(VietNamNet) - Một ông Tổng giám đốc tham gia cá độ với số tiền lên tới 2,4 triệu USD trong vòng gần hai tháng. Ai dám chắc là ông chỉ cá độ có ngần ấy? Và ai dám chắc ông là quan chức duy nhất trong ngành xây dựng vung tiền triệu USD vào những canh bạc đỏ đen như vậy?
Cá độ bằng ODA?
Ai cũng biết kinh phí dành cho các dự án giao thông là vô cùng lớn và với nước nghèo như chúng ta, để có hệ thống giao thông như hiện nay, không thể không thể không đi vay nước ngoài. Thực tế, cho đến bây giờ, hầu như tất cả các công trình giao thông lớn trong cả nước đều được thực hiện thông qua nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và một phần nhỏ vốn đối ứng của Việt Nam.
Còn nhớ cách đây vài năm, mở đầu bài phát biểu của mình trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo một địa phương, một nhà tài trợ kể: “Khi về nước, nhiều người dân nước tôi có đề nghị cho biết tình hình thực hiện nguồn vốn ODA ở các nước nhận ODA như thế nào. Họ rất quan tâm đến vấn đề này bởi thực tế vốn ODA có phần đóng góp của họ thông qua đóng thuế thu nhập”. Rồi ông xin được phép chuyển câu hỏi này tới các vị lãnh đạo địa phương…
Trở lại vụ ông Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc PMU 18, nơi quản lý rất nhiều dự án giao thông có sử dụng vốn ODA, tham gia cá độ với số tiền lên tới 2,4 triệu USD trong vòng gần hai tháng. Ông ta lấy đâu ra tiền để cá độ lớn vậy? có lẽ là một trong những câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay. Chưa kể trường hợp của ông Dũng không thể chỉ cá độ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó.
Tuy nhiên, dù có lớn đến mấy thì đó cũng chẳng phải là câu hỏi khó đối với bất kỳ ai. Tất nhiên, câu trả lời chính thức sẽ thuộc về cơ quan điều tra.
Nhưng nếu ông Dũng lấy một phần từ nguồn vốn ODA để cá độ thì sao? Người dân những nước cho ta vay vốn sẽ nghĩ như thế nào nếu đó là sự thật. Đây mới là câu hỏi khó trả lời!.
Trác táng bằng tiền Nhà nước đi vay
Ông Dũng không phải là thương gia, không trúng vé số độc đắc, không được nhận giả thưởng Nobel. Với mức lương tháng chưa đầy 3 triệu đồng thì ông ấy lấy đâu ra 30 tỷ để đánh bạc mỗi tháng? Chẳng cần úp mở khi nói rằng số tiền ấy “chui” ra từ những công trình trị giá hàng nghìn tỷ đồng bị rút ruột, bị nâng khống khối lượng, bị vượt dự toán.
Khi thiết kế, người ta đã tính đến mọi yếu tố loại trừ, kể cả động đất, sóng thần…để đảm bảo độ an toàn và tuổi thọ của công trình. Khi lập dự toán, người ta cũng đã dự trù sự biến động giá cả thị trường trong suốt thời gian thi công. Vậy tại sao vẫn có những con đường, những cây cầu vừa khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp? Tại sao vẫn có những công trình mà khối lượng quyết toán vượt xa dự toán được duyệt? Chỉ có thể là người ta đã cố tình “sai” từ khâu lập dự toán và thiết kế, hoặc là đã “rút ruột” công trình hay giảm bớt khối lượng thi công so với thiết kế, hoặc là cả hai. Nhưng cái gì có thể che mắt các BQL dự án, các đơn vị giám sát công trình đó thì ai cũng hiểu.
Câu hỏi còn nhức nhối hơn là số tiền đánh bạc 1,8 triệu đô-la hàng tháng ấy chiếm bao nhiêu phần trăm từ “thu nhập” của ông TGĐ? Và nếu ông Dũng có mức siêu thu nhập như thế thì liệu những người khác ở trên Ban, ở dưới Ban và ở cùng Ban của ông có kém cạnh ông? Nếu ghép những con số ấy lại, rồi khấu trừ vào vốn đầu tư của các công trình thì ta sẽ hiểu vì sao với mấy tỷ đô-la vốn ODA hàng năm dành cho đầu tư hạ tâng mà đất nước ta đến nay vẫn chưa có nổi 1 km đường cao tốc tử tế!
Vốn ODA là vốn nhà nước đi vay, và người dân sẽ lao động để trả nợ. Khi những người như ông Dũng đem tiền đó ném vào các chiếu bạc của người nước ngoài thì các ông có nhìn thấy những lão nông đang bưng mặt khóc trên những đìa tôm bi bệnh? Có nhìn thấy những chàng trai lênh đênh ngoài biển cả trên những con tàu mang quốc tịch nước người, những cô dâu Việt phải “đặt cược” cả tương lai và phẩm giá của mình làm vợ những gã ngoại quốc, chắt chiu đem về những đồng đô-la để trả nợ cho những đống tiền mà các ông đang phung phí? Các ông sẽ nói gì với họ, và với cả những thế hệ con cháu mai sau phải gồng lưng trả những món nợ ấy?
Xin hay vay đều là một sự tủi nhục. Khi một quốc gia phải đi vay thì đó là nỗi quốc nhục! Thái lan, người láng giềng hôm qua con ngang bằng với chúng ta, vậy mà hôm nay họ đã có thể khảng khái từ chối những đồng tiền hảo tâm của các nước cho dù với mục đích cứu giúp các nạn nhân sóng thần. Họ đã là một dân tộc không cam chịu nỗi nhục. Còn ở ta, phải đợi đến bao giờ để những người có chức quyền như ông Dũng nhận ra điều ấy?
Cá nhân và hệ thống: sai ở đâu?
Ông Dũng đã vào vòng lao lí. Nhưng những người ở bên trên ông, ở bên dưới ông và ở bên cạnh ông liệu có vô can? Với một cán bộ cấp Bộ, việc lựa chọn và bổ nhiệm là cả một hệ thống phức tạp, vậy mà một con người như ông Dũng vẫn ngang nhiên thăng tiến kể cả ở cơ quan lẫn trong Đảng, thì phải chăng cần xem lại?
Giống như khi nói về sự hư hỏng của các cầu thủ Văn Quyến và Quốc Vượng, có người đã truy nguyên là do cả một nền bóng đá đã hư hỏng. Ai kí quyết định bổ nhiệm ông Dũng, người đó có chịu trách nhiệm về việc làm của ông không? Ai được phân công phụ trách trực tiếp công việc hàng ngày của ông, người đó có chịu trách nhiệm không? Ai giới thiệu ông vào chức vụ đó, người ấy có vô can không?
Lại nữa, những người bên cạnh ông, hàng năm vẫn ngồi nghe ông tự kiểm điểm và đánh giá, mà chắc rằng năm nào ông cũng tự nhận là “đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, họ có làm theo đúng nguyên tắc tổ chức hay chưa?
Vậy mà lạ thay, cho đến nay tuyệt nhiên không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Cấp trên của ông đang tỏ ra rất nghiêm khắc trước những sai phạm của ông, nhưng tại sao họ không tự hỏi rằng ai đã đưa ông đến ngày hôm nay? Những gì đang diễn ra cho người ta một cảm nhận rằng hình như chỉ có mình cá nhân ông Dũng là thoái hóa, biến chất, còn cả hệ thống mà cho đến trước khi bị bắt ông Dũng còn là một con “chip” quan trọng đều vẫn tốt!
Khi một con chíp bị “rụng” thì chỉ cần thay nó bằng con chíp khác. Có thực là đơn giản đến vậy ư?
Thách thức chính trị
Tham nhũng ngay trong nội bộ đảng viên, những người như ông Dũng, đang trở thành thách thức chính trị gay gắt đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi nó xoáy vào lòng tin của nhân dân, vốn là nhựa sống cho Đảng, đã bị xói mòn nghiêm trọng khi tảng băng tham nhũng cứ ngày một lộ diện lớn hơn, nhức nhối hơn, gây ra hết sự kinh hoàng này đến sự kinh hoàng khác trong dư luận. Còn nhiều thách thức khác đặt ra trước Đảng trên con đường chèo lái dưa dân tộc thoát khỏi nỗi nhục nghèo đói và tụt hậu. Nhưng tham nhũng chính là thách thức chính trị lớn nhất mà Đảng cần vượt qua.
Nếu những người như ông Dũng vẫn còn ở trong Đảng, trong bộ máy nhà nước thì có vắt kiệt sức dân cũng vẫn không khỏa đầy túi tham của họ, còn đâu để phát triển đất nước. Nếu tình trạng tham nhũng còn kéo dài, thì không chỉ người dân mất hết kiên nhẫn, mà cộng đồng quốc tế cũng sẽ mất hết niềm tin và thiện chí giúp đỡ chúng ta.
Khi ấy, Việt Nam một lần nữa bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đến sự phồn vinh mà nhân loại đang đi bằng tên lửa và vũ trụ! Thách thức ấy đặt Đảng trước một sứ mệnh bất đắc dĩ: tuyên chiến với tham nhũng!
Nhưng cũng chưa có thời điểm nào thích hợp hơn lúc này để Đảng tuyên chiến với tham nhũng, làm sạch cơ thể của mình. Nếu Đảng mở cuộc tổng tiến công vào tham nhũng ở thời điểm này thì cuộc tông tiến công ấy chắc chắn sẽ qui thuận được đại đa số quần chúng nhân dân, bất kể trong hay ngoài Đảng. Nó cũng sẽ củng cố thêm niềm tin của cộng đồng quốc tế vào con đường mà chúng ta đang đi. Khi ý Đảng đã gặp lòng dân, khi Đảng đã thể hiện được chính mình thì không một kẻ thù nào dù hữu hình hay vô hình có thể chia rẽ Đảng với nhân dân.
Chúng ta đã nhiều lần hô hào quyết tâm chống tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm đó còn nặng ở ngôn từ hơn là hành động. Quyết tâm đã có, nhưng vấn đề là có biến nó thành hành động chính trị mạnh mẽ và có đi đến cùng quyết tâm đó hay không? Một việc làm dù nhỏ vẫn tốt hơn nhiều khẩu hiệu hay.
Tại Đại hội Đảng X lần này, toàn thể đảng viên và người dân sẽ không muốn nghe lại những bản báo cáo dài dòng về thách thức mà ai cũng đã biết, mà là những cuộc thảo luận thẳng thắn, công khai, tìm ra những biện pháp hữu hiệu chống lại thách thức ấy, với những cam kết cụ thể trước nhân dân. Nhưng quan trọng hơn hết, người dân không muốn thấy những ông Bộ trưởng X, thứ trưởng Y ở những bộ siêu tham nhũng ấy lại vẫn có tên trong danh sách BCH TƯ khóa mới. Thậm chí ông trưởng lại lên nữa, rồi ông phó lại lên thay ông trưởng, và mọi việc lại vẫn giống như câu châm ngôn muôn thuở: “vũ như cẩn.”
Những người dân Việt dù ở đâu cũng đều thấm thía nỗi nhục của đất nước về nghèo nàn, lạc hậu và tham nhũng. Tất cả đang kỳ vọng vào Đại hội X sẽ là dịp để Đảng thể hiện quyết tâm đưa dân tộc đoạn tuyệt với những nỗi nhục ấy.