221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
753169
Muốn xây chính quyền đô thị phải có con người đô thị?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Muốn xây chính quyền đô thị phải có con người đô thị?
,

(VietNamNet) - TP.HCM đã được giao xây dựng thí điểm "chính quyền đô thị" và được xem là có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn là thiếu con người đô thị theo đúng nghĩa...

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, và GS.TS lịch sử Võ Văn Sen - đại biểu HĐND TP.HCM.

Xây dựng chính quyền đô thị - không đơn giản!

Soạn: AM 672339 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Nhiều lãnh đạo xuất thân từ nông thôn, suy nghĩ, tầm nhìn bị bó hẹp.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng: "Xây dựng chính quyền đô thị là điều đáng suy nghĩ đối với công tác xây dựng pháp luật, như luật xây dựng, luật nhà ở...; trong cải cách hành chính. Xây dựng chính quyền đô thị phải khác xây dựng chính quyền nói chung. Đặc điểm của đô thị là dân tập trung đông, cho nên công tác quản lý của chính quyền phải phù hợp với khó khăn này.

Tại cuộc họp HĐND cuối năm vừa rồi, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM trả lời như thế thì ĐB không thỏa mãn là phải. Trách nhiệm chính của vị này là giúp cho Chủ tịch UBND TP.HCM trong vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhưng nghe thì rất thất vọng. Trong khi đó cuộc sống vẫn diễn ra, nhà cũ thì người ta phải xây lại, thiếu nhà ở thì phải xây. Không có quy hoạch rõ ràng thì người ta cũng làm thôi".

Còn theo PGS.Võ Văn Sen: "Một chính quyền đô thị phải hết sức tập trung chứ không thể có tình trạng phân cấp một cách tràn lan. Theo tôi, chúng ta cần xây dựng mạnh hệ thống chính quyền cấp thành phố, không cần hệ thống cấp phường, giảm quản lý hành chính ở cấp quận.

Ở nhiều thành phố lớn của Mỹ, New Zealand, người dân không cần lên phường, lên xã xác nhận bất cứ loại giấy tờ nào. Muốn vậy phải hết sức hiện đại hóa chính quyền đô thị cấp thành phố. Cấp cơ sở chỉ quản lý hành chính dân cư thôi, đặc biệt không tham gia quản lý kinh doanh quá nhiều như hiện nay.

Về quy hoạch thì không thể phân cấp tràn lan như hiện nay. Cấp thành phố phải làm. Không thể có chuyện trên một con đường, quận này cấp số nhà tiêu chuẩn này, quận khác cấp số nhà tiêu chuẩn khác".

Thiếu quyết tâm chứ không phải không làm được!

- Tuy nhiên, TP.HCM hiện vẫn có xu hướng tăng ủy quyền cho địa phương?

- PGS.Võ Văn Sen: Tôi không đồng ý với điều này. Làm thế là đi ngược với xu thế hiện đại hóa hệ thống chính quyền trên thế giới. Đó là tư duy quản lý theo lối nông thôn. Không nên ngày càng phân cấp như vậy, gây nhiêu khê hơn.

Chính quyền đô thị phải computer hóa để tạo ra chính phủ điện tử, có thể giảm được 90% những việc đang làm chúng ta bận rộn. Như vậy, phân cấp cho phường, xã để làm gì.

- Như vậy, việc quản lý của chúng ta chưa có sự phân định rõ thế nào là quản lý đô thị một cách khoa học, thế nào là quản lý một vùng nông thôn?

- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Tôi nghĩ đây không phải lỗi của cấp dưới, mà lỗi từ cấp trên: chưa có đủ cơ sở pháp luật để phân định rõ ràng xây dựng chính quyền đô thị là làm gì, xây dựng chính quyền nông thôn như thế nào. Còn xây dựng chính quyền chung thì có luật rồi: luật tổ chức chính phủ, luật tổ chức HĐND, UBND... đã quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, Sở ngành cho địa phương. Nhưng cần phải đi sát hơn vào cuộc sống. Nếu làm luật chậm thì phải có hướng dẫn của chính phủ, chứ để mặc các địa phương thì rất lúng túng.

- Khâu đột phá để xây dựng chính quyền đô thị nằm ở đâu?

- PGS.Võ Văn Sen: Cần xây dựng một kế hoạch thực sự khoa học, có lộ trình cụ thể. Phải có tham khảo kinh nghiệm thế giới, phải có sự đầu tư công sức, trí tuệ đúng mức. Trong đề án cần có nội dung cực kỳ quan trọng là chính phủ điện tử: computer hóa tối đa tất cả hoạt động quản lý, giao dịch của nhà nước.

TP.HCM thiếu quyết tâm chứ không phải không làm được, với cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc computer hóa.

- Muốn xây dựng chính quyền đô thị thì TP.HCM phải có cơ chế như thế nào để quản lý xã hội, trong điều kiện TP.HCM đông dân và rất đa dạng về dân tộc, xuất xứ?

- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Trong thời gian trước mắt khó mà khắc phục được, bởi vì nhiều lãnh đạo xuất thân từ nông thôn, suy nghĩ, tầm nhìn bị bó hẹp.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là không làm được. Tôi thấy trong nhiệm kỳ vừa rồi TP.HCM có nhiều khởi sắc trong quản lý đô thị, như cải cách hành chính, thực hiện việc xây dựng chính phủ điện tử...

Dưới góc nhìn xã hội, quản lý một địa bàn đông dân cư và phức tạp như thế này thì hết sức khó. Nhưng người quản lý phải thấy cái khó đó để tìm biện pháp giải quyết. Đơn cử như vấn đề quy hoạch, cần tập trung giải quyết cho kịp yêu cầu thực tế.

Giao việc quan trọng nhất cho người có đức, tài nhất

Soạn: AM 672337 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS.TS lịch sử Võ Văn Sen: "Hãy nhìn về tương lai, chứ đừng nhìn vào quá khứ".

- Như vậy, mấu chốt là con người, mà cao hơn là lãnh đạo?

- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Đúng thế! Nhưng bây giờ lấy đâu ra con người đô thị. Tất cả đều xuất thân từ nông thôn. Hiện tại, chúng ta vẫn phải sử dụng những con người đó, và tiếp thu những gì các nước đã làm.

- PGS.Võ Văn Sen: Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng hàng đầu của đề án chính quyền đô thị là đổi mới đội ngũ quản lý. Cái đó bắt đầu từ Đảng thôi. Hãy nhìn về tương lai, chứ đừng nhìn vào quá khứ. Nếu cứ nhìn vào yêu cầu giải quyết các mâu thuẫn mới của chính quyền đô thị, thì mọi cản trở sẽ bị gạt ra hết.

Trên từng lĩnh vực, thậm chí chúng ta phải mời một số chuyên gia nước ngoài làm việc trong bộ máy chính quyền trong một thời gian, giống như mời huấn luyện viên bóng đá vậy.

- Nhưng vẫn có nguồn nhân lực được đào tạo tại các nước tiên tiến và trở về VN. Có dư luận cho rằng việc sử dụng, cất nhắc họ vẫn chưa được thích hợp, tương xứng, còn "lăn tăn" chuyện lý lịch...

- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Trong việc công tác tổ chức cán bộ không thể chằm chằm nhìn vào lý lịch xem có rõ ràng, trong sạch không. Xây dựng đất nước là của toàn dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu không có sự góp sức của toàn dân thì làm sao thắng được. Cho nên sử dụng người không nên quá câu nệ. Tất nhiên là phải có những tiêu chuẩn nhất định. Còn đóng góp xây dựng TP, ai có sáng kiến, trí tuệ, năng lực thì phải huy động. Nếu không sẽ trở thành hẹp hòi, ích kỷ, định kiến...

- PGS.Võ Văn Sen: Tôi nghĩ cần có sự đổi mới trong công tác cán bộ. Điểm cần thiết nhất là chúng ta phải giao được những công việc quan trọng nhất cho những người có đức, có tài nhất. Tài ở đây là đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị. Cần xây dựng cả một đề án riêng: xây dựng chính quyền đô thị thì tiêu chuẩn cán bộ phải thế nào.

Lý Quang Diệu từng nói, bí quyết thành công của ông ta là giao chức Bộ trưởng cho người giỏi nhất kể cả về quản lý và chuyên môn trong ngành đó.

Ở Nhật Bản, người ta chuẩn bị những chức vụ rất quan trọng trong bộ máy nhà nước cực kỳ kỹ. Những người giữ những chức vụ đó cực kỳ xứng đáng.

Chúng ta tất yếu trước sau gì cũng phải làm như vậy.

- Xin cảm ơn!

  • Phạm Cường
    thực hiện

Theo quý vị, mấu chốt để xây dựng một "chính quyền đô thị" cho một TP lớn như TP.HCM là gì?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,