(VietNamNet) - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Tráng A Pao cho biết: Chương trình 135 giai đoạn II bắt đầu từ năm 2006 với tổng số vốn dự kiến khoảng 12 nghìn tỷ đồng, mỗi năm trung bình đầu tư 3.000 tỷ tại hơn 1.600 xã đặc biệt khó khăn và gần 2.500 thôn, bản khu vực II.
Thông tin trên được ông Tráng A Pao công bố tại Hội nghị triển khai cơ chế quản lý Chương trình (CT) 135 giai đoạn II do Uỷ ban Dân tộc tổ chức sáng ngày 6/9.
Ngoài CT 135, các địa phương còn sử dụng nguồn vốn 16 nghìn tỷ đồng xoá đói giảm nghèo. Vì vậy, ông Tráng A Pao cho rằng các cấp, các ngành phải thực hiện thật tốt chương trình, dự án theo hướng đầu tư tập trung, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, tăng cường nhận thức của cán bộ và nhân dân về chương trình.
Tại Hội nghị, vấn đề quản lý tốt nguồn vốn tránh thất thoát cũng được quan tâm.
“Trong giai đoạn II, nguồn vốn chủ yếu giao trực tiếp cho từng địa phương. Những nơi để xảy ra thất thoát, chúng tôi, với chức năng giám sát, sẽ kiến nghị truy tới cùng để thu hồi tiền của Nhà nước” - ông Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH khẳng định.
Ông Tráng A Pao nói thêm, điều này có ý nghĩa lớn, mang lại niềm tin đối với đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hội đồng Dân tộc sẽ sớm kiến nghị với Quốc hội chương trình phân bổ nguồn vốn CT 135 trước ngày 31/11 để Chính phủ triển khai, thực hiện.
Qua 7 năm thực hiện CT 135 với tổng số vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng, cả nước đã xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 25 nghìn công trình thiết yếu các loại, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Chương trình trung tâm cụm xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 300/500 trung tâm, tổng số vốn là 2.500 tỷ đồng. CT 135 cũng đã góp phần quy hoạch, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết khoảng 120 nghìn hộ dân trên địa bàn.
Tại các địa phương đã mở gần 2.500 lớp, với tổng số hơn 217 nghìn lượt học viên, giúp nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, nhiều xã vươn lên làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án.
Tuy nhiên, việc thực hiện CT 135 thời gian qua còn một số bất cập.
Theo ông Trần Văn Thuật, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc), một trong những hạn chế trong quá trình thực hiện là việc xác định xã đưa vào diện đầu tư chưa khách quan, chưa có cơ chế khuyến khích xã hoàn thành mục tiêu chương trình.
Ngoài ra, những trở ngại khác nữa là việc thực hiện chưa đồng bộ các nhiệm vụ của chương trình nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng; phân bổ nguồn lực chưa căn cứ vào điều kiện địa phương cụ thể.
Việc lồng ghép CT 135 với các chương trình, dự án khác trên địa bàn còn nhiều bất cập, mặc dù tại nhiều địa phương, có nhiều dự án cùng tiến hành tại một nơi.
Tính riêng nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với 340 dự án ODA thuộc lĩnh vực xóa đói giảm nghèo trên các tỉnh thuộc CT 135 giai đoạn 1998- 2004 đạt trên 1.150 triệu USD (khoảng 18 nghìn tỷ đồng).
Trên thực tế mức đầu tư trung bình mỗi xã hằng năm đạt tới hơn một tỷ đồng, có nơi mức đầu tư ở một xã đạt tới hơn hai tỷ đồng/năm.
(Theo Nhân Dân)