221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
779196
Hiến xác người chết, quên ý kiến người sống!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Hiến xác người chết, quên ý kiến người sống!
,

(VietNamNet) - Dự thảo luật ''chỉ quan tâm đến ý nguyện của người chết mà quên đi ý kiến của người sống'', của thân nhân trong gia đình. ''Khâu này không giải quyết được thì việc hiến xác không khả thi''.

Đây là ý kiến khá gay gắt đưa ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ''mổ xẻ'' dự thảo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại phiên làm việc sáng 29/3.

Bộ luật để ''chờ'', văn bản hướng dẫn cũng... ''chờ''

Soạn: AM 737257 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hiến xác, bộ phận cơ thể người phục vụ khám chữa bệnh và nghiên cứu, phát triển y học.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thế Vượng, hiến xác, bộ phận cơ thể là thực hiện ý nguyện của người chết nhưng phải có sự đồng ý của người thân trong gia đình, phù hợp với truyền thống và tập quán của người dân. Quốc hội trước khi thông Bộ luật dân sự 2005 đã bàn ''nát nước'', nhưng không ghi rõ trong Bộ luật này mà để ''chờ'' văn bản hướng dẫn quy định.

''Với người đủ 18 hiến xác, dự thảo bỏ trống, nghĩa là không cần biết sự đồng ý của người sống. Nếu người chết có di chúc hiến xác nhưng thân nhân không đồng tình, ta có đưa công an đến cưỡng chế không? Trong luật không giải quyết khâu này thì việc hiến xác không khả thi!'', ông băn khoăn.

Ông Trần Thế Vượng cũng cho biết thêm, Quốc hội khi bàn Bộ luật dân sự đã lưu ý phải quy định hết sức cụ thể: Chẳng hạn, hiến xác thì làm lễ tang thế nào, ''dùng'' xác bao lâu, có trả lại gia đình người chết không...?

'''Quy định như thế này chỉ quan tâm đến ý chí của người chết mà bỏ qua ý kiến của người sống'', Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhận xét.

Dự thảo luật cho phép người trong độ tuổi 16-18 được hiến bộ phận cơ thể, kèm theo điều kiện: cha mẹ đẻ đồng ý và người nhận hiến phải là cha mẹ đẻ, anh em ruột. Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ không đồng tình, yêu cầu phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được hiến bộ phận cơ thể.

Ngay Trưởng ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến cũng bày tỏ quan điểm riêng ngược với dự thảo. Bà cho rằng, người vị thành niên, tâm sinh lý chưa hoàn chỉnh, năng lực hành vi dân chưa đầy đủ. Do đó, hiến bộ phận cơ thể chắc chắn có ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của người đó.

Bồi dưỡng nhưng không để ''len lỏi'' thương mại hoá

Một vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo sôi nổi là nghiêm cấm việc thương mại hoá việc hiến xác, bộ phận cơ thể người.

''Dứt khoát không để ''len lỏi'' thương mại hoá, mua bán mô, bộ phận cơ thể người! Nhưng ta không cực đoan! Hiến máu còn có chế độ bồi dưỡng. Chẳng hạn, anh hiến thận làm nghĩa cử cao đẹp có giấy ghi công nhưng cũng phải có chế độ bồi dường. Hoặc anh nhà giàu bồi dưỡng người cho thận là bình thường''. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu lý giải.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất khó trên thực tế vì ranh giới rất mong manh giữa mua bán và việc bồi dưỡng bằng tiền.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu trong báo cáo thẩm tra dự án luật cũng nói rằng, cần có những quy định ngăn chặn hiện tượng bề ngoài hiến tặng nhưng thực chất bên trong mua bán.

Chẳng hạn, Việt kiều về nước bao nhiêu lâu mới được nhận ghép tạng? Quy định người ra nước ngoài để cho tạng, mô chỉ có thể là người trong gia đình trực hệ (cha, mẹ, con, anh em ruột) với chứng minh huyết thống rõ ràng. Không cho phép người VN ra nước ngoài với lý do hiến mô, bộ phận cơ thể, kỳ thực là bán như tình trạng hiện nay trên thế giới.

Nhiều vấn đề còn để ngỏ.

Cũng theo bà Thu, có ý kiến đề nghị cho phép người tử tù, người bị tai nạn giao thông được hiến xác phục vụ cho y học.

Thành viên Uỷ ban Pháp luật Dương Ngọc Ngưu băn khoăn. ''Tử tù hiến xác thì có áp dụng hình phạt tử hình như thông thường không? Vì hành động này, họ có được ghi danh là ''nghĩa cử cao đẹp không?''.

Có ý kiến muốn bổ sung trẻ em chết, chết não... thì cha, mẹ có quyền hiến xác con mình hoặc tạng của bào thai trong trường hợp phá thai... Đây là nguồn rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp không thể dùng mô, tạng của người lớn ghép cho các bệnh nhân nhi còn nhỏ tuổi được.

Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình thể hiện băn khoăn khi dự luật bỏ ra ngoài không điều chỉnh ''việc hiến, lấy, nhận tinh trùng, trứng, phôi'', trong khi trứng, tinh trùng, phôi thực chất cũng là mô.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, đây là vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm và đã được quy định chi tiết trong Nghị định số 12/CP của Chính phủ. Hiện nay Chính phủ đang sửa đổi Nghị định này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng nhắc đến thực tế chuyện ''đẻ thuê'', ''người sinh ra không phải là mẹ'' mà TP.HCM đề nghị hướng dẫn. Tuy nhiên, ông cho biết Quốc hội đành phải ''khất'' chưa quy định, cần thêm thời gian nghiên cứu cho ''chín''.

Dự thảo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người sẽ được trình ra lấy ý kiến Quốc hội vào kỳ họp tới và thông qua vào cuối năm.

Theo con số thống kê từ Bộ Y tế, hiện nay cả nước có khoảng 5.000-6.000 người suy thận cần phải ghép thận. Tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có gần 1.500 người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn nên sô bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy ngập. Nhiều bệnh nhân phải ra nước ngoài để ghép với chi phí tốn kém (gấp khoảng 10 lần ở Việt nam) và rủi ro cao hơn hoặc đành chịu chết.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân cần ghép giác mạc ngày càng tăng, đến nay có khoảng hơn 5.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc. Riêng tại Viện Mắt Trung ương, mỗi năm nhu cầu ghép giác mạc từ 5.000 ca/năm trở lên. Từ năm 1985 đến nay, Viện mới chỉ ghép được 1.500 ca, riêng năm 2004 ghép được 103 ca, đến tháng 8/2005 ghép được 100 ca.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,