(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Thị Hồng Minh (ĐB An Giang) đã nhận xét như vậy với cách làm ''hội đồng'' gồm đại diện các bộ, ngành hữu quan để thẩm định, thanh kiểm tra về môi trường.
Hội đồng thời vụ e rằng không đạt!
Tham gia thảo luận về Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Quốc hội chiều 26/10, bà Minh cho rằng, thanh kiểm tra về môi trường nên do một cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhận, chịu trách nhiệm.
Tương tự như thanh kiểm tra, đánh giá tác động môi trường cũng được thực hiện bởi ''hội đồng''. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phản ánh, sau khi có luật về môi trường năm 1994 đã xẩy ra ''lạm phát'' hội đồng này, tốn kém rất nhiều tiền của nhưng làm hình thức.
Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), có vụ việc xảy ra sự cố về môi trường, có kiểm tra nhưng cho ''chìm xuồng'', hậu quả khó lường. ''Hội đồng mang tính thời vụ, tôi e không đạt! Thẩm định, kiểm tra phải là cơ quan chuyên môn, sau này xảy ra sự cố cũng phải liên đới đền bù'', bà Hồng Xinh kiến nghị.
Đổ ô nhiễm từ đô thị ra ngoại thành
Cho là vấn đề rất cấp bách, nhưng ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) thấy dự luật chưa để ý đến việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi đô thị. Theo ông, nên cấm ngay đầu tư nhà máy mới vào khu đô thị.
ĐB Nguyễn Đình Xuân nhìn nhận việc di dời nhà máy ra khỏi đô thị hiện nay như việc ''đổ ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác'', dân tiếp tục khiếu nại. Chính vì thế, ông đề nghị việc di dời phải kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, công nghệ, vốn...
Một vấn đề nữa mà ĐB Xuân băn khoăn là quy định hộ kinh doanh nhỏ phải cam kết bảo đảm về môi trường. ''Hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ hiểu gì về tiêu chuẩn môi trường, hàm lượng chất thải...? Bắt cam kết đặt ra thủ tục phiền hà! Cơ quan môi trường phải xây dựng quy trình chuẩn về môi trường và giúp đỡ họ'', ông nói.
ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) không tán thành việc dự luật quy định Hội đồng kiểm tra trình lên Thủ tướng xử lý. Vì Thủ tướng ''bận trăm công ngàn việc'' và xử lý này không đến mức phải đến tay Thủ tướng. Theo ông, chủ tịch tỉnh có thể ra đảm nhiệm được.
Đau lòng thấy... bụi đường mù mịt
''Tôi đau lòng thấy xe chở đất đá, vật tư, bánh đầy bùn đất, đi đường dài, trời nắng gió, bụi bay mù mịt trên đường. Phải cấm chứ không thể để thế được!'', ĐB Đặng Ngọc Tùng không dấu được sự bức xúc.
Cũng đề cập ô nhiễm trong sinh hoạt, ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh lo ngại: ''Việt Nam đang muốn là điểm đến thân thiện nhưng nhiều nơi rác vứt, tiểu tiện, khạc nhổ... bừa bã''. Bà đề nghị quy định ngay vào luật phạt những hành vi này. Theo ĐB Đặng Ngọc Tùng, nếu cho vật nuôi như chó, mèo... ra đường ''bậy'' thì cũng bị phạt.
Nhìn hai mặt, ĐB Lê Đình Trưởng (Quảng Ninh) thấy ở khu dân cư, công cộng, nơi vui chơi, công viên thiếu thùng rác, khu vệ sinh... nên cũng khó tránh khỏi nhưng việc nói trên.
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, Quốc hội sẽ xem xét thông qua vào 19/11 tới, dự kiến có hiệu lực từ 1/4/2006.
- Văn Tiến