- Không phải lần đầu tiên, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh lên tiếng "đòi" có thư ký giúp việc. Nhưng yêu cầu này chưa thể được đáp ứng ngay, như nhận định của một ĐBQH khác, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, "ngân sách sẽ không chịu nổi".
Phó chủ nhiệm UB cũng "một mình"
Bà Quốc Khánh và ông Minh Thuyết cùng có mặt tại Hà Tĩnh ngày 30 và 31/7 để dự một hội thảo do Văn phòng Quốc hội (VPQH) tổ chức mang tên "Tổ chức và hoạt động của VPQH: Thực trạng và phương hướng đổi mới".
Bà Khánh phản ánh, trong rất nhiều cuộc họp có mặt cả Chủ tịch QH, nhiều đại biểu từng nói còn nhiều vướng mắc trong cơ chế giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. "Các thứ trưởng đều có ít nhất 1 thư ký nhưng phó chủ nhiệm ủy ban làm gì có người giúp việc riêng, huống hồ đại biểu".
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải) mong muốn có 2 người giúp việc. Ảnh: VA
Ngay cơ chế tài chính cũng có nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu. "Luật tổ chức QH, quy chế hoạt động đoàn ĐBQH... đều nêu đại biểu giám sát, tham gia xây dưng luật, chất vấn, tiếp xúc cử tri... Song chúng tôi chỉ được hỗ trợ tài chính khi tham gia xây dựng luật và giám sát", bà Khánh nói.
"Ước ao" của đại biểu chuyên trách như bà Khánh là "có 2 người giúp việc". "Một người tập hợp tư liệu, giúp tôi tham gia xây dựng pháp luật, người kia giúp việc trong công tác giám sát, đôn đốc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của dân".
Dù ở đoàn ĐBQH Hà Nội có một vài nhân viên, nhưng theo bà Khánh, họ chỉ có khả năng giúp đại biểu làm những việc có tính chất sự vụ như sao chụp tài liệu, đi gửi thư sau khi đại biểu đã xử lý kiến nghị của cử tri, chứ đây hoàn toàn không phải là những người có chuyên môn sâu.
"Cá nhân tôi phải tự đọc tài liệu, rồi chủ động đi hỏi các chuyên gia, ví dụ sắp tới xây dựng Luật Thủ đô, sẽ phải hỏi giám đốc các sở, rồi bộ phận giúp việc ở UBND thành phố. Nếu đại biểu không tâm huyết thì không thể có ý kiến xác đáng được, mà chỉ "gật gù cho xong" thôi".
Cũng như bà Khánh, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm phép so sánh khi nhìn sang các nước láng giềng "nghèo như Campuchia, lương nghị sĩ cũng là 2.000 USD". Cả 2 ĐBQH này đều cho rằng con số hàng nghìn USD là lớn, "ngân sách không chịu nổi", song trước mắt có thể ưu tiên dành cho đại biểu chuyên trách.
"Trả lại quyền cho đại biểu"
Mổ xẻ vai trò của Văn phòng QH (VPQH), từ các chuyên gia như TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm VPQH), TS Nguyễn Đăng Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phạm Đức Bảo (ĐH Luật Hà Nội)... cho đến đại diện ủy ban của QH đều lên tiếng cho rằng đã đến lúc "trả lại quyền cho đại biểu".
Chia sẻ với ý kiến của ông Phạm Đức Bảo "đã đến lúc cần những thay đổi căn bản, từng đại biểu phải có thư ký", ông Nguyễn Đăng Dung nêu lại "tâm sự" của các nghị sĩ Mỹ, theo đó, trong suốt 3 giai đoạn hoạch định chính sách: Điều trần, hoàn tất dự án, báo cáo các nhóm trợ lý hoạt động ngày càng trở nên tích cực, các nghị sĩ "không thể tự mình xử lý được khối công việc đồ sộ nên phải dựa chủ yếu vào các "nhà làm luật không được bầu".
Ông Dung nêu một loạt con số ở QH Mỹ: Ngoài VPQH, mỗi nghị sĩ còn có 2 - 3 văn phòng giúp việc thường xuyên. Mỗi văn phòng có 15 - 20 nhân viên, được trả 40.000 USD/năm tiền lương. Bản thân lương nghị sĩ ở mức khoảng chừng 200.000 USD/năm, chi phí đi công tác tối đa 167.000 USD.
"Sang Mỹ, tôi cũng ít gặp các nghị sĩ mà chỉ gặp được phụ tá của họ thôi. Nhân viên các văn phòng có phụ tá hành chính, giám sát văn phòng, thay mặt nghị sĩ gặp cử tri, vận động hành lang, rồi có phụ tá lập pháp soạn thảo luật, làm việc cùng nghị sĩ trong ủy ban, tư vấn cho nghị sĩ làm công tác xã hội và có cả nhân viên báo chí".
Bài học cho Việt Nam, theo ông Dung, là cần có cơ cấu giúp việc riêng cho từng đại biểu với một khoản tiền nhất định đủ để lập văn phòng và thuê nhân viên. Bộ máy giúp việc phải chuyên sâu, đồng thời đại biểu sử dụng tối đa các chuyên gia kiêm nhiệm.
Tuy nhiên, trước mắt, trong khi những đề xuất này chưa được thực hiện, thì vấn đề đặt ra là phải đổi mới hoạt động của văn phòng giúp việc chung, tức Văn phòng QH.
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng chỉ ra đến 10 vấn đề của tổ chức và hoạt động VPQH, từ mâu thuẫn về mặt pháp lý như VPQH không được QH lập ra nhưng lại được QH trao những nhiệm vụ cụ thể, cho đến chức năng chưa được xác định rõ ràng, khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự...
Ông cũng cho rằng cần tính đến mô hình ĐBQH thuê các thư ký giúp việc. "Cơ quan quyền lực cao nhất không có nghĩa cơ quan làm mọi chuyện. Trong 500 đại biểu, nếu nhiều người không thạo vấn đề thì đưa ra thảo luận rất mất thời gian. Phải có bộ máy trợ giúp các đại biểu".
Ông Sĩ Dũng cũng nêu hiện chưa có bộ máy hỗ trợ các hoạt động mang tính chính trị cho lãnh đạo QH, giúp quan hệ với cử tri, giúp đánh bóng bộ máy, giúp tham mưu về chính trị. "Chủ tịch QH hiện chỉ có 1 thư ký trong khi ở các nước, có cả Văn phòng Chủ tịch QH".
"Ở các nước, việc thuê sinh viên luật làm thư ký giúp việc khá phổ biến vì chi phí thấp và tạo nguồn cán bộ thạo việc bổ sung cho VPQH khi ra trường", Phó Chủ nhiệm VPQH nói.
-
V.Anh