(VietNamNet) - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đã nói như vậy tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 6/5 bàn về dự thảo Nghị quyết về việc đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc họi tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, theo Điều 2, Luật khiếu nại, tố cáo thì cán bộ không được tiếp dân, nhận đơn thư tại nhà riêng.
Tuy nhiên, theo ông, thực tế có những trường hợp đặc biệt như ''cán bộ lão thành hoặc cụ già đến đưa đơn khiếu kiện không thể không tiếp''.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển tỏ thái độ: ''Khi còn kháng chiến, cán bộ đến nhà, dân mở cửa tiếp đón, nấu cơm cho ăn, nay dân đến nhà, chẳng lẽ không tiếp? Ai đến nhà tôi gửi đơn khiếu kiện tôi đều nhận hết!''.
''Đại biểu Quốc hội không tiếp xúc cử tri, hoặc nhận đơn ''hất'' đi không xem, hỏi còn xứng đáng làm đại biểu của dân hay không? Có xấu hổ với lương tâm không?''. Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu không dấu được bức xúc.
Theo bà, đại biểu phải lắng nghe dân nói, xem xét kỹ lưỡng vụ việc dân khiếu kiện có đúng pháp luật không, nêu rõ yêu cầu, kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết chứ không chỉ làm mỗi việc ''kính chuyển''.
Có nhiều năm từng làm công tác dân nguyện, bà Hoài Thu cho biết đơn thư của dân ''nhiều vụ khiếu kiện đúng, ít vụ sai''.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lưu ý đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội phải đôn đốc, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân. ''Nếu đã kiến nghị, yêu cầu mà không thấy trả lời thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi đã nói nhiều lần nhưng không thấy ai báo cáo'', ông nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Chính phủ đang dự thảo Luật khiếu nại, Luật tố cáo và nghiên cứu thành lập cơ quan tài phán hành chính.
Cùng chiều 6/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài xác lập trước ngày 1/7/1991.
- Văn Tiến
Ý kiến của bạn: