(VietNamNet) - "Bộ Y tế có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng không chồng chéo với các bộ khác. Để giải quyết được việc này, thời gian tới Bộ Y tế cần hoàn thiện nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ trình để Chính phủ thông qua’’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Y tế chiều 24/8.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế. Ảnh: L.Hà |
Hoạt động có hiệu quả bộ phận mới tiếp nhận
Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tổ chức tiếp nhận công tác dân số từ Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Việc bàn giao thành công đã giải phóng được tâm tư của cán bộ viên chức từ Uỷ ban chuyển về Bộ Y tế.
Về việc này, Thủ tướng nhấn mạnh: Tổng cục Dân số được thành lập trên cơ sở các tổ chức tiếp nhận tử Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả để thực hiện thành công chiến lược dân số đã đề ra’’.
Để thực hiện được việc này, Thủ tướng yêu cầu: ’’Công việc chuyển giao phải giữ nguyên trạng, đặc biệt cần quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên. Có như vậy, công tác dân số hoạt động mới có hiệu quả’’.
Sau khi nghe chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu hứa: ’’Sau khi thành lập Tổng cục Dân số vẫn giữ nguyên các tổ chức của Uỷ ban trong Tổng cục Dân số, bố trí sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tại dự thảo lần thứ 5 về Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế cũng nêu rõ Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách dân số gồm quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số’’.
’’Một việc, một đơn vị chịu trách nhiệm’’
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước vấn đề chồng chéo trong quản lý Nhà nước.
Hiện nay, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều chồng chéo, bất cập với các bộ, ngành khác. Nếu Bộ Y tế được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thì Bộ Y tế cần được quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế về vấn đề này hiện còn chưa rõ ràng, đặc biệt là giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT trong lĩnh vực hướng dẫn triển khai áp dụng và thừa nhận chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy hiểm và kiểm soát tới hạn, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...
Về việc này, Thủ tướng chỉ đạo trong lĩnh vực này cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Y tế. Chia từng giai đoạn ra xem Bộ Y tế quản lý đến đâu còn Bộ NN&PTNT quản lý đến đâu. Một việc một đơn vị chịu trách nhiệm thì quản lý Nhà nước mới tốt. Mỗi bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ riêng không để tình trạng chồng chéo nhau’’.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm họp với các Bộ ngành để bàn phương án cụ thể nhằm tháo gỡ chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các Bộ với tinh thần cải cách thủ tục hành chính và thống nhất cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương.
Bên cạnh nội dung tiếp quản công việc mới của Bộ Y tế và triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, tại buổi làm việc Thủ tướng còn quan tâm đến vấn đề bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có những đề án cụ thể để giải quyết từng vướng mắc nhằm đem lại chất lượng trong khám chữa bệnh cho người dân.
-
Lệ Hà