(VietNamNet) - Tiến sỹ luật học Cù Huy Hà Vũ, con trai nhà thơ Huy Cận, khẳng định như vậy. Ông vừa có đơn ứng cử vào chức Bộ trưởng Văn hoá Thông tin lên Ban Bí thư TW Đảng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Cù Huy Hà Vũ cho biết:
- Sáng ngày 8/5, tôi đã chính thức gửi đơn ứng cử vào chức Bộ trưởng Văn hoá Thông tin đến 4 cơ quan: Trước hết tôi gửi tới Ban Bí thư TW Đảng. Bởi vì bất luận thế nào, chế độ chính trị của chúng ta là dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai tôi gửi Quốc hội vì Quốc hội sẽ xem xét ứng viên, bổ nhiệm vào chức bộ trưởng. Thứ ba, tôi gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan thường trực của Quốc hội giữa 2 kỳ họp. Thứ tư, đương nhiên tôi phải gửi tới Thủ tướng Chính phủ, người trực tiếp xem xét việc ứng cử này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nhận được đơn của tôi và cũng có phản hồi là nêu vấn đề ứng cử trực tiếp với Thủ tướng Phan Văn Khải để Thủ tướng xem xét.
Chức danh bộ trưởng cần có nhiều ứng viên
- Xin ông cho biết nguyên do muốn ứng cử?
- Chuyện ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin tôi mới có 10 ngày nay thôi. Bởi vì tôi rất phấn khởi Đại hội Đảng X đã thể hiện không khí dân chủ, biểu hiện rõ rệt nhất là chấp nhận việc ứng cử tự do vào BCH TW Đảng.
Ông Cù Huy Hà Vũ, 49 tuổi, làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1979, con nhà thơ Huy Cận, cháu ruột, con nuôi nhà thơ Xuân Diệu. Ông có bằng thạc sỹ văn chương, tiến sỹ luật tại Pháp, đồng thời tốt nghiệp Học viện quốc tế hành chính công của Pháp. Hiện ông Cù Huy Hà Vũ là người ngoài Đảng. |
Đó là chưa kể nhiều vị lãnh đạo Đảng như nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, ngay cả Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị cũng tuyên bố vào một chức danh bộ trưởng cần có nhiều ứng viên, có sự tranh cử và ứng viên đó không nhất thiết là Đảng viên. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với Điều 53 Hiến pháp: ''Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội''.
Sau Đại hội Đảng, tôi nghĩ bầu không khí dân chủ cởi mở hơn và Đảng phải công khai giới thiệu người của mình vào các vị trí thành viên Chính phủ. Nhưng đến bây giờ, giới thiệu ai vào chức vụ bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Thương mại, Giao thông Vận tải, Văn hoá Thông tin..., dân không được biết. Điều đó cũng hạn chế sự xem xét, phê phán từ nhân dân, những người dân bình thường chứ không phải đại biểu Quốc hội.
Trước tình hình đó tôi phải ra ứng cử Bộ trưởng Văn hoá Thông tin. Thứ nhất là tâm huyết của tôi muốn chấn hưng nền văn hoá Việt Nam, muốn sửa chữa những thiếu sót thời gian qua xẩy ra trong lĩnh vực văn hoá thông tin. Thứ hai, bằng cách ứng cử trực tiếp thì cũng bắt buộc Chính phủ đưa ra danh sách giới thiệu vào chức vụ bộ trưởng.
Ông Cù Huy Hà Vũ trao đổi với phóng viên VietNamNet. Ảnh: Văn Tiến |
- Chỉ còn mấy ngày nữa là khai mạc kỳ họp Quốc hội (ngày 16/5), nếu việc bầu Bộ trưởng Văn hoá Thông tin được đưa ra, thời gian đó có quá ngắn để ông thực hiện tranh cử?
- Đảm bảo sự tranh cử tự do thì Chính phủ phải thông báo cho nhân dân trước hàng tháng, thậm chí nửa năm để chuẩn bị. Chuẩn bị ở đây không phải vấn đề ''tôi tự thấy có đủ đức, đủ tài'' mà phải có lập luận, cương lĩnh hành động chứ không thể nói khơi khơi tôi làm bộ trưởng được.Tôi định hành động thế nào, năng lực đã được thử thách ra sao cho bàn dân thiên hạ biết. Vấn đề không phải tranh cử trước Thủ tướng mà là tranh cử trước nhân dân thì phải có thời gian chuẩn bị tốt, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí Quốc hội cần mời một số người ứng cử đến trình bày như một sự giao lưu giữa ứng viên với đại biểu Quốc hội. Đáng nhẽ phải như thế!
''Tôi đủ phẩm chất làm Bộ trưởng Văn hoá''
- Xin hỏi thẳng: Ông tự thấy mình có đủ tâm, tầm, xứng đáng làm Bộ trưởng Văn hoá Thông tin?
- Tôi nghĩ hoàn hoàn đủ phẩm chất! Thậm chí so với nhiều nhà quản lý văn hoá thông tin hiện nay, tôi còn vượt trội hơn. Thứ nhất, năng lực văn hoá của tôi được thể hiện dưới 2 khía cạnh. Về học vấn tôi có bằng thạc sỹ văn chương ở Pháp. Về hoạt động văn hoá nghệ thuật thực tiễn, tôi viết văn, viết báo, bình thơ, vẽ tranh, nghiên cứu lịch sử...
Thứ hai, năng lực quản lý tôi cũng hoàn toàn đáp ứng đầy đủ. Tôi có bằng tiến sỹ luật của Đại học Sorbonne, Pháp. Tôi cũng tốt nghiệp Học viện quốc tế quản lý hành chính công của Pháp. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, không thể tưởng tượng được một nhà quản lý nhà nước lại không có kiến thức luật pháp. Nếu ai không có kiến thức mà liều lĩnh nhận chức vụ thì sẽ làm phá sản các chính sách của nhà nước.
Năng lực văn hoá của tôi thừa hưởng ít nhiều từ truyền thống gia đình. Tôi là con trai của nhà thơ Cù Huy Cận, là cháu ruột, con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu. Về năng lực quản lý, tôi cũng được tiếp thu từ phụ thân tôi là nhà thơ Huy Cận. Ông là bộ trưởng của Chính phủ khai quốc năm 1945 do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngoài chức vụ đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Canh nông, ông còn đảm nhận nhiều chức vụ tương đương bộ trưởng như Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Bộ trưởng đặc trách công tác văn hoá - nghệ thuật...
Làm Bộ trưởng, rà soát ngay đội ngũ cán bộ
- Nếu được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Văn hoá Thông tin, ông sẽ làm gì?
Ông Cù Huy Hà Vũ. Ảnh: Văn Tiến |
- Thứ nhất, tôi phải đề ra những giải pháp giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm trong ngành văn hoá thông tin. Ví dụ như để cho nạn ăn cắp bản quyền diễn ra tràn lan với sự tham gia trực tiếp của các nhà xuất bản. Nhà xuất bản cho in tác phẩm không hỏi ý kiến tác giả, không trả tiền nhuận bút, in tác phẩm của người này sang người kia...
Hay chuyện tệ nạn xã hội, mại dâm, những trò biến tướng trong vũ trường, karaoke... Tôi không biết quản lý như thế nào mà năm ngoái nảy ra ý định cấm karaoke. Karaoke không thể cấm được, quan trọng là chúng ta có giải pháp quản lý như thế nào cho hiệu quả.
Vấn đề thất thoát, tham nhũng trong xây dựng cơ bản, liên quan đến các tượng đài. Đáng chú ý là tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng chục tỷ đồng của Nhà nước như vậy mà khánh thành đã nứt rạn lung tung. Tôi nghĩ một cái nhà trong chừng mực nhất định có thể rạn nứt nhưng biểu tượng của chiến thắng Việt Nam, của tinh thần dân tộc Việt Nam, niềm tự hào Việt Nam còn bị ''rút ruột'' tham nhũng như thế thì là tội tày đình!
Việc đề nghị xuất bản những tác phẩm, theo tôi, suy đồi về mặt đạo đức, có những tác phẩm nói thi loạn luân... Công khai là trái với thuần phong mỹ tục của người dân Việt Nam. Các nhà quản lý không can thiệp, thậm chí còn làm ngơ cho người ta tôn vinh một số tác phẩm đó lên.
Thứ hai, tôi ngay lập tức rà soát năng lực toàn bộ cán bộ quản lý về văn hoá thông tin, từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt ở những lĩnh vực để xẩy ra những bê bối nghiêm trọng. Bởi vì nói cho cùng những sai lầm, bê bối đều liên quan đến con người. Không giải quyết được vấn đề con người thì chính sách tốt cũng bị phá sản. Vậy nếu ai không xứng đáng thì mình chuyển vị trí, không cho quản lý nữa. Ai đồng loã, tiếp tay, đề nghị cơ quan điều tra khởi tố, truy tố theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tìm những người đủ tâm, đủ tài, đủ đức để đưa vào quản lý. Tất nhiên sẽ có những người khác tiến cử, đề cử. Tôi mong rằng có những người giống như tôi, đề nghị ''ứng cử'': ''Bản thân chúng tôi có năng lực, có thể làm được công tác quản lý ở những đơn vị cụ thể''. Sự dân chủ trong thể hiện năng lực là cho tất cả chúng ta chứ không chỉ riêng tôi. Chính phủ cũng như nhân dân sẽ chọn được những hiền tài.
Ứng cử bộ trưởng là quyền của công dân?
- Muốn ngồi vào ghế bộ trưởng, trước hết phải được Thủ tướng giới thiệu ra Quốc hội. Ông nghĩ mình có cơ hội đó không?
- Việc Thủ tướng xem xét, giới thiệu là pháp luật đã quy định. Ở đây có người hiểu một cách hạn chế dân chủ là không phải sự ứng cử mà ''đề đạt nguyện vọng''. Đề đạt nguyện vọng hoàn toàn phục vào ý muốn của cá nhân, dù người đó là Thủ tướng, không thể hiện được quyền của công dân!
Tôi ra ứng cử không phải là nguyện vọng cá nhân trước những bức xúc của ngành văn hoá thông tin. Đây là quyền công dân được khẳng định tại Điều 53 của Hiến pháp ''Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội''. Quyền đó thể hiện dưới 2 hình thức. Nếu Thủ tướng biết đến tôi, sẽ chủ động đề cử tôi. Nhưng tôi có thể như hàng triệu người khác, Thủ tướng không thể biết được thì lúc ấy công dân phải dùng quyền năng thứ hai là ứng cử.
Tôi khẳng định quyền được ứng cử và Thủ tướng phải xem xét việc ứng cử đó! Nếu thấy tôi đủ ''tài, tâm, đức'' thì Thủ tướng phải đưa vào danh sách những người giới thiệu ra Quốc hội bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Văn hoá Thông tin.
- Xin cảm ơn ông!
- Tiến - Anh thực hiện