221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
821100
Chuyện đất đai làm "nóng ran" phiên chất vấn HĐND Hà Nội
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Chuyện đất đai làm 'nóng ran' phiên chất vấn HĐND Hà Nội
,

(VietNamNet) - Gần 3 tiếng trả lời chất vấn cử tri, đại diện lãnh đạo TP và các Sở, ngành Hà Nội đã viện dẫn rất nhiều Nghị định, Thông tư, hướng dẫn..  để giải trình và đưa ra nhiều hứa hẹn "sẽ giải quyết" chung chung.

Soạn: AM 843025 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Kỳ họp thứ 6 HĐNDTP Hà Nội khoá XIII sẽ bế mạc vào ngày mai, 22/7. Ảnh Văn Tiến

Vấn đề "nóng" nhất - Lĩnh vực đất đai, được HĐNDTP Hà Nội chọn làm chủ đề đầu tiên của phiên chất vấn tại kỳ họp sáng nay, 21/7.

Dự án khu đô thị mới từ 03ha trở lên mới được xây chợ

"Các dự án khu đô thị mới đã và đang thực hiện trên địa bàn không có nơi vui chơi, giải trí, hội họp nhưng lại có diện tích sử dụng vào việc cho thuê; nhiều ki - ốt cho thuê không đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường; một số khu đô thị lớn có bố trí vườn hoa công viên nhưng lại không có nơi vệ sinh công cộng; nước hồ không được xử lý để nước thải cơ quan, nước thải sinh hoạt chảy vào gây ô nhiễm; các căn hộ không có số; đường trong các khu đô thị mới không có tên; khu đô thị đông dân không có chợ; một số khu chung cư không bàn giao cho địa phương quản lý, gây khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự vệ sinh và văn minh đô thị... Thành phố có những giải pháp cụ thể gì để khắc phục những bất cập nói trên?" - cử tri chất vấn.

"Trong quá trình triển khai xây dựng các khu đô thị mới, thành phố đã tập trung chỉ đạo đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật nhà ở và một số công trình công cộng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như trường học, nhà trẻ, cây xanh, sân chơi và từng bước xã hội hoá các công trình công cộng phục vụ cho khu dân cư. Tuy nhiên, trong thực tế, một số khu chưa xây dựng xong, chưa theo kịp với yêu cầu sử dụng" - ông Lê Quý Đôn giải trình.

Theo cam kết của ông Lê Quý Đôn, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết trong giai đoạn trước mắt, nhất là các khu vực đã có dân đến ở. 

"Việc cho thuê ki - ốt không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như nhà chưa có số, phố chưa có tên và một số vấn đề về quản lý các khu chung cư cao tầng, TP sẽ sớm cùng Bộ Xây dựng đang tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục" - ông Đôn tiếp tục hứa.

Trước thắc mắc của cử tri về việc nhiều khu đô thị mới chưa có chợ, Phó Chủ tịch Hà Nội Lê Quý Đôn cho biết, điều kiện tiên quyết để xây dựng chợ tại các khu đô thị mới là các dự án phải có quy mô từ 03ha trở lên.

"TP sẽ ban hành các quy định cụ thể và giải pháp khắc phục đối với các chủ đầu tư các khu nhà ở, khu đô thị trên địa bàn TP để đảm bảo việc thực hiện đầu tư xây dựng một cách đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, theo đúng quy hoạch chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt" - ông này quả quyết. 

Chuyển nhượng trái phép rừng Sóc Sơn: "Chỉ có 7ha thôi trong khi cháy rừng hàng năm mất tới hàng chục ha!"

Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Vũ Văn Hậu vừa hoàn tất phần trả lời chất vấn bằng văn bản những thắc mắc của cử tri về việc cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn TP, kết quả xử lý ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải Nam Sơn, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất..., đại biểu Ngô Văn Ny đã lập tức chấn vấn một loạt vấn đề tiêu cực có liên quan đến trách nhiệm quản lý của Sở này:

Tham nhũng tiêu cực trong vụ rừng Sóc Sơn, tôi là đại biểu mà đến nay vẫn chưa biết được nguyên nhân vì đâu, trách nhiệm thuộc về ai, hướng giải quyết thế nào? Trang trại của Trịnh Nguyên Thuỷ sao lại được giải quyết nhanh như thế: khu Từ Liêm không được thì lại sang Bắc cầu Thăng Long rất nhanh! Vì sao? Một số cơ sở mục đích xây dựng nhà cho sinh viên thuê nhưng lại biến tướng cho thuê kinh doanh karaoke, những nội dung này chính quyền địa phương đã phản ánh nhưng vì sao vẫn chậm giải quyết?

Đại biểu Nguyễn Khắc Thọ băn khoăn khi chủ trương, chính sách cải tạo xây dựng mới các khu chung cư cũ trên địa bàn TP chưa thấy đề cập tới việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật khu vực này?

"Trong vụ rừng Sóc Sơn, chúng tôi cho rằng quan điểm về cái việc phá rừng Sóc Sơn rất rõ, nó phải có định tính, định lượng, và đặc biệt qua khảo sát của Sở đến từng hộ dân đã chuyển nhượng và chúng tôi thống kê được tất cả diện tích rừng đã chuyển mục đích, tất cả các gia đình và các đề án chỉ có 7ha thôi, trong khi các đồng chí biết là hàng năm, ngay cháy rừng chúng ta có khi mất tới hàng chục ha. Cho nên ý kiến nói rằng Hà Nội phá rừng giữa Thủ đô chẳng hạn, chúng tôi cho rằng nó không đến mức như thế" - ông Hậu lập luận.

Cũng theo ông Giám đốc Vũ Văn Hậu, về thẩm quyền, chính quyền địa phương bao giờ cũng là nơi quản lý hành chính trực tiếp về mặt Nhà nước trên toàn bộ địa bàn "cho nên tôi cho rằng cái này cũng đang rất khó về mặt hành chính".

Những thắc mắc của đại biểu Ny về vụ Trịnh Nguyên Thuỷ được ông Hậu giải thích: Cái này hiện các cơ quan điều tra đang làm, các cơ quan chuyên môn cũng đang làm, và TP cũng đang có ý kiến chỉ đạo. Đặc biệt, trang trại trước đây ở Từ Liêm, quan điểm chỉ đạo rất rõ. Tức là đây là một trường hợp mà người dân tự chuyển nhượng cho nhau, sau đó tự chuyển mục đích sử dụng.

Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân đã có chỉ đạo là phải ngừng thi công và không được xây dựng, triển khai tiếp. Muốn triển khai tiếp thì phải lập dự án và lập quy hoạch, trong trường hợp chưa được duyệt dự án, quy hoạch, tất cả các khoản đầu tư sau này khi bị thu hồi không được đền bù. "Và điều đó đã được thể hiện khi chúng ta xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia" - ông Hậu nói.

"Đồng chí có trình bày 7 nhà nguy hiểm ở quận Hoàn Kiếm phải chờ xong Luật đê điều mới xây dựng. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trước tính mạng, tài sản của dân trong khi phải chờ Luật?" - đại biểu Nguyễn Đức Biền bức xúc.

Vấn đề 7 nhà ở bãi sông hiện nay, có 6 nhà nguy hiểm và 1 nhà cháy. Chúng tôi đã xin ý kiến của TP và TP đã quyết định lấy nhà cho người thu nhập thấp ở Cầu Diễn và Xuân Đỉnh để di dời ngay các hộ này. Hiện nay các ngành đang lập phương án hỗ trợ tái định cư cho các hộ đang sống ở nhà nguy hiểm - ông Hậu trả lời.

Các dự án Công viên chậm tiến độ do năng lực chủ đầu tư yếu kém. Sao mãi không thay?

"Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, chưa nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, chưa hiểu hết quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, thiếu sự hợp tác với chính quyền địa phương và các Sở, ngành thành phố" - Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân đã lý giải như vậy về nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, một trong 3 dự án công viên (hai công viên khác là Yên Sở Đống Đa) cùng chậm tiến độ so với mục tiêu ban đầu. 

Nguyên nhân chậm trễ của dự án công viên Yên Sở cũng được Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân giải thích tương tự. Trong đó, ông Ân có thừa nhận các Sở chưa chủ động giúp chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn.

"UBNDTP đã giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở có liên quan kiểm tra, xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, nếu xét thấy không có đủ năng lực để tổ chức thực hiện dự án đáp ứng được yêu cầu, thì đề xuất giao cho đơn vị có đủ năng lực làm chủ đầu tư các hạng mục thực hiện bằng vốn ngân sách và tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, khai thác các công trình đã được phê duyệt theo quy hoạch" - ông Đỗ Hoàng Ân cho biết.

"Các dự án xây dựng công viên chậm do chủ đầu tư thiếu năng lực. Vậy các chủ đầu tư đảm trách các dự án là do TP chỉ định hay tổ chức đấu thầu, thời gian hoàn thành dự án là khi nào?" - đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Đức Tân tiếp lời: "TP đã sai khi giao cho 3 chủ đầu tư làm công viên, tại sao cho đến bây giờ, khi tổng kết nguyên nhân các chủ đầu tư yếu kém vẫn không chịu thay bằng chủ đầu tư khác mà cứ dây dưa với họ?"

"Đây là những công trình triển khai từ 2001 - 2002, các chủ đầu tư ở đây hầu hết đều trên cơ sở đề xuất của các Sở, ngành, quận huyện rồi TP mới chọn, không qua đấu thầu. Cho nên, bây giờ chúng ta phải rà soát lại, có biện pháp cứng rắn đối với chủ đầu tư, sẽ lựa chọn lại và cần thiết thì đấu thầu" - ông Ân giải thích.

Phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐNDTP Hà Nội tiếp tục kéo dài đến hết hôm nay, 21/7. Điều dễ nhận thấy là trước các chất vấn khá trọng tâm vào nhiều vấn đề cụ thể của cử tri cũng như các đại biểu đặt ra, đại diện lãnh đạo TP, các Sở, ngành vẫn chỉ trả lời một cách chung chung, khá rập khuôn: "sẽ giải quyết trong thời gian tới" và đặc biệt, chưa thấy vị nào nhận trách nhiệm cá nhân người đứng đầu khi xảy ra những chuyện tiêu cực, bất cập trong lĩnh vực mình quản lý.

  • Nguyệt Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,