221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
795644
Nhân sự cao cấp: Phải qua vòng sát hạch tại Quốc hội
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Nhân sự cao cấp: Phải qua vòng sát hạch tại Quốc hội
,

(VietNamNet) - "Nhân sự bầu vào các chức danh cao cấp của Nhà nước sẽ phải trình bày khoảng 10-15 phút trước Quốc hội về chương trình hành động của mình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội". Ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết như vậy tại cuộc họp báo chiều 12/5, giới thiệu về chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI (khai mạc vào sáng 16/5 tới).

Kỳ họp Quốc hội tới sẽ quyết định nhân sự cấp cao

Hiện chưa có văn bản trình về nhân sự cấp cao

Về công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội lần này, ông Bùi Ngọc Thanh cho biết:

- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chưa bầu được Tổng kiểm toán nhà nước. Kỳ họp này, làm cho đúng Luật kiểm toán nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ trình Quốc hội nhân sự kiểm toán sau khi thống nhất với Thủ tướng. Hiện nay, UBTVQH đã dự kiến và đang làm việc thống nhất với Thủ tướng. Chúng tôi mong chờ 1-2 ngày nữa, Thủ tướng trả lời để còn làm các khâu tiếp theo.

Việc thứ hai, cho đến giờ phút này trong tay chúng tôi mới chỉ có nhân sự Thủ tướng trình ra Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình.

Soạn: AM 775969 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Bùi Ngọc Thanh giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI. Ảnh: Văn Tiến

* Xin hỏi ông, nhân sự của Quốc hội có thay đổi gì không? Trường hợp ông Hồ Đức Việt  vừa được bầu vào Bộ Chính trị sẽ đảm nhận ví trí mới, vậy chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường ai sẽ thay thế?

- Cho đến bây giờ chúng tôi chưa có văn bản nào chắc chắn về các nhân sự của Nhà nước, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Riêng với Quốc hội, UBTVQH sẽ có phiên họp, nhất là sau khi Chính phủ có tờ trình về nhân sự thì sẽ nghiên cứu, xem xét. Còn bản thân các thành viên của UBTVQH, cho đến bây giờ vẫn ổn định.

Trường hợp của ông Hồ Đức Việt có thể cho phép ổn định. Bởi vì trong Luật tổ chức Quốc hội có đại biểu kiêm nhiệm, có đại biểu chuyên trách. Cũng giống như trường hợp một Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã trở về tỉnh Cao Bằng làm Bí thư tỉnh uỷ nhưng vẫn kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

Thời gian Quốc hội khoá XI hoạt động chỉ còn 1 năm nữa. Nếu như không có gì thay đổi, tầm này sang năm chúng ta bầu cử Quốc hội khoá XII. Cho nên trong thời gian ngắn cũng giữ ổn định như thế để hoạt động. Tất nhiên người kiêm thêm việc phải hết sức cố gắng mới bảo đảm được công việc.

Không "độc diễn" và phải chịu sát hạch

* Trong phiên họp thứ 39 của UBTVQH vừa qua, ông có nói đến đề nghị đổi mới cách làm nhân sự: Dành thời gian cho ứng viên phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi?

- Chúng tôi đã đưa ra trình UBTVQH là những người được giới thiệu mà Quốc hội đồng ý để bầu thì có thể phát biểu 10-15 phút về chương trình chương trình vắn tắt hoạt động của mình. Thế nhưng khi thảo luận thì thấy rằng hiện nay chưa có văn bản nhân sự trong tay nên chưa rõ số lượng nhân sự nhiều hay ít.

* Các chức danh cấp cao của Nhà nước sẽ có ít nhất 2 ứng viên hay chỉ ''độc diễn'', giới thiệu một người vào một chức danh?

Theo ông Bùi Ngọc Thanh, chương trình dự kiến dành 4 ngày cuối kỳ họp (từ 23 đến 28/6) để làm công tác nhân sự. Phần chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành trước và những bộ trưởng đương nhiệm, kể cả ông Đào Đình Bình, vẫn có thể phải trả lời chất vấn trước Quốc hội.

-  Nếu giải quyết công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất thì tương đối thuận lợi, dễ dàng. Tức là mọi người đã hết nhiệm vụ, bây giờ chỉ việc bầu mới. Nhưng bây giờ Quốc hội đang còn hiệu lực 1 năm nữa, các chức danh đó đang có hiệu lực thì phải qua một công đoạn là miễn nhiệm đi đã rồi mới bầu. Cho nên chúng tôi đang phải chờ các văn bản về nhân sự cao cấp của Nhà nước, nếu có.

Thứ hai, nếu có văn bản đó rồi thì chúng ta sẽ tiến hành một cách dân chủ. Tức là có giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền và có quyền ứng cử.

*  Trong chương trình, có dành thời gian để ĐB sát hạch lại sau khi ứng viên trình bày cương lĩnh hành động của mình không?

- Nếu có 2 người cùng ứng cử vào một chức danh, mỗi người phát biểu 10 -15 phút và sau đó có ý kiến đại biểu Quốc hội hỏi lại, có trao đổi. Trong chương trình chúng tôi cũng dự kiến dành thời gian cho việc này.

* Gần đây có việc ông Cù Huy Hà Vũ ứng cử vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, xin ông cho biết quy trình phải như thế nào?

- Ông Cù Huy Hà Vũ có gửi đơn cho Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ thì quy trình  là: Chính phủ sẽ xem xét, có danh sách trình ra Quốc hội phê chuẩn.

Chính vì thế, Văn phòng Quốc hội đã có công văn cho ông Cù Huy Hà Vũ là hãy chuyển đơn của ông đến Thủ tướng để Thủ tướng đưa ra Chính phủ xem xét, nghiên cứu. Nếu Chính phủ chấp nhận và trình ra thì chắc là Quốc hội phải xem xét.

* Chức danh Thủ tướng tại kỳ họp tới có thông tin gì cụ thể hay không? Chính phủ mới sẽ được thành lập như thế nào?

- Có thể nói thành lập Chính phủ theo Luật tổ chức Chính phủ và Hiến pháp Việt Nam thì có những điểm khác với Chính phủ một số nước trên thế giới. Theo tôi biết, với Chính phủ các nước một khi thay đổi Thủ tướng, coi như thành lập nội các mới. Thế nhưng ở Việt Nam, nhiệm kỳ của Chính phủ là cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội. Thủ tướng có thể thay đổi nhưng từng vị trí trong Chính phủ, có thay đổi, có thể không.

Hiện chưa đến lúc công bố nhân sự Tổng kiểm toán nhà nước

* Về nhân sự Tổng kiểm toán nhà nước, UBTVQH dự kiến đưa ai ra bầu và có dự liệu trường hợp 2 ứng viên không đạt phiếu quá bán như kỳ họp trước?

- Hiện nay chưa  phải là thời điểm thích hợp để công bố danh sách này. Nhưng nếu có 2 người cũng phải tranh cử, trình bày, Quốc hội cho ý kiến. Nếu không trúng thì cũng phải chuẩn bị bầu cho được. Lấy tinh thần quyết tâm thì lần này, UBTVQH cũng cố gắng ''chọn mặt gửi vàng'', chuẩn bị kỹ càng để thuận tiện cho đại biểu Quốc hội bầu.

* Bộ trưởng Đào Đình Bình có đơn xin từ chức và Thủ tướng đã trình ra Quốc hội đề nghị miễn nhiệm. Nhưng còn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đào Đình Bình (là đại biểu của tỉnh Quảng Bình) thì Quốc hội có xem xét?

- Quy định của luật là nếu đại biểu Quốc hội thuộc địa phương thì có vai trò MTTQ tỉnh đó xem xét và đề nghị với UBTVQH. Ông Đào Đình Bình là đại biểu của cơ quan TW thì phải có sự xem xét của Uỷ ban MTTQ TW. Nếu có đề nghị, UBTVQH sẽ tổng hợp lại để xem xét, làm theo trình tự luật định.

* Bây giờ một đại biểu Quốc hội, dân thấy không còn xứng đáng nữa mà MTTQ không có văn bản đề nghị xem xét tư cách đại biểu, chẳng lẽ Quốc hội cứ để nguyên như thế?

- Tôi chắc UBTW MTTQ không phải là không đầy đủ trách nhiệm! Tôi tin là như thê! Còn khi đã thấy một đại biểu không xứng đáng mà nhân dân có ý kiến thì tôi chắc các vị đó phải có ý kiến. Tức là MTTQ từ TW đến địa phương phải có ý kiến.

Làm rõ trách nhiệm từng cơ quan liên quan trong vụ PMU18

* Vụ PMU 18 và một số vụ việc tiêu cực khác có được Chính phủ báo cáo ra Quốc hội? Trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào?

- Trong phiên họp thứ 39 chúng tôi đã báo cáo với UBTVQH về vấn đề này. Đây là tập hợp ý kiến của cử tri, của nhân dân. Cho nên ngay lập tức UBTVQH đã cử tôi sang làm việc với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sau khi tôi trao đổi ý kiến, đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có nói là về việc này,Chính phủ cùng suy nghĩ, cùng một nhịp với UBTVQH.

Về vụ PMU 18, trước hết Chính phủ có một báo cáo chung nhất ra trước Quốc hội. Chúng tôi đã thiết kế trong chương trình kỳ họp là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo một số vấn đề chung trong việc quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn ODA thông qua các dự án lớn, không chỉ có PMU 18.

Chỉ riêng vụ PMU có mấy báo cáo thành phần. Đấy là báo cáo kết quả điều tra bước đầu. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về PMU 18 và cá nhân ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên thứ trưởng Bộ này.

Chính phủ đã yêu cầu 2 bộ có liên quan nhất về trách nhiệm quản lý nhà nước là Bộ tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc phân bổ, quản lý, huy động các nguồn vốn và trách nhiệm. Bộ Tài chính báo cáo về quản lý vốn và trách nhiệm.

Bộ Xây dựng báo cáo về quy định, hướng dẫn, trách nhiệm quản lý công trình xây dựng và việc chấn chỉnh. Chỉ riêng vụ PMU 18 có 5 báo cáo cả thảy.

Thứ hai là vụ 38 bưu điện tỉnh, thành có liên quan đến Nguyễn Lâm Thái cũng sẽ có báo cáo.

Thứ ba, báo cáo ra Quốc hội vụ cầu Văn Thánh 2 và hầm đường bộ. Cầu Văn Thánh 2, mặc dù UBND TP.HCM không phải là thành phần trả lời chất vấn nhưng phải có báo cáo công trình nằm trên địa bàn đó. Rồi Bộ Giao thông vận tải báo cáo về trách nhiệm và hướng xử lý.

Thứ tư là tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ. Có báo cáo điều tra về việc ''biếu quà'' Tổng thanh tra Chính phủ.

Thứ năm là vụ tiêu cực ở kho cảng Thị Vải ở ngành dầu khí. Có báo cáo điều tra. Bộ trưởng Công nghiệp báo cáo xử lý trách nhiệm. Bộ trưởng Xây dựng báo cáo về nghiệm thu.

Cuối cùng cũng sẽ có báo cáo về vị cấp Thứ trưởng bỏ quên cặp chứa nhiều phong bì tiền để làm tư liệu cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

* Chương trình kỳ họp có dành thời gian cho đại biểu thảo luận, trao đổi lại về trách nhiệm của các bộ ngành sau khi nghe các báo cáo nói trên không?

- Các báo cáo liên quan đến vụ PMU 18, chúng tôi dự kiến sẽ có thời gian dành cho tranh luận. Một là trong thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội người ta sẽ nói đến vấn đề này, đặc biệt là nói đến hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, chúng tôi đã lường trước, trong phần chất vấn thì sẽ được trao đi đổi lại rất nhiều.

* Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, đến thời điểm này, Văn phòng Quốc hội có nhận được đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với ai?

- Theo Điều 12 Luật tổ chức Quốc hội thì phải có 20% ý kiến của đại biểu Quốc hội trở lên mới đặt ra việc bỏ phiếu tín nhiệm. Còn Điều 33 Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban quy định 20% thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban có ý kiến.

Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được ý kiến của ai cả. Cho nên cũng hy vọng trong kỳ họp sẽ có ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm. Cá nhân tôi cho rằng kỳ họp này sẽ có ý kiến nhiều hơn các kỳ họp trước.

  • Văn Tiến (ghi)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,