Bên hành lang Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XIV, ông đã có cuộc trao đổi riêng với VietNamNet.
"Mỗi Đảng viên phải xem lại mình sau một ngày làm việc!"
Hà Nội đặt mục tiêu về đích trước cả nước!
Hà Nội sẽ là "đầu tàu" theo cách riêng của mình!
Tính cách Hà Nội: Rõ ''mười mươi'' còn phải chờ?
- Theo ông, Hà Nội có gì ''khó xử'' dẫn đến thiếu cơ chế, cách làm đột phá và quyết liệt như một số tỉnh, thành khác?
- Cái khó thứ nhất, Hà Nội không phải chỉ của Hà Nội mà Hà Nội là Thủ đô. Vì vậy, ưu thế, lợi thế của Hà Nội rất nhiều nhưng khó khăn của Hà Nội là bao giờ cũng nghĩ đến cái chung là Thủ đô, gắn liền với vị trí các cơ quan đầu não Trung ương. Mỗi một chính sách, cơ chế đặt ra không phải tác động riêng một địa phương mà tác động mang tính chất của cơ quan đầu não. Người dân Hà Nội không phải là ai hết, đó là tất cả công dân đang sống và làm việc ở Hà Nội, là các cơ quan đầu não. Buộc lòng Hà Nội không muốn thận trọng cũng phải thận trọng!
Thứ hai, yêu cầu Hà Nội là trung tâm kinh tế động lực phía Bắc. Nhưng quan trọng hơn, một trong những yêu cầu lớn nhất: Đó là phải giữ sự ổn định về chính trị và trật tự, đặc biệt là chính trị trong giai đoạn hiện nay. Một xáo động ở địa phương, thậm chí kể cả vụ việc rất lớn có thể gây ảnh hưởng nhưng không bao giờ cho phép Thủ đô Hà Nội có một sơ xuất, xáo động chính trị.
Vì vậy trong tất cả những cơ chế, chính sách liên quan buộc Hà Nội phải cân nhắc. Đấy cũng là cái khó của người lãnh đạo Hà Nội.
Thứ ba, người Hà Nội gắn với văn hoá lịch sử ngàn năm, hội tụ lại người Hà Nội tính cách điềm đạm, âm trầm, sâu lắng! Có mặt giữ được nhưng có mặt không kịp với xu thế, yêu cầu ''mở'' của đất nước, nhất là khi hội nhập. Đấy cũng là một mặt khó khăn, trở ngại cho phong cách, tư duy của người Hà Nội khác với Đà Nẵng, TP.HCM...
Người dân nơi khác có thể quyết liệt, sòng phẳng, thẳng thắn, nhưng người Hà Nội bao giờ cũng phải bình tĩnh, thậm chí có việc rõ ''mười mươi'' rồi vẫn chờ xem! Tính cẩn trọng, âm trầm của người Hà Nội có những mặt là lợi thế nhưng có mặt trong xu thế hội nhập thì lại trở thành ngược lại!
Về làm lãnh đạo mới thấy khó và thông cảm với Hà Nội
- Cơ chế, cách làm đột phá có cái cần thận trọng nhưng cải cách hành chính tốt hơn cho Hà Nội và không gây ra xáo trộn gì lớn. Ở mặt này Hà Nội vẫn chậm chuyển biến?
- Hà Nội rất nhiều lợi thế và tiềm năng, cơ hội hơn rất nhiều các địa phương khác! Nhưng bởi vì khi lựa chọn những lợi thế đó thì người lãnh đạo Hà Nội bao giờ cũng bị áp lực, liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan không phải của Hà Nội mà nằm ngay tại Hà Nội. Điều đó đòi hỏi sự đồng bộ thể chế chúng ta, yêu cầu cao hơn ở tầm vĩ mô.
Trung ương cho Hà Nội cơ chế đặc thù. Nhưng dù sao đi nữa, trong một chính thể, Hà Nội vẫn bị sức ép, không vượt qua được nổi! Đây là một hạn chế, một khó khăn của Hà Nội. Điều này để nhắc một chuyện: Rất nhiều lãnh đạo ở Trung ương khi trước đây ''phê'' Hà Nội nhưng khi về làm lãnh đạo Hà Nội đã nói rằng: ''Khi tôi đang làm ở Trung ương thì tôi ''phê'' Hà Nội! Nhưng khi tôi về Hà Nội làm lãnh đạo thì tôi mới thấy khó và thông cảm!''
Hà Nội mỗi ngày tạo một sức hút, các địa phương, mọi miền đến với Hà Nội. Người ta phải thông cảm và chia sẻ! Cũng như bản thân Hà Nội phải tạo kênh để họ hiểu và tự họ trước khi đến Hà Nội phải hoà nhập!
- Nhưng hoà nhập như thế có bị tính ''âm trầm'' của người Hà Nội như ông nói làm giảm suy nghĩ nhiệt huyết, đột phá của người lãnh đạo?
- Với thời gian, với yêu cầu của xu thế thời đại và đất nước phát triển thì những cái chậm chạp, không phù hợp, thậm chí những tư duy mang tính cố hữu sẽ bị loại bỏ! Điều này cũng gắn liền với cả đất nước!
Hà Nội cần lãnh đạo dám chịu trách nhiệm
- Dù có những ràng buộc nhưng nếu người lãnh đạo có tâm, có tầm thì sẽ đưa Hà Nội, vốn đã đạt được nhiều thành tích, có thể tiến xa hơn?
- Đảng viên, người dân Hà Nội mong muốn như vậy! Muốn Hà Nội không chỉ vì mặt trí tuệ, về chính trị, trung tâm văn hoá, đầu não kinh tế... mà mong muốn Hà Nội có những đột phá gắn liền với trưởng thành và dám chịu trách nhiệm.
Ở đây, ngoài đặc điểm, đặc thù khách quan của Hà Nội, cần một bộ máy, những con người dám chịu trách nhiệm! Không những về mặt tư duy hiểu vấn đề mà còn dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, Đảng viên và cả Trung ương. Sẵn sàng có thể, 10 việc thì chỉ cần 7 việc thành công, 3 việc nếu sai xin chịu trách nhiệm. Khi đó đội ngũ lãnh đạo trưởng thành, Hà Nội sẽ tiến lên!
Trong giai đoạn hiện nay, để đưa Hà Nội đi lên, không còn cách nào khác phải tự mình vượt lên trên tất cả những điều kiện sẵn có để khẳng định mình! Trước hết là khẳng định vượt trội về kinh tế. Lợi dụng lợi thế trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật phải tạo dựng được động lực phát triển thật mạnh! Lúc đó mới tạo điều kiện đầu tư trở lại xã hội, tạo điều kiện xây dựng con người, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân!
Cũng từ đó tạo ảnh hưởng, uy tín của Đảng! Còn nếu không phát triển kinh tế, đời sống khó khăn thì những mong muốn chỉ là ý tưởng mà thôi!
- Có nghĩa là đội ngũ lãnh đạo Hà Nội hiện nay vẫn chưa đủ tâm và tầm?
- Câu hỏi đó có lẽ vượt tầm trả lời của tôi...
- Chúng ta có chủ trương trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo, Đại hội Đảng bộ lần này dự kiến có thay đổi gì không, thưa ông?
- Đại hội lần này, ngay cả đại biểu cũng là điều đáng trăn trở! Đại biểu trẻ quá ít! Chỉ duy nhất một đại biểu trẻ nhất nhưng đã sắp hết tuổi thanh niên, 30.
Hạn chế là chưa hút vào lực lượng trẻ để họ tạo môi trường rèn luyện, cống hiến nay mai. Đây là điều đáng suy nghĩ! Tôi tin chắc lớp trẻ hôm nay năng động, sáng tạo, quyết liệt hơn! Họ dám làm và dám chịu trách nhiệm hơn!
- Xin cảm ơn ông!
- Văn Tiến
thực hiện