(VietNamNet)- Có đến cả nghìn câu hỏi cho cuộc đối thoại trực tuyến ngày 9/2 liên quan đến công cuộc cải cách hành chính. Trong đó, không ít độc giả nêu những đề xuất có tính khả thi cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân ngày 9/2. |
Nhiều câu hỏi mà độc giả gửi qua VietNamNet đã chứa đựng cả câu trả lời. Bốn chữ "cải cách hành chính" không chỉ giới hạn ở thủ tục hành chính (được bạn Nguyễn Minh Hoàng, ở quận Đống Đa - Hà Nội đề nghị đổi thành "dịch vụ hành chính"), mà còn liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý, công tác cán bộ, lựa chọn lãnh đạo...
Cần tuyển chọn cán bộ một cách dân chủ và minh bạch
Bạn đọc Lò Quang Uý, ở 159 Hà Huy Tập, Hà Tĩnh, viết: "Hiền tài của đất nước là nguyên khí quốc gia. Nhưng đất nước ta còn lãng phí trong việc sử dụng hiền tài. Có phải chúng ta thiếu dân chủ và minh bạch trong tuyển chọn cán bộ. Xin Thủ tướng cho biết sẽ xử lý việc này như thế nào?".
Bạn Hồ Anh Tuấn, ở thành phố Vinh, Nghệ An, cho rằng cần xem lại công tác quy hoạch cán bộ: "Chính phủ có những quyết sách gì để lựa chọn những người hiền tài vào những vị trí then chốt, từ Trung ương đến địa phương?".
Hiện trạng hàng ngày "có hàng triệu công chức Nhà nước đến cơ quan chỉ để uống trà, ngồi nói chuyện tếu cho hết giờ làm việc và lương không đủ nuôi sống gia đình" được bạn đọc lí giải trước hết bởi chế độ tiền lương chưa hợp lý. Bạn Kiên Cường - Đà Nẵng - cuonglk2506@yahoo.com, đề nghị: "Cần cải cách về tiền lương nhanh chóng và cấp bách mới đáp ứng được đời sống của người lao động, nhất là đối với những người làm công ăn lương như công chức Nhà nước. Nếu không thì người tài giỏi làm ở cơ quan Nhà nước lần lượt sẽ ra đi". Bạn đặt câu hỏi: "Thủ tướng nghĩ như thế nào khi đồng lương lao động nói chung của Việt Nam lại thấp hơn cả Lào và Campuchia?".
Kế tiếp, sức ì của bộ máy Nhà nước có nguyên nhân do cơ chế. Anh Nguyễn Trọng Khánh, ở Thái Bình, email: khanhek@yahoo.com, bức xúc: "Cơ chế hiện nay về ưu đăi cán bộ không được thực hiện rõ ràng. Nên có những quy chế về tiền lương đối với cán bộ công chức như hưởng theo năng lực. Nếu cứ như hiện nay thì người cứ làm lâu năm là có lương cao, nên họ chẳng cần làm hay cống hiến thêm. Những người trẻ tuổi có hoạt động và làm nhiều thì lương vẫn thấp, dẫn đến chẳng muốn làm gì. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến".
Bạn Lê Thanh Tâm, ở Vinh, Nghệ An, đặt vấn đề: "Tại sao Việt Nam không bỏ chế độ "công chức vĩnh viễn Nhà nước" để luôn luôn có sự sàng lọc người tài giỏi trong bộ máy? Tôi biết rằng giai đoạn 1986-1990, nước ta đã tiến hành đổi mới, bỏ cơ chế bao cấp. Vậy Thủ tướng có dám làm một cuộc "đổi mới " như vậy không trong cải cách hành chính?".
Bầu cử trực tiếp sẽ giúp chọn được lãnh đạo có năng lực
Bạn Nguyễn Ái Việt, địa chỉ: Leipzigerstr.29, Berlin, Đức, email: aiviet_online@yahoo.de cho rằng “bầu cử trực tiếp những vị trí đứng đầu trong một đơn vị hành chính như chủ tịch xã, phường, chủ tịch tỉnh, thị trưởng, và sau đó thậm chí bầu trực tiếp cả Thủ tướng sẽ khắc phục được những hạn chế quan trọng trong công tác lựa chọn lãnh đạo hiện nay. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến của mình”.
Bạn đọc còn kiến nghị nên để cho “các vị thủ trưởng của các cơ quan nhà nước và địa phương, trước khi bầu cử, nên đưa ra những phương hướng, dự kiến, và lộ trình hành động của ḿình nếu được bầu và lấy những điểm này làm tiêu chí lựa chọn cũng như giám sát năng lực của cán bộ”. Bởi, như bạn Nguyễn Trọng Khánh, email: khanhek@yahoo.com, nhận xét: “Hiện nay, một số cán bộ nhậm chức mà không có đường lối cụ thể, họ không có những việc làm cụ thể nào trong nhiệm kỳ của ḿình. Thậm chí, họ cố không làm gì để khỏi bị nhận trách nhiệm và khi nghỉ hưu thì được gọi là "Hạ cánh an toàn”.
Nhiều bạn tuy ở xa Tổ quốc nhưng vẫn thường xuyên dõi theo những bước đi của cải cách hành chính ở trong nước. Bạn Diep Tran, ở Florida, Mỹ, email: dtuanq@gmail.com, cảm nhận: “thấy việc thi tuyển công khai của Đà Nẵng trong việc lựa chọn hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường phổ thông đang được dư luận chú ý. Thủ tướng cho biết Chính phủ có mạnh dạn áp dụng cải cách trên từ bài học của Đà Nẵng không?”
Từ Hà Nội, bạn Nguyễn Văn Thanh, ở số 46 phố Tràng Thi, thanhmttq@yahoo.com, nêu ý kiến: “Những con người tài ba trong cộng đồng hơn 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là không ít. Vậy Thủ tướng có sẵn sàng tiếp nhận những con người tài ba đó làm trợ lý, làm cố vấn về kinh tế, chính trị... cho mình không?”
Gốc rễ của cải cách hành chính nằm ở vấn đề con người. Để “nền hành chính nước ta gọn nhẹ hơn, cán bộ hành chính bớt sách nhiễu dân hơn, hoạt động có hiệu quả hơn”, “phải thay đổi con người làm hành chính với tư duy mới, cách làm việc mới (văn minh) và phải có nền tảng về văn hóa (cả về đạo đức và lối sống)” (Nguyễn Thanh Vân -K2/2 C5 Nguyễn Trung Trực, Đà Lạt, thanhvanhk@gmail.com).
Người dân cũng mong muốn tiếp sau cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ sẽ “đôn đốc và yêu cầu các cấp lãnh đạo địa phương định kỳ đối thoại tập thể với nhân dân (chứ không phải việc tiếp xúc cử tri một cách hình thức như hiện nay), bắt đầu từ cấp Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, với định kỳ ít nhất ba tháng một lần “ (Nguyễn An Ninh, Hà Nội, email: binh.lethanh@yahoo.com.vn). Tất cả những nguyện vọng cũng như đề nghị chắc chắn đều sẽ nhận được giải đáp của Thủ tướng.
-
Vân Anh
Ý kiến của bạn về vấn đề này?