(VietNamNet) - Làm việc với Bộ Xây dựng sáng nay (23/8/2007), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh mục tiêu "tốc độ" bên cạnh "khối lượng" công việc - hai trong nhiều yếu tố cạnh tranh gay gắt nhất thời điểm này.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Bộ Xây dựng sáng 23/8/2007 (Ảnh: T.A.N). |
Phối hợp vùng - tại sao không?
Theo Phó Thủ tướng, năng lực ngành xây dựng đã có bước tiến đáng kể thời gian qua, trên tất cả các lĩnh vực rộng lớn mà "mỗi cái gạch đầu dòng của một lĩnh vực này có thể làm cả nhiệm kỳ công tác, hoặc làm cả đời không hết"! Bộ mặt đô thị đã chuyển biến rõ nét - điều ai cũng có thể tự nhận thấy hàng ngày. Hệ thống hạ tầng đô thị cũng được quan tâm, phát triển tốt hơn.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tính năng động của các doanh nghiệp Bộ Xây dựng vừa mạnh dạn "bước ra ngoài", chinh phục các thị trường trước đây đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư như: Lào, Campuchia... đặc biệt là việc thí điểm đưa vào hoạt động thị trường bất động sản - một vấn đề theo Phó Thủ tướng "bao năm nay chưa làm được, mặc dù mới là bước mở màn nhưng không có người đặt viên gạch đầu tiên thì ai sẽ đặt viên gạch thứ hai?!".
Tuy nhiên, khi nói về vấn đề điều tiết vùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ những bất cập dẫn đến giờ đây hầu như "không điều tiết nổi", dù đã lập ra Ban chỉ đạo vùng.
Phó Thủ tướng nhận định: "Theo qui định, qui hoạch các địa phương hiện được giao cho uỷ ban nhân dân, không cần ý kiến của bộ quản lý ngành. Bất cập ở đây chính là sự không phối hợp được ở một qui mô lớn hơn. Nếu có thể được, nên làm như qui hoạch điện: Bộ Công nghiệp duyệt qui hoạch điện cấp tỉnh, lãnh đạo tỉnh duyệt qui hoạch huyện. Như vậy, khi Bộ duyệt qui hoạch tỉnh thì trách nhiệm chỉ đạo qui hoạch thuộc Bộ (trực tiếp hơn) mà lại phối hợp được giữa tỉnh này với tỉnh khác. Nếu phân hết thì có thể được về mặt phân cấp nhưng lại không phối hợp vùng được".
Nếu không phối hợp được vùng sẽ xảy ra rất nhiều chuyện. Phó Thủ tướng đưa ví dụ: Địa phương nào khi qui hoạch cũng muốn đẩy khu công nghiệp ra mép tỉnh mình. Thế nhưng mép tỉnh này thì có khi lại ngay gần trung tâm tỉnh khác, vì sự bố trí không đồng đều. Vì vậy, nếu thiếu sự phối hợp vùng, thể nào cũng vướng!
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (phải) trong buổi làm việc tại Bộ Xây dựng sáng 23/8/2007, bên cạnh là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (Ảnh: T.A.N). |
Sau "tưng bừng" sẽ là gì?
Làm thế nào để thực hiện được khối lượng xây dựng lớn hơn (bây giờ quá tải hết!), với một tốc độ nhanh hơn (bây giờ nhìn đâu cũng thấy chậm!) - là cả một bài toán, một thách thức mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiều lần nhắc đến trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng sáng 23/8. Trong "đám rối" này, "mối gỡ" lớn nhất - theo Phó Thủ tướng, nằm ở các văn bản qui phạm pháp luật, các thủ tục.
"Các bộ ngành phải ngồi lại với nhau, với tinh thần hết sức xây dựng để tháo gỡ, vẽ tất cả các qui trình xây dựng của chúng ta ra, xem việc này nên bao nhiêu ngày..." - Phó Thủ tướng nói, "ví dụ: đối với Kho bạc, mỗi lần thanh toán có vấn đề gì ông "hành" chủ đầu tư hãi luôn... Trong khi đó, trên thực tế, chỉ cần chủ đầu tư nếu tiếp nhận vật tư này, bảo nguồn gốc gì thì ký vào đây! Đã ký rồi thì ông là người chịu trách nhiệm trả lời với pháp luật là tại sao ông nhập cái này của châu Âu... chứ bây giờ bắt cả dây ông nọ đi kiểm tra ông kia thì không thể được!".
Cũng bởi lần khần, thời gian bị vượt quá 1,5 - 2 lần, nợ cũng tăng gấp đôi! Cứ thế, 10, 20 năm nữa cũng không trả được nợ! Làm ăn giờ đây là phải rất bài bản, trong khi vẫn cạnh tranh khốc liệt về khối lượng và tốc độ. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chậm chạp dẫn đến nhiều doanh nghiệp thích làm cho nhà thầu nước ngoài hơn là không ổn.
"Trong phát triển, thứ nhất phải phát triển thật nhanh, thứ hai là trong cái quá trình phát triển nhanh ấy, đội ngũ phải "lên". Vừa phát triển phải vừa xây dựng đội ngũ chứ cứ tưng bừng nhưng quay lại thì 95% GDP do nước ngoài làm ra, đội ngũ mình không có ai cả là không được!" - Phó Thủ tướng kết luận.
Về phía Chính phủ, với các văn bản còn "nợ", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hứa sẽ cùng các vụ xem xét, xử lý nhanh và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới vì biết rằng: để ra được một văn bản như vậy là cả một quá trình công phu, khó khăn và thực tế cuộc sống đang đòi hỏi, đang chờ...
-
Hoàng Huy