký Tuyên bố Thiên niên kỷ, đã 5 năm từ khi VN và các nước khác tuyên bố: "Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề nghèo đói".

 

Giờ đây, sau 5 năm, lại có một hội nghị thượng đỉnh thế giới để các lãnh đạo đánh giá cả một quá trình. Đối với VN, những gì các bạn đã làm được trong thời gian qua rất tích cực: các bạn đã có thể giảm nghèo và thực tế là VN đã làm tốt hơn tất cả các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực này.

Nhưng tất nhiên vẫn còn những vấn đề đề lớn cần phải làm, bao gồm việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân ở VN như bình đẳng về giới, sức khoẻ trẻ em, giáo dục, môi trường.

Do đó có tới 8 mục tiêu thiên niên kỷ và hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội rất tốt để VN trình bày với các nước khác những gì đang làm, những gì đang làm tốt và cũng là dịp để chia sẻ những việc cần làm thêm hay chia sẻ kinh nghiệm với thế giới - mà một phần trong đó là các nước phát triển. Có lẽ đây cũng là thời điểm tốt để các nước phát triển trợ giúp những nước nghèo trên thế giới.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, VN đang làm tốt mục tiêu gì?

Ông Jordan Ryan: Tất nhiên, VN đã làm rất tốt mục tiêu giảm nghèo. Lần đầu tiên tôi tới VN năm 1992 và rời khỏi đất nước này năm 1993. Nếu các bạn nhìn vào số dân phải sống trong nghèo khổ cách đây 10 năm và số dân phải sống trong nghèo khổ hiện nay, các bạn có thể thấy sự suy giảm đáng ngạc nhiên.

MDG phải được thực hiện tốt tại từng ngôi làng

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi được biết ông đã tới rất nhiều tỉnh nghèo hay vùng nghèo khổ ở miền núi VN. Ông có thể nêu ra sự so sánh nào không?

Ông Jordan Ryan: Như tôi đã nói ở trên, cách đây 10 năm, tôi tới một vài tỉnh. Tôi xin kể câu chuyện khi tôi tới một số ngôi làng nằm trong chương trình viện trợ của UNDP. Mỗi lần tôi đến, tôi đều được một người đàn ông cao tuổi là Bí thư huyện, xã đón tiếp. 10 năm sau, mỗi lần tôi đến các làng này, điều vô cùng ngạc nhiên là những người đón tiếp tôi đều là phụ nữ. Họ đều là thành viên của uỷ ban phát triển làng xã và họ kể cho tôi nghe cuộc sống của họ đã thay đổi ra sao. Từ chỗ không có điện, không có trạm y tế, từ chỗ không được giáo dục, thì giờ đây, họ có nhiều khả năng tiếp cận với giáo dục hơn, từ chỗ chỉ có nam giới lãnh đạo các làng thì nay phụ nữ thành lãnh đạo. Đó là những thay đổi rất đáng mừng.

 

Vấn đề là: VN đang phát triển nhanh nhưng vẫn tồn tại những "nhóm nghèo khổ". Rất nhiều trẻ em ở VN đã đủ dinh dưỡng và Chính phủ VN đã cam kết giải quyết vấn đề này. Nhưng có một điều mà tôi cảm thấy khó hiểu là tại sao vẫn có những trẻ em "thiếu dinh dưỡng"? Một vấn đề khác là vẫn có những "nhóm thiểu số nghèo khổ" tại vùng núi phía bắc, tại Tây Nguyên, và một số vùng thuộc Đồng bằng sông Mekong.

Chính phủ VN đã cam kết làm nhiều hơn nữa, nhưng chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần có một cam kết mang tính quốc gia của cả nước trong nỗ lực giảm nghèo.

Những thách thức khác mà VN đối mặt với là: các bạn có một môi trường tự nhiên rất phong phú: VN là một trong những nước đứng đầu thế giới về đa dạng sinh học nhưng môi trường ấy đang bị đe doạ bởi lối suy nghĩ của một số người rằng: Tất cả những gì VN cần làm là tăng trưởng và để tăng trưởng, chúng ta có thể bỏ qua những tài sản tự nhiên quý báu quốc gia - những thứ mà chúng ta sẽ khắc phục một khi đã trở nên giàu có. Đó là suy nghĩ sai lầm bởi lẽ những kho báu ấy sẽ mất đi một khi VN không bảo vệ từ bây giờ.

Một lĩnh vực khác mà tôi thấy cần đề cập đến trong buổi nói chuyện hôm nay là VN đã đạt được thành tích tốt trong lĩnh vực bình đẳng giới. Trên thực tế, các bạn có nhiều phụ nữ được trở thành đại biểu Quốc hội hơn nhiều nghị viện khác trên thế giới. Nhưng khi các bạn nhìn vào những gì đang diễn ra ở cấp địa phương, các bạn sẽ thấy còn nhiều việc cần làm. Điều đó có nghĩa, VN có cơ hội để làm tốt. Và trong khi nhiều nước trên thế giới đang thực hiện khá tốt mục tiêu thiên niên kỷ, điều quan trọng hơn là phải chú trọng tới các làng xã để đảm bảo rằng MDG lúc nào cũng được thực hiện tốt tại từng ngôi làng.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như ông đã biết, vấn đề nhân quyền tại Tây Nguyên là vấn đề rất nhạy cảm. Với tư cách là một người Mỹ, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Jordan Ryan: Trước hết tôi làm cho LHQ do đó tôi đã cố gắng gạt sang một bên quốc tịch của mình. Nhưng tôi là công dân Mỹ, và tôi tự hào được đến từ nước Mỹ, cụ thể từ California.

LHQ rất mong các nước trên thế giới tôn trọng tín ngưỡng cá nhân. Ở VN, cách đây 10 năm khi tôi tới, tôi thấy để đến 1 nhà thờ cũng là điều khó khăn. Không có nhiều người dân tới nhà thờ. Nhưng giờ đây khi trở lại, tôi thấy rất nhiều người đến nhà thờ, nhiều nhà thờ mới được xây dựng. Tôi nghĩ rằng người theo Thiên chúa giáo rất muốn có một nhà thờ và một khi tình hình ở VN đang phát triển tốt, mọi người được tự do tôn giáo. Nhiều điều đã thay đổi trong 10 năm qua và các bạn đã có rất nhiều tiến triển.

 

Điều quan trọng là người ta sẽ hiểu cần phải cho phép tự do tôn giáo và không nên cố gắng áp đặt tín ngưỡng của họ lên người khác. Tự do từ cả hai phía, đó phải là sự chấp nhận, chấp nhận những người có đức tin tôn giáo và chấp nhận cả những người không có đức tin. Đó sẽ là một xã hội hùng mạnh.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin lỗi, tôi có thể hỏi ông một câu mang tính cá nhân không? Ông theo tôn giáo gì?

Ông Ryan: Tôi được giáo dục theo Công giáo, nhưng hiện tôi theo xu hướng chủ nghĩa nhân văn nhiều hơn vì tôi tin rằng có nhiều quan điểm: có người theo đạo Phật, đạo Hồi, có người không có đức tin gì nhưng lại tin vào chủ nghĩa nhân văn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Đó có phải là lý do khi tới Tây Nguyên, ông đã đến thăm nhà thờ?

Ông Jordan Ryan: Tôi tới thăm nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin lành ở đó nhưng ở một vài làng nơi người dân cần nhà thờ, thì lại không. Tôi hy vọng năm tới khi trở lại, người ta sẽ xây dựng 1 nhà thờ ở đó.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ông thường tới nhà thờ nào tại Hà Nội?

Ông Jordan Ryan: Tôi từng tới nhà thờ Lớn tại Phố Nhà thờ. Đó là một nhà thờ rất đẹp. Xuôi về phía Nam, tôi cũng thấy rất nhiều nhà thờ.

Người dân phải tham gia trực tiếp hơn vào quyết sách kinh tế

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Người dân VN chúng tôi hiện đang rất quan tâm tới vấn đề chất lượng của tăng trưởng kinh tế. Như ông đã biết, tốc độ tăng trưởng trung bình mà VN đạt được trong những năm gần đây ở mức 7%/năm. Quan điểm của ông về chất lượng tăng trưởng của VN như thế nào?

 

Ông Jordan Ryan: Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với chính phủ. VN đang tăng trưởng rất tốt về mặt kinh tế. Chúng tôi có thể đánh giá VN là một trong những nước tăng trưởng tốt nhất thế giới. Điều các bạn cần quan tâm bây giờ là chất lượng tăng trưởng. Trong nhiều khía cạnh, chất lượng thể hiện ở mức độ bền vững về tài chính, bền vững về môi trường, bền vững về mặt xã hội. Tóm lại, tăng trưởng là điều tốt nhưng nó phải đi liền với bền vững.

LHQ vừa hoàn tất kế hoạch 5 năm tiếp theo với VN và vấn đề trọng tâm mà LHQ sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ VN là chất lượng tăng trưởng - tính bền vững về tài chính, môi trường và xã hội. Một trong những thông điệp mà chúng tôi đang gửi tới chính phủ VN là: để có sự tăng truởng bền vững, phải để người dân tham gia trực tiếp hơn vào những quyết sách tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là người dân sẽ phải kiểm soát quá trình triển khai của chính phủ. Người dân sẽ phải quan tâm tới tham nhũng để đảm bảo rằng khoản tiền dùng cho vấn đề phát triển ở VN không bị lãng phí vì rơi vào túi tham quan.

Nhìn chung, đó là vấn đề dân chủ từ dưới lên trên để người dân có thể nói: đây là quyết định đúng đắn đối với đất nước, đây là sự đầu tư hợp lý, chiến lược phát triển hợp lý.

Tóm lại đây là thời điểm thích hợp. Những đồng nghiệp người Việt tại văn phòng của tôi cho rằng vấn đề chất lượng tăng trưởng, chất lượng giáo dục, chất lượng y tế, chất lượng những quyết định đầu tư của chính phủ được rất nhiều người VN quan tâm. Tôi nghĩ, chất lượng tăng trưởng chính là nhân tố trọng tâm để VN có thể trở thành một nước giàu mạnh hơn trong vòng 5 năm tới.

Xã hội không thể phồn thịnh nếu một bộ phận bị "níu chân"

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã thảo luận tương đối nhiều về chất lượng tăng trưởng. Rõ ràng không ai muốn tình trạng phát triển không đồng đều  và bất bình đẳng xã hội.

Thế nhưng, ở Trung Quốc chẳng hạn, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chủ trương tạo điều kiện cho một bộ phận làm giàu trước sau đó kéo phần còn lại lên, họ tập trung ưu tiên cho một số thành phố như Thượng Hải, Hàng Châu...Ông nghĩ sao về chính sách này?

Ông Jordan Ryan: Tôi không thể không đồng ý với Đặng Tiểu Bình. Tôi nghĩ ông ấy rất dũng cảm khi nói là làm.

Vấn đề ở chỗ không có một xã hội nào phồn thịnh nếu như một bộ phận nào đó của xã hội bị ''giữ chân''. Vẫn còn có những con người về khía cạnh giáo dục, của cải..họ có khả năng kiếm tiền nhiều hơn, đi nhanh hơn. Xã hội không nên níu chân họ. Nhưng đồng thời, xã hội cũng không nên phớt lờ người nghèo. Họ không nên thực hiện theo cách mà làm cuộc sống của người nghèo tồi tệ hơn.

Như vậy, khi phát triển kinh tế, không thể tránh khỏi phát triển không đồng đều, nhưng điều đó không có nghĩa xã hội không có trách nhiệm trao cơ hội cho người nghèo vươn lên. Tôi cần nói rõ rằng, phát triển không đồng đều không phải là quan điểm của LHQ.

Nếu bạn có một xã hội như Việt Nam, đặc biệt quan tâm tới người nghèo và tồn tại một khoảng cách lớn. Ví dụ, số trẻ tử vong trước một tuổi tại các vùng kém phát triển khác ở Việt Nam cao gấp 10 lần tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đó không công bằng. Cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch tại Hà Nội cao gấp 7 lần so với các tỉnh khác. Như vậy cần có sự công bằng.

Chúng ta không nói đến việc hạn chế người giàu, nhưng chúng ta cần một xã hội cân bằng. Đó là một xã hội không thể thiếu những người có khả năng phát triển nhanh, nhưng đồng thời cũng phải  tạo cơ hội cho người nghèo, đặc biệt là những em gái mà tôi gặp trên miền núi Tây Bắc. Các em khoảng 10 tuổi. Khi tôi hỏi đi đâu, các em nói đi học và muốn trở thành nhà toán học. Như vậy, các em cần được tới trường thay vì đi làm nương rẫy để trở thành giáo viên dạy toán như ước nguyện. Đó là sự công bằng cơ bản.

Văn hoá tham gia và văn hoá trách nhiệm

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như ông biết, Việt Nam đang tăng trường rất nhanh. Nhưng làm thế nào chúng tôi xây dựng được một xã hội công bằng. Cần có những cơ chế, chính sách như thế nào?

Ông Jordan Ryan: Theo quan điểm của LHQ, một trong những hệ thống hỗ trợ phát triển công bằng chính là hệ thống khuyến khích sự tham gia của mọi người, người trẻ, người già, người giàu, người nghèo. Với một hệ thống như vây, bạn có cơ hội để cống hiến.

Tôi nghĩ về ''Văn hoá tham gia'', đồng thời khuyến khích ''Văn hoá trách nhiệm''. Chúng phủ cần trách nhiệm, có những nhân viên làm đúng công việc của mình mà không tham nhũng. Các thành viên quốc hội có trách nhiệm giám sát chính phủ. Các bạn cần một hệ thống có ''thông tin tốt hơn'', minh bạch hơn.

 

10 năm qua, Việt Nam đã đi khá nhanh theo hướng này. Do đó, tôi nghĩ rằng ''Văn hoá tham gia'' đóng vai trò quan trọng. Trong thời kỳ chiến tranh, mọi người dân Việt nam đều tham gia vào công cuộc giải phóng đất nước. Giờ đây, trong thời kỳ hoà bình, sự tham gia bước vào góc độ mới, tham gia lắng nghe những ý kiến khác nhau, xem xét những quan điểm khác nhau, thách thức để tìm ra giải pháp. Đó là vấn đề về trách nhiệm và minh bạch.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ai sẽ xây dựng hệ thống đó?

Ông Jordan Ryan: Tất cả các cấp đều được khuyến khích tham gia, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Cần thiết phải có sự tham gia của nhiều người. Trước đây, Việt Nam do một vị vua thống trị. Nhà vua sẽ ra quyết định và tất cả mọi người phải tuân thủ. Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một xã hội phức tạp hơn nhiều, một xã hội mà các cá nhân có trách nhiệm lớn hơn.

Vì thế, tôi nghĩ rằng, các cấp chính quyền địa phương sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn. Thậm chí, đó không chỉ là trách nhiệm của Tổng Bí thư, của Chủ tịch HĐND...mà còn xuống tới các cấp thấp hơn, từ những cá nhân như các bậc làm cha, làm mẹ, trẻ em...đều phải có cảm giác trách nhiệm rằng đất nước của họ là VN.

Và trách nhiệm của mỗi người trở nên lớn hơn khi Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường. Xã hội cần phải có trách nhiệm lớn hơn, làm trong sạch môi trường, có chiến dịch quốc gia chống HIV/AIDS tốt hơn.  

Hầu hết các bộ trưởng đều được ban điều hành bổ nhiệm, vì vậy ban điều hành đó phải vạch ra kế hoạch và bộ trưởng đó có trách nhiệm thực hiện....... Kế hoạch đó phải là một phần của mục tiêu thiên niên kỷ, vì vậy chúng ta hy vọng những vị bộ trưởng đó sẽ có trách nhiệm thúc đẩy các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ và đã đạt được tiến triển.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng, khi có ai đó là ứng cử viên cho cương vị bộ trưởng, ông ấy sẽ phải đệ trình dự án hay kế hoạch (giống như các nhà lãnh đạo kinh doanh) nhằm thuyết phục người dân. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Jordan Ryan: Điều đó đúng là xảy ra ở hầu hết các nước khi các bộ trưởng được chỉ định bởi nhánh hành pháp. Do đó, cơ quan hành pháp phải đề ra tầm nhìn và những bộ trưởng được chỉ định có trách nhiệm thực thi chiến lược đó. Tôi nghĩ rằng đó là một cách thức hiệu quả để thực hiện tầm nhìn quốc gia. Mỗi vị bộ trưởng có một bộ, có chương trình phù hợp với tầm nhìn quốc gia.

Ngoài ra, chúng tôi, LHQ cho rằng, tầm nhìn này phải bao gồm các yếu tố của MDG và các chương trình của bộ ngành phải đem lại lợi ích cho người nghèo. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng các vị bộ trưởng sẽ có trách nhiệm thực thi một chương trình nghị sự của mình giúp thúc đẩy các mục tiêu thiên niên kỷ.

Tôi được biết rằng, điều này sẽ có trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của VN. Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có nói với tôi rằng VN cam kết một cách mạnh mẽ rằng chương trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ phù hợp với các mục tiêu thiên niên kỷ. Theo tôi, đây là một tiến bộ rất đáng ghi nhận.

Lập hệ thống chống tham nhũng là đầu tư tốt nhất

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Vậy ông đánh giá thế nào về chương trình chống tham nhũng? Làm thế nào để chấm dứt tình trạng tham nhũng? 

Ông Jordan Ryan: Tình trạng tham nhũng là một thách thức lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó là một vấn đề lớn của cả thế giới, ngay cả ở Mỹ. Tôi cho rằng giới công chức phải được trả một khoản lương kha khá và họ sẽ không cần ăn hối lộ để tăng thu nhập.

Lúc này cần có rất nhiều việc phải làm để hiểu được những động cơ dẫn đến hành vi tham nhũng ở VN.

Cần phải đánh giá về tình trạng tham nhũng tốt hơn-báo chí đã đóng một vai trò quan trong trong điều tra và phơi bày về các vụ tham nhũng. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta nhìn vào ví dụ của Singapore và Hongkong. Cả 2 quốc gia này đã thành lập các cơ quan chống tham nhũng nơi người dân có thể thông báo về các trường hợp tham nhũng. Các uỷ ban này đều có mức độ độc lập tương đối để có thể thực sự mạnh tay với tham nhũng.

Chúng ta đang nhìn vào luật mới trong chương trình chống tham nhũng của Chính phủ và đó là những lời khuyên mà chúng ta có thể nghe theo.

Các cá nhân cần phải tham gia và chính phủ cũng vậy. Cần có những biện pháp tiếp cận khác nhau.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Một số quan chức phàn nàn rằng, nếu muốn có một xã hội trong sạch thì cần phải tăng lương. Hiện nay, có rất nhiều người nói mức lương của họ không đủ sống.

 

Ông Jordan Ryan: Tôi nghĩ rằng, điều này rất đúng. Singapore là một ví dụ điển hình, 30 năm trước đây do lương thấp nên có tới 20% quan chức nước này đã tham nhũng. Tuy nhiên, khi nhận được tiền từ các dịch vụ khác, thu nhập của họ tăng lên và tình trạng tham nhũng đã giảm xuống. Đó cũng là một cách tiếp cận.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng cũng nên đề cập nhiều hơn tới vấn đề đạo đức công chức. Trong tương lai, tham nhũng sẽ có nhiều cơ hội hơn khi VN hướng tới một nền kinh tế mang tính tư nhân hơn. Mối quan hệ giữa công và tư sẽ tạo cơ hội lớn cho tham nhũng. Chẳng hạn như một quan chức chính phủ có anh chị em là chủ một công ty. Và rất có thể, khi họ tiến hành điều tra để đưa ra một chính sách nào đó, họ sẽ ra những quyết định có lợi cho các công ty này. Tóm lại, liên minh giữa các quan chức chính phủ và các chủ công ty tư nhân có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Điều này có thể sẽ xảy ra trong vòng 3 đến 5 năm tới và VN cần phải chú ý tới vấn đề này.

Một chuyên gia kinh tế cao cấp của Chính quyền Hongkong đã nói rằng, đầu tư sáng suốt nhất của chính phủ chính là việc xây dựng một hệ thống chống tham nhũng. Điều đó mang lại lợi ích cho công dân hơn bất kỳ nguồn vốn nào, viện trợ hay đầu tư nước ngoài. Do đó, tôi nghĩ VN cũng nên xem xét đầu tư chống tham nhũng nhằm làm lợi cho xã hội.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Nhắc tới khái niệm phát triển bền vững, người ta nói nhiều tới việc vừa tăng trưởng kinh tế cao, vừa bảo vệ được môi trường. Riêng ông nhìn nhận về vấn đề này ở VN như thế nào?

Ông Jordan Ryan: Tôi cho rằng VN có một môi trường tự nhiên tuyệt vời. Khi bạn nhìn cảnh vật trên con đường từ Bắc vào Nam, từ những dãy núi tới bãi biển, từ những cánh rừng tới vùng đất toàn cát trắng, bạn có thể thấy đây là một đất nước giàu có. VN có tài nguyên nước, có nhiều tài nguyên thiên nhiên quý như gỗ cây và khoáng sản. Môi trường ở VN thuộc loại đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật mà người ta không thể tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên môi trường VN đang bị đe doạ bởi mật độ dân số rất đông.

Tôi cho rằng dường như nguồn vốn đầu tư vào việc bảo vệ môi trường còn thiếu. Chính phủ và các nhà tài trợ cần chú trọng tới vấn đề này. Hiện, trong kế hoạch 5 năm tới của VN đã đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, không chỉ trong lĩnh vực môi trường. Tôi cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường VN là một bộ mới thành lập. Đôi khi mới thành lập thì người ta chưa có đủ sức mạnh cần thiết. Nhưng tôi nghĩ hiện Bộ Tài nguyên Môi trường VN đang tăng cường sức mạnh và khả năng thi hành pháp luật, khả năng sử dụng vốn đầu tư để làm sạch môi trường.

Tóm lại, có nhiều vấn đề cần giải quyết cùng một lúc. Ví dụ, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Các phương tiện truyền thông nên đăng tải danh sách tất cả những đơn vị nào gây ô nhiễm môi trường chủ yếu, ai đang làm không tốt? ai không thu dọn rác thải? Nói cách khác, thông tin đại chúng đóng vai trò giáo dục ý thức mọi người. Ở Mỹ, khi tôi còn trẻ, người ta có thể vứt rác từ cửa kính ô tô, chẳng ai quan tâm vì khi ấy thanh niên không được giáo dục về tầm quan trọng của môi trường. Nhưng ở các nhà trường VN hiện nay, trẻ em ngay từ đầu đã được dạy về cách ứng xử với môi trường. Do đó, tôi cho rằng VN đang có một chương trình rất tốt và cần tăng cường giáo dục để đảm bảo môi trường luôn nằm trong tầm kiểm soát.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ý tưởng giáo dục mọi người về môi trường quả là thú vị. Nhân nói về giáo dục, ông có nhận xét gì về chất lượng giáo dục tại VN?

Ông Jordan Ryan: Tôi biết được tầm quan trọng của giáo dục tại VN chỉ qua những cuộc nói chuyện với các bạn bè tôi ở đây. Tại văn phòng của tôi, các nhân viên mỗi sáng phải đưa con tới lớp. Rồi vào các ngày thứ 7, chủ nhật, họ lại đưa con đến lớp học thêm. Giáo dục đang là điều mà tất cả các bậc phụ huynh quan tâm và cho rằng nó quan trọng đối với con cái họ.

Vấn đề tồn tại ở đây là: chất lượng giáo dục tại VN chưa xứng với tiềm năng. Có một số trở ngại về chất lượng giáo dục và học sinh VN không được cọ sát với học sinh các nước khác trên thế giới. Tôi hy vọng sẽ có một cuộc kiểm tra để so sánh giữa sinh viên VN và sinh viên các nước khác, để chính phủ VN có thể biết hoặc làm việc tích cực hơn trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cũng còn vấn đề khó khăn đối với người nghèo. Người nghèo vẫn phải trả phí học thêm. Có thể không mất học phí chính thức nhưng họ vẫn phải trả những loại phí "vô hình". Khi tôi tới VN, tôi có nói chuyện với một người VN. Anh này phàn nàn rằng họ phải trả tiền học thêm ngày thứ 7 và nếu không trả, giáo viên sẽ tỏ ra khó chịu. Các lớp học thêm dạy tiếng Anh và giáo viên thì không phải là người nói tiếng Anh bản xứ...

Một điều thú vị là Thủ tướng VN mới sang thăm Mỹ, tới Viện MIT, ĐH Harvard và nói chuyện về mô hình giáo dục tại VN. Tuần này, cũng thật thú vị khi tạp chí Nhà kinh tế đăng tải câu chuyện về giáo dục bậc cao tại Trung Quốc. Họ đề cập tới cách làm của người Trung Quốc trong việc xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế như ĐH Bắc Kinh, Thanh Hoa, và Thượng Hải.

Để xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế, tôi thấy không cần nhiều sự can thiệp của chính phủ. VN có thể có trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Một khi VN đã phổ cập giáo dục tiểu học và trung học, tôi hy vọng VN có thể tìm cách phổ cập giáo dục phổ thông. Hiện nhiều học sinh bỏ học nửa chừng, và hệ thống giáo dục VN phải làm sao để giữ các em tiếp tục học.

 

 

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đang đề cập tới một chủ đề rất thú vị. Trước tiên tôi muốn hỏi ông, làm sao VN có thể giải quyết nạn "học thêm" hiện nay?

Ông Jordan Ryan: Tôi cho rằng có vài cách. Thứ nhất là cần phải coi việc kiểm tra là cách giúp VN thực sự có thể so sánh với các nước khác trên thế giới hay không. VN nhớ tới các nhà giáo vào dịp 20/11 nhưng thực tình là người ta nên nghĩ ngày nào cũng là ngày 20/11. Ý tôi là bất kì ai dành thời gian để dạy trẻ em cũng đều được trân trọng và trả công xứng đáng. Các bạn có những sinh viên mới ra trường tình nguyện lên các vùng sâu, vùng xa - nơi có những cộng đồng thiểu số để dạy học - đó là hành động can đảm. Họ cần phải được đền bù vì những vất vả ấy.

Thứ hai, tôi cho rằng chất lượng chương trình giảng dạy cũng cần phải được điều chỉnh cho thực tế và phù hợp. Các bạn phải xác định xem liệu chương trình hiện này có thích hợp cho thế kỷ 21 không? có chuẩn bị cho các thanh niên đủ hành trang để trở thành những nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong thế kỷ 21 không? Nói chung chương trình giảng dạy là vấn đề quan trọng...

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng thực tế là có những giáo viên không muốn dạy trên lớp. Họ muốn dạy ở ngoài để kiếm tiền. Vậy theo ông, có thể có giải pháp cho tình trạng này như thế nào?

Ông Jordan Ryan: Tôi nghĩ rằng cha mẹ đóng vai trò quan trọng. Các bậc cha mẹ trong hệ thống trường lớp cần tìm cách tận dụng vai trò của Hội phụ huynh học sinh để nói lên quan điểm rằng, hành vi đó của giáo viên là không thể chấp nhận được. Đồng thời, các phương tiện truyền thông, phối hợp với Hội cha mẹ học sinh, vạch trần tình trạng trên. Và Chính phủ cần làm rõ, những giáo viên tư, hoặc những trường nhỏ chỉ được phép mở những lớp dạy thêm về nhạc, nghệ thuật.

Các trường đại học cần có tự do trong đào tạo (academy freedom)

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian qua có rất nhiều bài báo, ý kiến đề cập tới vấn đề Làm thế nào để xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Nếu là Thủ tướng VN, ông sẽ làm gì để biến điều đó thành hiện thực?

Ông Jordan Ryan: Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm hiện nay có một xu thế trên khắp thế giới là xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, nó đang diễn ra tại Trung Quốc, tại khắp châu Á và các phần khác trên thế giới. Tôi nghĩ, một trong những bài học mà các trường đại học cần học tập là thực sự cần ''tự do Giáo dục'' (academy freedom).

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin lỗi, điều đó có nghĩa là Chính phủ không can thiệp quá nhiều vào trường đại học, vào chương trình đào tạo?

Ông Jordan Ryan: Vâng, cần có tự do giáo dục trong trường đại học, có quyền tìm kiếm giáo viên, cần có tiêu chuẩn về chất lượng cao hơn, về khía cạnh ai được đào tạo chứ không phải là bạn bè người thân của ông Hiệu trưởng. Bạn cần tiêu chuẩn giáo dục cao. Điều đó không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà đối với rất nhiều nước khác trên thế giới.

Hiện, nạn đạo văn, gian lận đang phổ biến. Tình trạng mua bằng cấp, tham nhũng đang xảy ra trong hệ thống giáo dục. Tôi nghĩ, bạn ở trong một hệ thống giáo dục cao cần thực hiện nghiên cứu theo những nhu cầu thực tế.

Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển nên gặp rất nhiều thách thức về mở rộng nông nghiệp. Tôi hy vọng trường đại học như vậy sẽ mang tính thực tế và hỗ trợ cho mọi người, kể cả nông dân, đồng thời cố gắng phát triển năng lực cạnh tranh để có thể đứng vững trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Do vậy, tương đối khó khi phát hiện và nhận ra những gì đang diễn ra trên thế giới, đồng thời quan tâm đến những nhu cầu thực tiễn trong nước. Tôi nghĩ một số trường đại học tại Việt Nam có khả năng tự lực và họ cần có ''Tự do giáo dục'', đồng thời phải thay đổi để mạnh hơn.

Tôi thấy sinh viên Việt Nam đang du học ở khắp nơi trên thế giới tương đối thông minh và giỏi trong một số lĩnh vực. Do đó, họ cần được khuyến khích trở về nước làm việc cho Việt Nam. Đó là cầu nối giữa người Việt Nam ở nước ngoài, những người được đào tạo ở nước ngoài, với hệ thống giáo dục trong nước. Những người được học tập tại Pháp, Australia...có trách nhiệm phối hợp với các trường đại học trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại đây.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài ra, còn cần những nhân tố gì, theo ông?

Ông Jordan Ryan: Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng là cần không ngừng nâng cao tầm quan trọng của giáo dục. Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs). Việt Nam đã có mục tiêu thiên niên kỷ trước khi chúng tôi có. Từ lâu, Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề giáo dục, y tế. Tất cả những nhân tố đó tạo nên sự khác biệt. Học sinh được tiếp cận với hệ thống giáo dục tốt, được chăm sóc sức khoẻ. Chúng được hưởng giáo dục và y tế có chất lượng. Do đó, cần tập trung vào cấp tiểu học và Việt Nam đã làm tốt điều đó.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay tôi nghĩ vẫn còn nhiều thách thức. Tôi nghĩ xã hội hoá giáo dục là một quan niệm hay và cần làm rõ nó có ý nghĩa như thế nào. Phổ cập giáo dục rất cần thiết để xây dựng một xã hội hùng mạnh hơn.

VN là nơi thú vị để MIT, Trung tâm Fulbright...tìm đối tác

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Giả sử chúng ta có Tự do giáo dục, chúng ta dễ dàng xin giấy phép thành lập trường dân lập và kêu gọi đầu tư. Vấn đề là ai sẽ đầu tư vào đó bởi lĩnh vực giáo dục cần thời gian mới có thể mang lại lợi nhuận?

 

Ông Jordan Ryan: Tôi nghĩ rằng vẫn có những đối tác quan tâm như các trường đại học ở Mỹ hoặc ở châu Âu, châu Á. Tôi nghĩ Việt Nam, giống như Trung Quốc, là những nơi thú vị để các trường đại học ở xa như MIT, Trung tâm Fulbright và các trường đại học khác tìm đối tác. Tôi nghĩ rất nhiều trường đại học quan tâm bởi Việt Nam là một đất nước thú vị và rất năng động trong khu vực năng động nhất trên thế giới.

Theo tôi, điều cần quan tâm là làm thế nào để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa nền giáo dục của mình. Ví dụ như chuyến thăm của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới Mỹ vừa qua. UNDP cũng có 2 người đi cùng, tôi hy vọng họ trở về cùng với nhiều ý tưởng mới về giáo dục cao. 

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhân nói về các trường đại học và trung tâm giáo dục của nước ngoài đang đầu tư vào VN, ông đánh giá thế nào về Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP)?

Ông Jordan Ryan: Tôi rất thích, bởi nó mang mô hình đào tạo của Havard tới Việt Nam, trong đó có chương trình nghiên cứu điểm tại các trường kinh doanh ở các nước phát triển. Như vậy, họ xuất khẩu mô hình giáo dục. Đặt tại TP Hồ Chí Minh nhưng họ thu hút được nhiều sinh viên đến từ khắp đất nước. Không chỉ có sinh viên từ Hà Nội và TP. HCM mà còn có sinh viên từ các tỉnh khác; không chỉ ở các trung tâm tỉnh lỵ mà thậm chí từ các làng xã. Họ thu hút được những sinh viên tài năng và đưa vào đào tạo ở các khoá học hàng đầu. Như vậy, các sinh viên được học trên đất Việt Nam, và gắn bó với sự phát triển của đất nước.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, theo ông, chuơng trình này nên đầu tư mở rộng tại Việt Nam?

Ông Jordan Ryan: Nếu tôi nghỉ hưu ở UNDP, tôi sẽ dạy học ở đó. (Cười)

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ông có nghĩ rằng nếu chính phủ Việt Nam ủng hộ, trong vòng 10 năm chúng tôi sẽ xây dựng được một trường đại học hàng đầu thế giới ở Việt Nam hay không?

Ông Jordan Ryan: Tôi nghĩ phải 15 - 16 năm gì đó, trường đại học Yale thành lập năm 1703, như vậy sau hơn 200 năm nó mới trở thành một trường đại học hàng đầu thế giới. Điều đó không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Nhưng nếu như bạn không có được một lộ trình và không bắt đầu thực hiện thì nó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Nó không phải là một cái gì đó xảy ra ngay được. Do đó cần phải có thời gian.

 

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Liệu trong vòng 10 năm chúng tôi có trường đại học đẳng cấp quốc tế, chưa nói đến trường hàng đầu thế giới?

Ông Jordan Ryan: Chắc chắn là càng sớm càng tốt.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ông nghĩ thế nào về trường hợp của Singapore. Họ có Trường Đại Học Quốc gia Singapore (NUS)?

Ông Jordan Ryan: Chúng tôi có chương trình trao đổi với một số giáo sư Singapore. Tôi nghĩ Singapore là một ví dụ điển hình, một đất nước luôn tập trung vào một tầm nhìn và họ có khả năng chuyển từ tầm nhìn đó sang hành động. Họ rất năng động, cụ thể dịch vụ của họ rất tốt.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Tôi đã đọc tiểu sử của ông. Thành tích học tập tại ĐH của ông rất xuất sắc, ông đã được học bổng tại ĐH Colombia và Havard, xin ông nói đôi điều về chuyện này?

Ông Jordan Ryan: Tôi rất may mắn bởi mẹ tôi là một giáo viên. Do đó, gia đình tôi, cũng như nhiều gia đình Việt Nam, đều chú trọng tới việc học hành. Nhờ đó, khi học trung học tôi rất chăm chỉ, rồi tôi giành được học bổng tại ĐH Yale, được các giáo sư hàng đầu thế giới dạy và được học tập trong môi trường cạnh tranh với các sinh viên xuất sắc khác.

Nhưng thời điểm đó rất khó khăn vì xảy ra cuộc chiến khủng khiếp. Do đó, ai có cơ hội tới trường thì quả là may mắn. Tôi học rất nhiều, tới ĐH Colombia, nghiên cứu về kinh tế chính trị và tìm cách làm việc cho LHQ. Như vậy, tôi rất may mắn xét về cơ hội học tập....

Hồi trẻ tôi học rất chăm chỉ, và tôi nghĩ rất nhiều sinh viên Việt Nam cũng vậy. Tôi muốn chúc mừng họ vì họ đã làm những gì họ cần làm... Tôi khuyến khích mọi người học tập, ngay cả khi đã có việc làm, có sự nghiệp thì vẫn không ngừng học.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hồi sinh viên ông học những gì?

 

Ông Jordan Ryan: Ồ, đã lâu quá rồi. Tôi hạnh phúc với những mối quan hệ mà tôi có được ở trường. Tôi còn rất nhiều bạn từ hồi đó. Tôi vẫn nhớ một lần trong lớp, khi giáo viên đặt câu hỏi, tôi liền giơ tay xin trả lời, các học sinh khác nhìn vào tôi và nói ''Bạn lúc nào cũng biết câu trả lời, bình tĩnh nào''.

Tuy nhiên, ngoài học trên lớp tôi còn muốn ra ngoài để làm một cái gì đó. Tôi muốn thử sức trong một thế giới thực sự. Như vậy, ngoài những cơ hội ở trường chúng ta cần làm những việc có ích cho cộng đồng. Tôi hy vọng ngày càng nhiều các bạn sinh viên trẻ ở Việt Nam làm tình nguyện, làm cái gì đó ngoài những gì ở lớp. Tôi thấy ở Việt nam có rất nhiều bạn trẻ tình nguyện, một số làm trong văn phòng hoặc tham gia vào các dự án của UNDP. 

Các chương trình đầu tư công phải gắn với chiến lược phát triển

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta trở lại với vấn đề chất lượng của tăng trưởng. Ông thấy thế nào về hệ thống tài chính ở VN?

Ông Jordan Ryan:
Hệ thống tài chính VN gặp rất nhiều thách thức. Nó đang trong giai đoạn chuyển đổi từ chỗ trước đây là nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế theo định hướng thị trường, từ chỗ là một hệ thống chỉ dựa vào các doanh nghiệp quốc doanh và các ngân hàng công thương sang tiến tới trở thành thành viên của WTO. Khối tài chính và ngân hàng là hạt nhân của một nền kinh tế năng động và đang phát triển. 3 thể chế tài chính đa phương lớn nhất là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á và Quỹ tiền tệ quốc tế đang dành sự quan tâm lớn và nhiều thời gian cho VN. Họ rót rất nhiều tiền và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho chính phủ VN. Tôi cho rằng, vấn đề này đang được thảo luận với Ngân hàng nhà nước VN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư vì thế nó đang thu hút rất nhiều sự chú ý.

Nhưng có một vài lĩnh vực chưa được chuyển đổi mạnh. Điều làm người ta quan tâm là VN muốn đảm bảo sự cân bằng trong việc mở rộng nền kinh tế thị trường. Tất nhiên đây là vấn đề rất được quan tâm tại hội nghị tư vấn hàng năm của các nhà tài trợ, chúng tôi mới chỉ đạt được sự nhất trí với Bộ Kế hoạch đầu tư về kế hoạch 5 năm tới nhưng một lĩnh vực vẫn còn lỗ hổng chính là vai trò của các thể chế tài chính ngân hàng. Do đó, tôi chắc người ta sẽ còn phải bàn bạc nhiều về vấn đề này.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo ông, quá trình cải cách hệ thống tài chính ngân hàng ở VN hiện nay nhanh hay chậm?

 

Ông Jordan Ryan: Cá nhân tôi cho rằng cần phải làm nhiều việc nữa và trong lĩnh vực tài chính, cần thu thập thêm thông tin, dữ liệu. Hiện người ta đã xem xét kỹ về chi tiêu công để có được bức tranh rõ ràng hơn.

Cá nhân tôi cho rằng vấn đề mà khối tài chính cần điều chỉnh là có rất nhiều chương trình đầu tư công cộng. Việc quyết định xây hải cảng ở mỗi tỉnh hay xây 1 hải cảng chung cho cả 4-5 tỉnh là điều khó khăn. Nhưng những quyết định đầu tư vào công trình công cộng kiểu này cần phải gắn với chiến lược phát triển của VN để có thể đưa ra sự lựa chọn đúng đắn. Lẽ tất nhiên, cần thêm nhiều phân tích, và năng lực.

Một vấn đề khác mà tôi nghĩ sẽ liên quan tới tăng trưởng là khối tư nhân. Người nước ngoài rất ưa nói về vai trò của FDI. Đó là điều hoàn toàn đúng bởi lẽ họ mang tới VN công nghệ, ý tưởng. Theo tôi điều quan trọng là VN nên phát triển khối tư nhân trong nước.

Cũng có một số người cho rằng: Ồ, chỉ cần chú ý tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xong. Đó là sự khởi đầu tốt nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ ấy có thể phát triển thành doanh nghiệp lớn, để rồi VN sẽ có những công ty tư nhân khổng lồ. Các công ty ấy có thể cạnh tranh vì VN có Trung Quốc ở phía bắc và nhiều đối thủ khác trong khu vực.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng ông có thể cho biết tại sao VN vẫn chưa tạo ra được các công ty hay tập đoàn tư nhân lớn?

Ông Jordan Ryan: Tôi cho rằng đó là một câu hỏi thú vị. Theo tôi đã có một truyền thống trong quá khứ rằng doanh nghiệp nhà nước nên là doanh nghiệp lớn. Cũng từng tồn tại những thành kiến đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Tất nhiên lối nghĩ này đang thay đổi ở VN.

Ngoài ra, cũng tồn tại những khoảng cách về năng lực. Nhiều người có khả năng không còn bị hạn chế, nhiều người có bằng kinh doanh, nhiều người ra nước ngoài học và cũng có nhiều người từ nước ngoài về nước học... Do đó tôi cho rằng khả năng quản lý những công ty lớn trong nước đang tăng lên.

Các bạn cần có môi trường ưu đãi hơn, chính phủ nên cho phép những doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhiều hơn và các bạn cần cả những ưu đãi về tài chính. Trong nội bộ các công ty, cũng cần có nội lực để có thể tự phát triển. Tôi tin rằng trong tương lai, những doanh nghiệp nhỏ ở VN sẽ phát triển thành doanh nghiệp vừa và những doanh nghiệp vừa sẽ thành doanh nghiệp lớn. Song vẫn tồn tại một số vấn đề về chính sách và tôi cho rằng VN sẽ hùng mạnh hơn một khi có khối tư nhân phát triển.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông thì phải mất bao lâu để điều ấy xảy ra? 10 năm hay hơn nữa?

Ông Jordan Ryan: Trong vấn đề phát triển, người ta cần bình tĩnh. Tôi cho rằng có thể 5 năm cũng có thể 10 năm. Nhưng VN đang đi theo hướng này.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy trong vòng 5 năm thì sao?

Ông Jordan Ryan: 5 năm thì là sự đặt cược, còn 10 năm là điều chắc chắn các bạn đạt được.

Vị quan chức LHQ yêu phở và bia hơi Hà Nội

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Một câu hỏi mang tính riêng tư một chút. Ryan, cuộc sống của ông ở VN như thế nào? Ông thích những món ăn gì?

Ông Jordan Ryan: Như ông thấy đấy, tôi không được thanh mảnh cho lắm. Khi mới đến VN, tôi nghĩ rằng mình đã giảm cân được khá nhiều. Nhưng rồi tôi chợt phát hiện ra thực tế ngược lại bởi vì tôi đã ăn rất nhiều và thích uống bia hơi. Những sở thích này khiến bạn tăng cân khá nhanh. Kết quả là tôi phải cố gắng tập thể dục.

Tôi đã đi du lịch khá nhiều nơi ở VN. Tôi thích đi du lịch khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Vợ và hai con của tôi (một trai, một gái) cũng rất thích đi du lịch ở VN. Chúng tôi khám phá ra rằng người VN rất thân thiện. Khoảnh khắc tuyệt vời mà gia đình tôi vẫn còn nhớ là khi chúng tôi đi chơi và ngắm chợ nổi trên sông Mekong. Các thuyền chở đầy rau quả và họ bán ngay trên sông. Thật thú vị.

Tôi cũng vẫn còn nhớ những buổi sáng vào tầm 6h khi tôi đi bộ quanh bờ Hồ. Dường như hàng ngàn người cũng đổ ra quanh Hồ và làm một việc gì đấy. Các cậu trai trẻ thì trượt patin, các bà lớn tuổi đứng xếp hàng tập các bài nhảy ngắn...Đó cũng là một thời khắc tuyệt vời đối với tôi.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Và sau đó, ông dùng điểm tâm với món phở?

Ông Jordan Ryan: Ồ, chỉ vào thứ Bảy và Chủ Nhật thôi. Những ngày làm việc trong tuần tôi không có nhiều thời gian lắm. Có một chi tiết cũng khá thú vị. Mẹ vợ tôi sống ở California. Một lần, vào mùa hè, gia đình tôi đến thăm bà và bà có dẫn chúng tôi đến một nhà hàng VN để ăn trưa. Con gái tôi đánh vần rất chính xác từ phở. Người phụ nữ bưng một tô phở to ra. Con gái tôi tỏ ra lịch sự nhưng nó vẫn thì thầm với tôi: "Ba ơi, món phở này không ngon như món mà chúng ta ăn ở Hà Nội" (cười).

TBT Nguyễn Anh Tuấn:  Ông định ở đây bao lâu?

Ông Jordan Ryan: Tôi muốn ở càng lâu càng tốt. Mặc dù làm trong LHQ thì thường xuyên phải luân chuyển.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi hy vọng ông sẽ ở đây thêm 10 năm nữa và chứng kiến những thay đổi ở VN, chẳng hạn như những trường đại học đẳng cấp quốc tế...

Ông Jordan Ryan: Tôi rất tin tưởng điều lãnh đạo đảng VN nói VN sẽ là một quốc gia mạnh và thịnh vương, Tôi cho rằng VN sẽ ngày càng tự do và dân chủ hơn. Tôi rất lạc quan về tương lai từ những khác biệt mà tôi đã chứng kiến 10 năm trước. Cho dù không ở đây nữa thì tôi vẫn sẽ theo sát những thay đổi ở Việt Nam.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cuộc trao đổi của chúng ta đã kéo dài gần 1 tiếng rưỡi. Bạn đọc VietNamNet đã gửi rất nhiều câu hỏi về cho ông Ryan, phần lớn có nội dung giống như cuộc trao đổi của chúng ta. Do thời gian có hạn, ông Ryan không thể trả lời ngay tại đây. Những câu hỏi còn lại, chúng tôi sẽ chuyển tới ông Ryan trả lời sau. Xin cảm ơn ông Ryan đã tham gia chương trình này của chúng tôi.

Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại!

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,