(VietNamNet) - Trước QH, một lần nữa Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình tiếp tục khẳng định: nhiều vụ tiêu cực của ngành GTVT xảy ra... trước khi ông về làm Bộ trưởng. "Nhưng với tư cách người đứng đầu, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm" - ông Bình nói thêm.
"Bộ trưởng Giao thông phải chịu sức ép lớn"!
"Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình sau khi xảy ra hàng loạt tiêu cực trong Bộ mình quản lý. Nếu có lời khuyên dành cho người kế nhiệm, Bộ trưởng sẽ khuyên gì?" - Đại biểu Trần Luân Kim (Bình Thuận) hỏi.
Câu hỏi không gây bất ngờ này dường như nằm trong tiên liệu của Bộ trưởng Đào Đình Bình. "Tự đáy lòng, tôi rất đau xót về những gì xảy ra ở PMU18. Vụ việc đã làm cử tri, QH phải băn khoăn, làm cho các nhà tài trợ phải nghi ngờ đặt câu hỏi và làm cho truyền thống tự hào 60 năm của ngành giảm sút" - Bộ trưởng Bình tỏ ra day dứt.
Trước QH, Bộ trưởng Bình nhận khuyết điểm, đồng thời chuyển lời xin lỗi tới cử tri cả nước, các đại biểu QH và cho rằng, ngành GTVT những năm qua làm được nhiều việc nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó điển hình là vụ Bùi Tiến Dũng tổ chức đánh bạc, ăn chơi sa đoạ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bình cũng trần tình: những sai phạm đó là cả quá trình. "Tôi thì mới về làm Bộ trưởng hơn 3 năm nay, các dự án mà các cơ quan điều tra phát hiện thấy thất thoát đều diễn ra trước đây, rồi một số vụ việc tiêu cực phát sinh cũng đều xảy ra trước khi tôi về nhận nhiệm vụ. Nhưng với tư cách đứng đầu, tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cử tri và QH về những sai phạm đã diễn ra".
Còn về đề nghị dành lời khuyên cho người sẽ thay thế mình trong nay mai, Bộ trưởng Bình nói không dám đưa ra bất kỳ lời khuyên nào, chỉ đưa ra nhận định có tính chất "cảnh báo": Bộ Giao thông Vận tải phải quản lý rộng, nhiều vấn đề phức tạp, công việc diễn ra hàng ngày trên mặt đường, mọi người dân đều có thể cảm nhận được thành tích hoặc khuyết điểm, vì vậy sức ép dư luận rất lớn. "Đó vừa động lực, vừa là khó khăn, tạo sức ép lớn đối với những người nắm giữ cương vị Bộ trưởng GTVT" - ông Bình bộc bạch.
Chậm xử lý tiêu cực ở PMU18: Do Bùi Tiến Dũng quá quỷ quyệt, ranh ma?
Vụ việc tiêu cực, đầy tai tiếng của Ban Quản lý PMU 18 do Bùi Tiến Dũng làm Giám đốc là điểm gặp gỡ chung giữa các câu hỏi chất vấn mà các Đại biểu QH yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình phải giải trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi) hỏi: "Ban Quản lý dự án PMU 18 được giao quá nhiều quyền hạn, trách nhiệm như vậy mà không có cơ chế kiếm soát, đây là một sơ hở lớn dẫn đến tiêu cực. Cơ chế này diễn ra khá lâu nhưng sao Bộ không xem xét để trình Chính phủ?"
Bộ trưởng Bình không đi thẳng vào vấn đề trọng tâm mà chỉ giải thích: Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta về sự hình thành của PMU đã được quy định rất cụ thể trong NĐ 52, NĐ 17 của Chính phủ, trong Thông tư 15 của Bộ Xây dựng, việc tổ chức hình thành các PMU này đã được thể chế hoá rất cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Và đặc biệt, trong NĐ 52, cũng đã có quy định Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ xây dựng quy định mẫu về tổ chức, cơ chế hoạt động của các PMU nhưng hiện nay, quy trình này chưa hoàn thành. Nhưng nói như vậy để thấy, những cái cơ bản nhất để cho PMU hoạt động đã được thể chế hoá trong các NĐ trên của Chính phủ.
Nhưng vì quá trình làm, Bùi Tiến Dũng đã cố tình vi phạm các quy định đó và chính vì thế chịu trách nhiệm phải là Bùi Tiến Dũng chứ không phải do chúng ta thiếu các cơ chế.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận là "quy chế này chưa hoàn thiện". "Chúng ta giao quyền hạn cho họ nhưng phải có các chế tài cụ thể để xử lý về những vi phạm của Ban Quản lý các PMU, tránh cái tình trạng như hiện nay chúng ta khi mà xử lý là không có những chế tài cụ thể để mà xử lý, đặc biệt là các chế tài về kinh tế" - ông Bình đề nghị.
"Bộ trưởng có nói là trước khi vụ việc ở PMU 18 bị công an phát hiện, lãnh đạo Bộ không biết. Theo tôi, có thể không biết chuyện đánh bạc nhưng tiêu cực, tham nhũng chắc lãnh đạo Bộ phải biết, vì kết quả kiểm toán trước đó đã phát hiện nhiều sai phạm. Bộ trưởng cũng thừa nhận việc xử lý cán bộ còn nể nang, mới chỉ xử lý mạnh về kinh tế và xử lý cán bộ cấp trưởng phòng, phó phòng. Rõ ràng, không phải Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ không hề biết gì về tiêu cực ở PMU 18 như Bộ trưởng trả lời. Vậy trước khi bị công an phát hiện, xin Bộ trưởng cho biết vì sao chưa xử lý mạnh cấp lãnh đạo Ban Quản lý dự án?" - không hài lòng với cách trả lời trước đó của Bộ trưởng Bình, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết chất vấn.
Bộ trưởng Bình trả lời: Trước khi vụ việc tiêu cực xảy ra, chúng tôi không biết gì về hành vi đánh bạc, cũng không nhận được thông tin về hành vi tham nhũng ở PMU 18. Còn cái mà đại biểu nói về kết luận của các đoàn thanh tra đều nói về những sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra. Do thông tin chúng tôi nắm bắt về cán bộ còn yếu, không có hiệu quả.
Trong suốt chừng đó năm, duy nhất một lần có một cơ quan chức năng bên Bộ Công an thông báo cho chúng tôi biết về vi phạm của PMU 18 trong việc cho thuê trụ sở sai nguyên tắc, chúng tôi đã xử lý ngay.
Hơn nữa, Bùi Tiến Dũng hoạt động rất ranh ma, quỷ quyệt, đã che mắt được lãnh đạo Bộ. Chỉ đến khi vụ hắn đánh bạc bị vỡ lỡ, mới phát hiện ra những vấn đề khác.
Còn về xử lý, không phải chúng tôi không xử lý mà xử lý mới ở cấp thấp. Tại sao chưa xử lý ở cấp cao? Vì thế này, các dự án này đều tiến hành trước khi tôi về làm Bộ trưởng. Các vụ thanh tra, kiểm toán... đều tiến hành trước khi tôi về làm Bộ trưởng, đều do Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Khi mà có kết luận thanh tra, tôi đều giao cho Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến xem xét để giải trình với Chính phủ những vấn đề dư luận thấy chưa hợp lý, thứ hai là xem xét khuyết điểm xử lý để báo cáo lên Thủ tướng.
"Bộ trưởng nên từ chức sớm hơn một chút nữa"
"Tôi thấy trả lời của Bộ trưởng thường đổ lỗi cho cấp dưới và cơ chế dù đây là trách nhiệm của Bộ trưởng. Theo tôi, chính việc giao thẩm quyền quá rộng và vận hành trong quy trình khép kín quá dài của các Ban Quản lý dự án là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến những tiêu cực ở Bộ GTVT. Chính vì vậy, đòi hỏi tham mưu sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp. Bộ có quan tâm không, vì sao chậm đề xuất sửa đổi các quy trình khép kín của PMU.
Xin Bộ trưởng cho biết hướng xử lý sắp tới ra sao? Rất tiếc là việc xin từ chức của Bộ trưởng nên sớm hơn một chút nữa!" - đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) hỏi mà không sợ... mất lòng Bộ trưởng Bình.
Có một đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng từng hỏi tôi về cơ chế khép kín. Tôi hiểu là Bộ và Chủ đầu tư, BQL dự án cũng nằm trong Bộ, các đơn vị giám sát, tư vấn cũng nằm trong Bộ. Tôi muốn nói đây là kết quả của một quá trình lịch sử. Chúng ta đã trải qua thời kỳ kế hoạch hoá, thời kỳ đầu kinh tế thị trường, trong khi đó doanh nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nếu như mà doanh nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, có nghĩa là Nhà nước vẫn phải quản lý các nguồn vốn.
Hiện Bộ GTVT đang quản lý khoảng 500 doanh nghiệp liên quan đến các công trình xây dựng các vấn đề giao thông. Lịch sử cho thấy, nếu những anh nào làm giao thông thì tập trung vào giao thông, tự nhiên hình thành nên khép kín.
Cái này có ưu điểm trong thời kỳ kế hoạch hoá là có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới để thực hiện các chiến lược mà CP đề ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế thị trường sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, nể nang. Tôi nghĩ rằng, với các bộ luật đã ban hành, thí dụ như đấu thầu, không cho các đơn vị trong Bộ nhận đấu thầu các dự án trong Bộ mình, từ đó việc khép kín sẽ giảm đi, sẽ chấm dứt.
"Nói như Bộ trưởng, khép kín là tự nhiên, hình thành của lịch sử. Vì vậy, trong khi đợi chuyển biến, đòi hỏi công tác thanh tra kỹ lưỡng hơn. Từ 2002 đến nay, PMU bị thanh tra 10 lần nhưng sao vẫn phát hiện tiêu cực kém, xử lý trách nhiệm nhẹ?" - đại biểu Đặng Văn Xướng tiếp tục chất vấn.
"10 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông, Xây dựng, Kiểm toán đối với PMU18, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các thanh tra này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng ý phải thanh tra nhiều hơn nhưng theo quiy định không thể cùng lúc có 2 đoàn thanh tra. Thanh tra Bộ chỉ có 12 người, chúng tôi có vài chục Ban Quản lý thuộc Bộ, quá trình thanh tra khó khăn, không làm nổi" - Bộ trưởng Bình lý giải.
Ông Bình cũng cho biết, liên tục 3 năm qua, Bộ GTVT ban hành hơn 70 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình triển khai các dự án đầu tư để mà uốn nắn, chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, cũng như các đơn vị liên quan đến quy định trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm.
"Nhưng đúng là công tác thanh tra chưa tạo được hiệu quả, chưa phát hịên được tiêu cực tham nhũng mà trực tiếp là PMU18" - ông Bình thừa nhận.
"Không thay đổi cơ chế, Bộ trưởng nào cũng mắc khuyết điểm"
Đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) hỏi: Bộ trưởng có nói về trách nhiệm đối với các BQL theo quy định của các quy chế hiện hành nhưng xin thưa với đồng chí Bộ trưởng, các quy chế về quy định quản lý đầu tư hiện nay quy định trách nhiệm chủ yếu của chủ đầu tư. Hơn nữa đối với Bộ GTVT, giao cho các BQL quá nhiều dự án do vậy đã tạo điều kiện cho các tiêu cực phát sinh ở BQL này. Nếu quy trách nhiệm cho Bộ làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ về những vấn đề khi phát sinh có những trường hợp sơ hở trong quản lý các dự án đầu tư, đối với chủ đầu tư, thì có được không?
Thứ hai, với cơ chế như hiện nay, Bộ vừa là đại diện chủ sở hữu, vừa là chủ đầu tư, vừa là người chọn đơn vị giúp mình thực hiện dự án. Nếu còn cơ chế này, có cần sớm thay thế không? Nếu giữ cơ chế này thì có tiếp tục phát sinh tiêu cực hay không?
Bộ trưởng Bình phân bua: Cái việc mà giao cho các Ban Quản lý dự án nhiều dự án đã được quy định tại Thông tư 15 của Bộ Xây dựng, không phải tự nhiên chúng tôi giao đâu. Đại biểu nói sao giao nhiều dự án như thế, nhưng hiện chúng tôi có tới hơn 200 dự án, thì dứt khoát các dự án này phải được giao cho các BQL dự án của Bộ.
"Đại biểu có hỏi tôi là cái cơ chế này có nên thay đổi không, tôi thấy là nên thay đổi. Bởi vì nếu không thay đổi thì đồng chí Bộ trưởng nào ngồi ở đây cũng đều sẽ mắc khuyết điểm. Bởi vì sao? Vì cùng lúc giao mấy trăm dự án thế này, Bộ lấy đâu ra bộ máy, lấy đâu ra tai mắt mà kiểm soát hết được?" - ông Bình cố gắng lý giải.
Còn rất nhiều câu hỏi chất vấn nhưng do thời lượng có hạn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tuyên bố kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải lúc cuối giờ chiều nay. Ông Bình sẽ có trả lời bằng văn bản những chất vấn còn lại của các đại biểu.
-
Nguyệt Minh
Ý kiến của bạn đọc: