- Sau TP.HCM, đến lượt Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép được thực hiện cơ chế đặc thù, áp dụng mức phạt cao hơn đối với một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Phạt cao nhưng có "cho tồn tại"? (Ảnh tư liệu) |
Dù thừa nhận "còn có ý kiến chưa thống nhất", ngày 15/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức đề nghị Thủ tướng tiếp tục xem xét, ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được Bộ GTVT dự thảo và thống nhất với UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn so với dự thảo.
Cụ thể, Chủ tịch Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép Hà Nội và TP.HCM được thực hiện cơ chế đặc thù trong việc áp dụng mức xử phạt cao hơn đối với một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phù hợp với đặc điểm, tình hình của hai đô thị lớn này.
Mức xử phạt cao - theo phân tích của phía ủng hộ quan điểm cần nâng cao mức phạt - sẽ tác động trực tiếp đến "ý thức" người tham gia giao thông. Lãnh đạo Hà Nội cũng cho rằng ý thức tự giác chấp hành các qui định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của người tham gia giao thông hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn.
Tuy nhiên, phía chưa đồng thuận với quan điểm trên thì tin rằng còn cần nhiều giải pháp để chống ùn tắc tại các đô thị "nan giải" Hà Nội và TP.HCM, như: tổ chức tốt giao thông, tăng diện tích mặt đường, giảm xây chung cư, cao ốc trong nội thành, xóa sạch "lô-cốt"... chứ không thể chỉ một biện pháp "đánh vào túi tiền dân".
Trước đó, khi bị Bộ Tư pháp phản bác đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội và TP.HCM cao hơn các nơi khác, Bộ GTVT đã rút đề xuất này khỏi dự thảo Nghị định (kể trên) nhưng vẫn đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khi đưa vào mục “vấn đề còn có ý kiến khác nhau”.
-
Thoại Mi